Fri,
04/10/2015 - 08:08 — Kami
Vụ
án 5 công an ở thị xã Tuy Hòa đã dùng nhục hình đánh chết anh Ngô Thanh Kiều,
người bị tình nghi là trộm cắp tài sản là một vụ án gây thu hút nhiều sự chú ý
của công luận, vì cho rằng tại bản án sơ thẩm các nhân viên công an lạm dụng
quyền lực gây chết người đã nhận những bản án quá nhẹ. Theo đó có đến 2 án
treo, và kẻ chịu hình phạt cao nhất cũng chỉ bị tuyên án có 5 năm tù. Trước sức
ép của công luận, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu xem xét lại vụ án và
cho đến tháng 7 năm 2014, tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã
hủy bỏ bản án sơ thẩm vụ án này để điều tra lại từ đầu theo như ý kiến của chủ
tịch nước.
Đây
là một vụ án điển hình cho thấy ở Việt nam không có chỗ cho Công lý tồn tại và
tình trạng thực thi pháp luật không đảm bảo sự công bằng. Tình trạng bao che
cho các nhân viên công an - một thực trạng đang tồn tại và diễn ra hàng ngày
trong xã hội Việt nam, kể cả giữa chốn công đường. Đó có lẽ chính là nguyên
nhân mà trong buổi làm việc với cán bộ tòa án nhân dân tối cao hôm 15/7/2014,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu rằng "Bây giờ Tòa án cần
phải mang lại công lý cho mọi người".
Được
biết LS. Võ An Đôn, là luật sư bảo vệ gia đình bị hại Ngô Thanh Kiều, người bị
05 CA Phú yên dùng nhục hình đánh chết và kết cục là ông đã từng bị cơ quan
liên ngành tỉnh Phú Yên đề nghị tước chứng chỉ hành nghề luật sư. Đọc lời giãi
bày của LS. Võ An Đôn, có tâm sự rằng: "Trong cuộc chiến công lý
này, tôi chỉ là một chiến sĩ vô danh, không quân hàm, không cấp bậc, không tiền,
không quyền, chiến đấu với một cổ máy quyền lực khổng lồ. Không biết cổ máy khổng
lồ này sẽ nghiền nát tôi khi nào, nhưng tôi vẫn tin rằng "Công lý sẽ chiến
thắng". Chúng ta càng cảm thông với một LS. dũng cảm, dám đương đầu với
bạo quyền của nhà nước để đấu tranh giành lại công lý, trả lại sự công bằng
trong việc thực thi pháp luật để xét xử đúng người đúng tội.
Ở
Việt nam công lý không được đảm bảo, tinh thần thượng tôn pháp luật không được
coi trọng nên một số đông người, đặc biệt là giới trẻ không hiểu khái niệm công
lý là gì? Và họ càng không thể tưởng tượng nổi việc thực thi pháp luật trong một
xã hội pháp trị và công lý luôn được coi trọng như thế nào?
Xin
kể lại một câu chuyện, về diễn biến một vụ án giết người mà hung thủ là nhân
viên cảnh sát đã nổ súng gây nên cái chết cho một người một xã hội thượng tôn
pháp luật. Để thấy, mọi người đều được bình đăng trước pháp luật, tuyệt nhiên
không có sự bao che, giấu tội cho dù hung thủ là nhân viên nhà nước đang thực
thi công vụ.
21h30
tối cuối tháng 3/2015, tại Pattaya - Thái lan xảy ra một tai nạn chết người, án
mạng xảy ra tại nơi một nhóm cảnh sát giao thông (CSGT) lập chốt kiểm tra an
toàn giao thông trên đường. Nạn nhân là một người đàn ông trạc 40 tuổi lái xe
moto phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm đã lái xe với tốc độ cao cố tình vượt
trạm kiểm soát. Trong lúc đó, người ta thấy một vài nhân viên cảnh sát có phản ứng
như đang định đuổi theo chiếc moto kia và cùng lúc đó có tiếng súng nổ. Lập tức
người ta thấy nạn nhân trong tư thế ngã nằm sấp mặt xuống đường, đầu có máu chảy
lênh láng, bên cạnh là chiếc xe moto đổ. Ngay lập tức công tác câp cứu người bị
nạn được triển khai một cách khẩn trương, người bị nạn được đưa bằng xe cấp cứu
đến bệnh viện gần nhất và đã tử vong do vết thương ở đầu. Lực lượng CSGT tại chốt
công tác ngay lúc đó đã cung cấp lời khai cho cơ quan điều tra và khám nghiệm
hiện trường khẳng định người bị nạn đã (tự) bị ngã do chạy moto với tốc độ cao.
Tuy vậy, ngay lập tức toàn bộ nhóm CSGT nói trên bị đình chỉ công tác để chờ điều
tra.
Trong
giai đoạn cơ quan điều tra tìm nguyên nhân của cái chết, cơ quan pháp y khẳng định
nạn nhân bị đạn súng cá nhân bắn từ phía sau ra phía trước trong cự ly khá gần
nên không thu được đầu đạn. Điều này hoàn toàn trùng hợp với tình tiết một nhân
chứng có mặt tại hiện trường khi đó, đã cho báo chí biết, lúc xảy ra sự việc
thì bà ta đang đứng nói chuyện với một viên cảnh sát trong nhóm công tác. Theo
mô tả, nhân chứng này cho biết viên cảnh sát nói trên đang trong tình trạng say
rượu, khi nghe có tiếng hét có xe cố tình vượt trạm kiểm soát thì viên cảnh sát
kia đã rút súng và bắn về phía chiếc xe moto kia. Căn cứ vào lời khai của nhân
chứng, cộng với các bằng chứng thu thập được lập tức viên cảnh sát cố ý nổ súng
kia đã bị bắt giữ và truy tố với tội danh cố ý giết người. Ra tòa, viên cảnh
sát đã nhận tội và bị Tòa phán xét 12 năm tù giam, nhưng do thành khẩn nhận tội
giúp cho việc điều tra nhanh chóng, nên Tòa đã giảm một nửa hình phạt cho viên
cảnh sát còn lại 6 năm tù giam. Vụ án nhanh chóng được khép lại.
Có
một số điều đáng bàn ở đây, trước hết là can phạm là một nhân viên cảnh sát
song hoàn toàn không nhận được sự bao che từ cơ quan điều tra, đây là điểm khác
cơ bản với thực tế ở Việt nam. Đó là các nhân viên trong ngành bảo vệ pháp luật,
nếu là nghi can, bị can hoặc bị cáo thì thường được các cấp điều bao che, nhân
nhượng hoặc có các hành động nhằm thay đổi tình tiết của vụ án nhằm có lợi cho
bị cáo. Và khi xét xử thì được hưởng các bản án nhẹ trên mức bình thường nếu so
với các bị cáo khác vi phạm cùng tội danh nhưng không phải là công an. Cái thứ
2 là nhân chứng là người phụ nữ kia vì bảo vệ công lý đã không ngần ngại tố cáo
hành vi sai phạm của viên cảnh sát (có quen biết) kia, tạo điều kiện cho công
tác điều tra hoàn tất nhanh chóng. Và cuối cùng căn cứ vào các chứng cứ và lời
khai của bị cáo Tòa án đã xét xử nhanh chóng, nghiêm minh và công bằng đúng người
đúng tội. Cuối cùng vụ án đã được khép lại một cách nhanh chóng mà cả 2 bên
hung thủ và nạn nhân đều vừa lòng. Điểm cơ bản và thấy rõ nhất ở đây là công lý
đã được đảm bảo trong một xã hội pháp trị, trên cơ sở tinh thần thượng tôn pháp
luật. Ở đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Vậy
phải chăng nền tư pháp Việt Nam không có khả năng đem lại công lý? Câu trả lời
là có lẽ không phải như vậy, mà vấn đề là công lý ở trong nền tư pháp Việt nam
đã không được coi trọng. Cần hiểu một lẽ đơn giản là, công lý chỉ xuất hiện khi
pháp luật được thực thi theo nguyên tắc vô tư, không thiên vị, công bằng,
nghiêm minh và tuyệt đối. Vô tư tức là là luật pháp không ưu tiên cho ai, không
nhượng bộ cho thế lực nào và cũng không bị sử dụng để chèn ép ai. Công bằng là
pháp luật được xét xử đúng theo hành động người ta đã làm, không thêm bớt,
không vu cáo và không dồn ai vào đường cùng. Tinh thần thượng tôn pháp luật là
đường dẫn đến công lý. Công bằng xã hội phải được đề cao trong luật pháp. Nếu
luật pháp hoặc việc thực thi luật pháp không bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng,
thì chắc chắn luật ấy và hành xử ấy không đem lại công lý cho xã hội và kể cả
cho mọi người trong xã hội ấy.
Việc
thực thi luật pháp ở Việt nam hiện nay đang trong tình trạng như vậy, nghĩa là
công lý không được đảm bảo khi việc thực thi pháp luật không vô tư, không công
bằng và chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan mang lại. Đó cũng là sự lý giải
cho câu hỏi vì sao tình trạng chạy án ở Việt nam trở nên hết sức phổ biến, vì một
khi công lý không được đảm bảo, tinh thần thượng tôn pháp luật không được cổ vũ
hay khuyến khích thì một số người đã lợi dụng tình trạng này để đổi trắng thay
đen hoặc làm sai lệch hồ sơ các vụ án.
Một
trong những yếu kém của Việt nam hiện nay là vấn đề pháp luật, cụ thể là công
lý không được coi trọng và đảm bảo, về nguyên nhân thì nhiều người cho rằng do ở
Việt nam hiện nay pháp luật còn rất nhiều tồn tại và bất cập. Song các chuyên
gia về ngành luật thì cho rằng hệ thống luật pháp của Việt nam hiện tại khá đầy
đủ và tiến bộ, tuy vậy vấn đề tổ chức thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước
thì rất kém và đây là nguyên nhân chính khiến cho công lý không được đảm bảo.
Ngày
10 tháng 04 năm 2015
©
Kami
*
Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á
châu Tự do RFA
No comments:
Post a Comment