Wednesday 15 May 2024

ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG : PHÁP - VIỆT KHÁC VỀ LỢI ÍCH NHƯNG CÙNG PHẢI 'ĐỐI PHÓ' VỚI TRUNG QUỐC (Thu Hằng / RFI)

 



Ấn Độ-Thái Bình Dương : Pháp - Việt khác về lợi ích nhưng cùng phải "đối phó" với Trung Quốc

Thu Hằng   -   RFI

Đăng ngày: 13/05/2024 - 13:36

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240513-an-do-thai-binh-duong-phap-viet-khac-ve-loi-ich-nhung-cung-phai-doi-pho-voi-trung-quoc

 

Lần đầu tiên, sau 70 năm, Pháp được mời tham dự lễ kỉ niệm trận Điên Biên Phủ. Chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sébastien Lecornu và quốc vụ khanh phụ trách Cựu chiến binh và Ký ức Patricia Mirallès mang nhiều ý nghĩa, trong đó có một điểm quan trọng là hai nước « khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/c3c1e484-0cbe-11ef-a0a2-005056bf30b7/w:980/p:16x9/dbp_42.webp

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu thăm một boong-ke ở Điện Biên Phủ, Việt Nam, ngày 06/05/2024. AP - Hau Dinh

 

Trong bài viết trên trang web ngày 06/05/2024, bộ Quân Lực Pháp nhấn mạnh : « Chuyến thăm còn là cơ hội tăng cường mối quan hệ về mặt quốc phòng và thể hiện mong muốn chung của hai nước góp phần bảo đảm ổn định cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Nhìn vào những thách thức an ninh hiện nay trong vùng, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược (…) ».

 

Chuyến công du của bộ trưởng Quân Lực Pháp và dự sự kiện 70 năm Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ song phương ? Hai nước sẽ thúc đẩy tiềm năng hợp tác quốc phòng như thế nào trong tương lai ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn nhà nghiên cứu địa chính trị Laurent Gédéon tại Viện Đông Á (Institut d’Asie orientale), Trường Sư phạm Lyon (ENS Lyon), giảng viên Đại học Công giáo Lyon (Université catholique de Lyon).

 


RFI : Trước khi tham dự lễ kỉ niệm trận Điện Biên Phủ, bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu viết trên mạng X ngày 06/05 : « Hai đất nước chúng ta đã xây dựng một mối quan hệ cho phép chúng ta thanh thản nhìn lại lịch sử chung và sáng suốt xem xét những sự hợp tác trong tương lai trong lộ trình được tổng thống Cộng hòa Pháp và tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra ». Phát biểu này có thể được hiểu như nào ?

 

Laurent Gédéon : Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều hoạt động ngoại giao trong thời gian này, với chuyến công du Pháp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 05-07/05, sau đó ông đến Serbia và Hungary. Trước đó, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bắc Kinh từ ngày 24-26/04. Và nhất là khả năng tổng thống Nga Vladimir Putin công du Trung Quốc trong tháng 5.

Chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn Pháp cũng mang ý nghĩa đặc biệt vì do bộ trưởng Quân Lực dẫn đầu. Hai bên chủ ý nhấn mạnh đến tính chất quân sự vì sự kiện được chọn để tổ chức chuyến công du là lễ kỷ niệm 70 năm trận Điện Biên Phủ. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng trong buổi làm việc hôm 06/05 với bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang, ông Sébastien Lecornu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác song phương nhằm chia sẻ những ký ức lịch sử và giải quyết hậu quả của cuộc chiến giữa hai nước.

 

·        Đọc thêm : Pháp-Việt hàn gắn vết thương chiến tranh ở Điện Biên Phủ

 

Tuy nhiên, chúng ta có thể thắc mắc là xây dựng một mối quan hệ chiến lược chân thành, bền vững và chất lượng liệu có xác đáng hay không khi xuất phát điểm là sự kiện được coi thắng lợi vang dội của một bên và là thất bại nặng nề cho bên kia. Trận Điện Biên Phủ vẫn chất chứa đầy cảm xúc cả với Pháp lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhìn lại mối quan hệ Pháp-Việt, vốn lâu dài vì đã kéo dài trong gần một thế kỷ, thì thấy không thiếu những yếu tố chung. Cho nên cần quan tâm xem xét mối quan hệ này để xác định các điểm kết nối, ngoài mỗi khía cạnh xung đột. Nhưng đây có thể là nền tảng vững chắc, để dựa vào đó phát triển những mối quan hệ đặc biệt, thậm chí là rất riêng giữa hai nước. Sự xích lại gần nhau hơn, được hình thành từ đó, sẽ sâu sắc hơn và ít trồi sụt hơn như hiện nay - yếu tố khiến mối quan hệ yếu đuối và dễ bị tác động hơn trước những biến đổi ngoại giao và địa-chính trị.

Trở lại tuyên bố của bộ trưởng Sébastien Lecornu, cho dù mô hình xích lại gần nhau nào đang diễn ra thì phát biểu của ông cũng thể hiện nguyện vọng của chính quyền Paris đưa Việt Nam vào tầm nhìn Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp.

 

                                                              *

RFI : Bộ trưởng Quân Lực Pháp đã hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam. Ông cho rằng hai bên nên tích cực đối thoại, sớm thống nhất thỏa thuận về Chương trình Hợp tác quốc phòng Pháp-Việt giai đoạn 2025-2028. Vậy những điểm chính của chương trình hợp tác này có thể là gì ?

 

Laurent Gédéon : Trước tiên cần phác lại một chút lịch sử mối quan hệ quốc phòng giữa Pháp và Việt Nam, được thiết lập từ năm 1991. Đến năm 2009, hai nước ký một hiệp định hợp tác về quốc phòng trên nhiều lĩnh vực, như gìn giữ hòa bình và quân y. Năm 2013, Paris và Hà Nội đã thiết lập quan hệ « Đối tác chiến lược ». Đến năm 2018 là « Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Hợp tác Quốc phòng 2018-2028 » và « Đối thoại Chiến lược và Hợp tác quốc phòng » được tổ chức trong khuổn khổ này. Mục đích của sáng kiến này là xây dựng một mối quan hệ vững chắc, có khả năng đáp trả những thách thức hiện tại, trong đó có an ninh hàng hải và chống khủng bố.

 

Tuyên bố Tầm nhìn chung năm 2018 đã tạo xung lực cho hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, kể cả về trao đổi các đoàn, các cơ chế đối thoại, tham vấn, huấn luyện, công nghiệp quốc phòng, quân y, chia sẻ ký ức lịch sử, bảo tồn di tích chiến tranh, các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng như là tham vấn và hỗ trợ nhau trong các diễn đàn và cơ chế đa phương.

 

·        Đọc thêm :Việt Nam : Đối tác mới cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp ?

 

Chúng ta thấy là vào tháng 12/2023, sau Đối thoại Chiến lược và Hợp tác Quốc phòng lần thứ ba, được tổ chức ở Paris, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác quân đội thông qua việc gia tăng các cuộc trao đổi, hợp tác và huấn luyện cũng như nhấn mạnh đến an ninh hàng hải và chống khủng bố.

 

Tiếp nối những thỏa thuận đó, bộ trưởng Sébastien Lecornu thông báo hôm 06/05 rằng ông đã ký với tướng Phan Văn Giang một « thỏa thuận khung » về những hợp tác trong tương lai liên quan đến « ký ức, để tạo thuận lợi cho việc truy cập tài liệu lưu trữ và trao trả thi hài quân nhân »« quân y, trong đó có nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới »« các chương trương trình huấn luyện để tạo mối liên hệ cá nhân giữa quân đội hai nước »« các chuyến thăm viếng cập cảng để cùng đóng góp cho tự do lưu thông hàng hải »« duy trì hòa bình » và « trang thiết bị quốc phòng ». Hai bộ trưởng cũng xác nhận tiếp tục các cuộc trao đổi Pháp-Việt để sớm đi đến thống nhất về chương trình Hợp tác Quốc phòng song phương cho giai đoạn 2025-2028.

 

Trong những năm tới, chắc chắn là Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên vào Biển Đông. Điểm này đã được nói rõ trong cuộc gặp giữa hai bộ trưởng. Khi nhắc đến vấn đề hàng hải, hai bộ trưởng nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do lưu thông trên biển và trên không, giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, triển khai đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiếp tục đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất ».

 

Theo tôi, trong bối cảnh này, hợp tác quốc phòng gia tăng giữa Việt Nam và Pháp có thể gồm những điểm : huấn luyện, cung cấp vật tư, vũ khí, đón tiếp tàu chiến Pháp (như tàu tuần dương Vendémiaire đến cảng Tiên Sa ngày 11/04/2024) cũng như tổ chức các cuộc tập trận chung.

 

                                                                 *

RFI : Ông Sébastien Lecornu cho biết là Pháp sẽ tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ 2 vào cuối năm 2024, đồng thời Pháp sẵn sàng giúp quân đội Việt Nam để được hiệu quả hơn thông qua huấn luyện và không loại trừ khả năng cung cấp trang thiết bị trong tương lai. Qua phát biểu của bộ trưởng Lecornu, liệu Pháp có muốn trở thành nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam không ? Và liệu có những hạn chế nào không ?

 

Laurent Gédéon : Trước hết phải nói rằng doanh số Pháp bán vũ khí cho Việt Nam hiện không đáng kể mặc dù Pháp là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới. Việc thị trường Việt Nam chiếm vị trí thấp phù hợp với thực tế Việt Nam vẫn là đối tác thương mại tương đối thứ cấp của Pháp, đứng thứ 46 trong số khách hàng (chỉ chiếm 0,3% lượng hàng xuất khẩu của Pháp) và đứng vị trí thứ 21 về nhà cung cấp (chiếm 0,9% hàng nhập khẩu Pháp). Ngoài ra, Việt Nam vẫn giữ mối liên hệ lịch sử với Nga, nhất là về mặt quân sự vì quân đội Việt Nam sử dụng chủ yếu vũ khí của Nga, chiếm gần 70% kho vũ khí.

 

Đối với Pháp, việc tham gia Triển lãm Quốc phòng Quốc tế do Việt Nam tổ chức có lẽ đánh dấu cho sự chuyển hướng chính sách của Paris, ví dụ như chuyến công du của ông Sébastien Lecornu, và đồng thời thúc đẩy tăng cường bán vũ khí cho Việt Nam trong bối cảnh Hà Nội cũng đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác duy nhất, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở Biển Đông.

 

·        Đọc thêm : Pháp khó “chen chân” vào thị trường vũ khí Việt Nam

 

Tuy nhiên, nếu mong muốn chính trị này được đúc kết thành các hợp đồng vũ khí thì cũng phải tính đến một số hạn chế về ngoại giao cho phía Pháp liên quan đến khả năng Trung Quốc gây sức ép đối với Paris. Phía Việt Nam cũng sẽ phải đối phó với nhiều hạn chế, như hạn chế về ngân sách liên quan đến chi phí của một số loại vũ khí ; hạn chế về khả năng vì mục tiêu của Hà Nội vẫn là để phòng thủ, chứ không phải tấn công với loại vũ khí tương ứng ; hạn chế về kỹ thuật liên quan đến việc quân đội Việt Nam sử dụng chủ yếu thiết bị quân sự của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay và điều này đặt ra nhiều vấn đề về tính tương thích công nghệ và hệ thống với vũ khí của Pháp.

 

Ngoài ra, mong muốn đa dạng hóa nguồn cung quân sự cũng có thể dẫn đến một kiểu phụ thuộc vào nhà cung cấp, nhất là về vũ khí có công nghệ cao và Hà Nội có thể lưỡng lự trước một lựa chọn như vậy. Cuối cùng, theo tôi, cần phải nhắc đến sự phát triển hợp tác quân sự Pháp-Việt còn phụ thuộc vào tương lai của quan hệ đối tác giữa Hà Nội và Matxcơva. Giả sử nếu Nga giành chiến thắng trong chiến tranh Ukraina, vị thế ngoại giao và độ tin cậy của Nga cũng sẽ được củng cố trong mắt các đối tác, trong đó có Việt Nam. Ngược lại, nếu Nga thất bại ở Ukraina, Hà Nội có thể sẽ tìm cách giảm phần nào hợp tác và hướng sang các đối tác khác nhiều hơn, trong đó có Pháp.

 

                                                                  *       

RFI : Bộ trưởng Quân Lực Pháp cũng nhắc đến ASEAN và Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng các nước ASEAN (ADMM) mà Pháp hiện là một nhà quan sát. Pháp có thể trông đợi được gì từ Hà Nội ? Việt Nam có thể đóng vai trò như thế nào trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp ?

 

Laurent Gédéon : Nhìn vào sự phát triển hợp tác với Hà Nội, có lẽ Paris sẽ trông cậy vào sự ủng hộ của Việt Nam để tạo thuận lợi cho việc tham gia cơ chế hợp tác quốc phòng này của ASEAN.

 

Về vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, một điều chắc chắn là Pháp phát triển mối quan hệ với Việt Nam vì có liên quan đến lợi ích của Pháp ở vùng Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện là vấn đề địa chiến lược chính ở trong vùng đối với Paris. Cho nên có thể đối với Pháp, Việt Nam phần nào cũng có thể là một trong những kênh mà Paris có thể sử dụng để gây áp lực đối với Bắc Kinh.

 

Tôi nói điều này vì trong một diễn đàn chung trên báo Valeurs actuelles ngày 05/05, ông Sébastien Lecornu và bà Patricia Mirallès đã nhấn mạnh rằng « trong một thế giới bất ổn và nguy hiểm nơi nhiều thế lực không còn ngần ngại chà đạp lên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Pháp muốn phối hợp nhiều hơn với Việt Nam để củng cố ổn định ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi có 1,6 triệu người Pháp hải ngoại sinh sống, và cũng bao gồm khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là khối ASEAN và các quốc gia thành viên ». Cùng vì mục đích này, bộ trưởng Quân Lực Pháp đã đến Nouméa (thủ phủ của Nouvelle Calédonie của Pháp) ngày 04/12/2023 nhân Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng Nam Thái Bình Dương lần thứ 10, gồm các nước Pháp, Úc, New Zealand, Chilê, New Guinea, quần đảo Tonga và Fidji. Do đó, chúng ta hiểu rằng mối quan hệ của Pháp với Việt Nam không thể tách rời khỏi những lợi ích của Pháp ở Nam Thái Bình Dương.

 

·        Đọc thêm : Shangri-La : Pháp sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương

 

Do đó, câu hỏi đặt ra là sự hội tụ lợi ích giữa hai nước. Ngoài ý nghĩa thông báo, đâu là những lợi ích chung thực sự giữa Pháp và Việt Nam ? Việt Nam định nghĩa vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương như thế nào ? Và Pháp coi vùng này như thế nào ? Nhìn vào những lợi ích chiến lược của Pháp và Việt Nam hiện nay, có lẽ sự hội tụ lợi ích này khá là yếu và chỉ Trung Quốc là điểm chung chiến lược thực sự giữa hai nước. Hơn nữa, các khu vực địa lý liên quan, tức là những khu vực tập trung lợi ích riêng của hai nước, lại không giống nhau : Đối với Việt Nam là Biển Đông, còn đối với Pháp là vùng Nam Thái Bình Dương. Khi phân tích tình hình, người ta thấy rằng phía Pháp có thể sẽ phục vụ cho lợi ích của Việt Nam hơn là theo chiều ngược lại. Pháp hiện diện ở Biển Đông thông qua các chiến hạm trung chuyển qua đây. Tuy nhiên, giả sử xảy ra một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ven biển, trong đó có Việt Nam, liệu Pháp có công khai lập trường ủng hộ Việt Nam không ?

 

Câu hỏi này không phải là không xác đáng nếu như ta nhớ lại tuyên bố của ông Emmanuel Macron về Đài Loan hôm 11/04/2023. Lúc đó, tổng thống Pháp tuyên bố là châu Âu không nên ngả theo Mỹ hay Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột về Đài Loan. Dù được đính chính vài ngày sau đó nhưng tuyên bố đó cũng đã khiến các đồng minh của Pháp bối rối, nhất là Hoa Kỳ.

 

Đơn thuần về mặt địa-chính trị, tổng thống Pháp chỉ nhấn mạnh đến một điều hiển nhiên, đó là lợi ích địa-chiến lược của Pháp không nằm trong khu vực này và bản đồ của Pháp về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương chỉ gồm Đông Thái Bình Dương, trái ngược với cách diễn giải về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

 

Cách hiểu này của Pháp cũng có thể có giá trị đối với Biển Đông. Khó khăn cho Hà Nội là phải hiểu được thực chất sự ủng hộ của Pháp trong trường hợp khủng hoảng và hạn chế sẽ là gì ? Ngược lại, sự hỗ trợ của Hà Nội cho Paris có lẽ không phải là điều cần thiết trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Pháp và Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Do đó, mối quan hệ chiến lược giữa Pháp và Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài cần vượt qua và những năm tới chắc chắn sẽ quan trọng để nhìn nhận tiến triển.

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giảng viên Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Lyon, Pháp.

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - VIỆT NAM

Hợp tác quốc phòng Pháp - Việt : Sắp tới sẽ là Biển Đông ?

 

VIỆT NAM - PHÁP

Việt Nam: Trụ cột trong chính sách ‘xoay trục sang châu Á’ của Pháp?

 

PHÁP-VIỆT NAM-BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Tổng thống Pháp « đi dây » giữa Bắc Kinh và Hà Nội

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats