Wednesday, 23 August 2023

PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI GIÚP DÂN VIỆT ĐỌC BÁO TAZ, TỜ BÁO ĐỨC BỊ HÀ NỘI CHẶN (Người Việt)

 



Phóng Viên Không Biên Giới giúp dân Việt đọc Taz, tờ báo Đức bị Hà Nội chặn

Người Việt

August 22, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/phong-vien-khong-bien-gioi-giup-dan-viet-doc-bao-duc-taz/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) nói họ dùng một kỹ thuật mới để giúp độc giả tại Việt Nam đọc được báo Đức Taz không bị ngăn chặn.

 

Gần đây, RSF sử dụng “kỹ thuật nhân bản” (mirror site technology) dưới cái tên “Chiến dịch tự do đồng hành” để phục hồi khả năng đọc báo Đức Taz trên mạng tại Việt Nam. Tổ chức RSF cho hay như vậy trong bản tin ngày Thứ Ba, 22 Tháng Tám.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/VN-Nguyen-Thi-Thanh-Nhan-AIC-group-042922.jpg

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ nhân AIC. (Hình: AIC)

 

Báo Đức Taz ngày 6 Tháng Tám đưa tin bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ nhân công ty AIC tại Việt Nam, đang lẩn trốn ở nước Đức sau khi thoát ra khỏi Việt Nam để tránh bị nhà cầm quyền bắt giữ. Bà cùng năm thuộc cấp leo lên máy bay đi khỏi Việt Nam trước khi bị công an ập tới nhà để bắt, nhiều phần nhờ có ai đó bí mật báo động nên đã đi trốn kịp thời.

 

Bà Nhàn bị cáo buộc “thông thầu” qua sự tiếp tay của các quan chức tại dự án xây dựng bệnh viện đa khoa ở tỉnh Đồng Nai làm thiệt hại cho nhà nước $6.5 triệu. Đây chỉ là một trong hàng loạt dự án có thể bị moi móc tiếp để truy tội bà ta, liên quan đến quan chức nhiều tỉnh thành và trung ương, gồm cả ông Phạm Minh Chính, đương kim thủ tướng.

 

Theo báo Taz, bà Nhàn hiện đang trốn ở Đức sau một thời gian ở nước Anh, nơi bà có cô con gái được mô tả là con ngoại hôn của ông Phạm Minh Chính với bà. Bà đối diện với nguy cơ bị bắt cóc về Việt Nam rất cao nên chính phủ Đức đã cảnh cáo Việt Nam đừng diễn lại trò cũ như bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017.

 

Báo Taz tiết lộ nhiều chuyện “động trời” dính đến sinh mạng chính trị của ông Phạm Minh Chính nên Hà Nội vội vàng chặn dân chúng tiếp cận qua mạng Internet.

 

Tổ chức RSF vốn được thành lập với mục đích cổ võ tự do thông tin trên toàn thế giới, giúp dân chúng tiếp cận các nguồn thông tin đa chiều thay vì bị bưng bít hoặc bị nhà cầm quyền độc tài, tôn giáo cuồng tín, bóp méo.

 

Một cách vắn tắt, “Kỹ thuật nhân bản thông tin” (Mirror site technology) một trang mạng hoặc một tập hợp các máy chủ được sao chép sang máy chủ máy tính khác để một trang mạng có thể xuất hiện tại nhiều nơi. Theo một giải thích trên Wikipedia, một trang mạng nhân bản có URL riêng của nó nhưng nếu không thì giống hệt như trang mạng chính thống, nhờ vậy vượt qua được sự ngăn chặn.

 

Tất cả những báo mạng, hay YouTube đưa các hình ảnh, video clip hay nói chung thông tin “ngoài luồng” bị cho là “độc hại” đối với chế độ đều bị nhà cầm quyền ngăn chặn triệt để. Dù vậy, người dân tại Việt Nam vẫn có nhiều cách “trèo tường lửa” để tiếp cận các nguồn tin đó. Việt Nam thường xuyên áp lực các công ty Google, Facebook ngăn chặn các “thông tin độc hại” nếu muốn kiếm ăn tại Việt Nam.

 

“Hà Nội siết chặt một cách có hệ thống các thông tin đả kích chế độ, từ cả trong lẫn ngoài nước, với nhiều thủ thuật khác nhau. Chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động ngăn chặn báo Taz trên mạng chỉ vì họ sợ tờ báo phơi bày những điều nghiêm trọng,” bà Helene Hahn, nhà vận động tự do Internet của RSF tại Đức, phát biểu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/08/VN-RSF-VN-press-freedom-index-2023.jpg

Việt Nam nằm ở nhóm cuối bảng chỉ số tự do báo chí trên thế giới năm 2023 của tổ chức RSF. (Hình: RSF)

 

Theo RSF, đây không phải lần đầu tiên báo chí Đức bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn. Năm 2020, Hà Nội đã chặn các bài viết của nhà báo Lê Trung Khoa trên Facebook khi ông tường thuật vụ ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, đứng đầu đoàn đặc vụ tới bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Không những đưa tin, trang báo mạng của ông Khoa còn có đường link tới các báo Đức và cả trang mạng RSF thông tin về sự việc.

 

Theo tổ chức RSF, kỹ thuật “nhân bản” không những giúp phục hồi lại các trang mạng bị ngăn chặn, nhà cầm quyền độc tài nào tìm cách ngăn chặn cũng đều bị thiệt hại “song hành” khi chính họ cũng bị ngăn chặn vào các dịch vụ khác của họ.

 

Chỉ số tự do thông tin mạng của Việt Nam năm 2023 được RSF xếp hạng 178 trên 180 nước được nghiên cứu, cùng một nhóm chót bảng với các nước Cộng Sản, độc tài hay tôn giao cuồng tín như Bắc Hàn, Trung Quốc, Iran, Lào, Miến Điện… (TN) [qd]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats