25.04.2015
Trong
các tác phẩm nổi tiếng vào những năm đầu thế kỷ 20, như "Cáo hủ lậu
văn" hay "Văn minh tân học sách", các nhà nho yêu nước và thức
thời đã kịch liệt phê phán tính chất bất lực và yếu hèn của Việt Nam. Một trong
những lý do chính khiến Phan Bội Châu phải xuất dương là sự tuyệt vọng đối
với văn hoá truyền thống: "Sách vở thánh hiền chán ngắt, đọc chỉ làm cho mụ
người đi mà thôi" (Hiền thánh liêu nhiên, tụng diệc si). Người ta hiểu là
họ không thể tiếp tục đánh nhau với Pháp bằng những ngọn tầm vông, những lưỡi
dao phay như các nghĩa quân ở Cần Giuộc ngày nào. Sau phong trào Cần Vương và
Văn Thân, người ta biết là điều kiện đầu tiên để đánh bại Pháp là phải có vũ
khí ngang ngửa với Pháp trước đã. Phải có đại bác. Phải có súng. Phải có đạn.
Muốn vậy, người ta phải học tập Pháp trước đã, phải Âu hoá trước đã. Việc học tập
có thể được tiến hành trực tiếp, từ Pháp và qua tiếng Pháp, mà cũng có thể được
tiến hành một cách gián tiếp, qua tân thư bằng chữ Hán hoặc qua tấm gương Âu
hoá thành công của Nhật Bản.
Việc
thay đổi nhận thức này giải thích tại sao từ đầu thế kỷ 20, phần lớn các hoạt động
cách mạng của Việt Nam đều tập trung vào mục tiêu duy tân đất nước. Về phương
diện xã hội, đó là cuộc vận động cắt tóc ngắn, bỏ tục nhuộm răng, mặc âu phục
và phát triển kinh doanh. Về phương diện giáo dục, đó là việc chống lại lối học
từ chương, chống lại loại văn chương bát cổ, vận động học chữ quốc ngữ và học
các ngành khoa học thực dụng. Về phương diện ý thức hệ, người ta xem Pháp không
phải chỉ là một kẻ thù mà còn là một bậc thầy. Trong bài "Á tế á ca"
của Đông Kinh Nghĩa Thục, một tổ chức cách mạng ôn hoà tiêu biểu nhất trong thập
niên đầu tiên của thế kỷ 20, có hai câu, trong đó, các tác giả gọi Pháp là
"thầy": "Việc học thức dần dần mở rộng / Thầy Lang Sa rồi cũng nể
nang." Chính Phan Châu Trinh cũng quan niệm như thế khi đưa ra chủ
trương "ỷ Pháp cầu tiến", tức là dựa vào Pháp để tiến bộ. Về phương
diện văn học, đó là quá trình chuyển hướng từ Đông phương sang Tây phương: trước,
mẫu mực của văn học Việt Nam là Trung Hoa, sau, là Pháp; trước, thần tượng của
giới cầm bút là những Khổng Tử, Mạnh Tử, Lý Bạch, Đỗ Phủ, v.v..., sau, là những
Địch-tạp-nhi (Descartes), Mạnh-đức-tư-cưu (Montesquieu), Lư-thoa (Rousseau),
Phúc-lộc-đặc-nhĩ (Voltaire) v.v...; trước, người ta sáng tác theo sự chỉ đạo của
tư tưởng văn dĩ tải đạo của Nho giáo, sau, theo quan niệm phản ánh hiện thực
hay bày tỏ cảm xúc của các nhà văn hiện thực và lãng mạn của Pháp; trước, người
ta say mê tính chất tiết chế, khuôn sáo và cổ điển của văn chương chữ Hán, sau,
tính chất tự nhiên, tự do và trong sáng của văn chương Tây phương.
Sự
chuyển hướng từ Đông phương sang Tây phương càng phát triển mạnh mẽ nhờ một hiện
tượng khác xảy ra hầu như cùng một thời gian: sự chuyển vùng từ nông thôn sang
thành thị. Trước, khi cả nước là một vùng nông thôn mênh mông, môi trường sinh
hoạt văn học đương nhiên là ở nông thôn; sau, xuất phát từ việc khai thác thị
trường và vơ vét tài nguyên của thực dân Pháp, các thành thị theo nghĩa hiện đại
dần dần xuất hiện, trở thành một môi trường hoạt động mới của văn học.
Có
điều, việc chuyển vùng vừa tiệm tiến vừa không đồng đều, cho nên, có giai đoạn,
kéo dài hàng mấy chục năm, chung quanh thời điểm giao mùa giữa hai thế kỷ, văn
học Việt Nam được chia thành hai dòng, ở hai môi trường khác nhau: một ở nông
thôn và một ở thành thị. Dòng đầu, ở nông thôn, là sự tiếp nối của văn học truyền
thống Việt Nam: tác giả là các nhà nho; độc giả thường cũng là các nhà nho và một
số khác là nông dân; văn tự là chữ Nôm hoặc chữ Hán; phương thức phổ biến chủ yếu
là chép tay và truyền miệng. Dòng sau, ở thành thị, là một hiện tượng mới mẻ
trong lịch sử Việt Nam: tác giả là các trí thức tân học hoặc cựu học nhưng cấp
tiến, thích nghi nhanh với thời đại; độc giả là thị dân, có thể là thầy thông,
thầy ký hoặc một cô hàng xén, một chị thợ may; văn tự chủ yếu là chữ quốc ngữ;
và phương thức phổ biến chủ yếu là qua sách báo. Dĩ nhiên, giữa hai dòng, có những
vùng giao thoa nhất định. Trường hợp của Tú Xương là nằm trong vùng giao
thoa ấy.
Sự
tồn tại đồng thời của hai nền văn học này thực chất cũng là sự tồn tại đồng thời
của hai văn hoá vốn tự bản chất có nhiều xung đột với nhau. Chính sự xung đột
này làm nẩy bật lên dòng văn học trào phúng với những tên tuổi tiêu biểu
như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Học Lạc, Phan Điện, Nguyễn Thiện Kế, Tú Mỡ, v.v...
vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Đứng
từ nền văn hoá nông thôn nhìn sang văn hoá thành thị, người ta dễ thấy mọi
cái mới đều là lố bịch; ngược lại, từ nền văn hoá thành thị nhìn về văn
hoá nông thôn, người ta dễ thấy những cái cũ là lạc hậu, là lỗi thời, và
do đó, lố lăng. Chính vì vậy, có một thời đối tượng chế nhạo trong văn học trào
phúng là những thầy thông, thầy phán "sáng rượu sâm banh, tối sữa bò"
và những phụ nữ, nói như Tú Xương, "chí cha chí chát khua giày dép / đen
thủi đen thui cũng lượt là". Một thời khác, nhất là từ khoảng đầu thập
niên 30 của thế kỷ 20 trở đi, khi xu hướng hiện đại đã thắng thế, đối tượng chế
nhạo của văn học trào phúng lại là những ông xã, ông lý áo dài khăn đóng và
răng đen và tóc búi ngơ ngác giữa các đô thị.
Sự
phát triển của văn học trào phúng, đến lượt nó, đã có những tác động tích cực đến
quá trình phát triển của văn học nói chung. Trước hết, nhờ tiếng cười, tính chất
nghiêm trang biến mất, óc cuồng tín và mê tín cũng biến theo, con người dễ trở
thành bao dung trước cái mới lạ hơn. Sau nữa, văn học trào phúng phải dựa
trên, hơn nữa, càng ngày càng củng cố, mối quan hệ gần gũi giữa người viết và
người đọc. Văn học trào phúng là để đọc ngay, tạo ra hồi âm ngay, chứ không phải
là thứ để dành trong ngăn kéo, cho mai hậu. Điều này dẫn đến một số hệ quả quan
trọng: một, đề tài văn học trào phúng phải có tính thời sự, gắn liền với cuộc sống
xã hội chung quanh; hai, chất liệu phải là những gì cụ thể và nhiều kịch tính;
ba, ngôn ngữ phải giản dị để người đọc có thể lĩnh hội ngay tức khắc; và bốn, kết
cấu tác phẩm phải khéo léo để có thể làm bật lên tiếng cười vào chính cái lúc
tác phẩm kết thúc. Có thể nói chính văn học trào phúng đã góp phần đắc lực
trong việc làm sụp đổ lối văn chương bát cổ mà một số nhà nho cấp tiến muốn đoạn
tuyệt, và cũng chính nó là tiền thân của xu hướng hiện thực chủ
nghĩa trong văn học Việt Nam sau này.
Bên
cạnh dòng văn học trào phúng, việc văn học chuyển từ môi trường nông thôn đến
thành thị còn làm xuất hiện hai hiện tượng nổi bật, có nhiều ảnh hưởng lớn lao
đến diện mạo văn học của thời đại: báo chí và xuất bản. Từ cuối thế kỷ 19 trở về
trước, văn học gắn liền với học đường và thi cử; từ đầu thế kỷ 20 về sau, văn học
gắn liền với báo chí và xuất bản.
Gắn
liền với học đường và thi cử, dù muốn hay không văn học trung đại cũng gắn
liền với triều đình, đạo đức, và nặng tính chất công thức; gắn liền với báo chí
và xuất bản, văn học gắn liền với quần chúng, cuộc sống và nặng tính chất giải
trí. Lệ thuộc vào học đường và thi cử, văn học trung đại hoàn toàn có tính
chất nghiệp dư, không thể trở thành một sinh hoạt thực sự. Dựa trên báo chí và
xuất bản, văn học hiện đại dần dần được chuyên nghiệp hoá, ít nhất theo
nghĩa kinh tế: người cầm bút có thể dùng văn chương làm kế sinh nhai. Nhưng để
bán báo và bán sách được, người cầm bút không thể không quan tâm đến độc giả.
Và độc giả, từ một nhân tố thương mại dần dần trở thành một nhân tố quan trọng
trong lãnh vực thẩm mỹ: thị hiếu của những kẻ đọc sách và mua sách dần dần làm
thay đổi hệ thống ngôn ngữ (giản dị hơn), hệ thống đề tài (gần với thời sự
hơn), hệ thống thể loại (sự thịnh hành của văn xuôi tự sự), và hệ thống nhân vật
(các trí thức tân học và các cô hàng xén... thay thế cho các nho sĩ, các anh
hùng và các tiểu thư đài các ngày xưa).
Cũng
từ môi trường thành thị, một yếu tố khác xuất hiện: chủ nghĩa cá nhân. Trước,
trong văn hoá truyền thống, trung tâm của xã hội là gia đình; sau, là cá nhân.
Trước, cái chung cao hơn cái riêng; sau, ngược lại, cái riêng cao hơn cái
chung. Trước, làm thơ hay viết văn là cách bày tỏ cái ta của cộng đồng; sau, là
cách phát ngôn của cái tôi.
Tất
cả những sự chuyển hướng và chuyển vùng này - kèm theo những sự thay đổi như là
những hệ quả của chúng - dẫn đến hiện tượng chuyển hệ trong văn học Việt Nam: từ
trung đại sang hiện đại. Về phương diện sinh hoạt, tính chất hiện đại
trong văn học Việt Nam, theo tôi, có ba đặc điểm chính: thứ nhất, văn học ít
nhiều được chuyên nghiệp hoá, trở thành một cái nghề, dù là một cái nghề khá hẩm
hiu; thứ hai, hệ thống thể loại được phát triển hoàn chỉnh, bao gồm cả sáng tác
lẫn phê bình và nghiên cứu; trong sáng tác, có cả thơ lẫn các thể tự sự, từ
truyện đến ký, từ tuỳ bút đến kịch; và thứ ba, văn học tách ra khỏi đạo đức và
sau đó, phần nào khỏi báo chí, để trở thành một lãnh vực hoạt động thẩm mỹ
tương đối độc lập.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
-------------------------------------
XEM
THÊM :
Xem toàn bộ (Tạp
chí điện tử Da Màu)
No comments:
Post a Comment