Friday 27 December 2019

VỀ NGUỒN GỐC CHỦ NGHĨA CỘNG HÒA VIỆT NAM - SỰ LƯU THÔNG TRÊN THẾ GIỚI & MỐI QUAN HỆ THUỘC ĐỊA (Christopher Goscha)




Christopher Goscha
Minh Toàn dịch từ bản Tiếng Pháp
Viet-Studies 27-12-2019


Ta thường có xu hướng đề cao quá mức sự quan trọng của véctơ "hiện đại của thực dân" trong việc phổ biến tư tưởng cộng hòa ở Việt Nam, như thể sức mạnh thực dân một mình nó có thể cùng lúc đem lại vừa sự thống trị lẫn phương tiện giải phóng. Bằng cách quay trở về khoảng thời gian dài lâu của chu trình dịch thuật và phổ biến các văn bản phương Tây đến từ Trung Quốc và Nhật, tác giả cho thấy sự truyền bá tư tưởng cộng hòa ở Việt Nam đã theo những hành trình phức tạp hơn ta nghĩ, và có lẽ có thể mở ra những sự thực lịch sử khác.

Phan Châu Trinh người Việt Nam và Ferhat Abbas người Algérie chưa từng gặp nhau. Trinh xuất thân trong một gia đình quan lại. Khi cha mất, trong thời kỳ chiến tranh Pháp-Việt những năm 1880, ông chuyên tâm cho việc học với hy vọng ra làm quan cho triều đình Việt Nam dưới sự bảo hộ của Pháp. Abbas cũng là con một quan chức hành chính, gia đình ông đã khốn đốn trong các cuộc nổi dậy chống thực dân những năm 1870. Ông học đầu tiên trong các trường thuộc địa trước khi tiếp tục việc học ở Đại học Alger. Ông trở thành dược sĩ, rồi dấn thân vào chính trị. Sách sử Việt Nam và Algérie ca ngợi hai con người này là những nhân vật yêu nước lỗi lạc, họ đúng là như thế. Tuy nhiên, khởi đầu sự nghiệp của họ, cả hai thiên về chính sách hợp tác với Đệ tam Cộng Hòa Pháp trong mục đích phổ biến tư tưởng cộng hòa, đề cao các thiết chế dân chủ và bình quyền trong đất nước mình. Cả hai ban đầu không bênh vực cho sự nổi dậy chống thuộc địa.

Làm sao và khi nào mà những tư tưởng cộng hòa đến được với họ? Chúng đi qua qua những hành trình và những trung gian nào? Trong trường hợp Việt Nam, ta có lẽ bị cám dỗ trả lời bằng một sự hiển nhiên : đó là qua ngả thực dân, qua các trường Pháp bản xứ, qua sách giáo khoa của thực dân, qua việc xuất bản của thực dân, tóm lại là qua "sự hiện đại" được đưa vào trong lòng xã hội Việt Nam. Không chối bỏ sự quan trọng của nhân tố này, nhưng cũng không nên vì thế phóng đại sự trung chuyển của thuộc địa, vì mọi thứ không phải đều đến từ nước Pháp. Khác Ferhat Abbas, Phan Châu Trinh không rành tiếng Pháp. Ông chưa từng theo học trường Pháp. Ông diễn đạt tư tưởng của mình bằng chữ Hán, không bao giờ bằng tiếng Pháp và hiếm khi bằng tiếng Việt được la-tinh hóa, tức chữ quốc ngữ. Bất chấp việc người Pháp định cư ở Đông Dương khi bước sang thế kỷ 20, Phan Châu Trinh tiếp tục sống theo nhịp điệu của nền văn minh Đông Á mà nước ông thuộc về từ hàng thế kỷ. Trước khi đến Paris năm 1909, đầu tiên ông đến thăm Trung Quốc và Nhật để học hỏi chủ nghĩa cải cách Châu Á và những tư tưởng mới đến từ thế giới Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, quá đề cao phương diện không phương Tây của sự trung chuyển này cũng sẽ là phóng đại. Nước Pháp và quan hệ thuộc địa có ích cho một số điều trong việc phát triển chủ nghĩa cộng hòa ở Việt Nam. Như thế, quan trọng là tính đến hai phía trung chuyển này, tức phía thế giới và phía thuộc địa. Vậy đầu tiên chúng ta theo dõi mạng lưới châu Á đã tạo kênh để đưa những tư tưởng cách mạng từ Đại Tây Dương vào Việt Nam, trước khi khảo sát quan hệ thuộc địa, mà không ưu tiên bên này hay bên kia. Chúng tôi tin rằng ích lợi của việc nghiên cứu như vậy hoàn toàn nằm ở chỗ khác : ở cách mà hai kênh này đã có thể đan xen vào nhau, cũng như trong cách mà chủ nghĩa cộng hòa Việt Nam đã có thể vươn tới chính quốc Pháp, như ngọn lửa cháy ngược trở lại người đốt.


Sự lưu thông trên thế giới

Sự phát tán tư tưởng từ Đại Tây Dương vào Đông Á

Các trào lưu tư tưởng, giống như các trào lưu thương mại hay tôn giáo, chúng chạy vòng từ đầu này qua đầu kia của lục địa Á Âu từ hàng thế kỷ nay; những sự vận động này ngày nay được biết rõ. Chẳng hạn, ta biết rằng những "cuộc đại khám phá" của thế kỷ 15 và 16 chỉ làm gia tăng những trao đổi đã có từ trước. Cũng phải nhắc lại rằng người châu Á chưa từng đóng cửa hoàn toàn với nước ngoài. Ngay cả người Nhật cũng không. Vào thế kỷ thứ 17, những lãnh đạo nhà Tokugawa có cố công hạn chế tiếp xúc với người phương Tây, thì Shogun (Tướng quân) chưa bao giờ thành công đóng cửa nước mình. Từ cảng Nagasaki, chính phủ thận trọng theo dõi diễn biến những sự kiện thế giới. Nhờ vào những người trung gian Trung Quốc và Hà Lan, thân cận của chính phủ có thể nhập khẩu, cho dịch và học hỏi những tác phẩm chính yếu về chính trị và khoa học đến từ Đại Tây Dương. Như vậy, trước khi trở thành người ca ngợi dân chủ, rồi được biết đến như là "Rousseau của Đông Phương", nhà lý thuyết chính trị nổi tiếng Nakae Chômin đã lao vào việc học tiếng Pháp và tiếng Hà Lan ở Nagasaki dưới thời Tokugawa (1).

Trung Quốc vẫn còn nằm ở trung tâm của những trao đổi trên thế giới. Từ thời cổ đại La Mã, các hàng hóa đến từ châu Á, từ Trung Đông và từ Địa Trung Hải trú lại trong những cảng Trung Quốc như Quảng Châu (Canton) và Thượng Hải, trong khi những thương nhân và người di cư Trung Quốc định cư trong các thành phố cảng ở Đông Nam Á từ Manila đến Rangoon đi qua Băng Cốc và Malacca. Trong những cảng này, có quá cảnh thực phẩm, hàng hóa, kỹ thuật và con người, nhưng cũng có quá cảnh cả các tư tưởng tôn giáo, văn hóa và chính trị. Quảng Châu kể như là một bức tranh mosaïque (tranh ghép mảnh) gồm các đền hồi giáo, các đền thờ và nhà thờ. Giống như Thượng Hải vào thế kỷ thứ 19 là thành phố có nhiều nhà in và nhà xuất bản cư trú. Ở đó bao trùm một cuộc sống tri thức và nghệ thuật nở rộ nhất.

Người Châu Âu làm gia tăng cường độ và tầm ảnh hưởng của những trao đổi này bằng cách mở ra những con đường hàng hải lần đầu tiên trong lịch sử nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Từ đó, họ tạo thuận lợi cho sự lưu thông hàng hóa, vũ khí, kỹ thuật và các tư tưởng mới mà trước đây chưa từng có. Sự hiện diện trong triều đình nhà Thanh các cha dòng Tên tò mò về khoa học là một trong nhiều ví dụ khác về sự lưu thông không gián đoạn này của con người và tư tưởng. Nhiều lãnh đạo và thương nhân châu Á, trong đó bao gồm cả những người Trung Quốc hải ngoại, đã cho đưa đến các máy in và nhiều phương tiện liên lạc mới. Không thể nào mà những tư tưởng cách mạng đã làm thay đổi sâu sắc xã hội Tây Dương vào thế kỷ 18 và 19 lại không lan về hướng châu Á, hơn nữa ở đây nó gặp nhiều người theo. Những người này suy nghĩ các cách thức tốt nhất làm cho nó phù hợp để phục vụ những dự định tại chỗ. Tóm lại, Âu Mỹ không phải là nơi duy nhất trên thế giới mà các chế độ quân chủ gặp những đối thủ kịch liệt. Vậy không ngẫu nhiên khi những người cộng hòa Trung Quốc đầu tiên như Tôn Dật Tiên là người gốc Quảng Đông. Những người khác, như Nakae Chomin đã đến Châu Âu và Châu Mỹ để tự mình tìm hiểu.

Ngược lại, không ai nhiệt tình chào đón sự bành trướng đế quốc của các nước Âu Mỹ. Lãnh đạo các nước này sẵn sàng quay lưng lại với chủ nghĩa tự do chính trị ngay khi nó can hệ đến việc tạo thành đế chế riêng của họ. Ý thức được nguy hiểm của việc Tây Phương xâm nhập, những nhà lãnh đạo triều đình Nhật và Trung Quốc cố gắng kiểm soát những tiếp xúc với bên ngoài và nắm trong tay quyền lực trong nước. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ 19, sự kiểm soát của Shogun dần suy yếu thì người Âu Mỹ tăng cường sức ép buộc ông mở cửa đất nước cho thương mại. Cùng lúc, các gia đình chống đối Tokugawa tìm cách thống trị bằng việc đón các tàu Tây Phương tiếp tế bí mật vũ khí cho họ. Họ cũng làm quen với những tư tưởng mới, đến từ ngoại quốc mà họ khai thác để biện hộ cho việc lật đổ triều đình cai trị, thay đổi tư duy về nước Nhật, và cạnh tranh với các cường quốc Tây Dương. Họ đánh bại Shogun năm 1868 và biện hộ cho việc nắm quyền bằng cách thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến năm 1889 (2).

Ở Trung Quốc, trong suốt thế kỷ thứ 19, khi nhà Thanh cố gắng duy trì đế chế của mình bằng cách kháng cự những cuộc nổi dậy rộng lớn trong nước và những đe dọa vũ lực từ nước ngoài, thì các quan chức, những người cải tổ, những người chống quân chủ và các nhà buôn Trung Quốc đã đi ra nước ngoài tìm kiếm ý tưởng và sự ủng hộ nhằm tái lập một Trung Quốc mới trước khi quá muộn. Các nhà cải cách nổi tiếng Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi ôm ấp nhiều tư tưởng Tây Dương mà họ nghĩ chúng có thể giúp họ thi hành một chế độ quân chủ lập hiến hiện đại, cũng như công nghiệp hóa nhanh chóng đất nước. Những tiến bộ thực hiện được ở hai phương diện trên bởi những nhà lãnh đạo Minh Trị làm họ yên tâm hơn theo con đường này. Năm 1898, Lương, Khang và một số người khác ủng hộ thay đổi đã dâng lên hoàng đế chương trình Cải cách Một trăm ngày, kêu gọi triều đình dân chủ hóa hệ thống giáo dục, hiện đại hóa kinh tế và tạo một chế độ quân chủ lập hiến. Đề nghị của họ không được chấp thuận và họ trốn sang nước Nhật của Minh Trị.

Tôn Dật Tiên, được xem là cha đẻ của Trung Quốc hiện đại, đạt được thành công hơn Lương và Khang. Ông cống hiến đời mình cho việc hiện đại hóa đất nước, lật đổ quân chủ và chuyển nó sang Cộng Hòa. Trước khi nhà Thanh sụp đổ năm 1911, ông đã đi nhiều ở châu Á Thái Bình Dương. Từ nơi của mình ở Quảng Châu, ông đã lưu lại Singapore, Sài Gòn cho đến tận San Francisco. Trong tất cả các thành phố này, nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo, các nhà sách, nhà in, báo và thư viện đều tiếp cận được ở mọi nơi. Ở đó có lưu hành những tư tưởng Tây Dương được dịch sang tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật. Tôn Dật Tiên học các lý thuyết mới và những mô hình chính trị khác nhau. Ông bị hấp dẫn bởi chủ nghĩa cộng hòa Pháp và Mỹ, cũng như bởi chủ nghĩa dân tộc. Quyết tâm xây dựng một nền Cộng hòa Trung Quốc, Tôn Dật Tiên tìm kiếm tài trợ, tập hợp các thanh niên được tuyển mộ, lập các hội chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ các tờ báo và nhà in trong cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại, trải dài từ Singapore đến tận Honolulu và San Francisco.

Giống Lương và Khang, Tôn Dật Tiên đi đến Nhật. Ấn tượng bởi những thành tựu của các nhà lãnh đạo Minh Trị, ông hi vọng rằng những nhà cải cách Châu Á này sẽ giúp ông lật đổ nhà Thanh. Năm 1905, ông thành lập Đồng Minh Hội (tiền thân của Quốc Dân Đảng Trung Quốc) ở Tokyo. Hội này có các chi nhánh trong cộng đồng người Hoa đã định hình ở các thành phố cảng Đông Nam Á. Năm 1911 khi triều đình nhà Thanh sụp đổ, Tôn Dật Tiên chuyển nhà nước Cộng hòa của ông vào miền Nam Trung Quốc, và năm sau trở thành tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc. Một quyền lực quân chủ thọ hơn 2000 năm vừa sụp đổ : sự kiện này cũng quan trọng như các cuộc cách mạng của Tây Dương vào thế kỷ thứ 18.

Dĩ nhiên nền cộng hòa Trung Hoa vẫn còn yếu ớt dưới thời Tôn Dật Tiên và người kế nhiệm của ông là Tưởng Giới Thạch. Bất chấp sự yếu ớt của nó, chủ nghĩa cộng hòa rõ ràng đã tràn qua bờ Đại Tây Dương để đi vào Trung Quốc qua bờ biển miền Nam. Bước qua thế kỷ 20, nhiều khái niệm có cái đuôi "chủ nghĩa" lan sang các cảng Đông Á, ở đó nhiều phụ nữ và đàn ông chuyên chú dịch chúng và làm phù hợp nhiều lý thuyết xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa ngoại quốc. Chúng ta hãy trở lại trường hợp Nakae Chômin người Nhật. Thành viên của phái đoàn Iwakura nổi tiếng được gởi đến Châu Âu năm 1871, ông lưu lại học ở Pháp đến năm 1874, trước khi trở về Nhật nơi việc ông dịch Contrat social (Khế ước xã hội) của Rousseau khiến ông nổi tiếng. Lương Khải Siêu ngấu nghiến các công trình của Chômin. Bị kiệt tác của Rousseau quyến rũ, Lương bắt đầu dịch nó sang tiếng Trung từ nơi ông lưu vong ở Yokohama. Năm 1901, trong lửa hành động, ông đã viết như sau : "Con đường gần nhất, đơn giản nhất để cải cách hệ thống độc tài Trung Quốc là Trung Quốc trở thành đất nước mà Rousseau mong ước (3)". Phan Chu Trinh cũng vậy, tôn kính Nakae Chômin và sở hữu một bản dịch Contrat social tiếng Trung.

Từ "chủ nghĩa tự do", "chủ nghĩa cộng hòa", "chủ nghĩa quốc gia" và "chủ nghĩa lập hiến", sắp tới thêm vào những vấn đề đặt ra như : chủ nghĩa Darwin xã hội, chủ nghĩa xã hội và những lý thuyết mới của chủ nghĩa thực dân. Chủ nghĩa sau cùng này đặc biệt quan trọng trong chừng mực mà những chế độ mới, xuất thân từ các cuộc cách mạng Tây Dương hầu hết luôn bị thay thế bởi các hình thức bạo lực của việc bành trướng thuộc địa (4). Các người của Minh Trị cũng không là ngoại lệ. Điều này là nền móng vì ở Châu Á, các nhà nước quân chủ ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Triều Tiên và ở Nhật, cũng giống như các thuộc địa mới của Châu Âu ở Đông Dương thuộc Pháp, ở Indonesia thuộc Hà Lan, đều thù nghịch với việc phổ biến các lý thuyết chính trị tự do. Các lý thuyết này có thể đe dọa tính chính danh và sự tồn tại của các nhà nước thuộc địa. Phan Châu Trinh đã không bao giờ thực sự hiểu sự khác biệt thiết yếu này giữa các cuộc cách mạng của người Châu Mỹ vào thế kỷ 18 và 19 đưa tới việc hình thành các nhà nước phi thuộc địa, và cuộc cách mạng mà người Việt Nam cộng hòa này của chúng ta muốn tiến hành chống lại chế độ quân chủ cũ của đất nước ông. Chế độ này vừa mất độc lập khi đối diện với một nước Châu Âu mà các giá trị cộng hòa của nó đã bị ngăn chặn trong những thuộc địa của nó.

Nguồn gốc Viễn Đông của chủ nghĩa cộng hòa Việt Nam

Tuy nhiên, việc hình thành các nhà nước thuộc địa ở Châu Á vào thế kỷ 19 và 20 không phá hủy những mạng lưới châu Á đã có từ trước. Việc các đế quốc phương Tây có thể chuyển hướng những mạng lưới châu Á này, hoặc đẩy chúng vào trong hoạt động chui, không có nghĩa vì thế mà những sự lưu thông thế giới này biến mất. Chúng ta hãy cùng trở ngược thời gian một lần cuối và lặp lại điều hiển nhiên này : Việt Nam, Triều Tiên và cả Nhật từ lâu thuộc về một nền văn minh Viễn Đông có đế quốc Trung Hoa làm trục. Trong nhiều thế kỷ, các đường bộ và đường biển đã cho lưu thông đến hoặc đi từ Trung Quốc một thế giới những viên chức hành chính, quan lại, các nhà sư, nghệ sĩ và thông qua họ, các tư tưởng. Ngay cả khi Việt Nam và Triều Tiên chống lại những tham vọng đế quốc của láng giềng khổng lồ phương Bắc, thì họ cũng mượn ở nước này, tương tự như người Gaulois mượn của người La Mã, những mô hình chính trị, xã hội, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa.

Giống như chữ Latinh mãi là lingua franca (ngôn ngữ chung) trong các triều đại nhà nước Châu Âu sau La Mã cổ đại và trong Giáo hội Công Giáo, chữ tượng ý Trung Quốc tiếp tục được dùng làm phương tiện giao tiếp trong thế giới Á Đông. Người Việt Nam và Triều Tiên cuồng nhiệt học để thi làm quan phải nắm vững chữ Hán, bên cạnh hệ thống chữ viết của riêng họ. Nhiều sách vở lưu hành ở Châu Á (5). Khi văn sĩ Việt Nam lỗi lạc Lê Quý Đôn (1726-1784) đi công du đến Trung Quốc vào thế kỷ thứ 18, ông có thể trao đổi với đồng cấp Châu Á của mình nhờ hai bên đều biết chữ Hán. Sự giao tiếp được thiết lập khá dễ dàng nhờ việc "đối thoại bút đàm"(6).

Tuy nhiên một bước ngoặt to lớn diễn ra vào cuối thế kỷ 19. Nó ảnh hưởng đến quỹ đạo Trung Quốc của thế giới Viễn Đông vào ngay thời điểm người Pháp định cư ở Đông Dương. Nhờ vào sự hiện đại hóa nhanh chóng, tránh khỏi mọi sự thuộc địa hóa trực tiếp của Âu Mỹ, nước Nhật của Minh Trị (1868-1912) tìm cách nắm lấy vị trí của gã khổng lồ Trung Quốc, rõ ràng đã bị suy yếu. Bằng việc này, nó chuyển mình không chỉ thành một nhà nước được lãnh đạo bởi nền quân chủ lập hiến, mà còn thành nước đế quốc, ngang hàng với các nước Âu Mỹ, cùng với các nước này lao vào tấn công Trung Quốc và các nước phiên thuộc. Vào bình minh thế kỷ 20, Minh Trị đã đánh bại nhà Thanh ở Triều Tiên và đô hộ Đài Loan. Hơn nữa, nước Nhật của Minh Trị đã trở thành chủ nhà của nhiều tổ chức chính thức và không chính thức, các nhà xuất bản và các định chế chiếm ưu thế tâm điểm ở Á Đông, xung quanh trục của nó trên nền tảng những quan hệ văn hóa và nguồn gốc chung (7). Chiến thắng của Nhật chống lại đế chế Nga năm 1905 khẳng định uy quyền của Nhật, đẩy Trung Quốc ra xa hơn nữa khỏi trọng tâm của Đông Á.

Người Việt Nam đã hoàn toàn được thông tin về việc này và vui mừng rằng Nhật đã trở thành một trung tâm thế giới mới của Á Đông. Tuy nước Pháp đã chia cắt và chinh phục toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ năm 1885 và sáp nhập nó vào một nhà nước thuộc địa mới Đông Dương năm 1887, người Pháp không thể nhanh chóng khai trừ giới tinh hoa Việt Nam khỏi mạng lưới Châu Á mà giới này đã giao du từ nhiều thế kỷ. Một mặt, họ không có đủ quân đội tại chỗ, lẫn đủ khả năng kỹ thuật để theo dõi và kiểm soát làn sóng liên tục những trao đổi mà hơn nữa họ không rành. Cho đến khi tổ chức tình báo đáng gờm của Sở Liêm phóng ra đời năm 1917, hàng trăm người Việt thuộc giới tinh hoa của đất nước đã lên tàu trong Nam ở Sài Gòn và ngoài Bắc ở Hải Phòng để đi đến các cảng Trung Quốc như Quảng Châu và Thượng Hải, và nhất là đến Tokyo và Yokohama (8).

Mặt khác, người Pháp không có đủ quan chức hành chính có tài để khỏi dùng quan lại Việt Nam. Chỉ có một số nhỏ viên chức thuộc địa có thể nói tiếng Việt. Và người nắm vững chữ Hán còn ít hơn nữa. Chữ Hán thời kỳ đó vẫn là ngôn ngữ hành chính. Thay vì trừ tận gốc Nhà nước và các tổ chức dân sự có sẵn từ trước, người Pháp để vào đó một triều đình hầu như bị tước mọi quyền lực, đồng thời nắm lấy chế độ hành chính địa phương để cai trị gián tiếp bằng cách dựa vào các quan chức (9). Điều này không ngờ làm tăng cường mối liên kết mà giới tinh hoa Việt Nam vun đắp với văn minh Đông Á sẵn có, vì như thế việc sử dụng chữ Hán được thấy sẽ còn bền lâu. Chính quyền thuộc địa đồng thời phát triển việc dùng trong hành chính tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Không vì thế mà tiếng Pháp lẫn chữ quốc ngữ có thể nhanh chóng làm mất ưu thế việc sử dụng lâu đời của chữ Hán trong quản lý hành chính, tri thức, văn hóa và tôn giáo của đất nước. Người Pháp giữ lại hệ thống khoa cử trong chế độ bảo hộ An Nam (miền Trung)- Bắc Bộ đến năm 1919, chính họ củng cố mối quan hệ xưa với thế giới Châu Á.

Bằng cách ngừng việc triều cống của triều đình Việt Nam cho triều đình Bắc Kinh, người Pháp tước đi của triều đình việc tiếp cận tự do với sách vở, thông tin và khuôn mẫu tư tưởng Trung Quốc. Nhưng đồng thời họ cung cấp một con đường tiếp cận thay thế, bằng cách tăng nhanh việc nhập cư người Trung Quốc vào các thành phố cảng Việt Nam nhằm củng cố nhà nước thuộc địa mới của họ. Nhiều người Trung Quốc sống ở Đông Dương và những nơi khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã là những độc giả của sách mới (tân thư) và báo mới (tân văn). Hơn nữa họ là những người biết nhiều thứ tiếng, thường có giáo dục cao và cởi mở với những tư tưởng cải cách, quốc gia, chống nhà Thanh và cộng hòa. Các sách vở đến từ xã hội Tây Dương được dịch sẵn và bày bán trong các nhà sách Trung Quốc hải ngoại, chủ yếu ở Hải Phòng, Hà Nội và Sài Gòn-Chợ Lớn. Một vài quan lại Việt Nam có thể nói tiếng Hoa; một số có cha mẹ là người Hoa-Việt. Nhưng ngay cả nếu họ không nói tiếng Hoa, họ dễ dàng đặt mua sách họ muốn bằng cách ghi những tựa sách bằng chữ Hán. Một viên chức Pháp thời kỳ đó báo cáo như sau (10): "Phần lớn người Hoa sống ở Đông Dương có thiện cảm với Quốc Dân Đảng [Trung Quốc của Tôn Dật Tiên], và một phần là nhờ từ những báo chí mà họ nhận được, như từ những bình luận và các cuộc nói chuyện của họ, họ góp phần truyền bá những tư tưởng mới trong dân chúng An Nam". Những con thuyền Trung Quốc chuyên chở sách báo từ cảng này sang cảng khác, việc như thế này đã từng diễn ra từ hàng thế kỷ. "Nhờ vào sự hiểu biết của họ về chữ viết, các nhà nho [Việt Nam] sao chép những bài báo họ quan tâm. Chúng sau đó được giấu dưới áo dài và được đưa lậu vào các làng xa xôi nhất (11)."

Phải đợi đến những năm 1920 để thấy một thế hệ mới những người Việt Nam thực sự thông thạo tiếng Pháp và chữ quốc ngữ tốt nghiệp trường thuộc địa ở Việt Nam. Điều này giải thích tại sao những ghi chép của các cha đẻ chủ nghĩa cộng hòa, Montesquieu và Rousseau chẳng hạn, đã không trực tiếp vào qua việc đọc những văn bản gốc bằng tiếng Pháp, nhưng qua trung gian những bản dịch tiếng Hoa, những mạng lưới châu Á và các thư tín trao đổi "bút đàm" với những trí thức và chính trị gia Nhật và Trung Quốc. Chính như thế mà hai nhà yêu nước lỗi lạc Việt Nam Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đã khám phá những tư tưởng Tây Dương trong các cảng châu Á ở Tokyo hay Quảng Châu, dĩ nhiên không phải ở Paris hay New York.

Người Pháp không dễ bị lừa. Chính quyền thuộc địa nhận thấy cả một thế giới Viễn Đông lưu truyền ở Đông Dương. Và nó giữ một sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với những tinh hoa Việt Nam, là những người chính quyền thuộc địa muốn cai trị. Một thành viên trường Viễn Đông Bác Cổ năm 1910 đã thuật lại như sau "tác phẩm của Khang Hữu Vi tiếp tục rất được mến mộ và lưu hành ở thuộc địa, bất chấp việc cấm đoán đánh vào tất cả các sách vở Trung Quốc, bất kỳ nó là thứ sách vở nào (12)". Nếu toàn quyền Paul Beau khởi đầu chương trình cải cách năm 1905, chính là nhằm chống lại sức hút của chủ nghĩa cải cách Đông Á tác động lên các tinh hoa quan lại. Trong những năm 1905-1908, có nhiều thanh niên Việt Nam theo học trong các trường và đại học Nhật (tổng cộng là hai trăm) hơn số các sinh viên Việt Nam ở Pháp. Vì vậy không ngạc nhiên khi người Nhật đã truyền đạt cho người Việt Nam những sơ đồ mà họ dùng để diễn đạt chính xác trong ngôn ngữ tương ứng của mình, nhờ những thuật ngữ mới, tức những khái niệm "cách mạng", "công dân", "cộng hòa" và "quốc gia". Ngay cả nếu việc Nhật Bản trở thành tâm điểm trong thế giới Á Đông là mới, thì việc thực hiện Đông Du như cách người Việt Nam gọi không phải là chuyện chưa từng có (13). Cũng vậy, lịch sử các khởi đầu của chủ nghĩa cộng hòa, chủ nghĩa cải cách hay chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam không thể được xem xét mà không vẽ lại những liên hệ rộng lớn hơn. Giờ đến lúc mở cánh cửa thứ hai của chúng ta, tức nền Cộng hòa thuộc địa Pháp ở Việt Nam, nó đã đan xen vào những trao đổi toàn cầu rộng lớn hơn ở Châu Á và ở Việt Nam.


Quan hệ thuộc địa

Việc tư tưởng phương Tây thu hút người Việt thì không có gì đáng ngạc nhiên. Đầu thế kỷ, có hơn một người làm quan đã tự hỏi phải chăng chế độ quân chủ đã hoàn tất thời kỳ của nó. Từ lâu trước khi có người Pháp đến, chính triều đình Huế đã huy động một nòng cốt các cố vấn để suy nghĩ việc cải tổ cần thiết. Các nhà nho này tiếp tục suy nghĩ và tự vấn sau khi Việt Nam bị đô hộ và triều đình bị áp đặt chế độ bảo hộ. Một số quan lại sẵn sàng làm việc với người Pháp, thậm chí dùng những người này, khi mà Việt Nam có thể hưởng lợi từ đó. Những người nghi ngờ khả năng hiện đại hóa đất nước của vua thì đặc biệt nhạy cảm với những tư tưởng rất kêu của nền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp : họ tin rằng "sứ mệnh khai hóa" tạo thuận lợi cho việc truyền bá tư tưởng cộng hòa cao thượng và việc phát triển kinh tế.

Đầu thế kỷ, một nhóm quan lại theo chủ nghĩa cải cách mở một loạt các trường học tự do và hiện đại, mà một lần nữa, một vài trong số các trường đó đã có từ trước rồi. Phong trào này đạt đỉnh cao vào năm 1907 với việc thành lập ngôi trường miễn phí nổi tiếng ở Bắc Kỳ tức trường Đông Kinh Nghĩa Thục và được cả một tầng lớp trí thức mới tây học tham gia (14). Về nguồn gốc, việc lập các trường bản địa này gắn với những khởi xướng của Việt Nam; nó nhằm đào đạo theo kiến thức và phương pháp hiện đại một thế hệ mới các tinh hoa, lần đầu tiên bao gồm cả phụ nữ trong hàng ngũ này. Các lớp học dạy bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ quốc ngữ, nhưng cũng dạy toán, vật lý và địa lý. Làm sao người Pháp lại có thể lên án những khởi xướng tân thời như vầy (ngay cả nếu những người Việt khởi xướng đã lấy kiểu mẫu dựa trên kinh nghiệm Nhật của các trường công nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi để lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục (15)), khi mà nó cho ra lò những trí thức tinh hoa sẵn lòng hợp tác với nước Pháp để thúc đẩy sự thay đổi mà dưới mắt họ các vua nhà Nguyễn đã thất bại? Đó chính là câu hỏi mà vị nho sĩ nổi tiếng Phan Châu Trinh đã dám đặt ra cho những người thực dân cộng hòa.


Phan Châu Trinh, người cộng hòa đầu tiên của Việt Nam?

Phan Châu Trinh (1872-1926) sinh trong thời nhà Nguyễn, tới tuổi trưởng thành ở thời kỳ nước Pháp hoàn thành việc chinh phục nước ông bằng vũ lực (16). Ông học chữ Hán và không ngừng chuyên tâm để thi làm quan. Ông thi đậu năm 1901. Tuy nhiên năm 1904, ông từ chức Thừa biện Bộ Lễ. Giống như những người Trung Quốc Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi mà ông biết rõ những ghi chép của họ, ông lấy làm tiếc triều đình Việt Nam đã thất bại trong việc thiết lập cải cách và hiện đại hóa đất nước. Theo dõi sát sao những sự kiện Châu Á và thế giới, ông ngấu nghiến đọc các "tân thư" được dịch ra chữ Hán. Ông bị tác phẩm của Rousseau quyến rũ và bị những tư tưởng của Montesquieu kích thích. Hứng thú với những khám phá này, ông trở thành người cộng hòa cuồng nhiệt, gắn bó với các khái niệm về quyền cá nhân, về chính phủ đại diện và về tự do biểu đạt. Ông cũng tỏ ra là người chống nền quân chủ Việt Nam kịch liệt nhất.

Phan Châu Trinh tiếp xúc với các tư tưởng Tây Dương qua ngả các quan hệ Đông Á được nói đến ở trên. Năm 1906, cùng với người đồng hương nổi tiếng của mình là Phan Bội Châu, ông thực hiện chuyến đi đến Trung Quốc và đến Nhật. Ông gặp những nhà cải cách Trung Quốc như Lương Khải Siêu cũng như nhiều trí thức và các quan chức Nhật. Họ đã được đi thăm các xí nghiệp công nghiệp hiện đại, các trường công và các viện quân sự. Họ nồng nhiệt tán dương các cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi. Họ khuyến khích thanh niên Việt Nam vào con đường học tập và nghĩ đến việc gởi những sinh viên này đến Nhật để họ có thể theo đuổi sự đào tạo trong khuôn khổ chương trình Đông Du. Cả hai người họ Phan đều xem việc đưa giáo dục Tây phương "theo kiểu Minh Trị" vào là cần thiết cho công cuộc chấn hưng đất nước mình. Họ than rằng người Pháp sẽ khó chịu với sự thay đổi như vậy. Ngược lại, những dự kiến về việc giải phóng quốc gia của họ thì khác nhau xa. Phan Châu Trinh không có cùng ý tưởng với đồng hương của mình là muốn nhờ đến trợ giúp quân sự của Nhật nhằm đạt được độc lập cho Việt Nam. Ông cũng không tin vào diễn ngôn của người Nhật về sự đoàn kết Châu Á. Sau cùng, ông căm ghét bạo lực.

Về phần mình, Phan Châu Trinh chọn hợp tác với những người Pháp cộng hòa ở Đông Dương thuộc địa trong viễn cảnh tái lập lại hòa bình cho Việt Nam. Ông coi phương tiện tốt nhất để thực hiện thành công những cải cách mà nhà Nguyễn đã làm không đến nơi đến chốn là thiết lập liên minh với chính quyền thuộc địa cộng hòa để xúc tiến một dự kiến thật Việt Nam. Ông phân tích, bằng cách chinh phục Việt Nam, người Pháp đã thay đổi tương quan sức mạnh. Tương quan này trở nên bất lợi cho triều đình. Hiện tình này không nhất thiết là tiêu cực, theo ông, trở ngại chính cho việc thay đổi là ngai vàng chứ không phải là sự mất độc lập. Hơn nữa, ông cho rằng nước Pháp biếu tặng một kiểu mẫu cải tổ hứa hẹn hơn tấm gương của Nhật Bản. Những người theo chủ nghĩa quốc gia của Minh Trị đúng là có lật đổ Shogun, nhưng họ cũng làm sống lại hình tượng hoàng đế và đã trang bị cho ông ta quyền lực mà Trinh cho là phản tiến bộ. Trái lại, những người Pháp cộng hòa rốt cục đã bãi bỏ nền quân chủ của họ và nuôi dưỡng những tình cảm chống quân chủ rất mạnh, là điều ông lấy làm vui mừng. Ôm ấp những tư tưởng cộng hòa, ông chân thành tin tưởng nền "Cộng hòa thuộc địa" có thể, và thậm chí phải giúp người Việt phát triển những khái niệm như thế nhờ vào một chính sách hợp tác.

Thay vì thông qua mạng lưới Viễn Đông, Phan Châu Trinh kể từ nay, bằng kênh thuộc địa, tiếp cận trực tiếp nguồn của chủ nghĩa cộng hòa. Nếu các người Trung Quốc Lương Khải Siêu và Tôn Dật Tiên đã không tiếc cho ông những lời khuyên giá trị nhân dịp họ gặp nhau ở Nhật (17), Phan Châu Trinh cũng nợ hai người bạn trẻ Pháp ở Hà Nội, nhà báo Ernest Babut và đại úy Jules Roux việc dấn thân cộng hòa của ông. Cả hai người này thuộc Hội nhân quyền khu vực Hà Nội, thành lập năm 1903. Chuyên ngành luật, Jules Roux nói rất giỏi tiếng Việt, ông khuyên nên phát triển quốc ngữ và nền giáo dục hiện đại ở Đông Dương, như thế đáp ứng nguyện vọng của Trinh và những người khác. Năm 1905, Ernest Babut cho ra đời ở Hà Nội tờ báo đầu tiên hoàn toàn viết bằng chữ quốc ngữ, tờ Đại Việt Tân Báo, trong đó đăng những bài viết đầu tiên của Phan Châu Trinh bằng chữ quốc ngữ và thường kèm theo một bản dịch tiếng Pháp. Thành viên của Đảng xã hội, Babut cũng là thành viên hội Tam Điểm. Phan Châu Trinh bản thân cũng trở nên thành viên Hội nhân quyền và có lẽ là người hội Tam Điểm nữa. Ngay cả nếu những người hội Tam Điểm và những người xã hội Pháp không lý luận trên quan điểm phi thực dân hóa đi nữa (và Phan Châu Trinh cũng không yêu cầu điều này), thì các tổ chức này cũng đấu tranh ủng hộ cải tổ thuộc địa, ủng hộ mở rộng các hội đồng đại diện bản địa. Họ tin chắc vào sứ mệnh khai hóa của nước Pháp cũng là nền tảng của sự vận động này. Những người Pháp cộng hòa này, rất chống chế độ quân chủ, và những hội mà họ trực thuộc ở Đông Dương thì góp phần truyền bá tư tưởng cộng hòa đến giới tinh hoa Việt Nam (18).

Phan Châu Trinh có sự độc nhất này mà ông muốn dùng một cách hữu ích, tức sự hội tụ giữa tình bằng hữu với người Pháp và dấu ấn cộng hòa của những người thực dân, để xúc tiến các cải cách theo thể thức Việt Nam. Điều này bao gồm, nhắc lại là, việc đưa tự do báo chí, kiến thức phương Tây và một hệ thống giáo dục công vào, tạo thuận lợi cho sự truyền bá tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, phát triển công nghiệp và thương mại, và tạo ra các hình thức chính quyền đại diện. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản khao khát một chủ nghĩa cải cách thuộc địa, Phan Châu Trinh khao khát nhiều hơn nữa. Tuy không thể hiện ra, ông muốn dựa vào những người Pháp cộng hòa và chủ nghĩa cải cách thuộc địa để hoàn tất một cuộc cách mạng Việt Nam thực thụ. Mục đích cuối cùng của ông là gì? Là lật đổ chế độ quân chủ với sự ủng hộ của Đệ Tam Cộng Hòa. Trong hồi ký của mình, Phan Bội Châu đã viết rằng suốt cuộc hành trình chung đến Trung Quốc và Nhật năm 1906, họ không ngừng thảo luận về việc phải ưu tiên điều gì. Hai ngã phải chọn như sau : dựa vào người Pháp để cải tổ xã hội và dân chủ hóa đất nước hoặc khởi đầu bằng việc "đuổi những người ngoại quốc" để sau đó xây dựng một nền cộng hòa mới. Đối với Phan Châu Trinh, sự lựa chọn là rõ ràng : nhà vua phải ra đi, điều kiện sine qua non (tiên quyết) cho việc dân chủ hóa chế độ. Nếu người Pháp có thể giúp sức cho ông thực hiện ý đồ này, ông sẽ không hề do dự.

Phan Bội Châu viết : "Hai chúng tôi gặp nhau ở Quảng Đông hơn mười ngày. Mỗi ngày, khi chúng tôi cùng nhau bàn việc nước, [Phan Châu Trinh] cay đắng trách sự hành xử kém cỏi của các vua, kẻ thù của nhân dân. Ông nghiến răng khi nói về vua đương thời, là người chỉ đem lại tai họa cho đất nước và bất hạnh cho nhân dân; đến độ nếu chế độ quân chủ chuyên chế không bị bãi bỏ, thì việc đơn thuần khôi phục lại độc lập cho đất nước sẽ không mang lại hạnh phúc gì.(19)"

Như vậy, sự hợp tác của Phan Châu Trinh với người Pháp dựa trên mong muốn của ông nhằm kết thúc chế độ quân chủ và tạo ra một nền cộng hòa Việt Nam bên trong Đông Dương thuộc địa. Giống Tôn Dật Tiên, Phan Bội Châu tiến hành thành lập năm 1912 một nền cộng hòa chống thuộc địa bên ngoài đất nước, ở cảng Quảng Châu, với hy vọng những người cộng hòa Trung Quốc sẽ giúp ông đưa nó về Việt Nam, một khi ông dẹp được người Pháp. Ngoài sự khác biệt của họ, cả hai người này đều chia sẻ cùng một lý tưởng cộng hòa.


Lời "J'accuse !" (tố cáo) thuộc địa của Phan Châu Trinh

Thay vì tìm cách tập hợp các quan lại theo xu hướng cải cách hoặc khuyến khích một chủ nghĩa quốc gia hợp lòng dân chống lại người Pháp, Phan Châu Trinh quyết tâm khơi dậy ý thức cộng hòa của những người Pháp lãnh đạo thuộc địa. Để thu hút sự chú ý của họ, phải miêu tả quan trường bảo hoàng dưới những nét tồi tệ nhất và lấy làm đau xót về những sự tàn bạo hàng ngày làm hại đến dân thường Việt Nam. Nhất là phải ủng hộ chính quyền thuộc địa và thúc giục họ phát triển một chính sách bản địa thực sự xây dựng trên những tư tưởng cộng hòa của họ. Phan Châu Trinh khởi sự công việc này đầu năm 1907, khi ông xuất bản thành công thư ngỏ gửi toàn quyền Paul Beau trong Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (20). Trong tài liệu cuốn hút này, ông giải thích với Paul Beau rằng trong nước, ông đã đi từ nam chí bắc và điều ông thấy thật đau lòng : người Việt Nam thụt lùi về tình trạng man rợ, thậm chí tệ hơn, một dân tộc bị đe dọa tuyệt chủng. Ông nói tiếp, trước sự đau khổ cùng cực này, ông không còn sự lựa chọn nào khác là báo trước cho chính quyền thuộc địa và cho biết cần phải tiến hành cải cách ngay lập tức.

Chế độ quân chủ tha hóa và chuyên chế, tầng lớp quan lại cai quản nông thôn theo ý mình mà không hề bị trừng phạt, theo ông đó chính là nguyên nhân gây ra nỗi thống khổ cho nhân dân. Bằng cách phá vỡ những nấc bên trên của nền quân chủ, và bằng cách duy trì quản lý quan lại ở cấp địa phương, người Pháp, ông nhấn mạnh, đã xóa bỏ mọi khả năng kiểm soát chế tài đối với những người thường xuyên biến chất. Kể từ nay họ tự do làm giàu và bóc lột nhân dân theo ý mình. Dĩ nhiên, ông nhân nhượng nói, chế độ bảo hộ đã gởi những công sứ Pháp đến để giữ họ theo đường ngay nẻo chính. Tuy nhiên, trên thực tế, những quan lại này hành xử tùy ý họ. Còn về nhà vua, tình cảnh này đã hết thuốc chữa. Không biết tiếng Việt cũng như phong tục và tập quán của dân chúng, những công sứ Pháp không được thông tin đầy đủ những gì đã xảy ra, hoặc không muốn can thiệp vì rằng sưu thuế đã được thu và sự lao dịch đã chấm dứt.

Hơn nữa, Trinh nói tiếp, sự tàn bạo và thiếu quan tâm của người Pháp đối với nông dân bị bắt làm việc nặng nhọc (nhiều người trong số họ bị đánh đến chết) phản ánh tồi những tư tưởng cộng hòa cao thượng và chủ nghĩa nhân bản thuộc địa được giảng dạy. Những lời chửi rủa và hành động hung bạo với người bản địa nhiều vô kể. Thường thường, những đại diện thuộc địa đi tận đến việc sỉ nhục các quan thanh liêm theo kiểu ngăn cản họ thuật lại những sự lạm dụng hoặc ngăn họ đưa ra các giải pháp. Đồng thời, những quan lại biến chất bóc lột nhân dân thì được coi trọng. Phan Châu Trinh cảnh báo toàn quyền : ở nông thôn, tình cảnh rất tồi tệ.  Bằng việc tin dùng những người như vậy để thu thuế nặng nề và lao dịch, người Pháp có trách nhiệm về những khốn khổ và sự căm ghét "chồng chất" ở nước này.

Phan Châu Trinh nói thẳng thừng không kiêng dè. Chưa có nhân vật tinh hoa Việt Nam nào đã nói kiểu ấy với những người đô hộ. Phan Châu Trinh viết cho Paul Beau vì ông không có bất kỳ phương tiện nào khác để làm cho tiếng nói của mình hay của dân tộc được lắng nghe. Không có nghị viện thuộc địa được mở cho người dân thuộc địa. Việc ông chống quân chủ mãnh liệt đã cắt ông khỏi những tiếp xúc với triều đình Huế. Hơn một viên quan đã ra giá cho thủ cấp của ông! Phan Châu Trinh đã tuyên bố hành động vì ông biết rằng Paul Beau chuẩn bị một chương trình cải cách theo trục chính sách kết hợp. Nếu ông có ngưỡng mộ mong muốn của toàn quyền nhằm thực hiện những lời hứa cộng hòa về cải cách, thì ông lại không công nhận ý kiến nói rằng có "sự kết hợp". Việc kéo dài quản lý gián tiếp có thể dẫn đến hậu quả là các quan lại bị căm ghét cứ được để yên ở vị trí quyền lực tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam, ông phẫn nộ :

"Và các ông còn muốn tăng thêm quyền cho những người này bằng cách giao cho họ thực hiện các cải cách mà chúng tôi trông chờ việc thoát khỏi họ! Vậy các ông không biết rằng những cải cách này, nếu không để đúc ra tiền thì họ quyết sẽ không bao giờ áp dụng chúng sao (21)?"

Hình ảnh nhà trí thức Việt Nam Phan Châu Trinh (1872-1926) ở Pháp, không đề ngày
(Viện lưu trữ quốc gia hải ngoại, Aix-en-Provence, 15/SLOTFOM/2)

Xuất thân là một nhà nho, theo kinh nghiệm Phan Châu Trinh biết không phải các quan đều tồi, và đều chống đối sự tân tiến, đều trung quân cả. Chính ông đã hợp tác với các quan theo chủ nghĩa cải lương, những người lãnh đạo trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nếu ông tô đậm nét trong bức thư ngỏ nổi tiếng gửi Beau, chính vì mục đích của ông không phải để vẽ ra một bức tranh khách quan về chế độ quân chủ, nhưng để khiến người Pháp hành động, thúc bách họ trong sự tin chắc của mình. Ông thử thuyết phục Paul Beau là chính sách bản địa phải mở rộng các quyền căn bản và nhân quyền cho dân thuộc địa, cho nhân dân Việt Nam, lập các thiết chế đại diện nằm ngoài hệ thống quân chủ, "công nhận quyền ngẩng cao đầu bày tỏ quan điểm của các nhân sĩ và nho sĩ của chúng tôi", "chấm dứt sự tùy tiện của các quan lại" và cho phép xuất bản báo chí bản địa "để khai sáng dân chúng"(22). Sự hợp tác mà Phan Châu Trinh đề đạt là cách mạng theo nghĩa ông quyết tâm đánh đổ một nền quân chủ xưa cũ trải dài nhiều thế kỷ và khuyến khích một sự biến đổi triệt để hệ thống chính trị xã hội Việt Nam. Chính vì lý do này, ông khẳng định, ở phần cuối, rằng "Nỗi sợ duy nhất của người An Nam là thấy nước Pháp bỏ mặc An Nam tự mình xoay xở".

Liên minh và nền cộng hòa thuộc địa mà Phan Châu Trinh hình dung thể hiện nhiều mâu thuẫn. Đầu tiên, ông ngây thơ khi tin rằng cộng đồng thực dân Pháp sẽ bình chân như vại nếu người Việt áp đặt các thiết chế đại diện cùng với các lãnh đạo thuộc địa. Ông cũng hiểu lầm về sự cam kết cộng hòa của bộ trưởng Thuộc địa. Paul Beau và những người kế nhiệm ông không bao giờ có ý định bãi bỏ nền quân chủ và quan lại để tạo thuận lợi cho một chính quyền trực tiếp, và cho một nền Cộng hòa Việt Nam thì còn ít hơn, thậm chí chỉ là một nền cộng hòa thuộc địa. Cộng hòa hay không, viên toàn quyền có trách nhiệm tối cao trong việc duy trì quyền lực của Pháp ở một nước thuộc địa, là một nhà nước vẫn còn phi dân chủ, độc tài và có thể là quân chủ.

Khi những nông dân tuyệt vọng nổi dậy ở miền Trung Việt Nam tháng hai năm 1908 để phản đối sưu thuế và lao dịch quá nặng (như Phan Châu Trinh đã báo trước), chính quyền thuộc địa đã đàn áp tàn bạo những phong trào phản kháng. Nỗi sợ đám đông đã khiến thực dân Pháp chống đối gay gắt chủ nghĩa cộng hòa thuộc địa. Không bất ngờ, họ xem Phan Châu Trinh và bạn ông Ernest Babut là những người chống Pháp. Một ủy ban hình sự đặc biệt, do toàn quyền lập ra, kết tội tử hình mười ba người Việt Nam. Nhiều án tù lâu năm khác cũng được tuyên mà không có hình thức xét xử gì khác. Phan Châu Trinh, người cộng tác bản xứ chân thành nhất của Đệ Tam Cộng Hòa ở Đông Dương và là người cộng hòa đầu tiên của Việt Nam bị tù khổ sai ở nhà tù Côn Đảo (Poulo Condor). Được toàn quyền ủng hộ tuy không phải không có do dự, tòa án Việt Nam thành công đày ông đi biệt xứ, trong sự thở phào nhẹ nhõm nhất của những người thực dân. Phan Châu Trinh còn ở trong "nhà ngục thuộc địa" đến năm 1911, năm mà ông được đưa sang Pháp nhờ vào sự ủng hộ của các bạn ông ở Hội nhân quyền. Lưu vong, ông tiếp tục đề đạt nền dân chủ thuộc địa.

Ngọn lửa cộng hòa trở về chính quốc

Khía cạnh thuộc địa của chủ nghĩa cộng hòa Việt Nam không đi theo một chiều duy nhất (22). Có gì đó đã bị làm hỏng ở Đông Dương, đến nỗi tại Quốc hội Pháp ở Paris các nghị sĩ lỗi lạc bắt đầu nhận thấy. Ngạc nhiên bởi cường độ các cuộc nổi dậy ở Việt Nam năm 1908 và bối rối bởi sự hà khắc của những cuộc đàn áp được thực hiện để chấm dứt chúng, các lãnh đạo cộng hòa chính quốc mở một cuộc tranh luận về vấn đề thuộc địa sẽ phải kéo dài gần ba năm. Lần đầu tiên, các nghị sĩ hàng đầu và các chuyên gia về thuộc địa nhận thức được là họ không thể bằng lòng với việc chiếm thuộc địa, khai thác và trừng phạt. Người Pháp đã tạo ra ở Đông Dương một tổ chức tập trung và phát triển việc khai thác tài chính và kinh tế của thuộc địa, với cái giá là những hy sinh to lớn gây ra cho người dân thuộc địa. Bốn thập kỷ sau khi chiếm Nam Kỳ, các sự kiện năm 1908 chứng tỏ cho chính quyền Paris rằng sự hiện diện của người Pháp vẫn còn không chính danh đối với quần chúng nông dân, cũng như phần lớn các người giới tinh hoa.

Tại sao các lãnh đạo chính quốc chú ý đến những sự kiện ở Đông Dương vào thời điểm đó? Tính chất bạo lực của việc đàn áp của Pháp năm 1908 cấu thành lý do đầu tiên. Việc làm của các ủy ban đặc biệt, việc lạm dụng các bản án, việc bắt giữ hàng loạt, các cuộc hành hình, cũng như một loạt những vi phạm quyền con người, gây sốc cho hơn một lương tâm cộng hòa. Hệ tư tưởng cũng phải được tính đến nữa. Vụ án Dreyfus và sự đang lên của chủ nghĩa xã hội Pháp do Jean Jaurès kích động, cũng như sự lên ngôi của báo chí dấn thân và các phương tiện truyền thông hiện đại hơn, đã tăng thêm sự cắn rứt cho chủ nghĩa cộng hòa. Bực tức vì các biện pháp đàn áp được sử dụng, đại biểu quốc hội đảng xã hội Francis de Pressensé, là nhà báo và phó chủ tịch Hội nhân quyền, chất vấn công khai làm sao Cộng hòa Pháp có thể sử dụng những hình thức ngoài vòng pháp luật như thế, việc hành hình người Việt Nam chẳng hạn, mà vẫn yên tâm ở nhà trung thành với những nguyên tắc của mình. Người Việt Nam có là dân thuộc địa đi chăng nữa, thì không vì thế mà họ không là con người, ông nhấn mạnh, cũng như các nghị sĩ khác. Năm 1909, ông cho thông qua một nghị quyết kêu gọi Hội nhân quyền Đông Dương cam đoan với người Việt Nam rằng Bản tuyên ngôn nhân quyền có thể áp dụng cho mọi con người không có ngoại lệ. Các đại biểu quốc hội khác lên án việc vòi tiền ở thuộc địa. Maurice Viollette, người nổi tiếng tán thành cải cách thuộc địa, năm 1908 tuyên bố rằng người Pháp không thể tự phụ cho mình là một "chủng tộc thượng đẳng" khi họ phạm những vụ việc cưỡng hiếp không bị trừng phạt, những hành vi giết người và những bạo hành thái quá như thế ở Đông Dương. Nhiều nghị sĩ cũng phê phán thuế cao, hệ thống áp bức độc đoán và việc cưỡng bức lao động, bị cho là không xứng với phẩm giá của nền Cộng hòa. Từ 1908 đến 1911, trong các cuộc tranh luận nghị viện, nhiều người đã đồng ý với Phan Châu Trinh : người Pháp phải và có thể phát triển một hình thức thuộc địa khai hóa ở Đông Dương. Tính chính đáng của dự án thuộc địa phụ thuộc vào việc này (23).

Như thế trong khoảng 1908 và 1911, Đông Dương nằm ở tâm của cuộc khủng hoảng nhận thức cộng hòa Pháp rộng lớn hơn. Tầng lớp chính trị Pháp được dẫn dắt đến việc tự chất vấn về tính phổ quát của các giá trị cộng hòa của họ. Những sự hoài nghi này đưa đến việc bổ nhiệm Albert Sarraut vào ghế toàn quyền Đông Dương : người ta cho ông nhiệm kỳ để tiến hành thành công các cải cách rộng lớn. Sinh năm 1872, Albert Sarraut xuất thân từ một gia đình cộng hòa có thế lực, họ sở hữu một tờ báo lớn. Cha ông, thành viên hội tam điểm, là người ủng hộ nền cộng hòa từ những ngày đầu. Thành viên của Đảng xã hội cấp tiến, Sarraut có sự thăng tiến chính trị nhanh chóng. Là người dấn thân ủng hộ Dreyfus, ông đã bầu thuận cho luật tách Nhà thờ khỏi Nhà nước năm 1905. Bị sốc bởi những sự kiện ở Đông Dương năm 1908, bộ trưởng bộ thuộc địa Alphonse Messimy và bản thân ông muốn tạo lập một sự thay đổi rõ rệt (24).

Giống nhiều người xã hội cấp tiến cùng thời, Albert Sarraut tin chắc vào sự ưu việt của các giá trị cộng hòa và vào sứ mệnh thuộc địa. Ông cho rằng chủ nghĩa thuộc địa Pháp khác với những hình thức thuộc địa khác, trong quá khứ hay hiện tại, ở tính nhân bản của nó. Nhưng ông cũng muốn, giống như các cấp trên của mình trong nội các ở Paris, duy trì sự thống trị của Pháp ở Đông Dương. Tuy vậy, thời điểm không thuận lợi lắm : chuyến đi đến Đông Dương của ông trùng với sự gia tăng các cuộc nổi dậy ở Việt Nam, nhưng cũng trùng với sự bành trướng của Đế quốc Nhật ở Triều Tiên và với sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc. Sarraut biết rằng Phan Bội Châu tích cực tìm kiếm để chắc chắn có được ủng hộ của Trung Quốc. Ông cũng không phải không biết các quan Việt Nam tiếp tục yêu chuộng chủ nghĩa cải cách và chủ nghĩa cộng hòa lấy cảm hứng từ các khuôn mẫu Viễn Đông.

Ông cũng e ngại chiến tranh ở Châu Âu sẽ kéo theo sự sụp đổ ngôi nhà Pháp ở Đông Dương, dẫn đến việc đổi chủ có lợi cho người Đức, tình huống mà Phan Bội Châu kêu gọi theo mong đợi của ông. Ông này hi vọng rằng xung đột Pháp-Đức sẽ thay đổi tương quan sức mạnh hiện tại đủ để ông có thể thành lập nền Cộng hòa Việt Nam, được giải phóng khỏi người Pháp. Khiến thực dân rất ngạc nhiên, thậm chí vị vua "được bảo hộ" hóa ra là người chống thực dân! Năm 1916, vị vua trẻ Duy Tân tính trốn khỏi cung điện để theo Phan Bội Châu và kêu gọi nhân dân nổi dậy. Tuy ông đã bị bắt lại, hành động tạo phản này tượng trưng cho sự thiếu ủng hộ của người bản xứ đối với dự định thuộc địa.

Sarraut phát triển chương trình cải cách của mình giữa bối cảnh rối ren này, trong hai nhiệm kỳ ông đảm nhiệm ở Đông Dương (1911-1913 và 1917-1919). Ý thức rằng tương lai thuộc địa phụ thuộc vào sự thành công của việc hợp tác thuộc địa, ông được thúc đẩy bởi ước muốn chân thành cải thiện mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Vượt ra ngoài chủ nghĩa thực dụng này, ông sửng sốt khi nhận thấy sự thiếu trao đổi giữa hai cộng đồng. Ngay khi đến nơi, bản thân đã nghiên cứu chút ít ngôn ngữ, ông là toàn quyền đầu tiên khuyến khích tiếng Việt trong các viên chức Pháp, tuy không đạt được như mong đợi. Ông lấy danh dự mình để đảm bảo sẽ lắng nghe giới tinh hoa bản địa và đối xử nhân bản với họ, điều này cho họ phần nào hy vọng là cuối cùng đã được lắng nghe. Sự lo ngại chiếm phần lớn cộng đồng thực dân và trong sự im lặng lạnh lùng, họ đón tiếp viên thống đốc khi ông xuống tàu ở Sài Gòn năm 1911 : đà cải tổ mới này có tạo thuận lợi cho "người bản xứ" và làm thiệt hại cho họ không? Giống như ở Algérie, những người thực dân Đông Dương, thường là người cộng hòa, chống đối việc mở rộng các quyền đại diện của người dân thuộc địa vì sợ đa số họ sẽ tuyên bố ủng hộ việc trục xuất thực dân.

Ba mục tiêu chính hướng dẫn các cải cách chính phủ ở Đông Dương : thiết lập chính sách chính thức về "hợp tác Pháp-An Nam", đưa vào một loạt các cải cách bản xứ và hợp lý hóa nhà nước thuộc địa. Paul Beau là người đầu tiên khởi động chính sách bản địa bằng cách thiết lập hệ thống giáo dục Pháp-bản địa hiện đại, bằng cách cải tổ hệ thống quan lại và bằng cách mở rộng tự do cho luật hình sự. Ông cũng đưa vào Bắc Kỳ một hệ thống các phòng tham vấn trong đó quan lại các tỉnh giữ ghế được chia theo từng ngành. Cuối cùng ông thành lập trường đại học Đông Dương nhằm mang lại một nền giáo dục Pháp chứ không phải là châu Á cho các tinh hoa địa phương. Tuy nhiên, các cuộc nổi dậy năm 1908 đã làm cho nhà cầm quyền thuộc địa e ngại và họ đột ngột kết thúc các cải cách và đóng cửa trường đại học này.

Được ủng hộ mạnh mẽ từ Paris, Sarraut được giao một nhiệm vụ mới. Ông làm trẻ hóa và củng cố Văn Phòng các vấn đề bản địa để thiết lập, rồi thực hiện một chính sách bản địa tự do. Ông áp dụng các biện pháp gia tăng quyền lực cho giới tinh hoa bản địa bằng cách mở rộng các cố vấn có quyền biểu quyết ở địa phương ở An Nam và ở Bắc Kỳ, và bằng cách mở Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ cho một số lớn nhất người Việt của thuộc địa phía Nam. Sarraut xúc tiến các cải cách tư pháp tạo thuận lợi cho quyền cá nhân và quyền người bản xứ; ông giảm nhẹ gánh nặng về thuế đè lên nông dân nhờ vào cải cách thuế khóa và địa bạ; cuối cùng ông chấm dứt cấp phát các việc nhượng đất cho dân Châu Âu. Đại học Đông Dương mở cửa trở lại. Việc khuyến khích một nền giáo dục Pháp-bản địa hiện đại cho phép tái định hướng các tinh hoa vào trong quỹ đạo Pháp, và không Châu Á. Như vậy năm 1919, Sarraut đã chấm dứt khoa thi Nho học xưa từ hàng nhiều thế kỷ. Ở Paris Phan Chu Trinh có thể lấy làm vui.

Sarraut cũng ban luật mới về báo chí và cho phép xuất bản số lượng nhiều hơn các báo, sách và các sách dịch để phổ cập hóa cải cách thuộc địa và tư tưởng về một tương lai Pháp-Việt tinh ròng không có nền tảng Viễn Đông. Hơn nữa, ông muốn thỏa mãn yêu cầu của Phan Chu Trinh nhằm tạo thuận lợi cho tự do biểu đạt rộng lớn hơn bằng cách cho phép những tinh hoa Việt Nam được xem là đáng tin cậy bày tỏ trên báo chí. Như vậy, những người này sẽ có một phương tiện hiện đại làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe và bày tỏ những mong muốn của họ. Báo chí cũng sẽ cho phép dân thuộc địa trả lời thực dân, tức những người thống trị lĩnh vực công cộng. Nếu kiểm duyệt và theo dõi được tiếp tục dưới thời Sarraut và thậm chí được tăng cường, và nếu sự đàn áp tàn bạo không biến mất, các cải cách mà ông cam kết làm dấy lên niềm phấn khởi nơi nhiều người Việt, trong đó có Phan Bội Châu. Ông này được thuyết phục đến nỗi năm 1917 ông đã viết sách đả kích mà sau này ông hối hận, và những nhà sử học theo chủ nghĩa quốc gia mong muốn quên đi, đó là cuốn : Pháp-Việt đề huề luận (25).

Tựa sách luận của Phan Bội Châu là đáng kể bởi vì một trong những mục tiêu chính của Sarraut, bằng những cải cách này, đúng là để khuyến khích một chính sách hợp tác. Ông thống đốc ý thức được ước muốn của người Việt muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc quản trị những vấn đề của nước họ. Ông, với lòng biết ơn sự tham dự của họ vào nỗ lực chiến tranh, cũng hiểu rằng người Việt Nam mong đợi sự giải phóng chính trị ở Đông Dương, hơn nữa là điều đã được hứa (26). Năm 1919 trước khi trở về Pháp, nơi ông được thăng chức Bộ trưởng thuộc địa, ở Hà Nội Sarraut đã nói trước nhiều nhân sĩ Việt Nam bài diễn văn còn nổi tiếng mãi. Nhân dịp này, ông đã lập lại chính thức sự cam kết cải tổ của Pháp và tính chất duy nhất của sứ mệnh thuộc địa của mình, đồng thời thừa nhận ý tưởng Đông Dương có thể trở thành, không chỉ một đơn vị hành chính, mà là một nhà nước hoạt động. Cử tọa nghe những lời này không chỉ có người Pháp và thực dân nhưng cả những người Việt Nam và các tinh hoa tại chỗ nữa. Ngoài việc cho rằng sự phát triển kinh tế phải làm lợi cho mọi người, Sarraut khi đó hứa mở rộng dân chủ thuộc địa, ban bố một Hiến Chương Đông Dương và thiết lập một liên bang, thậm chí một Hiến Pháp Đông Dương. Khả năng một self-gouvernment (chính quyền tự quản) thậm chí đã được đề cập (27).

Những lời hứa này đã không được tôn trọng, ngày nay chúng ta biết điều này. Nhưng ngay sau Đại Chiến, nhiều người Việt Nam đã tin họ có thể xây dựng cùng với người Pháp một Việt Nam mới theo những nguyên tắc cộng hòa. Ở Paris, Phan Châu Trinh, người tương lai là Hồ Chí Minh (là người thời điểm đó bắt đầu tham gia hội tam điểm, hội nhân quyền và chi bộ Pháp của quốc tế công nhân, SFIO) và một người cộng hòa thuộc địa nổi tiếng khác tên Phan Văn Trường xuất bản truyền đơn mang tựa Yêu sách của nhân dân An Nam (28). Họ không đòi độc lập quốc gia, họ kêu gọi người Pháp giữ lời hứa của mình bằng việc thực thi các cải tổ trong lĩnh vực tư pháp và bằng cách đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do đi lại, tự do lập trường học và quyền chỉ định những người đại diện ở Nghị viện Pháp. Giống Ferhat Abbas, ở Paris Phan Châu Trinh kêu gọi ủng hộ một nền hành chính trực tiếp (29). Dù những người chỉ trích ông có thích hay không, Phan Châu Trinh không phải là một người "theo chủ nghĩa phản dân tộc" và chắc chắn không phải là một "kẻ phản bội" đất nước của ông, không hơn Ferhat Abbas là người không đáng bị chỉ trích vì đã có những ý tưởng đồng hóa ở Algérie. Dưới mắt Phan Châu Trinh sự đồng hóa là một đòn bẩy cốt yếu để loại bỏ chế độ quân chủ Việt Nam và các mối liên hệ phong kiến gắn với nó, nhưng cũng nhằm buộc tay người Pháp, bao gồm những người thực dân, vì sự đồng hóa phải tạo thuận lợi cho việc thành lập các thiết chế cộng hòa và các hội đồng đại diện, cũng như khuyến khích tự do báo chí và chế độ pháp quyền. Phải thấy ở đây một sự mâu thuẫn đúng không? Dĩ nhiên rồi, nhưng cả Phan Châu Trinh lẫn Ferhat Abbas đều không thể biết được điều này vì họ không có lợi thế mà đội lùi thời gian đem lại cho chúng ta hôm nay. Nếu ông chia sẻ những ý tưởng cộng hòa của Phan Châu Trinh (ngoại trừ ý tưởng về đồng hóa), Hồ Chí Minh, cha đẻ nước Việt Nam, đã thất vọng do Sarraut  từ chối dấn thân hơn nữa trên con đường cải cách. Mùa xuân năm 1923, ông rời Paris đi Matxcơva để tìm những ý tưởng khác và những mạng lưới khác (30).


Cộng hòa hay quân chủ thuộc địa?

Ở chính thời điểm mà Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh và các đồng minh của họ hy vọng nền Đệ Tam Cộng Hòa sẽ giữ lời hứa và thiết lập một khế ước thuộc địa mới, thì người Pháp cũng như các lãnh đạo Nhật Bản tiến hành làm sống lại nền quân chủ Việt Nam mà chính bản thân họ đã cho ra rìa (31). Bị các cuộc nổi dậy liên tục, sự leo thang của chủ nghĩa Quốc gia, rồi sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản Châu Âu và Châu Á làm khiếp sợ, những người cầm quyền thuộc địa quyết định khôi phục lại chế độ quân chủ Việt Nam. Vị hoàng tử của họ tên Bảo Đại.

Thật ngược đời, người khơi mào sự quay ngoắt hoàn toàn này không ai khác chính là Sarraut. Cũng như bạn thân của mình là Pierre Pasquier, công sứ An Nam (Trung Kỳ) lo về vấn đề hoàng cung và là chuyên gia Việt Nam cổ, ông tin chắc rằng nền quân chủ nhà Nguyễn và cơ cấu quan lại của nó tiếp tục gây ảnh hưởng lớn lên giai cấp nông dân. Ngay từ lúc đó, đối với chính quyền thuộc địa, chế độ quân chủ là một công cụ mạnh để kiểm soát xã hội chính trị. Biết rằng khi đó vua đang hấp hối, Sarraut và Pasquier đã thuyết phục ông giao phó con trai cho họ. Năm 1922, Pasquier lập những chỉ đạo chi tiết liên quan đến việc giáo dục hoàng tử. Ông nói tiến trình này phải bắt đầu ở Pháp, trước khi đạt đến đỉnh điểm ở Việt Nam. Bảo Đại được đòi hỏi trở nên một quốc vương vừa "hiện đại" (Pháp) vừa "truyền thống" (Việt Nam). Nhất là, ông phải là hiện thân của liên minh Pháp-Việt. Vì vậy Sarraut và Pasquier đã lấy Bảo Đại khỏi người thân của ông, gửi ông đến một gia đình ở Pháp, nơi ông nhận được một sự giáo dục quý tộc. Pasquier cấm không cho ông học bất kỳ hình thức giáo dục Cộng Hòa nào.

Cùng năm 1922 này, Phan Châu Trinh gửi một bức thư cay nghiệt chống chế độ quân chủ cho vua cha của Bảo Đại, khi ông này đến Pháp với con mình, kết tội ông là nguồn gốc của mọi bất hạnh của Việt Nam. Phan Châu Trinh không đề cập trong lời đả kích của mình rằng chính Sarraut, khi đó là Bộ trưởng thuộc địa, đã khiến Bảo Đại và cha ông đến Pháp (32). Sarraut đã vất xó lời kêu gọi chiếu cố đến nền hành chính trực tiếp ở An Nam và ở Bắc Kỳ của ông. Gìn giữ trật tự thuộc địa ở Đông Dương, chấm dứt các quấy rối của những người quốc gia, các rung chuyển của Đại Thế Chiến, các sự mất an ninh quốc tế rốt cuộc đã chiếm đầu óc Sarraut và hãm lại những đà Cộng Hòa và đà cải cách của ông. Từ nay, nước Pháp đặt cược vào chế độ quân chủ thuộc địa. Sarraut không trả lời thư của Phan Châu Trinh, trong khi Pierre Pasquier người rất nhà nho, Việt Nam hơn cả người Việt, chế giễu những tư tưởng Cộng Hòa của ông này.

Sau các cuộc nổi dậy của người quốc gia và người cộng sản ở khắp miền Trung và miền Bắc Việt Nam trong những năm 1930-1931, Pasquier, trở thành toàn quyền, đồng lòng với Sarraut chuẩn bị cho hoàng đế trở về Huế. Ý định là để huy động con người và hào quang Thiên Tử của ông nhằm tập hợp quần chúng chống lại những người muốn xoay hướng nông dân chống người Pháp. "Giải pháp Bảo Đại" nổi tiếng rõ ràng không phải là phát minh có từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Ra đời từ trí tưởng tượng của Sarraut và Pasquier, nó trở thành, với mọi người dân chủ Việt Nam, một biểu tượng chói lòa của những mâu thuẫn cố hữu của chủ nghĩa Cộng Hòa Pháp trong đế quốc. Những cải cách mà có thời Sarraut khuyến khích đã rất ít được thực hiện. Không hề có "Quốc Hội Đông Dương" nào ra đời trước năm 1945, khác với kinh nghiệm của nước Anh ở Ấn Độ (33). Ngược lại, đầu những năm 1920 cho đến những năm 1950, nước Pháp gắn bó với việc khuyến khích một nền quân chủ thuộc địa. Đối với chủ nghĩa Cộng Hòa Pháp, nhưng nhất là đối với chủ nghĩa Cộng Hòa Việt Nam, hậu quả thật là to lớn.

Christopher Goscha,
Université du Québec, H3C 3P8,
Montréal, Canada.

Christopher Goscha là giáo sư ngành quan hệ quốc tế của Đại học Québec ở Montréal. Chuyên gia về Việt Nam và Đông Dương thuộc địa, ông đã xuất bản nhiều sách và bài báo về chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, chủ nghĩa thuộc địa Pháp ở Đông Dương và chiến tranh Đông Dương, trong đó bao gồm Vietnam : un État né de la guerre [Việt Nam : một nhà nước sinh ra từ chiến tranh] (Armand Collins, 2011), Indochine ou Vietnam ? [Đông Dương hay Việt Nam] (Vendémiaire, 2015) và The Penguin History of Modern Vietnam [Lịch sử Việt Nam hiện đại] (Penguin/Random House, 2016). Ông làm việc từ nhiều năm nay về lịch sử xã hội văn hóa của Sài Gòn và Hà Nội trong thời chiến. (goscha.christopher@uqam.ca)


(1) Pour un bilan synthétique, voir les numéros spéciaux sur le Japon parus dans Les cahiers de Science & Vie, hors série, 41, octobre 1997, et dans L'Histoire, 333, juillet-août 2008.

(2) Voir le numéro spécial "Le décollage du Japon : réception, appropriation et légitimation des savoirs étrangers", Daruma, 10-11, août 2001-printemps 2002, ainsi que plusieurs textes publiés dans le deuxième numéro de la même revue, à l'automne 1997.

(3) Han Weihua, "Jean-Jacques Rousseau mal lu", Le Coin des penseurs, 24, novembre 2013, p. 2.

(4) Sur l'appropriation japonaise de l'idéologie coloniale et raciale, voir Lionel Babicz, Le Japon face à la Corée à l'époque Meiji, Paris, Maisonneuve & Larose, 2002. En 1901, Kôtoku Shûsui mit en garde ses lecteurs sur les dangers de la connexion coloniale de Meiji dans un texte demeuré célèbre : "L'impérialisme, le spectre du 20e siècle". Voir Kôtoku Shûsui, L'impérialisme, le spectre du 20e siècle, Paris, CNRS éditions, 2008.

(5) pour des périodes antérieures, voir Li Rana, "The Imported Book Trade and Confucian Learning", in Michael Aung-Thwin et Kenneth Hall (dir.), New Perspectives on the History and Historiography of Southeast Asia, Londres, Routledge, 2011, p. 167-182.

(6) Pour une explication succincte des systèmes des écritures au Vietnam, voir Philippe Papin, "Trois écritures pour une langue", Les collections de L'Histoire, 62, 2014, p. 8-17, p. 17. Sur les échanges entre Coréens et Vietnamiens, voir Youn Dae-Yeong, "The Loss of Vietnam : Korean Views of Vietnam in the Late Nineteenth and Early Twentieth Centuries" Journal of Vietnamese Studies, 9 (1), 2014 p. 62-95.

(7) L. Babicz, Le Japon face à la Corée…, op. cit., chap. 6-8.

(8) David Marr, Vietnamese Anticolonialism, Berkeley, University of California, 1971, p. 107.

(9) Emmanuel Poisson, Mandarins et subalternes au nord du Viêt Nam : une bureaucratie à l’épreuve (1820-1918), Paris, Maisonneuve & Larose, 2004.

(10) Cité par D. Marr, Vietnamese Anticolonialism…, op. cit., p.125.

(11) Ibid

(12) Christopher Goscha, "le barbare moderne Nguyen Van Vinh et la complexité de la modernité occidentale au Vietnam colonial", Outre-mers : revu l'histoire, 88 (332-333), décembre 2001, p. 135-169, p. 342.

(13) Vinh Sinh (dir.) Phan Boi Chau and the Dong Du Mouvement, New Haven, Yale Center for International and Area Studies, 1988. Sur les caractères chinois, voir Vinh Sinh, "Chinese Characters as the Medium for Transmitting the Vocabulary of Modernization from Japan to Vietnam in the Early 20th Century", Asian Pacific Quarterly, 25 Octobre 1993, p.1-16.

(14) Voir Gilles de Gantès et Nguyen Phuong Ngoc (dir.), Vietnam, le moment moderniste, Aix-en-Provence, Publications de l’Université de Provence, 2009.

(15) En 1868, cet influent philosophe japonais ouvrait à Tokyo une “école public” appelé Keio Gijuku, afin de promouvoir les études occidentales. Celle-ci connut un grand succès à partir de 1900 et est devenue l’une des plus prestigieuse universités du Japon aujourd’hui.

(16) Sur Phan Chau Trinh, voir Vinh Sinh, Phan Chau Trinh and his Political Writing, Ithaca, Cornell University Press, 2009.

(17) Les réformateurs chinois et japonais répétèrent souvent à leurs homologues vietnamiens qu’ils devaient se considérer comme chanceux d’être gouvernés par des républicains français.

(18) Jacques Dalloz, “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale”, Revue française d’histoire d’Outre-mer, 85 (320),1998, p. 103-118; Daniel Hémery, “L’Indochine, les droits humains entre colonisateurs et colonisés, la Ligue des droits de l’homme (1898-1954)”, Outre-mers : revue d’histoire, 88 (330-331), 2001, p. 223-239.

(19) Phan Bội Châu, Ouverturned Chariot : The Autobiography of Phan Bội Châu, traduit du sino-vietnamien par Vinh Sinh et Nicholas Wickenden, Honolulu, University of Hawaii Press, 1999, p. 105.

(20) Phan Chau Trinh, “Lettre de Phan Chau Trinh à Paul Beau”, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, 1-2, 1907, p. 166-175.

(21) Ibid., p. 173

(22) Nous nous appuyons ici sur les travaux d’Agathe Larcher, “Réalisme et idéalisme en politique coloniale : Albert Sarraut et l’Indochine, 1911-1914”, mémoire de maîtrise en histoire, Université Paris-VII, 1992; Gilles de Gantès, “L’absolutisme colonial face au développement de la sensibilité moderniste vietnamienne : le sens et les limites d’une tolérance exceptionnelle “, in G. de Gantès et P. Ngoc Nguyen, Vietnam, le moment moderniste …, op. cit., p. 213-222 ; id., “Protectorate, Association, Reformism : The Roots of the Popular Front’s Republican Policy in Indochina”, in Tony Chafer et Amanda Sackur (dir.), French Colonial Empire and the Popular Front : Hope and Disillusion, Londres, Macmillan, 1999, p. 109-130.

(23) A. Larcher, “Réalisme et idéalisme en politique colonial …”, op. cit., p. 9-70.

(24) Ibid., première et deuxième parties.

(25) Agathe Larcher, "La voie étroite des réformes coloniales et la "collaboration franco-annamite", 1917-1928", Revue française d'histoire d'outre-mer, 86 (309), 4e trim. 1995, p. 387-420.

(26) Voir l'excellente étude de Mireille Le Van Ho, Des Vietnamiens dans la Grande Guerre, Paris, Vendémiaire, 2014.

(27) A. Larcher, "La voie étroite des réformes coloniales…", op. cit., p. 387-420.

(28) Sur Phan Van Truong, voir Pierre Brocheux, "Phan Van Truong, 1876-1933 : acteur d'une histoire partagée", Moussons, 24, 2014, p. 19-32; Phan Van Truong, Une histoire de conspirateurs annamites à Paris, Paris, L'Insomniaque, 2003.

(29) Voir Centre des Archives d'Outre-mer, Service de protection du Corps expéditionnaire (SPCE), carton 371, échanges entre Phan Chau Trinh et Ho Chi Minh sur l'administration directe et la violence.

(30) Christopher Goscha, "Pour une histoire transnationale du communisme asiatique : les chevauchement sino-vietnamien dans les mers du Sud", et Céline Marangé, "Le PCF, le Komintern et Ho Chi Minh, 1920-1926", in Stéphane Courtoise (dir.) Communisme 2013, Paris, Vendémiaire, 2013, p. 21-46 et p. 47-76; Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh : The Missing Years, 1919-1941, Londres, Hurst, 2002.

(31) Voir Christopher Goscha, "La fabrique coloniale des rois indochinois", in Agathe Larcher et François Guillemot (dir.), La Colonisation des corps : de l'Indochine au Vietnam, Paris, Vendémiaire, 2014, p. 127-175.

(32) Phan Chau Trinh, "Letter to Emperor Khai Dinh", reproduite dans V. Sinh, Phan Chau Trinh…, op. cit., p. 87-102.

(33) Agathe Larcher, "Bùi Quang Chiêu in Calcutta (1928) : The Broken Mirror of Vietnamese and Indian Nationalism",  Journal of Vietnamese Studies, 9 (4), automne 2014, p. 67-114.


Nguồn :
Christopher Goscha
Numéro spécial : Les gauches et les colonies, Vingtième siècle, no. 131, (2016/3), pp. 17-35
(Trong Số đặc biệt : Những người cánh tả và các thuộc địa, tạp chí Thế kỷ Hai mươi, số 131, (2016/3), trang 17-35)






No comments:

Post a Comment

View My Stats