Saturday, 4 April 2015

Lừa gạt Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện Thế Giới ! (Xã Luận BNS Tự Do Ngôn Luận - Số 216)





Xã Luận

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (Inter-Parliamentary Union, IPU) lần thứ 132 đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội từ ngày 28-03 đến ngày 01-04-2013. Đây là sự kiện chính trị, sự kiện ngoại giao quan trọng vì có sự tham dự của hơn 160 đoàn thuộc các nghị viện thành viên, thành viên liên kết, quan sát viên và khách mời với hơn 1600 đại biểu đến từ khoảng 150 quốc gia và tổ chức hoàn vũ.

Được thành lập năm 1889 tại Paris, với trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, và nay có 166 thành viên khắp các châu lục, Liên minh Nghị viện Thế giới chủ trương bảo vệ và cổ xúy Nhân quyền (NQ), vì cho rằng NQ là yếu tố cốt lõi để có dân chủ trong nghị viện và phát triển trong quốc gia. Riêng Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng đã có Nghị quyết 7 điểm ngày 23-06-2014 về tầm quan trọng bảo vệ NQ của Liên minh Nghị viện. Thành thử sáng hôm 30-03, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền IPU-132 đã thông qua Dự thảo Nghị quyết được soạn từ IPU-131 mang tên “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.

Nhà cầm quyền Hà Nội đã rất hí hửng trước sự kiện này, vì đây là cơ hội rất tốt để họ tuyên truyền lừa gạt quốc tế rằng cái mang danh “Quốc hội VN” luôn là của dân, do dân, vì dân, luôn tôn trọng, bảo vệ, phát triển nhân quyền, cũng như để ngụy biện khẳng định lần nữa rằng quyền con người và luật pháp quốc tế phải lệ thuộc chủ quyền quốc gia và việc bên ngoài lên tiếng về nhân quyền VN là can thiệp vào công việc nội bộ của Hà Nội. Thành thử chiều ngày 26-3-2015, tại buổi họp báo quốc tế nhân dịp tổ chức Đại hội đồng, Chủ tịch đảng hội Nguyễn Sinh Hùng đã đăng đàn chém gió: “Muốn thế giới đoàn kết, hòa bình, hợp tác để cùng phát triển thì đầu tiên là phải tôn trọng quyền con người” nhưng thêm ngay “tôn trọng quyền dân tộc, tôn trọng quyền quốc gia” (x. VnEconomy 26-03). Đại diện đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, thành viên Tiểu ban Nội dung, hôm 30-03 cũng cho rằng:“Đây là Nghị quyết quan trọng, thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người”. Tuy nhiên, như chủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, ông ta còn thêm:“Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế; đồng thời luật pháp quốc tế cũng phải tương quan, tương thích với chủ quyền quốc gia” (x. trang mạng VOV 30-03).

Tuy nhiên, cho dù nằm ở điểm cuối trong nhan đề Nghị quyết, nhưng xét theo chủ trương chính của IPU, quyền con người được khẳng định như yếu tố căn bản của cuộc sống, luôn là trung tâm của luật pháp quốc tế lẫn chủ quyền quốc gia cũng như vượt lên khái niệm “bất can thiệp nội bộ”, vì vấn đề nhân quyền là phi biên giới, mang tính phổ quát hoàn vũ. Đúng như ông Elie Wiesel, Nobel hòa bình 1986, người từng tranh đấu không ngừng cho tự do, dân chủ, nhân quyền thế giới, đã viết :“Tôi thề sẽ không bao giờ im tiếng, nếu ở đâu và còn khi nào, con người còn bị đau khổ và đọa đày. Chúng ta phải nhập cuộc. Trung lập chỉ có lợi cho kẻ áp bức. Do đó chúng ta phải can thiệp. Khi đời sống con người bị đọa đày, phẩm giá con người bị chà đạp, các biên thùy quốc gia không còn quan trọng nữa. Nơi nào con người bị hành hạ vì lý do tôn giáo, chính trị hay chủng tộc, nơi đó lập tức trở thành trung tâm của vũ trụ. Nếu chỉ còn một tù nhân lương tâm bị giam giữ, quyền tự do của chính chúng ta cũng bị đe dọa. Các nạn nhân này chỉ đòi hỏi một điều, là họ biết rằng họ không bị cô đơn, không bị lãng quên ; rằng khi họ không còn quyền được nói ; chúng ta sẽ nói thay họ. Và nếu tự do của họ tùy thuộc vào cuộc đấu tranh của chúng ta, thì ngược lại, tự do của chúng ta cũng tùy thuộc vào số phận của họ”.

Đứng trước sự kiện chính trị ngoại giao quan trọng ấy, đồng thời dự đoán những hành vi lẫn lời nói tuyên truyền lẫn ngụy biện của Hà Nội, hơn 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam đã gởi lên Đại hội đồng IPU một Thư ngỏ hôm 22-03, cho thấy Quốc hội của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vốn nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, chỉ là bình phong che đậy cho đảng vi phạm nhân quyền.

Vì xét về nguồn gốc, Quốc hội mọi khóa (có lẽ trừ khóa đầu tiên) đã hình thành từ những cuộc bầu cử giả tạo, hình thức. Mọi ứng cử viên đều là thành viên hay cảm tình viên của đảng Cộng sản, do Mặt trận Tổ quốc là cơ quan ngoại vi của đảng giới thiệu. Không có ứng cử viên độc lập mà nếu có cũng bị gạt ngay từ giai đoạn giới thiệu của Mặt trận. Nhân dân gọi đó là lối “đảng cử dân bầu” và gọi các đại biểu Quốc hội là “đảng biểu” thay vì “dân biểu”, vì họ chẳng được toàn dân tự do chọn lựa và chẳng bao giờ đại diện thực sự cho toàn dân. Ngoài ra, các cuộc bầu cử Quốc hội luôn mang tính cưỡng bức, ai không đi bỏ phiếu sẽ gặp rất nhiều rắc rối sau đó trong cuộc sống và trong công việc. Vì thế, tỷ lệ cử tri đi bầu luôn rất cao, từ 95% đến 100%!

Xét về hoạt động, vì là người của đảng Cộng sản và thấy mình như nhận được ân huệ đảng ban cho, các thành viên Quốc hội Việt Nam từ trước tới nay luôn vâng lời đảng, làm luật theo ý đảng để đem cả nền lập pháp phục vụ sự thống trị của đảng. Thành ra họ chẳng bao giờ bảo vệ và cổ xúy Nhân quyền, coi Nhân quyền như mục tiêu cho hoạt động của mình và như điều kiện cho sự phát triển đất nước. Có rất nhiều sự việc minh chứng:

Chẳng hạn ngày 28-11-2013, bản Hiến pháp mới của Việt Nam -mà theo tuyên bố thẳng thừng của chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng là sự thể chế hóa cương lĩnh đảng Cộng sản- đã được 488 đại biểu phê chuẩn với đa số tuyệt đối (486 phiếu thuận). Việc phê chuẩn này đã chà đạp mọi góp ý mang tính dân chủ hóa của nhân dân, từ các cá nhân đến các tập thể suốt một năm dài trước đó, cũng như đã gây nên thất vọng lẫn phẫn nộ nơi mọi ai mong muốn nhân quyền cho Việt Nam. Bởi lẽ, dù trong Hiến pháp ấy có dành chương II, từ điều 14 đến điều 49, nói về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” (bắt chước HP các nước văn minh dân chủ), nhưng rõ ràng tất cả đều phải lệ thuộc, hay đúng ra bị đè bẹp bởi các độc quyền và ưu quyền của đảng Cộng sản do chính Hiến pháp khẳng định. Và đấy chính là thâm ý trong lời phát biểu của Nguyễn Sinh Hùng lẫn Lê Minh Thông: việc tôn trọng quyền con người và luật pháp quốc tế “phải tương quan, tương thích với chủ quyền quốc gia” (vốn luôn bị hiểu là chủ quyền của đảng CS). Trước hết là độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội (Điều 4). Tiếp đó là độc quyền sở hữu tài nguyên quốc gia (Điều 54), độc quyền sử dụng lực lượng truyền thông (Điều 96) và lực lượng vũ trang (Điều 65), độc quyền giáo dục (Điều 96), rồi ưu quyền về văn hóa (Điều 4 vốn lấy chủ nghĩa Mác-Lê lẫn tư tưởng Hồ làm nền tảng), và ưu quyền về kinh tế (Điều 51 vốn khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo).

Trước đó, Quốc hội VN, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản, cũng đã soạn thảo rồi phê chuẩn nhiều bộ luật bất chấp ý kiến toàn dân và đi ngược quyền lợi toàn dân như Luật Báo chí, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Hình sự… Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 hoàn toàn bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, cấm hẳn báo chí tư nhân dưới mọi hình thức. Các loại báo chí công khai và chính thức tại VN hiện thời đều nằm trong tay đảng Cộng sản. Luật Giáo dục năm 2005 dành độc quyền giáo dục cho đảng, đào tạo công dân dựa trên chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ, cấm hẳn mọi tư thục (ngoại trừ lớp mẫu giáo) nằm dưới sự điều hành của các Giáo hội. Luật Đất đai 2003 hoàn toàn tước bỏ quyền tư hữu đất đai của toàn dân, chỉ cho dân quyền sử dụng, để thâu tóm tất cả tài nguyên quốc gia vào trong tay nhà nước, một nhà nước hoàn toàn nằm trong tay đảng. Luật Hình sự bổ sung sửa đổi năm 2013 (với các điều 79, 88, 258) là công cụ đàn áp các tiếng nói đối lập với nhà cầm quyền và đảng Cộng sản.

Như thế thì các quyền con người được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền lẫn hai Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội mà VN đã ký tham gia từ năm 1982 đều bị hạn chế hay tước đoạt. Vô số vụ chà đạp nhân quyền đã và đang xảy ra nhưng Quốc hội VN (vốn có cả Ủy ban Nhân quyền) vẫn bình chân như vại, không lên tiếng cũng chẳng tìm cách giải quyết cho tốt đẹp. Thậm chí nhiều vụ việc liên quan tới chủ quyền quốc gia (như vụ giàn khoan HD 981, vụ Trung Quốc chiếm một phần quần đảo Trường Sa thuộc VN rồi đặt cơ sở hành chánh trên Hoàng Sa và xây dựng công sự tại Gạc Ma), Quốc hội cũng chẳng hề đưa ra một nghị quyết nào cả!

Cụ thể trong chính những ngày họp Đại hội đồng IPU, để “tiếp sức và củng cố” cho thông điệp của Nguyễn Sinh Hùng, công an khắp nơi đã bao vây, canh gác không cho nhiều người hoạt động dân chủ bước ra khỏi nhà vì sợ họ sẽ đến Hà Nội cất tiếng nói về tình trạng vi phạm nhân quyền. Chẳng hạn sáng ngày 30-03, bà Trần Thị Nga, thành viên Hội Phụ nữ Nhân quyền, đã bị bắt tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội, sau đó bị đánh đập dã man và đưa về lại thành phố Phủ Lý. Trước đó, sáng ngày 28-3 nhiều thành viên Hội cựu Tù nhân Lương tâm tại Sài Gòn như ông Phạm Bá Hải đã bị an ninh chặn đứng, sách nhiễu khi chuẩn bị ra Hà Nội trao Thư ngỏ của các tổ chức xã hội dân sự. Ông Nguyễn Hồ Nhật Thành ở phường An Lạc, quận Bình Tân, Sài Gòn thì lại bị giam lỏng tại nhà từ chiều 28 đến tối 30-3. Tại Nha Trang, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng người bạn Võ Trường Thiện đã bị công an bắt khi trên đường ra phi trường và đã bị giam tới tối. Anh Lý Quang Sơn, thành viên tổ chức xhds “Cơm cho Dân oan” thì bị nhiều an ninh Hà Nội đánh thức tối 28-3, bắt đưa lên xe chở về quê ở TP. Nam Định. (Theo RFA, 2015-03-30). Người ta cũng không quên là trong diễn văn khai mạc Đại hội đồng dài 1432 chữ do Nguyễn Sinh Hùng nhân danh chủ tịch đảng hội đọc trước hơn 1600 đại biểu của các quốc gia thành viên IPU, chỉ nghe được 2 lần chữ Nhân Quyền từ cửa miệng của ông ta, nhưng hoàn toàn không có một cam kết nào về chuyện "tôn trọng nhân quyền" như chủ đề của Đại hội đồng: “Biến lời nói thành hành động”.

Thế thì toàn dân hãy ra tay hành động, hãy tính sổ với Quốc hội bù nhìn này khi nó lại được nặn ra lần thứ 13 vào cuối năm 2016 hay đầu năm 2017.

Ban Biên Tập











No comments:

Post a Comment

View My Stats