Sunday 31 March 2024

LÀM CHO KHỐC HẠI CHẲNG QUA VÌ QUYỀN (Nguyễn Anh Tuấn / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Làm cho khốc hại chẳng qua vì quyền

Nguyễn Anh Tuấn  -  Luật Khoa Tạp Chí

MARCH 29 2024   10:35 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/03/lam-cho-khoc-hai-chang-qua-vi-quyen/

 

Ông Thưởng đã làm gì có thể không quan trọng bằng việc người loại bỏ ông Thưởng đang toan tính gì.

 

 

Đăng rồi gỡ một bài viết “lạ”

 

Vậy là sau thời gian im ắng về lý do ông Võ Văn Thưởng ra đi, các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt đầu những động thái đầu tiên để giải tỏa những băn khoăn của dư luận. 

 

Một bài viết không rõ tác giả có nhan đề Đừng thấy ‘sóng cả’ mà ngã niềm tin nhanh chóng được lan truyền qua các trang thông tin điện tử địa phương, xác nhận lý do ông Thưởng mất chức có liên quan đến thời gian làm bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi. [1] Bài viết có đoạn: “...Thời gian đồng chí Võ Văn Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.” 

 

Xâu chuỗi những diễn biến xung quanh vụ việc, không khó để xác nhận khả năng cao doanh nghiệp mượn danh được nhắc đến ở đây chính là Phúc Sơn. [2]

 

Tuy nhiên, rất nhanh chóng, bài viết đã bị gỡ bỏ đồng loạt, chỉ còn xuất hiện trên trang thông tin điện tử của chính quyền một số huyện, với ghi chú rằng Ban Chỉ đạo 35 là cơ quan đứng sau yêu cầu đăng tải. Lưu ý rằng, Ban Chỉ đạo 35 là một cơ cấu được thành lập từ năm 2018 theo một Nghị quyết cùng tên của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng. Cơ cấu này được thành lập từ trung ương đến địa phương, với mạng lưới cộng tác viên rộng khắp, đóng vai trò kiểm soát và điều hướng dư luận. 

 

Việc đăng rồi gỡ bài, lại là trên những trang tin không quá phổ biến, có thể đóng vai trò như một mũi tên trúng hai đích cho cơ quan tuyên giáo, vừa giải tỏa băn khoăn của dư luận vừa không phạm vào cam kết được xác lập trong quy trình “xin thôi”: quan chức vi phạm được phép hạ cánh an toàn, hay như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được “rút lui trong danh dự”. [3]

 

 

Vụ Phúc Sơn: Thời điểm đặc biệt

 

Những điểm bất thường trong vụ Phúc Sơn, đặc biệt khi so sánh với vụ Việt Á, gợi lên nghi vấn liệu đây có phải là một vụ án ngược hay không, nghĩa là kết luận rằng ông Thưởng phải thôi chức đã có từ trước còn vụ Phúc Sơn chỉ là cái cớ cần thiết. 

 

Nghi vấn này có cơ sở không chỉ ở chỗ tốc độ điều tra chớp nhoáng của Bộ Công an - chỉ trong vòng chưa đầy một tháng - cho một vụ án có hệ quả chính trị đặc biệt nghiêm trọng, mà còn nằm ở quy trình khác biệt nếu so với những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn khác. Ở những vụ việc trước đây có liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ phải có kết luận và đệ trình hai cơ quan quyền lực đầu não kỷ luật đảng cán bộ đó trước khi quy trình truy tố hình sự của Bộ Công an bắt đầu.

 

Trong vụ Phúc Sơn, dù liên quan đến nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, song những gì được công khai cho thấy Bộ Công an hoàn toàn nắm quyền chủ động truy tố hình sự, còn Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ làm những bước sau cùng. 

 

Tốc độ làm án thần tốc và thủ tục vừa ngược, vừa rút gọn này có thể liên quan đến một thời điểm đặc biệt của chính trị nội bộ Việt Nam: phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. 

 

Tiểu ban Nhân sự được thành lập vào tháng 10/2023, không lâu sau khi các tổ chức đảng trung ương và địa phương hoàn thành việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa 14, đảm nhận công tác được ông Trọng coi là quan trọng bậc nhất - then chốt của then chốt”, theo lời ông. [4]

 

Với việc thôi chức của ông Thưởng, danh sách quy hoạch mà Tiểu ban Nhân sự xem xét hiện tại chắc chắn sẽ thiếu tên của chính trị gia miền Nam trẻ tuổi - người từng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chính trường Việt Nam nhiều thập niên sắp tới. 

 

 

Toan tính của ông Trọng

 

Ngay cả khi còn tranh cãi về lý do thực sự đằng sau sự ra đi của ông Thưởng, khó có thể nghi ngờ gì, rằng quyết định này chỉ có thể đến từ người quyền lực nhất trong đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

 

Điều này gợi ý rằng việc cố gắng tìm hiểu xem ông Thưởng thực sự đã làm sai điều gì có thể không cung cấp một bức tranh đầy đủ về những gì đang thực sự xảy ra. 

 

Và đôi khi nhỡ mất câu hỏi thực sự quan trọng.

 

Các nền chính trị cộng sản đặt ưu tiên hàng đầu cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ - tên gọi khác của công việc do thám nội bộ do nhiều cơ quan khác nhau phụ trách. Công tác này nhằm kiểm chứng chéo lẫn nhau. Những sai phạm trong quá khứ của mọi đảng viên, đặc biệt là đảng viên cấp cao luôn nằm đâu đó trong hồ sơ cán bộ của họ, hoặc là ở Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Cục Bảo vệ Chính trị Nội bộ thuộc Bộ Công an, hoặc cả Tổng cục II của Bộ Quốc Phòng. 

 

Lôi ra một sai phạm trong quá khứ để loại bỏ một quan chức cấp cao vì thế không phải là việc gì đó khó khăn với người nắm quyền, chỉ cần người đó muốn. 

 

Bởi vậy, câu hỏi đáng quan tâm hơn là vì sao ông Trọng lại muốn loại bỏ ông Thưởng, hay đúng hơn ông Trọng đang toan tính gì khi làm việc này?

 

Gợi ý cho câu trả lời có thể nằm ở phiên họp của một tiểu ban khác: Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội 14. Trong phiên họp này, người chủ trì là Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã tiết lộ rằng Đại hội 14 sẽ sửa Điều lệ Đảng, lần đầu tiên sau 15 năm. [5]

 

Rút kinh nghiệm từ Đại hội 13, nếu ông Trọng muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư danh chính ngôn thuận và không bị điều tiếng tham quyền cố vị đến mức vi phạm điều lệ, ông cần làm hai điều. Một là gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chức danh tổng bí thư trong Điều lệ Đảng hiện hành, và hai là loại bỏ bất kỳ ai, hoặc là có khả năng thay thế ông, hoặc là khiến dư luận trong và ngoài đảng nghĩ đến phương án kế nhiệm ông. [6] Nhớ đó, ông có thể trở thành phương án nhân sự duy nhất cho vị trí tổng bí thư.

 

Làm mọi cách để giữ quyền lực suốt đời - thói thường của những người nắm quyền trong những nền chính trị phi dân chủ và thiếu kiềm chế đối trọng - có thể là lời giải đơn giản đến không ngờ cho những cuộc thanh trừng chính trị (trông có vẻ) bất thường.

 

--------------------

Chú thích

 

1.    ĐỪNG THẤY “SÓNG CẢ” MÀ NGÃ NIỀM TIN! - Trang Thông tin điện tử huyện Lang Chánh - tỉnh Thanh Hóa. (2024). Archive.org. https://web.archive.org/web/20240329013219/https://langchanh.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2024-3-21/DUNG-THAY-SONG-CA-MA-NGA-NIEM-TIN-b3actv.aspx

 

2.    Vụ Tập đoàn Phúc Sơn, thêm lãnh đạo Đảng cấp tỉnh bị bắt giữ - BBC News Tiếng Việt. BBC News Tiếng Việt; BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cpv0pzq3p59o

 

3.     VnExpress. (2023, May 13). Tổng bí thư: Ai không xứng đáng thì nên “rút lui trong danh dự.” Vnexpress.net; VnExpress. https://vnexpress.net/tong-bi-thu-ai-khong-xung-dang-thi-nen-rut-lui-trong-danh-du-4604813.html

 

4.     xaydungchinhsach.chinhphu.vn. (2024, March 24). TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: CÔNG TÁC NHÂN SỰ LÀ NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG. Xaydungchinhsach.chinhphu.vn; xaydungchinhsach.chinhphu.vn. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-chu-tri-hop-tieu-ban-nhan-su-dai-hoi-xiv-cua-dang-119240313094143047.htm

 

5.     hienhoa. (2023, November 11). Phiên họp thứ nhất Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội khóa XIV. Https://Dangcongsan.vn; https://web.archive.org/web/20240329025449/https://dangcongsan.vn. https://web.archive.org/web/20240329025449/https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/phien-hop-thu-nhat-tieu-ban-dieu-le-dang-dai-hoi-khoa-xiv-651964.html

 

6.    Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua) | Tư liệu văn kiện Đảng. Dangcongsan.vn. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/dieu-le-dang/dieu-le-dang-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xi-cua-dang-thong-qua-3431

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats