Friday, 7 April 2017

QUYỀN BIỂU TÌNH (Võ Hồng Ly - Ngàn Lau)





Võ Hồng Ly

Ghi Chú NL: Quyền biểu tình là một đề tài tranh cãi tại VN. Có người cho rằng Hiến Pháp ghi rõ là quyền biểu tình phải được thực thi trong khuôn khổ của luật pháp. Có nghĩa là khi mà luật pháp chưa có luật biểu tình thì chúng ta không thể nào đi biểu tình. Thoạt nghe tưởng là đúng nhưng hoàn toàn sai. Bài viết của Võ Hồng Ly đã nhận định đúng bản chất của vấn đề. Có nghĩa là khi cái Quốc Hội của đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) vẫn ngần ngại ra luật biểu tình thì Hiến Pháp của Việt Nam là cao nhất và người dân có quyền biểu tình cho dù luật chưa có. Luật chưa có là bởi vì cái đãng này không muốn có. Và chúng ta, những người dân, không thể nào chờ đợi xin xỏ cái quyền của Con Người, cái quyền mà Con Người đã có kể từ khi xã hội hình thành, cái quyền mà Con Người đã có trước khi có sự xuất hiện của đãng csvn. Lấy lý do đãng csvn đàn áp người dân đi biểu tình bởi người dân đã vi phạm luật thì vô tình chúng ta đã nhìn nhận sự đàn áp này là đúng. Nên nhớ rằng, đàn áp người dân là bản chất của chế độ này. Cho dù có luật biểu tình, họ sẽ ra hàng trăm luật khác để bắt bớ những người biểu tình hoặc để có cơ hội đàn áp người dân. Cái sinh mệnh của chúng ta phải do chúng ta quyết định. Không thể nào tiếp tục giao cho một cơ chế vô trách nhiệm, một đãng vô trách nhiệm để họ nắm cái sinh mệnh của chúng ta. Ngày nào chúng ta vẫn còn sợ hãi, vẫn còn im lặng thì ngày đó đất nước này sẽ không bao giờ trưởng thành và sẽ là một bãi rác phế thải chất độc của Trung Quốc đổ vào Việt Nam để tiêu diệt dân tộc Việt trước khi họ danh chính ngôn thuận sáp nhập lãnh thổ Việt vào đất nước của Trung Quốc. Sự lựa chọn đã rõ. Sống như Trần Bình Trọng hay sống như Lê Chiêu Thống là sự lựa chọn của mỗi người Việt hôm nay. Lịch sử sẽ ghi lại sự trưởng thành (đứng lên) của dân tộc Việt trước những tàn phế (đạo đức) hiện giờ hay sẽ ghi lại là dân tộc Việt đã mất trên bản đồ vì sự lựa chọn sai lầm.

*
*
Võ Hồng Ly

Mặc dù Quyền Biểu Tình đã được ghi nhận tại Điều 25 trong Hiến pháp 2013, nhưng trên thực tế, quyền này hầu như chưa được công nhận ở Việt Nam. Vì chưa có Luật Biểu Tình, nên đã dẫn đến cách hiểu về biểu tình, cách thức thực hiện quyền biểu tình rất khác nhau. Ý đảng và lòng dân cũng vì thế mà càng cách xa nhau. Nhà cầm quyền thì luôn trì hoãn nên vẫn nợ nhân dân cái Luật Biểu Tình, còn nhân dân thì tuy có e dè nhưng khi quá bức xúc, không còn có cách nào khác là họ phải tiến hành biểu tình một cách tự phát để rồi nhà cầm quyền dựa vào đó để hợp thức hóa việc đàn áp nhân dân.

Hiện nay, mỗi khi có các cuộc biểu tình tự phát của người dân thì các cơ quan nhà nước ở Việt Nam thường áp dụng nghị định số 38/2005/NĐ-CP phát hành ngày 18/3/2005 của chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Tuy nhiên, cần phải xác định lại là nghị định này được áp dụng nhằm để điều chỉnh hành vi “tập trung đông người ở nơi công cộng” chứ không phải là điều chỉnh các hoạt động biểu tình. Chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của hai sự việc này: việc tập trung đông người ở nơi công cộng có thể là một hình thức của biểu tình nhưng chưa chắc đã là hoạt động biểu tình!

Theo quy định của nghị định này, các hoạt động tập trung đông người chỉ được diễn ra khi đã có sự cấp phép của Ủy Ban Nhân Dân cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, quy định này lại hoàn toàn trái với tinh thần của pháp luật về biểu tình. Vì biểu tình là một quyền tự do ngôn luận, người dân chỉ cần “thông báo” đến cơ quan nhà nước về việc tổ chức biểu tình chứ không phải là “xin – cho”. Đồng thời, các quy định của nghị định này đều thể hiện rõ xu hướng là tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, chứ không phải là tạo thuận lợi cho người dân được thực hiện quyền của mình. Hơn nữa, biểu tình là một quyền hiến định cao nhất và vì thế, những nội dung liên quan đến quyền này chỉ có thể được ghi nhận trong luật chứ không thể dùng nghị định - là văn bản dưới luật, để điều chỉnh và áp dụng tùy tiện như bây giờ. Nếu chưa có quy định của pháp luật tương ứng thì điều đó có nghĩa rằng, quyền biểu tình của công dân theo Điều 25 Hiến pháp 2013 phải được thực hiện và tôn trọng mà không gặp bất kỳ cản trở nào!

Như vậy, nhà nước đang có lỗi với nhân dân vì cho đến bây giờ vẫn chưa thể ra được Luật Biểu Tình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Đã thế, việc đàn áp nhân dân đi thực hiện cái quyền mà đáng lẽ nhà cầm quyền phải có bổn phận hỗ trợ ấy là cái sai thứ hai. Chính vì nhà nước đã làm sai trong hàng lọat các quyết sách cả về đối nội lẫn đối ngoại gây hậu quả trầm trọng mà nhân dân thấy cần phải đứng lên để đề đạt nguyện vọng, tâm tư và trăn trở của mình, với hy vọng có thể tìm được giải pháp và tiếng nói chung với nhà cầm quyền trong xử lý khủng hoảng. Thay vì lắng nghe, xin lỗi, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tìm giải pháp tương ứng, nhà cầm quyền đã đàn áp đẫm máu người dân đi biểu tình cho công lý, cụ thể vào hai ngày gần đây nhất là 14/02/2017 và 05/03/2017, và đây chính là cái sai thứ ba bên cạnh hàng loạt những sai trái không thể liệt kê hết!

Máu rơi cũng đã đủ, bắt bớ cũng đã nhiều, tù đày, dọa nạt, sách nhiễu cũng không phải là giải pháp xử lý đúng đắn mà chỉ càng ngày càng tạo thêm hố sâu ngăn cách giữa nhà cầm quyền và nhân dân mà thôi. Biển không thể tự phục hồi bằng máu của nhân dân! Cá không thể sống lại bằng nước mắt của những dân oan! Môi trường không thể tự trong sạch bằng những vết thương chằng chịt trên cơ thể của những người dân bị đàn áp… Khi nỗi sợ hãi qua đi, sự ghét bỏ, thậm chí hận thù sẽ được gieo mầm và làm cho con người dần dần bị trơ lỳ cảm xúc nhân bản mà sẵn sàng đối đầu với bất kỳ ai trong hệ thống của nhà cầm quyền! Đến khi ấy, ai gieo gió ắt phải gặt bão! Ở đâu có áp bức, ở đó sẽ có đấu tranh!

Chính phủ không làm được việc, hãy giải tán chính phủ! Quốc hội không hiệu quả, xin các vị hãy từ nhiệm! Đảng lãnh đạo không tài, không đức thì hãy nhận trách nhiệm và trả quyền tự quyết, làm chủ thực sự cho nhân dân! Khi đất nước lầm than, dân tộc nguy biến, nhân dân sẵn sàng cùng chung vai gánh vác và chia sẻ trách nhiệm kể cả trước những việc làm sai trái của nhà cầm quyền. Chính vì vậy, việc đàn áp, bắt bớ nhân dân khi họ đang chỉ đi đòi lại quyền lợi cho dân tộc, cho Tổ Quốc và cho chính bản thân những nhà cầm quyền mà phần lớn vì hèn yếu và bạc nhược đã không dám cất lên tiếng nói, là một điều cả lý lẫn tình đều không thể chấp nhận được!

Người Việt sống trên đất Việt sẽ đi đòi công lý và quyền làm Người cho cả dân tộc Đại Việt! Ai đàn áp nhân dân sẽ hiện nguyên hình là kẻ phản bội, bán nước và cầu Trung!


Nguồn:
FB Võ Hồng Ly


-----------------------------------

Nguyễn Chính Kết  -  Published on Mar 16, 2017






No comments:

Post a Comment

View My Stats