Friday 3 April 2015

Ai muốn nhà nước giữ giùm tiền hưu? (Vũ Thạch)





Vũ Thạch
03:26 - 03/04/2015 

Hàng trăm ngàn công nhân quanh vùng Sài Gòn, khởi đi từ hãng Pou Yuen, đã đình công trong nỗi hoảng sợ về điều 60 luật Bảo hiểm Xã hội vừa mới ban hành. Luật này cấm dân rút tiền hưu của mình cho đến khi 60 tuổi. Nghĩa là phải để nhà nước "giữ giùm".

Sự hoảng sợ đó - hơn cả những lần có tin sắp đổi tiền trước đây - không phải là vô cớ. Kinh nghiệm của nửa thế kỷ qua đã đặt câu hỏi cho từng công nhân: Ai dám tin nhà nước giữ tiền hưu giùm mình?

Trước hết, tiền hưu của dân, nếu nằm trong tay nhà nước, không hề được bảo vệ trước tình trạng lạm phát liên tục và có những năm lên đến mức siêu lạm phát. Câu chuyện trên chính báo đài lề đảng chỉ mới mấy tháng trước còn hiện rõ trong đầu mọi người: "Gởi tiết kiệm 20 năm đủ mua một bó rau". Nghĩa là số tiền ký thác không mất hết giá trị đã là may lắm rồi!

Viễn cảnh thứ nhì, mọi thứ tiền đưa cho nhà nước giữ thì dễ. Nhưng đến khi muốn rút "tiền của mình" ra thì lại phải đi qua đủ loại cửa đơn từ, phải năn nỉ những viên chức nhà nước "đầy uy quyền", và thậm chí phải đóng một phần tiền "bôi trơn" mới xong. Nghĩa là số tiền "được giữ hộ" sẽ nhỏ bớt đi và được bù lại bằng một nỗi bực mình tương xứng.

Viễn cảnh thứ ba, nếu theo thể thức của các nước tây phương để dân có thể ký thác tiền hưu ở các định chế tài chánh tư nhân thì vẫn không hết lo. Hệ thống nhà băng lớn nhỏ tại nước ta luôn nằm trong tình trạng "sẵn sàng phá sản", dù là phá sản do làm ăn thua lỗ thật hay phá sản vì bị các đối thủ có ô dù to hơn hãm hại như đã thấy qua vụ Bầu Kiên, Trần Xuân Giá, ...

Viễn cảnh thứ tư, nếu giữ tiền hưu trong hệ thống ngân hàng nhà nước, mức rủi ro còn cao hơn nữa. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy viễn cảnh quĩ hưu của dân có thể bị "tạm ngưng xử lý" để cứu cấp ngân sách nhà nước không phải là điều quá xa vời và các chuyện tương tự đã từng xảy ra. Vì các luật lệ mới có thể được đẻ thêm bất kỳ lúc nào và luôn được ban hành với giọng điệu: "Tại sao chính phủ lại phải hỏi ý dân?" hay "Đó là chủ trương lớn của đảng".

Nếu ai thấy các dẫn chứng bên trên quá rắc rối và muốn một thước đo đơn giản hơn về mức độ đáng tin cậy của đảng và nhà nước, thì dễ lắm! Đó là đặt câu hỏi: Trong số những đảng viên đang tuyên bố tin tưởng vào đảng nhất - từ các dư luận viên áo đỏ lên đến gia đình các quan chức lãnh đạo ở thượng tầng - ai dám nhờ nhà nước giữ tiền giùm cho họ? Tại sao các đương kim và cựu ủy viên Bộ Chính Trị, dài xuống các ủy viên Trung Ương Đảng đều có trương mục riêng ở nước ngoài và/hoặc cho con cái họ xin vào công dân nước ngoài để làm đầu cầu chuyển các núi tài sản của họ ra khỏi nước?

Tệ hơn thế nữa, trong không khí chạy đua nạo khoét gấp rút hiện nay, từ cắt cây trụi cây cối ngay giữa thành phố để bán gỗ quí đến lấn dần sông ngòi để bán mặt bằng, v.v... thì có gì cản trở lãnh đạo bỏ túi các khối tiền hưu của dân một cách dễ dàng. Một kịch bản rất gần với kinh nghiệm thực tế là thủ tướng lại bày trò lập tổng công ty kinh doanh hay đầu tư với mục tiêu cao thượng là kiếm lợi cho "quĩ hưu quốc gia". Sau đó vài năm chỉ cần khai thua lỗ rồi huề cả làng như kiểu Vinashin, Vinalines, và cả đống Vina còn lại. Lúc đó ai kêu ca thì lại bị liệt vào loại "thành phần bị thế lực thù nghịch xúi giục".

Do đó, nỗi lo âu bị mất trắng của người lao động Việt Nam bởi điều 60 luật BHXH không chỉ chính đáng mà còn khá hiển nhiên sẽ xảy ra.

Vấn đề còn lại là phải đòi xóa bỏ điều luật đó và các biến chiêu của nó một cách rốt ráo, chứ không để bị rơi vào cái bẫy mà lãnh đạo đảng liên tục xử dụng khi có làn sóng phẫn nộ trong dân. Đó là thủ thuật "Hứa hẹn TẠM NGƯNG để làm nguội tình hình RỒI LÀM TIẾP". Trò này đã được xử dụng suốt từ thời khai thác Bôxít Tây Nguyên dài đến vụ cắt cây xanh tại Hà Nội hiện nay. Thủ thuật đó sẽ lại càng rõ nét khi bắt đầu có những vụ bắt nguội trong những ngày tới đối với những công nhân dám đi đầu trong cuộc đình công vừa qua.







No comments:

Post a Comment

View My Stats