Wednesday 8 May 2024

PHÓ THỦ TƯỚNG CAMPUCHIA BIỆN MINH CHO KÊNH ĐÀO PHÙ NAM TECHO (Reuters)

 



Phó Thủ tướng Campuchia biện minh cho kênh đào Phù Nam Techo

Reuters

08/05/2024

https://www.voatiengviet.com/a/pho-thu-tuong-campuchia-bien-minh-cho-kenh-dao-phu-nam-techo/7602358.html

 

Campuchia dự tính cắt giảm được đến 70% khối lượng vận chuyển qua các cảng của Việt Nam nhờ vào việc đào một con kênh nối từ lưu vực sông Mekong ra biển ở Campuchia trị giá 1,7 tỷ đô la do Trung Quốc bỏ tiền, phó thủ tướng nước này nói với Reuters.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-d1ea-08dbce65b2d0_cx0_cy16_cw0_w1023_r1_s.png

Vị trí của kênh đào Funan Techo (được đánh dấu đỏ)

 

Phó Thủ tướng Sun Chanthol đã hạ thấp những lo ngại môi trường về kênh đào Phù Nam Techo vốn dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm nay. Ông bác bỏ suy đoán rằng nó có thể được dùng để cho tàu chiến Trung Quốc tiếp cận lên thượng nguồn, gọi suy đoán này là ‘vô căn cứ’.

 

Dự án kênh đào này, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028, có thể một lần nữa khơi dậy căng thẳng giữa Campuchia và Việt Nam, vốn là hai nước đối tác gần gũi nhưng thường xung đột.

 

Các nhà bảo vệ môi trường và giới chức Việt Nam đã lên tiếng báo động về thiệt hại khả dĩ mà con kênh này gây ra đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa khổng lồ nuôi sống hàng triệu người ở hạ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam.

 

Tuy nhiên, mặc dù ông Sun Chanthol cho biết kênh đào này cũng sẽ được dùng cho mục đích tưới tiêu và đánh cá, nhưng cho ông cho rằng lượng nước được chuyển vào kênh đào sẽ chỉ là ‘muối bỏ biển’.

 

Ông cho biết hành trình ngắn hơn đi qua kênh đào ra biển cho các sà lan và tàu bè đi, đến từ Phnom Penh chở hàng dệt may và nguyên vật liệu sẽ làm giảm lượng khí thải nhà kính.

 

Campuchia đã thông báo cho Ủy hội sông Mekong (MRC), tổ chức liên chính phủ quản lý chung cho toàn lưu vực, nhưng sẽ không tham khảo các nước khác trong khu vực về dự án, ông nói.

 

Nếu được yêu cầu, Campuchia sẽ cung cấp thêm thông tin cho MRC, nhưng nước này không có nghĩa vụ pháp lý phải làm vậy, ông nói.

 

MRC nói với Reuters rằng Campuchia đã không chia sẻ với họ nghiên cứu về tính khả thi của dự án mặc dù họ đã nhiều lần yêu cầu và đã chính thức gửi hai lá thư hồi tháng 8 và tháng 10.

 

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết bà hy vọng Campuchia sẽ chia sẻ thông tin và phối hợp với Hà Nội để đánh giá tác động của dự án.

 

Rủi ro cho sản xuất gạo?

 

Hiện tại, để giao thương với thế giới, khoảng 33% lượng hàng hóa đến và đi từ Campuchia là thông qua các cảng ở Việt Nam theo đường sông Mekong, ông Sun Chanthol cho biết, và lưu ý rằng với con kênh đào này, mục tiêu là giảm con số này xuống còn 10% - tương ứng với mức giảm 70% khối lượng vận chuyển hiện tại.

 

Tuy nhiên, năng lực hạn chế của kênh đào ‘khiến tính khả thi về mặt kinh tế của nó bị nghi ngờ’, ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, cho biết.

 

Kênh đào có chiều dài 180 km, rộng 100 mét và có độ sâu lên tới 5,4 mét, cho phép sà lan và tàu có trọng tải 3.000 đi lại, ông Sun Chanthol nói.

 

“Dự án này chỉ có tác động tối thiểu đến môi trường,” ông cũng nói, lưu ý rằng nó chỉ đổ 5 mét khối nước mỗi giây, so với 8.000 m3 của sông Mekong. “Kênh đào có kích cỡ chẳng là bao,” ông nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại, nhất là ở Việt Nam.

 

“Dự án kênh đào này có thể khiến các cộng đồng đã ổn định phải di dời, đất đai nông nghiệp bị mất và đất ngập nước sụt giảm,” ông Nguyễn Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết, lặp lại lo ngại của Ủy ban Mekong Quốc gia Việt Nam.

 

Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình về bền vững tại Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington D.C., Mỹ, cho biết kênh đào sẽ ‘giảm lượng nước có sẵn cho canh tác lúa gạo ở quy mô công nghiệp ở Việt Nam’.

 

Ông Eyler cho biết dự án đòi hỏi phải có sự tham vấn với các đối tác khác theo quy định của Ủy hội sông Mekong vì sông Bassac, nơi lấy nước đổ vào kênh đào, là một nhánh sông, chứ không phải là phụ lưu, của sông Mekong.

 

Tuy nhiên, đối với phó Thủ tướng Sun Chanthol, dự án chỉ dính đến các phụ lưu của sông Mekong, trong đó cả Bassac, cho nên họ không cần tham vấn với các đối tác.

 

Kênh đào ‘sẽ mang lại lợi ích cho 1,6 triệu người dân Campuchia sống dọc theo kênh đào’ nhờ tưới tiêu mùa màng tốt hơn, ông Sun Chanthol nói và cho biết tác động đến nguồn nước ở lưu vực sông Mekong sẽ được theo sát.

 

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, tập đoàn xây dựng nhà nước lớn của Trung Quốc, là đơn vị xây dựng kênh đào và chịu hết chi phí xây dựng theo thỏa thuận với chính phủ Campuchia, ông Sun Chanthol cho biết và lưu ý rằng đổi lại công ty này sẽ nhận được quyền khai thác trong nhiều thập kỷ.

 

“Là 30 năm, 40 năm hay 50 năm, điều này sẽ được bàn thảo trong quá trình đàm phán của chúng tôi,” ông nói.

 

Ông Sun Chanthol nói những suy đoán rằng kênh đào này có thể được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự là ‘hoàn toàn sai sự thật’.

 

“Hiến pháp của chúng tôi không cho phép quân đội của bất kỳ nước nào đóng ở trong nước,” ông nói.

 

Một nhà ngoại giao phương Tây thường trú tại Việt Nam cũng bác bỏ những cảnh báo ‘hơi phóng đại’ từ các học giả Việt Nam về rủi ro an ninh đối với nước này, vì độ sâu hạn chế của kênh đào và kích thước của các âu tàu.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats