Thursday 30 May 2024

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU BÁO CÁO NHÂN QUYỀN VIỆT NAM : 'KHÔNG GIAN DÂN SỰ BỊ THU HẸP' (VOA Tiếng Việt)

 



EU công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam: ‘Không gian dân sự bị thu hẹp’

VOA Tiếng Việt

30/05/2024

https://www.voatiengviet.com/a/eu-cong-bo-bao-cao-nhan-quyen-viet-nam-khong-gian-dan-su-bi-thu-hep-/7634181.html

 

Hôm 29/5, Liên hiệp châu Âu (EU) công bố phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho rằng “không gian xã hội dân sự đang ngày càng bị thu hẹp” và Hà Nội “có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền” trong năm 2023.

 

“Dù Việt Nam đảm nhận vị trí trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2023-2025, vẫn có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền trong năm 2023”, phúc trình viết.

 

“Không gian cho xã hội dân sự ngày càng bị thu hẹp, thể hiện qua việc sách nhiễu, bắt giữ và kết án tùy tiện các nhà hoạt động và các blogger. Các nhà hoạt động và chuyên gia môi trường vẫn là mục tiêu hàng đầu: các luật sư nhân quyền bào chữa cho họ có nhiều khả năng bị Bộ luật Hình sự trừng phạt nghiêm khắc với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, phúc trình cho biết thêm, nói rằng thêm một số người trong số họ đã trốn khỏi đất nước.

 

EU cho rằng Nghị định 53/2022/ND-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng được ban hành năm 2022 “tiếp tục làm xói mòn quyền tự do ngôn luận” bằng cách ủy quyền truy cập dữ liệu người dùng “theo các điều khoản được xác định một cách mơ hồ, liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng”.

 

Trong lĩnh vực quyền lao động, Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước ILO 87 về tự do lập hội và chưa thông qua nghị định về các tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, vẫn theo báo cáo của EU.

 

“Các án tử hình vẫn tiếp tục được thi hành mà không có thống kê chính xác về số vụ hành quyết”, báo cáo nêu rõ.

 

Liên quan đến quyền của người dân tộc và quyền tự do tôn giáo, EU nhận định rằng “các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo tiếp tục là nạn nhân của sự sách nhiễu của chính quyền”.

 

“Nhân quyền thường xuyên được lồng ghép trong các cuộc thảo luận song phương” với chính phủ Việt Nam, báo cáo cho biết, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam, và các cuộc trao đổi trong khuôn khổ rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế quan trọng để hai bên đưa ra các “vấn đề quan tâm”.

 

Ngoài ra, việc bảo vệ quyền lao động, vừa là ưu tiên vừa là nghĩa vụ của EU theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), đã được đề cập trong nhiều trường hợp, phúc trình cho biết.

 

Liên minh của tổ chức gồm 27 quốc gia châu Âu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ và trao quyền cho các cá nhân hoạt động nhân quyền, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận”.

 

Ngoài ra, EU cũng quan ngại về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, sự siết chặt không gian và môi trường làm việc đối với các tổ chức xã hội dân sự (CSO).

 

 

XEM THÊM:

Việt Nam phê duyệt công ước về công đoàn độc lập vào tháng 10 để tránh rắc rối với EU?

 

 

EU tập trung vào việc tăng tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận; tự do tôn giáo và tín ngưỡng; xã hội dân sự và dân chủ có sự tham gia chủ động; quyền bình đẳng và đa dạng; quyền của thanh thiếu niên và trẻ em; quản lý công bằng và pháp quyền công bằng, bao gồm việc bãi bỏ hình phạt tử hình, tuân thủ luật nhân quyền quốc tế và thực hiện hiệu quả các cơ chế nhân quyền.

 

Trong thời gian qua, EU tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm hỗ trợ các nhà hoạt động nhân quyền, yêu cầu được phép quan sát các phiên tòa xét xử những người bảo vệ nhân quyền và yêu cầu tiếp cận trợ giúp pháp lý, hỗ trợ y tế và thăm viếng gia đình các tù nhân, vẫn theo phúc trình thường niên.

 

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về báo cáo nhân quyền mới nhất này, nhưng chưa được phản hồi.

 

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng các quyền căn bản của người dân được “tôn trọng và đảm đảm”.

 

Nhận định về bản phúc trình này, nhà hoạt động Helena Hương Nguyễn ở Đan Mạch, chia sẻ với VOA: “Bản phúc trình của EU về tình hình nhân quyền tại Việt Nam rất súc tích, và hoàn toàn phù hợp với những điều nhiều tổ chức nhân quyền và chúng tôi đã thường xuyên cảnh báo EU và thế giới. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong bản báo cáo của họ quá trung dung và khách sáo vì tính cách ngoại giao của họ”.

 

“EU và các quốc gia thành viên phải có những hành động cụ để giúp người dân Việt Nam được hưởng những quyền căn bản con người. Cụ thể là phải đẩy mạnh, tham gia và phổ biến rộng rãi các hoạt động hỗ trợ tinh thần và tài chính cho những người bị áp bức...”, bà Helena đưa ra khuyến nghị.

 

“Đặt biệt là nếu không có sự tiến bộ trong 3 lãnh vực được EU quan tâm đặt biệt là tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng và sự tham gia chủ động của của xã hội dân sự và dân chủ, EU phải can đảm áp dụng luật Magnitsky đối với các viên chức của bộ công an Việt Nam có trách nhiệm trong các trường họp giam cầm tùy tiện, tra tấn, hay chết trong tù và đồn công an”, bà cho biết thêm.

 

Vào tháng 12/2020, Hội đồng Liên hiệp châu Âu đã thông qua Cơ chế của EU về Trừng phạt Vi phạm Nhân quyền Toàn cầu, thường hay được gọi là Đạo luật Magnitsky của EU, nhằm chế tài những cá nhân và tổ chức vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới, thông qua việc đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào các quốc gia thành viên.

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats