Wednesday 6 May 2015

Đăng kí bản quyền phát biểu: bàn thêm (GS Nguyễn Văn Tuấn)





Wednesday, May 6, 2015

Một bạn đọc NHH mới chỉ cho tôi bài phản biện của bác Đỗ Minh Tuấn (ĐMT) trên tạp chí Văn hoá Nghệ An (1). Số là cách đây không lâu tôi có tỏ ra phân vân về việc đăng kí bản quyền phát biểu của ông cụ Hồ về triết lí giáo dục (2). Bài này của bác ĐMT là phản biện bài đó của tôi (2). Để tôi nói thêm cho rõ …



Trong bài viết của tôi, tôi có viết rằng trong học thuật, để biến một câu phát biểu hay cái ý nào đó thành một triết lí hay một ideology thì đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu, và đích thân người có ý tưởng hay học trò của người đó phải có nỗ lực truyền bá ý tưởng. Một ví dụ tiêu biểu là khái niệm tỉ số thiền (Zen ratio) mà tôi có dịp giới thiệu trước đây, tác giả không chỉ nói vài phát biểu đơn giản, mà ông triển khai thành nhiều nghiên cứu, kết quả nghiên cứu nhất quán với lí thuyết của tác giả, và từ đó phát triển thành một thuyết. Một ví dụ khác là những ý tưởng được đúc kết trong cuốn "Thinking, fast and slow" qua hàng loạt nghiên cứu và diễn thuyết, dẫn đến sự ghi nhận là tác giả Daniel Kahneman được trao giải Nobel kinh tế (3).

Không phải chỉ phát biểu một câu chung chung, rồi kì vọng thế giới phải ghi nhận mình là người nghĩ ra ý tưởng đó. Khổng Tử và môn đệ của ông phải triển khai, giải thích những lời giảng của ông thì người đời sau mới ghi nhận. Nếu chỉ đơn giản nói đôi ba câu chung chung và không giải thích gì thêm mà được công nhận là tư tưởng và bắt người đời sau phải ghi nhận thì là một đòi hỏi quá đáng.

Bất cứ ai trong chúng ta, dù không phải là nhà thông thái, vẫn có thể phát biểu về giáo dục. Chúng ta quan tâm đến giáo dục, và vì chúng ta quan sát từ thực tế chung quanh cũng như trải nghiệm cá nhân. Ý tưởng của chúng ta có thể trùng nhau, cho dù chữ có thể không giống nhau. Chẳng hạn như tôi có thể quan sát và đi đến kết luận "Chức năng của giáo dục là phải rèn luyện nhân cách, và trang bị kiến thức cho học sinh". Bạn cũng có thể nghĩ đến ý đó, nhưng có thể nói một cách khác. Lí do ý của bạn và của tôi trùng nhau là do những gì chúng ta suy nghĩ nó mang tính phổ quát. Trước đây, các nhà hiền triết đều có nói như thế, nhưng chúng ta chắc chắn không đạo ý tưởng của họ. Và, có lẽ chúng ta không đi đăng kí bản quyền cho phát biểu đó.

Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong một bài nói chuyện ở Trường đảng Nguyễn Ái Quốc rằng "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Từ đó đến nay, chẳng thấy ai nói gì thêm. Bản thân ông cụ cũng không giải thích gì thêm. Thật ra, ông cụ ít nói về giáo dục.

Đến năm 1996, UNESCO có công bố một báo cáo do nhà kinh tế học và chính trị gia Jacques Delors chủ trì. Bản báo cáo viết về "giáo dục trọn đời" và đề nghị 4 trụ cột: (i) học để biết (learning to know); (ii) học để làm (learning to do); (iii) học để chung sống với nhau (learn to live together , learning to live with others); (iv) học để phát triển nhân cách (learning to be). Không phải chỉ viết ra chung chung như thế, các tác giả còn lí giải mỗi "trụ cột" khá rõ ràng. Tài liệu là một thành quả của một thời gian nghiên cứu và tham khảo các ý tưởng trong quá khứ. Uỷ ban soạn thảo tài liệu có đại diện từ Nhật, Hàn Quốc, Tàu, Ấn Độ, Senegal, Jamaica, Venezuela, Slovakia, Jordan, Mĩ, Pháp, Ba Lan, v.v. Tức là người ta đã điểm qua các hệ tư tưởng Đông Tây để soạn ra văn bản đó, chứ không phải đơn thuần là phát biểu của một cá nhân.

Văn bản của UNESCO như thông lệ có phần tài liệu tham khảo. Trong phần tài liệu tham khảo, hoàn toàn không có một trích dẫn nào về giáo dục từ Việt Nam hay từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam không có trong hội đồng soạn thảo văn bản.

Ấy thế mà có một giáo sư VN đề nghị là gửi thư đến Liên hiệp quốc để nói cho họ biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu triết lí giáo dục trước UNESCO hơn 50 năm! Vị giáo sư này nói rằng phải gửi thông tin đến UNESCO "để cả thế giới thấy rõ Bác Hồ và Việt Nam đã góp phần phát triển giáo dục như thế nào".

Thật ra, quan điểm về sự học (tức là learning, chứ không phải education) của uỷ ban Jacques Delors (UNESCO) có điểm gần với suy nghĩ của Chủ tịch HCM, nhưng chỉ tương đối thôi. Chủ tịch HCM nói học để học để làm việc là gần với "learn to do" của UNESCO, học để làm người có thể hiểu như là "learn to be" của UNESCO. Chủ tịch HCM quan niệm rằng học để "làm cán bộ, […] để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại" thì không được UNESCO đề cập đến. UNESCO nhắc đến sự học để tìm hiểu người khác và để chung sống chung với những người có thể khác chính kiến với mình. Rất khó biết khi ông nói học để phục vụ giai cấp là giai cấp nào. Do đó, không thể nói rằng UNESCO lấy ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Càng không thể nói ý tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "triết lí giáo dục" vì ông đâu có lí giải gì thêm ngoài phát biểu chung chung đó. Như tôi có nói, cũng như bất cứ ai trong chúng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn có quan tâm đến giáo dục, nhưng để có những ý tưởng được lí giải như trong tài liệu UNESCO thì ông chưa bao giờ làm được. Do đó, nâng một câu phát ngôn chung chung của ông thành một triết lí giáo dục tôi e rằng không công bằng cho ông.

Trong bài này (1), bác ĐMT phản biện rằng "Các nhà tư tưởng không cần phải diễn giải ý tưởng của mình thành bài thành sách với những lập luận khoa học logic để chứng minh mà ý tưởng của họ vẫn có giá trị khai sáng cho cộng đồng, nhân loại. Như Phật và các bậc hiền giả Đông Tây nhiều khi chỉ nêu ý tưởng, các học trò của họ thuyết minh diễn giải theo tinh thần hệ thống mà họ đã truyền trong nhiều lần giảng đạo."

Tôi chỉ đồng ý 1/3 với nhận xét này. Các nhà tư tưởng chẳng những phát biểu ý tưởng mà họ còn lí giải ý tưởng của họ, chỉ ra những ý tưởng đó có ứng dụng trong thực tế. Phật Thích Ca là một ví dụ, ông đâu chỉ nói suông; ông lí giải bằng những rất trường hợp rất cụ thể, ông còn tỏ ra thông tuệ vì những ý của ông sau này được người đời làm thí nghiệm (khoa học) và chứng minh là ông đúng. Vì thế, người ta mới công nhận ông là một nhà hiền triết. Dĩ nhiên, nói như thế để hiểu thôi, chứ cụ Hồ không thể nào so sánh được với Đức Phật. Cái ý tưởng học để phụng sự giai cấp thì chắc khó mà đúng được.

Bác ĐMT còn cho rằng "Những câu nói về giáo dục của Hồ Chí Minh là những câu nói đầu tiên mang tư tưởng về giáo dục của riêng Hồ Chí Minh mà sau này UNESCO lặp lại, dù vô tình hay có tham khảo, để triển khai từ cách tiếp cận mang tính hệ thống hoá, giải trình chi tiết." Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận xét này. Văn bản về giáo dục của UNESCO không có tham khảo ý tưởng của ông cụ Hồ. Ông cụ Hồ phát biểu bằng tiếng Việt, mà trong hội đồng soạn thảo của UNESCO chẳng ai biết tiếng Việt. Vậy làm sao có thể nói là UNESCO biết đến phát biểu của ông cụ? Vả lại, ông cụ lúc đó cũng chẳng có tiếng gì về giáo dục và chẳng có công trình gì đáng chú ý, làm sao UNESCO quan tâm đến phát biểu của ông? Ông cụ là một chính khách, chứ không phải là nhà giáo dục. Do đó, không có bất cứ một chứng cứ nào để nói UNESCO lặp lại triết lí giáo dục của ông cụ Hồ. Chắc chắn UNESCO, mà phần đông đại diện là từ thế giới phi cộng sản, không nghĩ đến việc giáo dục phụng sự giai cấp như ông cụ Hồ nói. Chắc chắn không. Không có chuyện UNESCO lặp lại ý tưởng hay lấy ý tưởng của ông cụ Hồ.

Bác ĐMT còn nói rằng ông cụ Hồ là "người đầu tiên đưa ra ý tưởng phát động trồng cây thường niên trong cộng đồng dân tộc với giải pháp và kế hoạch rõ ràng mà 20 năm sau Shumakher phát động rộng rãi ở tầm thế giới". Tôi cứ tưởng bác ĐMT đùa chứ.

Thú thật tôi không rõ và cũng chưa biết có ai đăng kí bản quyền một câu phát biểu trong quá khứ. Tôi biết người ta đăng kí bằng sáng chế, nhưng bằng sáng chế phải dựa trên một ý tưởng được trình bày có hệ thống và có dữ liệu yểm trợ. Nói ra một ý tưởng chưa đủ, mà phải có chứng cứ thực tế hay nghiên cứu để yểm trợ.

Trong học thuật, người ta ghi nhận đóng góp về ý tưởng qua trích dẫn. Nếu một câu phát biểu hay, phản ảnh được một thực trạng, hay cung cấp được một cái [mà tiếng Anh gọi là] wisdom, thì cộng đồng học thuật sẽ ghi nhận. Hình thức ghi nhận là được trích dẫn. Nhưng trong thực tế, một câu phát biểu “lâm thời”, không có hệ thống thì rất khó được trích dẫn. Những câu nói về giáo dục của ông cụ Hồ, theo tôi thấy, chưa thể xem là tư tưởng, và càng không thể xem là triết lí giáo dục. Ông cụ có quan tâm đến giáo dục (và điều này là chắc chắn) và có phát biểu về giáo dục. Chúng ta cũng có quan tâm và có phát biểu. Chỉ có cái khác là ông cụ nổi tiếng hơn nên câu nói của ông được người đời sùng kính, còn câu nói của chúng ta thì bay theo gió. Tất cả chúng ta, nói như Trịnh Công Sơn, chỉ là những hạt bụi trong thế giới này thôi mà.

====




(4) Trong bài viết bác ĐMT nhắc đến kỉ niệm xưa, nên tôi phải nhắc đến lần nữa. Bác ĐMT và tôi là chỗ thân quen từ hơn 20 năm qua. Bác ĐMT chính là người đầu tiên giới thiệu tôi cho tạp chí Tia Sáng và báo Nhân Dân. Qua giới thiệu của bác mà tôi có một thời gian có thể nói là rất "productive" với Tia Sáng. Những bài và ý kiến của tôi trên Tia Sáng nghe nói (xin nhấn mạnh: nghe nói từ bạn bè trong giới báo chí) đã làm cho bác Thiện Nhân [lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục] có lúc không vui. Bác ĐMT còn nói đùa tôi thành sách, tôi có cám ơn bác ĐMT trong Lời nói đầu, nhưng chắc bác ấy chưa biết. Nói như thế để các bạn thấy là tôi với bác ĐMT có "ân oán giang hồ" từ thời xa xưa theo kiểu khác: kiểu thân tình.

Bác ĐMT nhắc đến diễn đàn VNSA mà có lẽ phần đông các bạn ở đây chưa biết hay nghe đến. Đó là một diễn đàn trên mạng của du học sinh thời giữa thập niên 1990s, do hai nghiên cứu sinh là Đoàn An Hải và Đàm Thanh Sơn thành lập. Tôi nhớ thời đó An Hải đang học Masters, nhưng đã tỏ ra là một người rất giỏi (tôi nói "rất giỏi"), còn Đàm Thanh Sơn đã xong PhD bên Nga nhưng vẫn còn lang thang đó đây bên Mĩ. Ngoài ra, còn có Lê Phú Bình, Nguyễn Xuân Long, [và ai nữa tôi đã quên]. Bây giờ thì An Hải và Thanh Sơn đều trở thành danh và thành giáo sư cả rồi. Thời đó, những người đi trước như tôi đóng góp tích cực cho các bạn trẻ trên diễn đàn. Tôi chỉ các bạn ấy cách viết lí lịch khoa học, cách viết và nói tiếng Anh sao cho "ngon lành", cách viết bài báo khoa học, cách xin postdoc, v.v. Có lẽ tôi quá nhiệt tình chỉ dẫn không dấu một cái gì, nên cho đến nay các bạn ấy vẫn còn nhớ đến tôi.

Posted by Tuan Nguyen at 3:10 AM 

1 comment:
http://img1.blogblog.com/img/blank.gif
Anonymous said...
Tôi đã đọc bài của bác này trên báo VHNA từ mấy tuần trước. Cảm tưởng là: thật đáng tiếc! Giá bác ấy là người như mấy ông tuyên huấn thì không nói làm gì. Đa số họ nói điều mà bản thân họ cũng không tin hoặc không hiểu. Đằng này… Nhưng mà thôi. Bác này cũng chỉ là một trong số không ít vị cuồng Hồ còn sót lại, cũng như những người cuồng Mao ở bên Tàu. Họ có đặc điểm là yêu nước, tự hào dân tộc, do vậy họ luôn ngưỡng mộ và tự hào về nhân vật nổi tiếng của dân tộc mình là cụ Hồ. Mà xét ra thì cụ Hồ là người được khá nhiều người ngưỡng mộ trên thế giới, nhất là phe cánh tả và các nước cựu thuộc địa thiếu thông tin chính xác. Chỉ còn một thần tượng mà bây giờ bị giải thiêng thì họ khó lòng chấp nhận. Thà là bám vào huyền thoại để còn có cái mà tự hào, và thế là họ phải ra sức níu kéo, thậm chí là bắt vạ các tổ chức quốc tế như UNESCO phải công nhận cho họ.
Tuy vậy số người cuồng Hồ mà khỏi được chứng này cũng ngày một nhiều. Đáng để ta suy nghĩ là các ông đã từng tiếp xúc với cụ Hồ như Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Trần Đĩnh, Trần Đức Thảo. Phải chăng sự thật đã giải phóng họ?
Bệnh cuồng Hồ vừa thuyên giảm, chứng cuồng Giáp lại lây lan. Đến khổ cái dân tộc này!






No comments:

Post a Comment

View My Stats