Hà Tường Cát/Người Việt
Friday, April 03, 2015 5:20:57 PM
Giới
bảo thủ ở tiểu bang Indiana muốn dùng vấn đề thi hành tự do tôn giáo để
đưa ra một đạo luật nhằm tách rời họ với phong trào đồng tính. Nhưng sau những
tranh cãi gay gắt, cuối cùng dự định này lại đưa tới kết quả là Indiana lần đầu
tiên phải chính thức xác định sự bảo vệ người LGBT (đồng tính nam, nữ và đổi giới
tính).
Chủ tịch lâm thời Thượng Viện David Long (trái) và
Chủ Tịch Hạ Viện Brian Bosma trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 2 tháng 4, loan
báo thỏa hiệp bổ túc cho đạo luật RFRA của tiểu bang Indiana, tại trụ sở Quốc Hội
tiểu bang ở Indianapolis. (Hình: Aaron P. Bernstein/Getty Images)
Đó là chuyện ồn ào trên toàn quốc suốt hơn một tuần
lễ sau khi Thống Đốc Cộng Hòa Mike Pence hôm 26 tháng 3 ký ban hành dự luật
mang tên “Khôi Phục Tự Do Tôn Giáo” (RFRA = Religious Freedom Restoration Act)
được Quốc Hội Indiana với Ðảng Cộng Hòa nắm đa số thông qua.
Ngay lập tức xảy ra những phản kháng mạnh mẽ, vì người
ta cho rằng luật này chỉ được dùng để chống người LGBT. Biểu hiện tẩy chay nhiều
gấp gần 100 lần ủng hộ, trong 7 ngày trên các mạng xã hội hơn 430,000 thông điệp
"#BoycottIndiana" được "tweeted," trong khi chỉ có 5,500
"#StandWithIndiana."
Hàng trăm người biểu tình trước trụ sở Quốc Hội ở
Indianapolis và Little Rock, Arkansas, tiểu bang cũng đang dự định đưa ra một đạo
luật RFRA tương tự như Indiana. Thống Đốc New York Andrew Cuomo, Thị Trưởng San
Francisco Edwin Lee và Thị Trưởng Seattle Ed Murray hôm Thứ Ba ra lệnh cấm công
tác đi Indiana bằng công quỹ nếu không có nhiệm vụ tối cần thiết. Ngày hôm trước,
tiểu bang Connecticut cũng đã đề ra biện pháp ấy.
Một số các công ty như Angie's List , Apple phản đối
và tuyên bố sẽ không mở rộng kinh doanh của họ ở Indiana. Nhiều cơ sở kinh
doanh tại Indiana tìm cách tránh dư luận tiêu cực, treo bảng loan báo không từ
chối bát cứ ai, hàm ý không đặt vấn đề LGBT. Nhưng Indiana không tránh khỏi thiệt
thòi, mất thu nhập khoảng $500,000 vì một hội nghị công đoàn dự định họp tháng
10 loan báo đổi địa điểm. Nhiều hãng cũng hạn chế quan hệ thương mại với
Indiana.
Hiệp hội thể thao đại học NCAA (National Collegiate
Athletic Association) trụ sở trung ương ở Indianapolis và 4 đội bóng rổ vào tới
bán kết “Final Four” sẽ đấu tại sân Lucas Oil Stadium ở đây ngày 4 tháng 4. Chủ
Tịch NCAA Mark Emmet hôm Thứ Năm đưa ra một bản thông cáo nói rằng, “Ðặc biệt
quan tâm đến việc đạo luật RFRA sẽ tác động thế nào đến các vận động viên-sinh
viên và nhân sự của tổ chức ông.”
Charles Barkley, phân tích gia NCAA và cựu cầu thủ
NBA gọi đạo luật ở Indiana là “không thể chấp nhận được.” Ông nói, “Tôi tin rằng
luật chống LGBT còn tồn tại ở tiểu bang nào thì những sự kiện lớn như Final
Four và Super Bowl không nên diễn ra trên các thành phố trong tiểu bang ấy.”
Đạo luật liên bang RFRA do hai viện Quốc Hội thông
qua và được Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành năm 1993 nhằm bảo đảm những lợi
ích trong sự thi hành tự do tôn giáo, “Cấm chính quyền tạo gánh nặng cho dân
chúng theo đuổi tín ngưỡng của họ.” RFFA bị Tối Cao Pháp Viện coi là vi hiến
khi áp dụng cho các tiểu bang nhưng vẫn có thể tiếp tục áp dụng ở cấp liên
bang. Do đó nhiều tiểu bang đã ấn định luật lệ riêng cho mình căn cứ trên RFRA
của liên bang. Cho đến nay 19 tiểu bang đã có luật, 2 còn đang trên tiến trình
tu chính hay bổ túc là Indiana và Arkansas.
Trước những sự chống đối từ mọi phía, Thống Đốc Mike
Pence vẫn tuyên bố bênh vực đạo luật, nhưng yêu cầu quốc hội sửa đồi một số điểm
có thể gây hiểu lầm và diễn dịch sai. Tại Arkansas, Thống Đốc Cộng Hòa Asa
Hutchinson tuyên bố sẽ ban hành dự luật khi Quốc Hội chuyển tới, nhưng sau đó
nói rằng chỉ ký nếu có sự tu chỉnh để phản ánh sát với luật liên bang.
Khác biệt chính trong đạo luật bị chống đối ở
Indiana là sự xác định áp dụng cho các tập thể, công ty, đạo luật liên bang do
Tổng Thống Clinton ban hành và đạo luật tương tự ở 19 tiểu bang khác không nói
là áp dụng cho các công ty mà chỉ cho dân chúng, theo giải thích của các giới
bênh vực quyền LGBT. Điều này tạo căn bản cho các công ty có thể là pháp nhân số
thực thể đứng đơn kiện. Chỉ có luật Indiana và South Carolina trước đây đề cập
tới công ty.
Làn sóng phản đối hai đạo luật ở Indiana và Arkansas
do sự tin tưởng đây chỉ là hình thức ngụy trang che đậy ý đồ chính nhằm kỳ thị
người đồng tính.
Theo đạo luật tự do tôn giáo RFRA chưa sửa chữa của
Indiana, được phép từ chối cung cấp hàng hóa hay dịch vụ vì lý do tín ngưỡng của
mình. Luật cấm kỳ thị chỉ có ở một số ít thành phố chứ không có trên toàn tiểu
bang này. Giới LGBT cho rằng như thế RFRA sẽ là cơ sở cho những hành động kỳ thị
đối với họ. Các doanh gia và kỹ thuật gia cho là RFRA sẽ ngăn trở họ tuyển dụng
được nhân viên có khả năng bởi vì người xin việc có thể lo ngại bị kỳ thị.
Hôm Thứ Ba, Thống Đốc Pierce yêu cầu Quốc Hội gởi tới
ông văn bản minh định nội dung và ý nghĩa trong đạo luật RFRA. Trong cuộc họp
báo, ông khẳng định là không bao giờ nghĩ các nhà lập pháp muốn sự kỳ thi. Tuy
nhiên ông cảm thông với những lo ngại do ngộ nhận và do đó phải tìm cách giải
quyết thỏa đáng.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói rằng các
giới chức Indiana tỏ ra muốn theo cách giảm thiểu tổn hại (damage control) trước
phản ứng của dư luận. Earnest cũng nhận xét rằng đạo luật của Indiana “nới rộng
đáng kể” chứ không phải là theo sát luật RFRA năm 1993 của liên bang.
Tới sáng Thứ Năm, 2 tháng 4, các nhà lập pháp
Indiana cho biết họ đã đi đến thỏa hiệp bổ túc cho đạo luật gây nhiều tranh cãi
và bảo đảm rằng luật này không thể dùng để kỳ thị bất cứ ai. Được thêm vào văn
bản của đạo luật có câu, “Luật này không cho phép từ chối cấp hay cung ứng dịch
vụ, phương tiện, sử dụng cơ sở, hàng hóa, nhân sự công cộng, tới bất cứ một hay
nhiều thành viên của xã hội, căn cứ trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, gốc gác,
tuổi tác, dân tộc, tình trạng tán phế, giới tính, thiên hướng giới tính, nam nữ.”
Như thế đây là lần đầu tiên trong một đạo luật của
Indiana công khai đề cập và viện dẫn tới căn bản và thiên hướng về giới tính, đồng
thời xác định sự cấm kỳ thị đối với người LGBT. Arkansas cũng theo đó sẽ có những
tu chỉnh về luật RFRA.
Dư luận trong giới kinh doanh và những tổ chức dân
quyền hoan nghênh sự chuyển đổi của Indiana. Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến
không đồng ý. Những người bảo thủ cho rằng có sự hạn chế khi sử dụng quyền tự
do tôn giáo, ngược lại theo những người cấp tiến phải bỏ hẳn chứ không phải chỉ
sửa chữa RFRA.
Cựu thống đốc
Calfornia, ông Arnold Schwarzenegger, trong một bài viết trên tờ Washington
Post, nhận định rằng vụ Indiana là điều tệ hại cho Ðảng Cộng Hòa. Khẳng định rằng mình là một người Cộng Hòa trung kiên từ khi là một di
dân Áo được nhập quốc tịch Mỹ năm 1983 vì tin vào lý tưởng của Abraham Lincoln,
Dwight Eisenhower, Richard Nixon và Ronald Reagan sau này, ông Schwarzenegger
chỉ trích đảng không bắt kịp trào lưu cùng những quan tâm của các thế hệ mới.
Theo ông, đạo luật vô ích, quẫn trí, gây chia rẽ của tiểu bang Indiana chỉ làm
giảm niềm tin với Ðảng Cộng Hòa trên toàn quốc, mà nói riêng tại California tỉ lệ
cử tri ghi danh theo đảng đã từ 35% năm 2007 xuống còn 28% hiện nay.
No comments:
Post a Comment