Tuesday, 4 April 2017

ƯU TIÊN SỐ 1 CỦA TRUNG QUỐC KHÔNG PHẢI LÀ ĐÀM PHÁN, MÀ LÀ ÔNG TẬP KHÔNG "MẤT MẶT" TRƯỚC ÔNG TRUMP (Soha News)




Ngọc Anh |  Soha News
04/04/2017 02:38 PM

Làm thế nào để ông Trump không đi chệch kịch bản cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ, hoặc làm sao để đảm bảo ông Tập Cận Bình không bị mất mặt, đó là những điều phía Trung Quốc lo lắng.


Sự "va chạm" giữa hai cá tính

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt chính thức vào tuần này trong hai ngày 6-7/4, cuộc gặp không chỉ được đánh dấu bởi sự khác biệt về chính sách, mà đó còn là một cuộc "va chạm" giữa hai cá tính khác biệt – một bên là người có thể đăng mọi thứ lên mạng xã hội Twitter, một bên là nhà lãnh đạo thận trọng, nhiều toan tính.

Giữa ông Trump và ông Tập, có lẽ có một điểm chung, đó là những phát ngôn về việc khôi phục lại sự vĩ đại của đất nước họ. 

Còn lại, giữa hai nhà lãnh đạo, hầu như tất cả mọi thứ đều khác biệt, từ phong cách chính trị đến kinh nghiệm ngoại giao. Và điều này bổ sung thêm nhiều rủi ro cho mối quan hệ song phương Mỹ - Trung, một mối quan hệ có tầm quan trọng bậc nhất thế giới.

5 tháng sau ngày thắng cử trên nền tảng quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, Tổng thống Trump có vẻ đã chuẩn bị tâm thế cho một cuộc đụng độ (chứ không phải là hòa giải) với Chủ tịch Tập, và đây là điều làm dấy lên nghi ngại về việc liệu hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới có thể tìm được tiếng nói chung hay không.

Điều quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida là ông liệu có thành công trong việc áp đặt các biện pháp thương mại với Trung Quốc để thúc ép Bắc Kinh kiềm chế Triều Tiên nhiều hơn, trong bối cảnh Triều Tiên đang phát triển các tên lửa có tầm xa đến tận Mỹ.

Trump, một doanh nhân bất động sản 70 tuổi, chưa từng có kinh nghiệm trong ngành đối ngoại trước khi làm chủ Nhà Trắng và từng phát biểu rằng giao thương với Trung Quốc đang giết chết công ăn việc làm của người Mỹ, đã viết trên Twitter rằng cuộc gặp với ông Tập - người đã bước vào sự nghiệp chính trị ở Trung Quốc từ đầu thập niên 1970 - sẽ "rất khó khăn".

Mới đây, Trump cũng yêu cầu Trung Quốc làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề Triều Tiên – thách thức an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ - hoặc là Mỹ sẽ hành động đơn phương để giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Một vài quan chức Nhà Trắng tin tưởng rằng con rể kiêm cố vấn cao cấp của Trump, Jared Kushner, sẽ là một tiếng nói ôn hòa và hiệu quả, giúp Tổng thống xử lý các tình huống trong cuộc gặp với ông Tập.

Nhà chức trách Mỹ cho biết, sự liên lạc thông suốt giữa Kushner và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã giúp việc sắp xếp cuộc gặp Trump-Tập diễn ra suôn sẻ.

Nhưng ngay cả khi Kushner có mặt bên cạnh Trump, điều làm phía Trung Quốc lo lắng nhất, hơn cả những lo lắng về sự "va chạm" về chính sách, đó là khả năng một Tổng thống Trump khó đoán rất có thể làm ông Tập bối rối hoặc lúng túng, như những trường hợp đã từng xảy ra với các lãnh đạo quốc gia gặp Trump trước đó.

Tổng thống Mỹ đã bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe quá lâu, nhưng trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel thì Trump có lúc lại "tảng lờ" đề nghị bắt tay của bà. 

"Đảm bảo rằng Chủ tịch Tập không bị mất mặt, đó là một trong những ưu tiên cao nhất đối với Trung Quốc", một quan chức Trung Quốc cho biết. 

Chủ tịch Tập Cận Bình không thể bị "mất mặt" ở bất cứ tình huống nào trong suốt cuộc gặp gỡ, đó là điều làm phía Trung Quốc "đau đầu" trước một Trump khó đoán và bốc đồng. Ảnh: AP

Cuộc gặp gỡ của các tổng thống Mỹ với những người đồng cấp Trung Quốc thường được lên kịch bản chặt chẽ hơn so với các cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo nước ngoài khác. Đó cũng là điều phía Trung Quốc yêu cầu và mong muốn, đảm bảo rằng họ được đối đãi với những nghi lễ đúng với vị thế của một "cường quốc thế giới".

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc vẫn lo ngại về việc ông Trump sẽ đi chệch kịch bản gặp gỡ.

"Trump và Tập không phải là những người bạn theo cách tự nhiên", một cựu quan chức Mỹ chuyên về châu Á nói, "Câu hỏi là khi ý tưởng ‘làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’ của Trump gặp phải ‘Giấc mơ Trung Quốc’ của ông Tập, thì kết quả có thể là gì?" 

Không kỳ vọng cao vào các kết quả cụ thể

Các nhà phân tích cho rằng, trong cuộc gặp, Trump sẽ không quá nhượng bộ Trung Quốc về thương mại (vì một cuộc chiến tranh thương mại là điều sẽ gây tổn thất cho cả hai nước). Vì thế, trong các vấn đề như Triều Tiên hay tham vọng mở rộng trên Biển Đông của Trung Quốc, hai nước cũng có thể sẽ khó tìm thấy đồng thuận.

"Ông Tập sẽ xử lý khá tốt trong những kiểu tình huống như thế này", cựu chuyên gia về Trung Quốc và nhà phân tích của CIA, ông Christopher Johnson cho biết. 
"Trong khi Trump mới nhậm chức được hơn 10 tuần, ông Tập đã thực hiện chiến lược của mình đối với Mỹ từ khi lãnh đạo Trung Quốc năm 2013".
Tới nay, những vị trí cố vấn về châu Á trong chính quyền Trump vẫn còn để trống, và Trump thậm chí chưa định hình một chính sách đối với Trung Quốc. Trước đó, Trump còn phải "lui" một bước trước Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, khi ông cam kết qua điện thoại với ông Tập hôm 9/2 rằng Mỹ sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc".

Tuy cả phía Mỹ và Trung Quốc đề không kỳ vọng quá nhiều vào các kết quả cụ thể của cuộc gặp Trump-Tập tới đây, thì cuộc gặp này – diễn ra khá sớm trong nhiệm kỳ của Trump, cũng cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều nhận thức được giá trị của việc xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa hai nguyên thủ.


theo Trí Thức Trẻ





No comments:

Post a Comment

View My Stats