Friday, 3 April 2015

Iran: kể như xong (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
(Từ Washington D.C.)
Thursday, April 02, 2015 6:24:37 PM

LTSTrong bài diễn văn ngắn đọc trưa hôm qua (Thứ Năm, mùng 2 Tháng Tư 2015) tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama loan báo đã cùng với các quốc gia đồng minh Âu Châu đạt được thỏa thuận “đầu tiên và căn bản” với Iran để tiến tới bước cuối cùng là bản hiệp ước nguyên tử, trong đó sẽ có những điều khoản chứa đựng nội dung không để Iran có cơ hội chế tạo võ khí nguyên tử. Ðể tìm hiểu thêm những gì Hoa Kỳ và đồng minh đã đạt được với chính quyền Iran, Người Việt có cuộc trao đổi ngắn với đặc phái viên Nguyễn Văn Khanh đang làm việc tại Washington D.C.

Người Việt
Tổng Thống Barack Obama gọi những thỏa thuận đầu tiên đạt được với Iran là “lịch sử.” Có thật là “lịch sử” như nhà lãnh đạo nước Mỹ hay không?
Nguyễn Văn Khanh: Theo cái nhìn của tổng thống Hoa Kỳ và các viên chức Tòa Bạch Ốc, rõ ràng những gì đạt được đúng là một bước tiến lịch sử, mở đường cho bản hiệp ước sẽ thành hình trễ nhất là vào cuối Tháng Sáu năm nay. Nếu nghe kỹ những gì Tổng Thống Obama trình bày, chúng ta thấy rõ ông nhấn mạnh tới điểm những gì Hoa Kỳ và đồng minh đạt được sau một thập niên thương thuyết là bước đi đến “hòa bình” thay vì phải đương đầu với “chiến tranh.” Ông cũng cho hay những gì Hoa Kỳ và đồng minh đặt ra và đạt được đều phải là “những điều kiện cốt lõi” đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc thương thuyết, chưa kể đến điều quan trọng là “nếu Iran gian lận, cả thế giới đều biết.”
Mặc dù đây chỉ là bước đầu nhưng được Tổng Thống Obama đánh giá là lịch sử vì ông dồn tất cả uy thế chính trị cho cuộc thương thuyết, kể cả chuyện chấp nhận sứt mẻ trong mối quan hệ với đồng minh Israel và căng thẳng chính trị với đảng Cộng Hòa hiện đang nắm cả Thượng và Hạ Viện. Không thể phủ nhận là quyết định thương thuyết với Iran đã tạo những sứt mẻ chính trị mà nhiều người tin rằng khó có thể hàn gắn.

NVDù khó hàn gắn như anh vừa nói nhưng chắc chắn Tổng Thống Obama phải thông báo cho Quốc Hội và cho đồng minh Israel chứ?
NVK: Ðó là điều đương nhiên. Ngay sau khi được thông báo đã đạt được bước đầu, Tổng Thống Obama đã gọi điện thoại báo tin cho ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner biết tin này, đồng thời ông có nói rằng sẽ trực tiếp nói chuyện với Thủ Tướng Benjamin Netanyahu để nhắc lại lời cam kết không bao giờ bỏ rơi đồng minh, dù có đi tìm hòa bình với Iran nhưng không bao giờ quên đặt an ninh của Israel lên hàng đầu. Ngoài ra ông cũng thông báo sẽ mời các nhà lãnh đạo 6 nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Ả Rập Thống Nhất, Oman, Qatar, Bahrain và Kuwait đến Washington D.C. để hoạch định chiến lược cho một Trung Ðông hoàn toàn mới.
Tôi nghe nói mục tiêu của thượng đỉnh sẽ diễn ra vào Tháng Năm sắp đến còn nhắm vào mục đích trấn an các quốc gia đồng minh Vùng Vịnh, vì ngoài chuyện Iran là kẻ thù chung của những quốc gia đồng minh với nước Mỹ, các nước Vùng Vịnh còn thắc mắc chuyện tại sao Washington D.C. lại nói chuyện với một quốc gia vẫn nuôi dưỡng khủng bố. Quốc gia đó chính là Iran.

NVÐến giờ những gì Hoa Kỳ và các nước đồng minh Âu Châu đã đạt được trong cuộc thương thuyết với Iran?
NVK: Theo các viên chức Tòa Bạch Ốc, Iran sẽ giảm hẳn các hoạt động liên quan đến nguyên tử, từ việc giới hạn chương trình làm giầu uranium, những nhà máy điện nguyên tử chạy bằng nước nặng sẽ được dừng lại để giảm bớt lượng plutonium. Iran cũng đồng ý cho Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế giám sát mọi hoạt động của họ, và đổi lại, Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu cam kết sẽ bỏ các quy định cấm vận, chế tài đang được thi hành với Iran.
Tôi cũng xin được nói rõ là những thỏa thuận đã đạt được chỉ là bước đầu, và theo trình bày của Ngoại Trưởng Pháp Laurent Fabius thì “chúng ta chỉ còn vài mét nữa là tới đích đến, nhưng bao giờ những mét cuối cùng cũng là những bước quan trọng và khó khăn nhất.” Ngoại trưởng Pháp cũng cho biết “vẫn còn nhiều điểm phải giải quyết” và những điểm này đòi hỏi thiện chí của Iran. Ở điểm này, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ ví von là “chúng ta đã đồng ý với nhau để dựng được cái khung nhà, và bước sắp tới là phải cùng nhau xây dựng căn nhà trong cái khung đó.”

NVChính phủ Israel nói rằng những thỏa thuận đạt được “không ngăn cấm Iran chế tạo võ khí nguyên tử,” điều đó có đúng không?
NVK: Theo những gì tôi nghe được thì mục tiêu mà Hoa Kỳ và đồng minh đặt ra là Iran sẽ không bao giờ có võ khí nguyên tử. Với những gì đã thỏa thuận, dù Iran vẫn giữ ý định chế tạo bom nguyên từ thì phải mất ít nhất 10 hay 15 năm nữa họ mới có thể thực hiện được điều này, thay vì có thể chế tạo quả bom đầu tiên ngay trong năm nay. Chiến lược của Hoa Kỳ và các nước đồng minh là kéo dài thời gian nhưng vẫn không quên mục tiêu đặt ra ngay từ đầu là Iran sẽ không có võ khí nguyên tử.
Làm sao để thực hiện được mục tiêu đó? Một viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia nói với giới truyền thông là “từ giờ trở đi sẽ kiểm soát thật chặt chẽ mọi hoạt động về nguyên tử của Iran và chúng ta có quyền làm điều đó,” dựa theo những cam kết phía Iran đưa ra.

NVTrên nguyên tắc các hiệp ước ký kết với một nước nào đó phải được Quốc Hội thông qua. Hiện giờ đảng Cộng Hòa đang giữ khối đa số và họ không đồng ý việc hành pháp Dân Chủ thương thuyết với Iran. Như vậy, làm sao hiệp ước này được Quốc Hội chuẩn thuận?
NVK: Theo một viên chức ngoại giao Mỹ nói với tôi thì không nhất thiết hiệp ước nào cũng phải được Quốc Hội thông qua, ông ta đưa thí dụ hồi 1973 Hoa Kỳ đã ký kết Hiệp Ðịnh Hòa Bình Paris với chính phủ Bắc Việt và thi hành bản hiệp định này mà đâu phải thông qua Quốc Hội. Tôi cũng nghe phong phanh là chính phủ Obama muốn Liên Hiệp Quốc đóng vai trò giám sát, điển hình là Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế sẽ là cơ quan thường xuyên làm nhiệm vụ thanh tra và như Tổng Thống Obama nói thì “nếu Iran gian lận, cả thế giới sẽ biết.”

NV: Cám ơn anh.








No comments:

Post a Comment

View My Stats