Saturday 28 December 2019

NGA TRIỂN KHAI HỆ THỐNG TÊN LỬA SIÊU ÂM AVANGARD (tổng hợp)




NỘI DUNG :
Thanh Phương – RFI
.
BBC Tiếng Việt
.
VOA Tiếng Việt

=====================================
Thanh Phương – RFI
Đăng ngày: 28/12/2019 - 11:10

Hôm qua, 27/12/2019, Nga thông báo đưa vào hoạt động các tên lửa siêu âm Avangard đầu tiên, một trong những vũ khí mới do Matxcơva phát triển và được tổng thống Vladimir Putin ca ngợi là « hầu như không thể bị đánh bại ».

Theo Matxcơva, tên lửa siêu thanh này thuộc thế hệ tên lửa mới, có thể bắn tới gần như bất cứ mục tiêu nào trên thế giới và vượt qua mọi hệ thống lá chắn chống tên lửa hiện có, kể cả hệ thống mà Hoa Kỳ triển khai ở châu Âu.

Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :

« Một trung đoàn quân đội Nga kể từ nay được trang bị tên lửa có thể đạt đến vận tốc nhanh gấp 27 lần vận tốc âm thanh, tức là hơn 33.000 km/giờ. Tên lửa Avangard thậm chí còn có thể tự đổi hướng và độ cao, và như vậy, với vận tốc nhanh như thế, có thể vượt qua mọi hệ thống lá chắn chống tên lửa hiện có, đặc biệt là lá chắn chống tên lửa của Mỹ.


Đối với Matxcơva, rõ ràng đây là cách để chứng tỏ với Wasshington quyết tâm của họ không để bị tụt hậu về công nghệ vũ khí. Trong những tháng qua, Hoa Kỳ và Nga đã cáo buộc lẫn nhau là vi phạm hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung, nhưng đó là cách để mỗi bên rút ra khỏi hiệp ước này trong tư thế tốt nhất.

Vào năm 2021, hiệp ước START về cắt giảm vũ khí chiến lược cũng sẽ hết hạn và hiện giờ hai cựu siêu cường quốc vẫn chưa đạt đồng thuận về việc triển hạn hiệp ước này. Cho nên, người ta tự hỏi là việc thông báo triển khai tên lửa siêu thanh có phải là một mưu toan mới của Matxcơva nhằm buộc Hoa Kỳ thương lượng một hiệp ước mới về giải trừ vũ khí, mà theo họ sẽ là yếu tố để bảo đảm ổn định cho thế giới. »

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.

--------------------------------------------
.
VOA Tiếng Việt
28/12/2019

Hệ thống tên lửa siêu vượt âm mới của Nga có tên là Avangard vừa được đưa vào phục vụ chiến đấu, truyền thông nhà nước của Nga đưa tin.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xác nhận các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã được bổ sung vào phục vụ chiến đấu trong cuộc họp qua điện thoại với Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Sáu 27/12.

Siêu vượt âm (hypersonic) được định nghĩa chung là tốc độ Mach 5 hoặc hơn 6.125 km/h. Các tên lửa siêu vượt âm bay vào vũ trụ sau khi phóng, nhưng sau đó hạ độ cao và bay với tốc độ nhanh trên đường bay tương tự như một chiếc máy bay. Đường bay thấp hơn của chúng khiến các vệ tinh và radar phòng thủ tên lửa của Mỹ khó phát hiện chúng hơn.

Các tin tức trước đây của hãng thông tấn nhà nước Nga TASS tuyên bố rằng Avangard có tầm bắn liên lục địa và khả năng bay nhanh tới Mach 20, hơn 24.000 km/h.

Nga tuyên bố thử nghiệm hệ thống tên lửa Avangard vào năm 2018, khi đó, ông Putin gọi hệ thống này là "bất khả xâm phạm" do nó có khả năng tránh né hệ thống phòng thủ của Mỹ. Nga cũng đã công khai tuyên bố rằng họ đang phát triển tàu ngầm không người lái.

Nhưng các nhà phân tích quân sự Mỹ lâu nay vẫn hoài nghi về khả năng quân sự của các hệ thống tên lửa siêu vượt âm mà Nga khoe khoang. Nga đã từng chịu những thất bại đáng kể, bao gồm một tai nạn chết người hồi đầu năm nay tại một khu vực thử nghiệm vũ khí.

Cũng như Nga, Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện các dự án siêu vượt âm. Bắc Kinh cho biết hồi tháng 8 rằng họ đã thử nghiệm thành công một máy bay siêu vượt âm, trong khi Không lực Hoa Kỳ đã trao hợp đồng cho Lockheed Martin để phát triển một loại tên lửa vào đầu năm nay.
(CNN, BBC)

------------------------------------
.
BBC Tiếng Việt
28/12/2019

Nhóm các tên lửa siêu thanh Avangard đầu tiên của Nga đã bắt đầu được đưa vào hoạt động, Bộ Quốc phòng nói.

Vị trí nơi đặt các tên lửa này không được tiết lộ, tuy nhiên trước đó giới chức đã ra những chỉ dấu cho thấy chúng có thể được triển khai ở vùng Urals.

A still from the defence ministry video shows an Avangard warhead (computer simulation).  GETTY IMAGES

Tổng thống Vladimir Putin nói các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Avangard di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh tới trên 20 lần, khiến Nga vượt trội hơn các nước khác trong lĩnh vực này.
Các tên lửa có trang bị "hệ thống lượn", cho nên có khả năng di chuyển rất đa dạng, khiến chúng trở nên bất khả phòng chống bởi các hệ thống phòng thủ.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu xác nhận "phương tiện vận chuyển Avangard siêu thanh đã được đưa vào hoạt động vào lúc 10:00 giờ Moscow hôm 27/12" và gọi đây là một "sự kiện cột mốc".

Ông Putin hôm thứ Năm nói rằng hệ thống Avangard có thể vượt qua được các hệ thống phòng thủ tên lửa đang có và sẽ có trong tương lai, và nói thêm: "Không một quốc gia đơn lẻ nào sở hữu được các vũ khí siêu thanh chứ đừng nói đến các vũ khí siêu tham xuyên lục địa."

Phương Tây và các nước khác đang "chơi trò đuổi bắt đối với chúng ta", ông nói.

Ông Putin công bố Avangard và các hệ thống vũ khí khác trong bài diễn văn toàn quốc của mình hồi tháng 3/2018, so sánh chúng với "thiên thạch" và "cầu lửa".

Vào tháng 12/2018, thứ vũ khí này đã bắn trúng mục tiêu tập dượt ở cách xa 6.000km trong cuộc phóng thử tại căn cứ Domparovskiy ở Rặng núi Urals ở miền nam nước Nga.
"Avangard là thứ vũ khí mà không hệ thống phòng thủ tên lửa nào đã tồn tại hoặc sắp ra đời của các đối thủ có thể đánh chặn được," ông Putin nói sau vụ thử.

Được đặt trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Avangard có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân nặng tới 2 tấn.

Ông Putin theo dõi vụ thử hệ thống tên lửa Avangard hồi 12/2018. GETTY IMAGES

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video giới thiệu hệ thống Avangard, nhưng các chuyên gia vũ khí tỏ ý nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.
Trong một tuyên bố, Ngũ Giác Đài nói sẽ "không coi trọng các tuyên bố của Nga" về năng lực của Avangard.

Hoa Kỳ có chương trình tên lửa siêu thanh riêng của mình; Trung Quốc cũng vậy.
Hôm 26/11, Nga cho phép các chuyên gia của Mỹ thanh sát Avangard theo quy định của hiệp ước Tân START (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược 2010 - là thỏa thuận hướng tới việc cắt giảm số lượng các bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược.)

Hiệp ước Tân START, hết hạn vào tháng 2/2021, là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trong cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ.

Hồi tháng Tám vừa qua, Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước Giải trừ Tên lửa Tầm trung (INF) do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký hồi 1987.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông muốn một thỏa thuận hạt nhân mới được ký kết với cả Nga và Trung Quốc.

Mô hình vũ khí siêu thanh Avangard. Getty images






No comments:

Post a Comment

View My Stats