Wednesday, 13 March 2024

ẤN ĐỘ BÁC BỎ PHẢN ĐỐI CỦA TRUNG QUỐC VỀ CHUYẾN THĂM CỦA THỦ TƯỚNG MODI TỚI HIMALAYA (Reuters)

 



Ấn Độ bác bỏ phản đối của Trung Quốc về chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Himalaya

Reuters

12/03/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7524359.html

Ấn Độ hôm 12/3 bác bỏ phản đối của Trung Quốc đối với chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi vào cuối tuần này tới Arunachal Pradesh, và nói rằng bang biên giới phía đông bắc này luôn là “một phần không thể thiếu và không thể tách rời của Ấn Độ”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-d541-08dc428fd349_cx0_cy5_cw0_w1023_r1_s.jpg

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) bắt tay Thủ hiến Arunachal Pradesh, Pema Khandu, tại lễ khánh thành các dự án phát triển ở Itanagar, bang Arunachal Pradesh, ngày 9/2/2019. Trung Quốc đã phản đối chuyến thăm của ông Modi tới Arunachal Pradesh vào cuối tuần này.

 

Bình luận của Bộ Ngoại giao Ấn Độ được đưa ra một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối các hoạt động của ông Modi trong khu vực và đã gửi công hàm ngoại giao phản đối tới Ấn Độ.

 

Ông Modi đã đến thăm Arunachal Pradesh hôm 9/3 để khánh thành các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm một đường hầm sẽ cung cấp kết nối trong mọi điều kiện thời tiết đến khu vực biên giới có vị trí chiến lược Tawang.

 

Đường hầm được kỳ vọng sẽ đảm bảo việc di chuyển của quân đội ở khu vực biên giới nhanh hơn và thuận lợi hơn.

 

Trung Quốc tuyên bố Arunachal Pradesh là một phần của miền nam Tây Tạng. New Delhi bác bỏ tuyên bố này, nói rằng Arunachal Pradesh luôn là một phần của Ấn Độ.

 

“Các nhà lãnh đạo Ấn Độ thỉnh thoảng đến thăm Arunachal Pradesh cũng như thăm các bang khác của Ấn Độ. Việc phản đối những chuyến thăm như vậy hoặc các dự án phát triển của Ấn Độ là phi lý”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Randhir Jaiswal, nói.

 

“Hơn nữa, nó sẽ không thay đổi thực tế rằng bang Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ”.

 

Hai nước láng giềng đều có vũ khí hạt nhân và có chung đường biên giới dài 3.000 km, phần lớn trong số đó được phân định không rõ ràng.

 

Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng vào năm 2020 trong các cuộc đụng độ ở các nơi dọc biên giới hai nước ở phía tây dãy Himalaya.

 

Kể từ đó, quân đội cả hai nước đều đã củng cố các căn cứ và triển khai thêm quân và thiết bị dọc biên giới. Hai nước vốn là láng giềng không mấy dễ chịu trong nhiều thập kỷ sau cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu năm 1962.

 

Năm ngoái, Trung Quốc đã làm căng thẳng gia tăng với Ấn Độ khi đặt tên Trung Quốc cho 11 địa điểm ở Arunachal Pradesh.





No comments:

Post a Comment

View My Stats