Wednesday, May 6, 2015
Có
một bạn (KHL) hỏi rằng nếu câu nói về giáo dục của ông cụ Hồ không được xem là
triết lí, thì có thể xem đó là danh ngôn không? Tôi thấy câu hỏi này thú vị, và
tôi nghĩ ngay đến một câu hỏi nghiên cứu: yếu tố nào làm cho một câu nói hay
bài diễn văn trở thành danh ngôn. Danh ngôn ở đây hiểu theo nghĩa tiếng Anh là wisdom.
Tôi phải nói rằng trong cái nhìn của cá nhân tôi, chưa có một câu nói nào của giới lãnh đạo Việt Nam nào có thể xem là
danh ngôn cả.
Đặc
tính nào làm nên một danh ngôn? Thú thật, câu trả lời ngắn gọn là tôi không biết.
Nghe qua thì có vẻ vô lí, nhưng vì tôi không phải là người làm về xã hội học,
nên không rõ các tiêu chí về danh ngôn. Nhưng đọc qua các danh ngôn, tôi nghĩ đến
6 tố chất sau đây có thể làm cho một câu phát biểu thành danh ngôn.
1.
Nội hàm tri thức.
Tôi nghĩ nói đến danh ngôn là phải nói đến tri thức, tức là câu nói đó phải có
hàm lượng tri thức rất cao và rất nặng kí. Chúng ta làm khoa học đều biết rằng
qui trình (hay cũng có thể nói là "quá trình") sản xuất ra tri thức
là 3 bước. Bước 1 là thu thập dữ liệu thô (data). Từ data chúng ta dùng thống
kê học hay phương pháp suy luận để chuyển thành thông tin – information. Bước
sau cùng là qua kiểm tra độc lập và suy luận chúng ta biến information thành
tri thức – knowledge. Trong cái qui trình data → information → tri thức, thì tri thức là có giá trị cao nhất.
Do
đó, tiêu chí số 1 của một danh ngôn là nó phải bao hàm tri thức. Tôi nghĩ rất
nhiều câu tục ngữ - thành ngữ của ta có thể xem là có tính danh ngôn. Ví dụ như
những câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", "Không
thầy đố mày làm nên", "Học thầy không tầy học bạn",
v.v. rõ ràng là một câu có hàm lượng tri thức cao, và có lẽ được đúc kết từ
kinh nghiệm rất lâu đời của tổ tiên. Ở nước ngoài, tôi thấy câu của Malcolm X
"Education is your passport to the future, for tomorrow belongs to the
people who preprare for it today" (Giáo dục là tấm giấy thông hành của
bạn để đi đến tương lai, bởi vì ngày mai thuộc về những ai chuẩn bị cho nó ngày
hôm nay). Tổng thống John F Kennedy cũng có một câu về giáo dục mà tôi nghĩ là
xứng đáng đẳng cấp danh ngôn: "The goal of education is the advancement
of knowledge and the dissemination of truth" (tạm dịch: mục tiêu của
giáo dục là tiến bộ tri thức và truyền bá sự thật).
2.
Tính mới. Không
chỉ là tri thức, nhưng tri thức phải mới, hiểu theo nghĩa nội dung chưa được ai
nói đến trước đây. Cái mới cũng có thể là hình thức mới, chữ mới, cách nói mới,
dù ý tưởng không hẳn là mới. Ví dụ như câu “I am the captain of my soul”
(có thể hiểu "tôi là của thủ lĩnh của tâm hồn tôi") của Mandela, tôi
thấy rất mới, và nó có chất thơ trong đó. Tôi không rõ câu này có phải là danh
ngôn, nhưng cá nhân tôi thì rất thích.
3.
Tính phổ quát (universality). Nhưng một danh ngôn phải có tri thức
mang tính phổ quát, hay qui luật có thể đúng cho mọi thời đại. Những danh ngôn
mà khi phát biểu ra làm cho người nghe thấy có lí. Chẳng hạn như câu của
Abraham Lincoln, "No man has a good enough memory to be a successful
liar" (tạm dịch: không ai có trí nhớ tốt để trở thành một kẻ nói dối
giỏi), chúng ta thấy nó rất có lí. Chính quyền và giới chính trị gia có thể nói
dối với nhiều người một lần, nói dối với một người trong nhiều lần, nhưng khó
có thể nói dối với nhiều người trong nhiều lần. Cái có lí còn là trải nghiệm cá
nhân nữa. Ví dụ như đọc câu "Chữ tài liền với chữ tai một vần"
(Nguyễn Du) bất cứ ai trong chúng ta cũng thấy cái chân lí trong câu đó, vì
chúng ta hay thấy trong thực tế những người tài thường mắc nạn. (Tôi nghĩ ngay
đến những người như Trần Huỳnh Duy Thức, và do đó tôi thấy câu đó nó … thấm).
4.
Tính quốc tế. Một
danh ngôn không chỉ mang tính địa phương, mà phải vượt qua quốc gia trở thành
quốc tế. Những câu nói trong bài diễn văn "I have a dream"
không chỉ liên quan đến nước Mĩ thời đó, mà còn trở nên chủ đề thảo luận trên
khắp thế giới về tình trạng kì thị chủng tộc. Chẳng hạn như ông Nelson Mandela,
ông bị giam tù ở Nam Phi, và trong thời gian đó ông rút ra nhiều kinh nghiệm và
chân lí mà sau này viết thành cuốn "Long Walk to Freedom", cuốn
đó không chỉ áp dụng cho Nam Phi mà cho mọi người đấu tranh cho tự do. Tôi nhớ
hoài câu ông nói "For to be free is not merely to cast off one's
chains, but to live in a way that respects and enhances the freedom of others"
(tạm dịch: tự do không chỉ có nghĩa là không còn gông cùm, mà là sống một cuộc
sống tôn trọng và xiển dương quyền tự do của người khác). Câu đó không chỉ đúng
ở Nam Phi mà còn đúng ở Việt Nam, và khắp nơi trên thế giới. Ngược lại, một câu
nói mang tính địa phương (như "Tôi chỉ có một Đảng: Đảng Việt Nam")
thì khó có thể xem là danh ngôn được.
5.
Tính thẩm mĩ của ngôn từ. Tôi nghĩ yếu tố này rất quan trọng, vì nó gây
ấn tượng tốt ở người đọc/nghe, mà còn làm tăng phẩm chất của nội hàm câu nói. Một
trong những câu gây ấn tượng trong tôi nhất, và tôi xem là danh ngôn là câu của
Thiền sư Vạn Hạnh “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”. Chỉ một câu ngắn những
chữ nghĩa và ví von đẹp mà đúc kết được một qui luật tự nhiên. Có khi người ta
làm cho câu chữ hay và mới bằng cách "đảo ngữ". Chẳng hạn như thay vì
nói "Don't ask …" thì Kennedy nói "Ask not …"
Phải nói đó là một sự hoán chuyển tài tình! Đảo ngữ có thể đem lại một sức sống
mới của một câu văn tầm thường. Một danh ngôn với ngôn ngữ đẹp phải kể đến câu
nói của Martin Luther King: "We must rise to the majestic heights of
meeting physical force with soul force". Câu này tôi thấy ngữ vựng tiếng
Anh rất đẹp (dù có phần uyển ngữ) và cách cấu trúc câu văn rất cân xứng, nhưng
thú thật tôi không đủ khả năng tiếng Việt để dịch sao cho nó thoát ý. Câu nói
hàm ý rằng chúng ta phải nâng cao tinh thần để đối phó với sức mạnh của bạo lực.
6.
Ngắn gọn và tương phản. Tôi để ý thấy những câu danh ngôn thường là những câu
văn ngắn gọn (như “I am the captain of my soul” của Nelson Mandela), hay có
tính tương phản và đối sánh. Ví dụ như câu của kennedy "Forgive your
enemies, but never forget their names" (Hãy quên kẻ thù của chúng ta,
nhưng đừng quên tên của kẻ thù). Câu đầu thì chẳng có ý gì đáng kể, nhưng câu
thứ hai làm chúng ta phải suy nghiệm! Một câu khác của Nelson Mandela cũng mang
tính bán nghịch lí: "Do not judge me by my successes, judge me by how
many times I fell down and got back up again" (Đừng đánh giá tôi qua
những thành công, hãy đánh giá tôi qua số lần tôi tôi bị vấp ngã và gượng dậy).
Cái hay của câu này là trong câu đầu ("Đừng đánh giá tôi qua những thành
công") có hiệu quả thu hút chú và câu khách, nhưng câu thứ hai thì làm cho
chúng ta phải suy nghĩ và tự an ủi mình vì tất cả chúng ta ai cũng có thất bại
trong đời.
Dùng
những tiêu chí trên để đánh giá, tôi chưa thấy có câu nào của các lãnh đạo Việt
Nam xứng đáng là danh ngôn cả. Những câu mà có lẽ rất nhiều bạn ở VN nghe hàng
ngày suốt 60 năm qua như "Không có gì quí hơn độc lập và tự do"
không thể nào là danh ngôn được, cho dù được dịch sang tiếng Anh ("Nothing
is more precious than independence and liberty"), vì hàm lượng tri thức
thấp, thiếu tri thức phổ quát (thiếu "dân chủ"), nó mang tính quốc tế
nhưng thiếu mĩ cảm. Có một câu của ông cụ mà báo chí ca ngợi rất nhiều nhưng
tôi chẳng thấy nó hay chỗ nào. Đó là câu "Tôi nói, đồng bào nghe rõ
không?" Dĩ nhiên, tôi hiểu câu đó và bối cảnh ra đời của nó, nhưng vẫn
chẳng có gì hay, vì không có hàm lượng tri thức, không phổ quát, chữ nghĩa thì
cũng bình thường. Người Tây phương hay nói câu đó trong mỗi buổi meeting. Có những
câu như lề phải lề trái và con cừu cũng gây ồn ào một thời gian, nhưng tôi chẳng
thấy nó có gì hay (thực ra câu đó là một danh ngôn của người Đức -- nếu tôi nhớ
không lầm).
Nhưng
công bằng mà nói, tôi nghĩ ở Việt Nam các lãnh đạo rất khó có những phát biểu
hay hay danh ngôn. Tôi không nói đến trình độ học vấn và kiến thức của họ còn hạn
chế; tôi muốn nói đến một lí do xa hơn: đó là môi trường xã hội – chính trị.
Lãnh đạo Việt Nam là đảng viên đảng cộng sản, và cơ chế tổ chức trong đảng thì
cũng như tôn giáo. Trong cái tôn giáo đó, họ khó có thể nói cái gì ra ngoài
giáo điều là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Mà, giáo điều thì chẳng có cái gì
mới, hiếm có cái gì hay, và ngôn ngữ thì cũng rất chán vì giống như kinh kệ.
Trong cái môi trường bị gò bó về tư tưởng như thế, các lãnh đạo dù có thể rất
tài nhưng rất khó có thể sáng tạo được. Nếu họ nói ra cái ý gì mới thì có thể
mâu thuẫn với giáo điều của đảng và rất nguy hiểm cho "tính mạng chính trị"
của họ, nên cách an toàn nhất là cứ lặp lại những gì đã được nói đến trong quá
khứ. Do đó, các phát biểu của các lãnh đạo Việt Nam không có tính sáng tạo, thiếu
hàm lượng tri thức phổ quát, chữ nghĩa thì không đẹp, nên rất khó trở thành
danh ngôn.
Posted
by Tuan Nguyen at 4:05 PM
No comments:
Post a Comment