Monday, 3 April 2017

TẤT YẾU SẼ CÓ CHIẾN TRANH ? TRUNG QUỐC, MỸ và BẪY THUCYDIDES (Gideon Rachman - Financial Times)




Gideon Rachman - Financial Times
Dịch giả: Song Phan
Posted by adminbasam on 03/04/2017

Donlad Trump và Tập Cận Bình chuẩn bị gặp nhau, Gideon Rachman nhìn vào các phép thử trước mắt cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới.

Khi Tập Cận Bình chuẩn bị gặp Donald Trump ở Florida vào tuần tới, nhân viên của ông có thể đang tìm mọi cách để có được bản in cuốn sách mới quan trọng của Graham Allison về quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc — có tựa đầy tang thương là Destined for War (Tất yếu sẽ có chiến tranh).

Chủ tịch Trung Quốc đã quen thuộc với công trình của Allison, giáo sư chính quyền học tại ĐH Harvard. Hồi tháng 11 năm 2013, tôi tham dự một cuộc họp với ông tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ở đó ông nói với một nhóm du khách phương Tây: “Tất cả chúng ta đều phải hợp tác với nhau để tránh bẫy Thucydides”.

Cụm từ này, nói đến những quan sát của nhà sử học Hy Lạp cổ đại về cuộc chiến giữa Sparta và Athens vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, được Allison nghĩ ra để mô tả những nguy hiểm của giai đoạn mà một cường quốc đã thiết lập, bị một cường quốc đang trỗi dậy thách thức. Allison, tác giả của một nghiên cứu cổ điển về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, tính rằng, 12 trong số 16 trường hợp như vậy, sự kình địch đã kết thúc thành xung đột mở. Ông cho rằng, lần này có thể cũng không khác: “Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trong tiến trình va chạm dẫn tới chiến tranh — trừ khi cả hai bên đều thực hiện những hành động khó khăn và đau đớn để ngăn chặn điều đó”.

Một dự án mà Allison và các đồng nghiệp của ông thực hiện tại Harvard đã kiểm tra nhiều trường hợp “trong đó sự trỗi dậy của một nước lớn đã phá vỡ vị thế của một nước thống trị”, kết luận rằng “căng thẳng kết cấu sinh ra, tạo nên một cuộc đụng độ dữ dội là một quy luật không có ngoại lệ”. Trong cuốn sách mới của ông, chỉ có hai trong số những ví dụ lịch sử này được khảo sát chi tiết — cuộc đụng độ ban đầu giữa Athens và Sparta, và sự tranh đua Anh-Đức trước thế chiến thứ nhất (ví dụ sau là một sự tương đồng, vốn cũng làm Henry Kissinger bận tâm).

Trong số 10 ví dụ khác mà Allison khảo sát ngắn gọn hơn, một số lại hấp dẫn như những hướng dẫn cho tương lai, trong khi một số khác có vẻ ít thuyết phục hơn. Sự tương tự gần nhất với tình hình hiện tại có thể là việc Nhật thách thức sự thống trị của Mỹ và Anh ở Thái Bình Dương vào nửa đầu của thế kỷ 20 — sự kình địch đã lên đến điểm đỉnh thành chiến tranh. Vai trò của lực lượng hải quân trong cuộc thi thố đó, cũng như cách mà sự cạnh tranh kinh tế trượt dốc thành xung đột quân sự, đều gợi tới một cách không thoải mái sự gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung ngày hiện nay.

Nhưng một số tương đồng khác được Allison nêu ra, dường như khớp với mô hình bẫy Thucydides ít chặt chẽ hơn. Không chắc là cuộc chiến tranh lạnh được hiểu đúng nhất như là sự tranh đua giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc đã thiết lập. Thay vào đó, Mỹ và Liên Xô đều đã nổi lên như những kẻ chiến thắng từ thế chiến thứ hai và đã thiết lập hai ý thức hệ kình chống nhau và các vùng ảnh hưởng trong một hệ thống lưỡng cực.

Chiến tranh lạnh cũng là một cuộc chiến chỉ của hai đối thủ, được Allison khảo sát, vốn diễn ra sau khi vũ khí hạt nhân được phát minh. Thực tế là không có sự chuyển đổi quyền lực thời đại hạt nhân nào (sự chuyển đổi khác được liệt kê là sự trỗi dậy của một nước Đức thống nhất) kết thúc thành chiến tranh, đã đặt ra câu hỏi hiển nhiên về việc liệu những vũ khí này đã làm mất đi bẫy Thucydides, qua việc làm cho nước đang trỗi dậy cảm thấy nguy hiểm tới mức không thể tưởng tượng được, để khi đi đến chiến tranh với một cường quốc đã thiết lập. Đây là một câu hỏi được Allison xem xét nhưng chắc chắn là một câu hỏi mà ông không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát.

Hầu hết các học giả và binh lính từng xem xét kỹ càng cuộc chiến tranh Mỹ-Trung có thể thực sự sẽ nổ ra như thế nào, đều có xu hướng lập luận rằng, trong thời đại hạt nhân, cả hai bên đều không muốn cố ý đi tới chiến tranh. Nhưng một cuộc đụng độ giới hạn, có thể ở biển Đông, có thể dễ dàng leo thang thành một cái gì đó nghiêm trọng hơn. Trong lời nói đầu ngắn gọn được viết sau khi Donald Trump đắc cử, Allison lập luận: “Nếu Hollywood làm một bộ phim Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ, vai trung tâm không thể tìm ra hai diễn viên hàng đầu nào tốt bằng Tập Cận Bình và Donald Trump. Mỗi người đều là hiện thân của nguyện vọng sâu xa sự vĩ đại của đất nước mình. “Nguy hiểm hơn, cả hai đều” xác định quốc gia do người kia cai trị là trở ngại chính cho giấc mơ của họ”.

Tuy nhiên, một sự khác biệt lớn có thể là tầm nhìn của Tập Cận bình về “sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc” dường như đã hình thành đầy đủ hơn tầm nhìn của tổng thống mới của nước Mỹ. Như nhà báo và học giả Howard French nói trong cuốn Everything under the Heavens  (Mọi thứ dưới gầm trời), lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu tìm cách đưa đất nước của ông trở lại địa vị mà nó từng có từ lâu ở châu Á — với tư cách là sức mạnh thống trị của khu vực mà các quốc gia khác phải xuôi theo hoặc triều cống. French viết, “Trong hầu hết hai thiên niên kỷ, chuẩn mực đối với Trung Quốc, theo quan điểm của họ, là sự thống trị tự nhiên đối với mọi thứ dưới gầm trời”. Thực tế, mọi thứ đó có nghĩa là “mảng địa lý rộng lớn và quen thuộc, bao gồm các khu vực Trung Á, Đông Nam Á và Đông Á cạnh đó”.

Khát vọng truyền thống này của Trung Quốc phải bị xếp lại trong gần hai thế kỷ. Từ giữa thế kỷ 19, Trung Quốc đã bị những kẻ hùng mạnh bên ngoài hạ nhục — trước tiên là các đế quốc châu Âu và sau đó là xâm lược Nhật. Sau chiến thắng của Cộng sản vào năm 1949, nước này trải qua giai đoạn bị cô lập về kinh tế, văn hoá và tương đối nghèo đói. Vào cuối thập niên 1970, khi Trung Quốc đảo ngược hướng đi và chấp nhận chủ nghĩa tư bản cùng đầu tư nước ngoài, nó đã rớt lại xa phía sau các “nền kinh tế con hổ” của Đông Á. Trong giai đoạn đuổi theo này, Trung Quốc theo đuổi quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng tư bản — kể cả Nhật, một cựu thù thời chiến tranh. Những nước láng giềng châu Á này là nguồn tư vấn chuyên sâu và đầu tư nước ngoài quan trọng cho một quốc gia đang tuyệt vọng, tìm cách bù đắp thời gian bị mất. Tuy nhiên, giống như nhiều nhà quan sát khác, French nhìn thấy sự thay đổi kiểu cách và giọng điệu trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.

Mục tiêu chính của việc Trung Quốc phô trương sức mạnh và khát vọng, thật ra không phải nhắm vào Hoa Kỳ —  mà vào Nhật Bản. French viết “Khi sự vị  kỷ của Trung Quốc đã trương lên, cùng với sức mạnh mới có được, Nhật Bản đã chuyển thành trung tâm trở lại trong cái nhìn Trung Quốc dưới dạng tiêu điểm của bia ngắm”. Phần lớn sự oán giận của Trung Quốc đối với Nhật tập trung vào cuộc xâm lược và chiếm đóng của Nhật trong thập niên 1930. Nhưng, như French đã nói rõ, sự oán giận đó có gốc rễ sâu tận thế kỷ 19. Một trong những phần hấp dẫn nhất của cuốn sách lưu loát và thú vị này, French cho thấy tầm quan trọng của việc Nhật Bản sát nhập quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu) vào năm 1879. Quần đảo này vẫn giữ được ý nghĩa của chúng ngày nay, vì bao gồm cả Okinawa — nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ ở phía đông châu Á. Trọng tâm hiện tại của các tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc là một nhóm đảo nhỏ hơn được gọi là Senkakus (Tiêm Các) theo Nhật Bản và Diaoyu (Điếu Ngư) theo Trung Quốc. Nhưng đọc cuốn sách của French, người ta không thể không thắc mắc, rốt cuộc, liệu tham vọng của Trung Quốc cũng có thể có bao gồm luôn cả Okinawa hay không.

Mối quan hệ đồng minh gần gũi của Mỹ với Nhật có nghĩa là, nó chắc chắn sẽ tác động sâu đậm đến căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật. Một số người theo chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc có thể hy vọng rằng, Hoa Kỳ cuối cùng sẽ rút khỏi vùng tây Thái Bình Dương và cho phép Trung Quốc có một con đường không bị ngăn trở để khôi phục phạm vi ảnh hưởng truyền thống của họ. Tuy nhiên, có nhiều khả năng họ sẽ thất vọng. Như Michael Green nhận xét trong By More Than Providence (Còn hơn cả dự phòng), “Nếu có một chủ đề trung tâm trong văn hoá chiến lược của Hoa Kỳ như từng áp dụng cho Viễn Đông trong thời gian dài, thì chính Hoa Kỳ sẽ không dung thứ bất kỳ cường quốc nào khác thiết lập sự kiểm soát độc quyền đối với châu Á và Thái Bình Dương”. Thông điệp không thể rõ hơn cho Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Green hiện là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói rằng, ý tưởng viết lịch sử về “chiến lược vĩ đại “của Mỹ ở vùng châu Á  — Thái Bình Dương, từ lúc thành lập nền cộng hòa cho tới nay, đã đến với ông khi ông làm giám đốc điều hành châu Á trong Nhà Trắng của George W. Bush — và nhận ra rằng không có nghiên cứu nào gần đây về nó. Khi quay trở lại thế giới học thuật, Green vạch mục tiêu lấp khoảng trống này trong sách báo lịch sử và ông đã thành công vang dội. Có khả năng cuốn sách của ông sẽ trở thành tác phẩm chuẩn về chủ đề này.

Với hơn 130 trang chú thích, By More Than Providence là một cuốn sách nặng ký. Nhưng câu chuyện về vướng mắc của Mỹ với châu Á rất kịch tính — bao gồm việc thuộc địa hoá Philippines, Cảng Trân Châu, chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam và việc Nixon “mở cửa với Trung Quốc”. Cùng với việc cung cấp câu chuyện rõ ràng, Green đã xác định một số điều nan giải, tái đi tái lại trong chiến lược lớn của Hoa Kỳ qua nhiều thế kỷ. Những nan đề này bao gồm việc, liệu có nên xem Trung Quốc hay Nhật Bản là đối tác quan trọng hơn; và liệu có nên nhấn mạnh đến việc bảo vệ thị trường Mỹ hay mở cửa thị trường châu Á.

Một trong những hành động đầu tiên của Trump trên cương vị tổng thống là nghiêng hẵn về phía chủ nghĩa bảo hộ, qua việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại mới khổng lồ, vốn được cả chính quyền Bush và chính quyền Obama thúc đẩy. Green hoàn thành cuốn sách của mình trước khi Trump thắng cử. Nhưng công trình của ông lại gợi ý mạnh mẽ rằng, Hoa Kỳ có thể sẽ phải hối tiếc trước hành động này. Ông viết “Khi chính quyền mới của Hoa Kỳ không làm cho việc khuếch trương thương mại trở thành một trụ cột trung tâm trong cách tiếp cận chiến lược của mình đối với châu Á thì họ luôn bị tụt hậu”.

Một số người cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ của Trump là một phần của cuộc chuyển hướng đột ngột, rộng lớn hơn về phía chủ nghĩa biệt lập. Nhưng lịch sử trong sách của Green gợi ra rằng, khó có khả năng nước Mỹ sẽ rút khỏi vùng tây Thái Bình Dương. Một trong những điều nan giải tái đi tái lại thường xảy ra của Hoa Kỳ mà ông nhận ra là xác định “tuyến phòng thủ phía trước” của Mỹ. Green lưu ý rằng, để đối phó với các nan đề an ninh liên tiếp, Mỹ có xu hướng mở rộng khu vực mà họ coi là thiết yếu cho an ninh của chính mình, cho nên bây giờ khu vực này trải dài đến tận bán đảo Triều Tiên và biển Đông. Ông viết, “Trong tiến trình lịch sử này, người Mỹ đã biết được rằng Thái Bình Dương không cung cấp chỗ trú an toàn, tránh các mối đe doạ xuất phát từ vùng trung tâm Á – Âu, nếu Hoa Kỳ không giữ tuyến phòng thủ ở Tây Thái Bình Dương”. Quả vậy, nếu có điều gì, sự tập trung của Mỹ vào châu Á ngày càng trở nên dữ dội hơn khi Trung Quốc trỗi dậy. Barack Obama là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tuyên bố rằng, châu Á — chứ không phải châu Âu hay châu Mỹ — giờ đây là ưu tiên hàng đầu đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Phát biểu của Obama phản ánh nhận thức ngày càng tăng ở Mỹ về tầm quan trọng của sự trỗi dậy của Trung Quốc — và ảnh hưởng của sự trỗi dậy đó đối với sự thống trị truyền thống của phương Tây trong trật tự thế giới. Những cuốn sách của Green, Allison và French chỉ là ba trong số những ví dụ quan trọng nhất trong một loạt những tên sách mới liên quan đến những tham vọng của một Trung Quốc đang trỗi dậy và những căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

China’s Asian Dream (Giấc mộng châu Á của TQ) của Tom Miller là một tác phẩm sống động, giống như quyển sách của French, lập luận rằng, Tập Cận Bình đang có ý định khôi phục lại nước mình trở lại “điều mà ông ta xem như là địa vị tự nhiên, hợp lẽ và lịch sử của nó như là một cường quốc lớn nhất ở châu Á”. Miller, là một nhà phân tích và là nhà báo, đặc biệt lên tiếng mạnh mẽ về vai trò, trong đó việc phát triển cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn, sẽ giữ trong việc hoàn thành những tham vọng này, vì nó “tạo ra một hệ thống triều cống hiện đại, với tất cả các con đường đúng là đều dẫn tới Bắc Kinh theo nghĩa đen”.

Trái lại, cuốn sách China’s Quest for Great Power (Khát vọng cường quốc lớn của Trung Quốc), của Bernard Cole, tập trung vào một khía cạnh khác của sự phát triển của Bắc Kinh như một đấu thủ toàn cầu — trong trường hợp này, sự phát triển nhanh chóng của lực lượng hải quân, một phần như là một phương tiện để bảo đảm rằng, Trung Quốc duy trì việc tiếp cận các nguồn cung cấp năng lượng nước ngoài cần cho nền kinh tế của mình. Cả hai chủ đề đều phản ánh một số xung đột được Allison xem xét. Sự cạnh tranh hải quân Anh—Đức lớn dần là một nét chính yếu của những căng thẳng đi trước sự bùng nổ của thế chiến thứ nhất. Tương tự, chính việc Nhật lo sợ về một cuộc phong tỏa năng lượng đã góp phần tạo ra những cuộc đối đầu, dẫn đến cuộc tấn công của hải quân Hoàng gia Nhật Bản vào cảng Trân Châu.

Tuy nhiên, có một lập luận phản bác quan trọng cần xem xét. Một số học giả tin rằng những tham vọng của Trung Quốc hiện đại — được French, Cole và Miller vạch ra theo những cách khác nhau — có thể sẽ bị cắt ngang do những yếu kém bên trong hệ thống chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Một học giả được ghi nhận, hoài nghi về khả năng của Trung Quốc thực hiện được việc chuyển sang địa vị cường quốc lớn, là nhà khoa học chính trị David Shambaugh, ông đã lập luận trong một cuốn sách năm 2014, rằng có khả năng Trung Quốc vẫn là một “cường quốc từng phần”. Michael Auslin, giáo sư lịch sử và chuyên gia tư vấn cũng bày tỏ sự hoài nghi tương tự, cuốn The End of the Asian Century (Sự kết thúc của thế kỷ châu Á) của ông (được điểm đầy đủ trong Financial Times, ngày 27 tháng 2) là sự điều chỉnh hữu ích cho sự lạc quan thiếu suy xét về tương lai của châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Cuốn sách của Auslin bắt đầu với cảnh: tác giả ở trong một đường hầm mà Bắc Triều Tiên đào bên dưới nước láng giềng phía nam của mình. Đây là một nơi thích hợp để từ đó chiêm nghiệm những nguy cơ mà chiến tranh có thể phá huỷ sự thịnh vượng và ổn định của đa phần châu Á hiện đại.

Cái nhìn khác nhau của Trung Quốc và của Mỹ về cách đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể hình thành phần lớn chủ đề thảo luận của hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới tại khu du lịch Mar-a-Lago của Trump ở Florida. Hoa Kỳ — có một sự hiện diện quân sự lớn ở Hàn Quốc và đã đe doạ thực hiện  các cuộc tấn công phủ đầu chống lại chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên — chắc chắn sẽ can dự vào bất kỳ cuộc chiến nào nổ ra trên bán đảo này. Rất có thể Trung Quốc, với tư cách là một đồng minh chính thức của Bắc Triều Tiên, cũng sẽ bị lôi kéo vào.

Tất cả các cuốn sách được điểm ở đây đã được hoàn thành trước khi Trump yên vị trong phòng Bầu dục. Kể từ đó, tổng thống mới đã phát đi những thông điệp lẫn lộn về phương hướng chính sách của Hoa Kỳ ở Châu Á. Có lúc, chính quyền Trump đưa tín hiệu về một cách tiếp cận mang tính đối đầu nhiều hơn với Trung Quốc, ví dụ như đối với Đài Loan hoặc biển Đông. Lúc khác, Trump và các thành viên nội các của ông ta lại có một đường lối hoà giải hơn. Cuộc họp với Tập Cận Bình có thể đưa ra một chỉ dấu quan trọng, cho thấy, liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thực sự trượt dốc tới một quan hệ thù địch và nguy hiểm hơn hay không.

*
Gideon Rachman là nhà bình luận ngoại giao chính của Financial Times. Cuốn sách của ông, ‘Easternization: Asia’s Rise and America’s Decline, From Obama to Trump and Beyond’ (Đông phương hóa: sự trỗi dậy của châu Á và sự suy tàn của Mỹ, từ thời Obama cho tới thời Trump and xa hơn nữa) sẽ được Other Press xuất bản ở Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 4.



No comments:

Post a Comment

View My Stats