Sunday, 5 April 2015

Họa sĩ Ann Phong và bộ sưu tập về Biển (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm  -  RFA
2015-04-04

Họa sĩ Ann Phong, hiện đang dạy hội họa tại Đại học Cal Poly Pomona tiểu bang California từ nhiều năm qua vẫn miệt mài sáng tác trên nền ký ức của bà về biển, nơi bà vượt biên và chịu nhiều cay đắng. Những con sóng xô bờ hôm nay trên các bờ biển mà bà có dịp đi qua khắp nơi trên thế giới vẫn không xóa tan được ám ảnh của những ngọn sóng bạc đầu tàn bạo vẫn nằm im trong lòng từ nhiều chục năm.

Dạo chơi trên biển ký ức

Trong loạt tranh về biển của Ann Phong, những người từng vượt biên bằng thuyền có cái tên chung “thuyền nhân”, có thể nhìn lại chính mình trên bọt sóng đầy ám ảnh trong tranh của bà. Thuyền nhân cũng sẽ thấy trên những con thuyền vụn gãy là kỷ niệm không thể phai nhạt của chính họ. Thuyền nhân cũng khó thể quay đi che giọt nước mắt mà sau 40 năm vẫn còn lăn dài trong nỗi đau chia cắt trên đường vượt biển. Tất cả những câu chuyện viết lại bằng màu sắc của họa sĩ được rút ra từ chính chuyện thật đời mình. Bà vẽ như một cách kể chuyện, câu chuyện của người sống, kẻ chết. Bà dạo chơi trên biển ký ức của mình và sóng gió nổi lên trên canvas.

“Ann Phong vẽ chủ đề về biển cũng hơn 20 năm nay từ lúc học Master Degree thì đã đi tìm chủ đề đó rồi. Lúc vào thư viện của trường Đại học thì Ann không thấy bất cứ cuốn sách nào nói về thuyền nhân mà Ann Phong là một trong những thuyền nhân đã tới được Hoa Kỳ. Từ đó mình tự hỏi tại sao mình không viết lịch sử mà lại chờ người ta viết? Điều đó trở thành một thôi thúc cho Ann Phong.
Thứ hai nữa khi vẽ thì không phải lúc nào cũng vẽ về chủ đề biển, có những lúc đọc một mẫu chuyện nào đó nó cho mình xót thương, nó gợi nhớ cho mình thời gian đó, cái thời gian mà sâu đậm đến nỗi tới ngày hôm nay ở Mỹ ba mươi mấy năm nhưng cũng không bao giờ quên được. Nó có sự hãi hùng đồng thời nó cũng có điều gì để hy vọng. Thành ra sáng tác của Ann Phong ghi lại tất cả mọi sự đó, vui buồn sợ hãi có hết trong tranh.”

Sưu tập về biển của họa sĩ có gần 40 tác phẩm được vẽ trong thời gian khá dài. Tranh của bà trong giai đoạn đầu chất liệu acrylic là niềm cảm hứng chính nhưng về sau hầu hết sử dụng kỹ thuật mixed media khiến tranh sâu và góc cạnh hơn.

Mixed media, chất liệu tổng hợp, cho phép họa sĩ tăng cảm giác thô ráp, nóng bức trên tranh cho người xem. Những ngọn sóng ba chiều tạo cảm giác dữ dội, đe dọa của thiên nhiên trong khi đó các vật liệu phụ trợ khác gãy gập, đứt đoạn làm người xem nghĩ đến điều vụn vỡ trong tâm thức vẫn còn đâu đó không thể biến mất.

Hãy bắt đầu bằng tác phẩm “Chạy” vẽ vào năm 1992 trong loạt tranh về Biển của Ann Phong.
Tác phẩm Chạy vẽ vào năm 1992 trong loạt tranh về Biển của Ann Phong.  By Ann Phong

Trên nền của sự hỗn loạn, hình ảnh những con người níu kéo nhau với nét kinh hãi trên từng nét mặt. Tranh nhưng có tiếng sóng phía sau, đoàn người kéo nhau chạy về hướng biển. Họ chạy như bơi trong không khí và trên đám đông tan tác ấy là một ô màu trắng, như một layer, một lát cắt chia bố cục tranh làm hai góc tối sáng, đậm nhạt. Trong cái khung sáng ấy là hình ảnh một bà mẹ đầu cúi gập, quả tim phía sau lưng nhảy múa, màu trắng tương phản màu đỏ của chết chóc khiến toàn bức tranh như đứng lại chờ một bất ngờ.
Bất ngờ không bao giờ xảy ra và cuộc hành trình đằng đẳng bắt đầu.

Một năm sau khi “Chạy” hoàn tất, “Những tiếng oan từ sau bàn thờ” khiến người xem chạnh lòng. Qua chất liệu acrylic, Ann Phong kể lại câu chuyện của những người đã chết. Họ không chết trên cạn mà chính sóng dữ Biển Đông đã nuốt lấy họ. Những con người chạy trốn ấy đã làm mồi cho đại dương và đâu đó giữa tiếng sóng gầm rú có tiếng kêu la tuyệt vọng của thuyền nhân giữa vũng đen tăm tối. Trên chiếc bàn thờ không có ảnh tượng, chỏng chơ một vài trái cây đơn giản, phía sau lưng nó là những cái đầu méo mó, những đôi mắt vô hồn, những bàn tay cào cấu hư vô như muốn nhắn gửi điều gì đó trước khi trôi vào kiếp khác. Ann Phong lập lại một địa ngục trần gian trên khung vải. Địa ngục của bà có màu xanh, màu của biển và màu của oan hồn.

“Màu Ann Phong xài có chỗ đậm chỗ lợt. Chỗ lợt thường cho thấy nét hy vọng trong đó, tuy là những đường cong hay nét cọ rất bạo nhưng màu lợt nó đối chọi với những khuôn màu đậm.
Hy vọng rằng ít nhất Ann Phong đã tới bờ, ít nhất Ann Phong đã tìm được tự do, ít nhất Ann Phong đã được học đại học do ở Việt Nam thi hoài không đậu tại đâu có trường nào dạy vì không phải là gia đình cách mạng thành ra lúc đó như vào đường cùng vá từ cái đường cùng đó mình vượt. May mắn đi ra khỏi nước và ngày hôm nay đã học xong Master. Đó là một hy vọng, một cái may mắn vậy thôi. Vì vậy trong tranh diễn tả cả hai chuyện đó: Mềm và cứng, đậm với lợt, nét thô với nét đẹp tất cả quyện vào nhau nói lên cuộc đời phức tạp lắm chứ không phải một chiều để mà nhìn tác phẩm.

Tác phẩm Chiếc thuyền trắng vẽ năm 1995 của Ann Phong.

Một màu trắng đau lòng

Trong “Chiếc thuyền trắng” vẽ năm 1995 họa sĩ cho hai con thuyền bé tí nằm song song bên nhau. Một trong hai có màu trắng, màu mà người dân chài lưới không bao giờ sơn lên con thuyền của họ. Màu trắng tượng trưng cho mất mùa, cho thất bại kể cả đắm tàu, chết chóc. Họa sĩ lấy ngay niềm tin này diễn tả một sự thật: những con thuyền vượt biên bị bão đánh tan tành trên biển còn lại chăng chỉ là một màu trắng đau lòng.

Màu trắng ấy phủ lên thuyền và phủ lên trí nhớ những người từng ngồi trên nó.

Hai mươi năm sau, Ann Phong sử dụng lại motif so sánh và đối chiếu trong “Hai bên bờ đại dương” bà vẽ vào đầu năm nay. Hòa tan trên khung canvas hai hình ảnh được họa sĩ cho nằm liền nhau. Bên góc phải, trên ngọn sóng xanh màu hy vọng, một bé gái lướt sóng mà như tuổi thơ Việt Nam đang chơi lò cò trên cái nền đại dương xanh thắm. Bên trái của tranh là xác một chiếc thuyền chìm dưới lòng đại dương lộ hết bộ xương của nó. Thế nhưng nhìn mãi cái màu xanh ấy, người xem không thấy sợ hãi nào ẩn hiện, trái lại, hiền lành và âu yếm, đại dương đã liền da vết thương thuyền vỡ trong lòng mình và niềm hy vọng bắt đầu nhen dậy trên bàn chân vượt sóng của bé gái hân hoan tiến về phía trước.

“Khi tôi chọn chủ đề về biển thì chủ đề đó nó không phải chỉ riêng cho tôi mà tôi thấy là nó cũng dành cho một số người rất lớn khi ra khỏi Việt Nam. Do đối mặt với biển thành ra khi vẽ tôi không nhấn mạnh một khuôn mặt nào hết mà nhiều khi tôi chỉ vẽ chiếc thuyền thôi! Tại vì tôi thấy chiếc thuyền giống như trong các câu nói Việt Nam có người nói chơi chỉ người đàn bà không ai lấy “thuyền chưa cập bến” ấy mà! Thì chiếc thuyền cũng là một phần thân phận của người đàn bà. Thứ hai nữa khi Ann Phong vượt biên thì không phải là chiếc thuyền lớn mà chỉ là một thuyền đánh cá. Một thuyền đánh cá của gia đình mà chở tới 60 người thành ra những bức tranh Ann Phong vẽ thì thường là những thuyền nhỏ.
Mà thuyền nhỏ đi lênh đênh thì nguy hiểm nó gấp trăm lần thuyền lớn vì vậy nó tạo ra được nét hãi hùng trong đó. Nó cũng chính là mạng sống của người Việt Nam mà trong 40 năm nay khi ra khỏi Việt Nam vẫn còn sự bức xúc, đau đớn có cái gì đó mình tưởng như phải lìa nó…những điều này diễn tả thành nét.
Nói chung trong tranh nét sóng biển, những vật thể như mảnh gỗ bể, những chiếc thuyền mong manh như vậy nó nói về thân phận con người Việt Nam thành ra tranh của Ann Phong không vẽ cho mình mà vẽ những gì nói chung về biển.  Về những gì mà ngày hôm nay khi mình ra khỏi Việt Nam đi đến bất cứ đất nước nào có biển thì mình cảm xúc đó là cảm xúc mà Ann Phong muốn đem vô tranh.”

Sống và làm việc trong môi trường mỹ thuật, họa sĩ đồng thời cũng là một giảng viên hội họa. Chia sẻ những gì bà tiếp cận với sinh viên của mình, những người trẻ lớn lên tại Mỹ và ký ức của họ về đại dương thật là một cái khung trống, không một kỷ niệm nào dù nhỏ xuất hiện trên đó.

“Những học sinh của Ann Phong nói chung có cha mẹ đi vượt biên nhưng không bao giờ nhắc nhở về biển. Họ cố quên quá khứ, đôi khi chính những bậc cha mẹ ấy nói chuyện với con cũng không nói bằng tiếng Việt nữa thành ra các em không biết gì về Việt Nam, không biết gì về biển vì cha mẹ chỉ khuyến khích cho các em lo học cho có tương lai thôi cho nên nhiều khi Ann Phong có triển lãm và các em tới xem thì tự nhiên tạo cho các em một hứng thú bất ngờ, không ngờ đất nước con người Việt Nam như vậy, những điều mà các em không hiểu. Nó như mở một cánh cửa cho các em.
Hai nữa khi Ann Phong trình bày tác phẩm của mình thì cách dạy của Ann Phong với các em là khi mình sáng tác không những chọn sáng tác những gì “đẹp” mà còn phải sáng tác những gì “thật”. Cái thật giúp mình sáng tác dễ hơn vì mình đã đi qua con đường đó. Mình đã trải nghiệm qua thì cái thật đến với mình dễ dàng hơn. Có lẽ các em không vượt biên bằng đường biển nên các em không vẽ biển mà chọn những đề tài khác như môi trường sống hay tình yêu mới lớn. Khi các em nhìn tranh của tôi thì các em thấy được cái nét khác trên đó và các em cảm được.”

Khi được hỏi bà có ý định chia sẻ tác phẩm của mình bằng một triển lãm cho người Việt tại thủ đô tỵ nạn nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30 tháng Tư hay không, họa sĩ Ann Phong cho biết:

“Vâng vào ba ngày 3,4 và 5 tây tháng Tư này Ann Phong có một cuộc triển lãm tại báo Người Việt tại Little Saigon, Quận Cam. Lý do mà Ann Phong làm cuộc triển lãm này để cho người ta biết là sau 25 năm Ann Phong cũng không vẽ hoa lá cành theo thị hiếu nhiều người mà vẽ theo cách của mình như từ trước tới nay. Ann Phong không muốn theo con đường của người khác đã đi mà muốn đi con đường riêng của mình từ đó thử thách và có cảm xúc mới nhiều hơn đối với Ann Phong đồng thời cũng tạo một nhịp cầu với người xem tranh có gì lạ trong cộng đồng mà họ chưa thấy người khác diễn tả về vấn để đó. Hy vọng cuộc triển lãm này sẽ mang cộng đồng tới xem tranh nhiều hơn.”

Với hơn 80 triển lãm tại Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á, họa sĩ Ann Phong đã và đang đem đến cho người xem khắp nơi mối suy tư của một họa sĩ về căn cước, ký ức và nhất là cảm hứng đến từ những ngày rất xa nhưng không xưa dưới từng lát cọ của mình.








No comments:

Post a Comment

View My Stats