Monday, 17 April 2017

MỸ ĐÃ HẾT KIÊN NHẪN VỚI BẮC HÀN - BÌNH NHƯỠNG ĐỪNG DẠI DỘT NẮN GÂN WASHINGTON (tin tổng hợp)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 17-04-2017

Từ vùng phi quân sự ngăn đôi bán đảo Triều Tiên, phó tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi Bắc Triều Tiên « không nên trắc nghiệm » quyết tâm của tổng thống Donald Trump và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Tất cả mọi « giải pháp » - kể cả quân sự - « đã được tính đến » để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Thứ Hai 17/04/2017, trong một hành động biểu tượng đánh dấu Hoa Kỳ thay đổi chính sách đối phó với tham vọng hạt nhân của Bắc Tiều Tiên, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đến thăm vùng giới tuyến của Hàn Quốc. Trong bối cảnh tình hình căng thẳng tột độ sau vụ Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa nhưng thất bại, phó tổng thống Mỹ đưa ra lời khuyến cáo : Bắc Triều Tiên không nên trắc nghiệm quyết tâm hành động của tổng thống Donald Trump cũng như sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực. Để đáp trả hành động bị xem là « khiêu khích » của Bắc Triều Tiên và cũng để trấn an hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, Washington điều động một « hải đội tác chiến » tiến về Bắc Á.

Theo phó tổng thống Mỹ, Washington vẫn ưu tiên tìm một giải pháp thương lượng nhưng từ nay không loại trừ bất cứ biện pháp nào để bảo vệ tự do cho đồng minh Hàn Quốc.

Ám chỉ chính sách « mưa lâu thấm đất » của cựu tổng thống Barack Obama dùng cấm vận để gây áp lực nhưng không hiệu quả, phó tổng thống Mike Pence cảnh báo Bình Nhưỡng : Chiến lược dựa trên kiên nhẫn đã sang trang.

Theo AFP, phó tổng thống Mỹ không che dấu xúc động khi đặt chân đến vùng địa đầu của Hàn Quốc. Ông nói với các quân nhân Hàn Quốc là cha của ông từng có mặt tại đây, chiến đấu bên cạnh những chiến binh Nam Hàn « để giúp các bạn giành lại tự do » trong cuộc chiến 1950-1953.

Pence trấn an đồng minh

Ngoài những lời lẽ răn đe Bắc Triều Tiên, phó tổng thống Hoa Kỳ đã tìm cách trấn an đồng minh Hàn Quốc khi nhấn mạnh mục đích chính của Washington luôn là bảo đảm hòa bình cho khu vực bán đảo Triều Tiên. Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết, sau buổi tiếp kiến quyền tổng thống Hàn Quốc, Hwang Kyo Ahn sáng nay tại Seoul, ông Mike Pence tuyên bố : Đôi bên đồng ý « nhanh chóng kích hoạt » hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Phó tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại khi thấy Bắc Kinh dùng đòn kinh tế trừng phạt một số hãng Hàn Quốc chỉ vì Seoul trang bị hệ thống lá chắn của Mỹ để tự vệ trước đe dọa hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng vào sáng nay một lần nữa nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh theo đó THAAD là một mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc.

Nhật Bản : Bắc Triều Tiên nên tránh khiêu khích

Về phần thủ tướng Nhật Bản, phát biểu tại Hạ Viện vào hôm nay, ông Shinzo Abe kêu gọi Bình Nhưỡng tránh mọi hành động khiêu khích và nên tôn trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Tokyo, Seoul và Washington hợp tác chặt chẽ trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Nhật nói thêm sẽ thảo luận với tổng thống Nga về hồ sơ này trong cuộc họp thượng đỉnh song phương sắp tới. Bản thân Tokyo đang nghiên cứu một số các biện pháp trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, từ vấn đề người tị nạn đến khả năng sơ tán kiều dân Nhật khỏi Hàn Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột.

Ngoại trưởng Lavrov tại Matxơcva hy vọng Mỹ không "đơn phương" hành động như đã phản ứng với Syria vừa qua. « Nga không chấp nhận chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, không chấp nhận quốc gia này vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là một quốc gia khác có thể sử dụng vũ lực ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế để đối phó với Bắc Triều Tiên ».

----------------------------------
BBC Tiếng Việt
17 tháng 4 2017

Phó tổng thống Mike Pence nói "thời kỳ kiên nhẫn với Bắc Hàn" của Hoa Kỳ đã kết thúc.
Ông Pence đưa ra tuyên bố này trong chuyến thăm đến Khu Phi quân sự (DMZ), nơi phân chia hai miền của bán đảo Triều Tiên.

Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nhìn về phía Bắc Hàn tại một đài quan sát ở Bàn Môn Điếm. AFP/GETTY IMAGES
 
Ông Pence đưa ra tuyên bố này trong chuyến thăm đến Khu Phi quân sự (DMZ), nơi phân chia hai miền của bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm diễn ra khi căng thẳng giữa Bắc Hàn và Mỹ leo thang chỉ trong vài tuần gần đây, với những tuyên bố khiêu khích từ hai bên.

Phó tổng thống Mỹ đến Seoul hôm 16/4, chỉ vài giờ sau khi Bắc Hàn bắn thử một tên lửa đạn đạo, một động thái ông cho là "khiêu khích".
Cuộc thử tên lửa này đã thất bại, nổ tung chỉ sau vài phút rời bệ phóng.

Hôm 17/4, Mỹ và Nam Hàn tiến hành một cuộc tập dợt không quân để đảm bảo sẵn sàng đối phó với Bắc Hàn, theo truyền thông Nam Hàn.


Ông Pence đi trực thăng đến Doanh trại Bonifas, một khu vực quân sự của Liên Hiệp Quốc gần Khu Phi quân sự.

Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence gặp gỡ các quân lính Hoa Kỳ và Nam Hàn tại trại quân đội gần DMZ. AFP/GETTY IMAGES

Ông dự kiến sẽ thăm ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi ký kết thỏa thuận đình chiến của Chiến tranh Triều Tiên.

Cha ông từng chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên. Ông nói với phóng viên rằng sự liên minh giữa quân đội Mỹ và Nam Hàn mang tính "lịch sử" và là "một minh chứng cho mối quan hệ bền vững giữa hai nước."

Ông Pence nói: "Đã có một thời kỳ có sự kiến nhẫn chiến lược, nhưng thời kỳ đã kết thúc."
Mỹ mong muốn đảm bảo an ninh trong bán đảo "bằng các biện pháp hòa bình, qua các thỏa hiệp," ông nói, "nhưng giờ mọi biện pháp đã được đặt lên bàn."

Một cố vấn quân sự cấp cao của Hoa Kỳ nói nước này đang lên một danh sách với Trung Quốc về các biện pháp đối phó với Bắc Hàn, sự xác nhận đầu tiên về việc hai quốc gia hợp tác để giải quyết vấn đề Bắc Hàn.

Trong khi đó khoảng 1,000 lính không quân Mỹ và phi cơ chiến đấu đang tham gia vào một cuộc tập dợt quân sự ở Nam Hàn, theo như thông xã Yonhap. Nam Hàn cũng gửi 500 lính và máy bay tham gia. Cuộc tập dợt Max Thunder sẽ kéo dài trong hai tuần.

Ông Mike Pence, người dự kiến sẽ có cuộc gặp với quyền tổng thống Nam Hàn, sẽ có chuyến thăm bốn nước trong 10 ngày ở châu Á.
Ngoài đợt bắn thử thất bại cuối tuần rồi, Bắc Hàn cũng đã có nhiều loạt bắn thử tên lửa vào tuần trước bao gồm một cuộc diễu binh quy mô lớn hôm 15/4.

-------------------------------

Tú Anh – RFI
Đăng ngày 17-04-2017

Để chứng tỏ quyết tâm ưu tiên hành động hơn là lý thuyết, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng đã đến lúc giải quyết « dứt điểm » hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chủ nhân mới của Nhà Trắng có trong tay bốn loại vũ khí: kinh tế, gián điệp, đàm phán và quân sự. Theo giới phân tích, mỗi biện pháp đều có giới hạn, một phần vì tính chất đặc biệt của chế độ Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bên các binh lính tại Bình Nhưỡng, ngày 01/04/2017.KCNA/via REUTERS

GBU-43, quả bom quy ước có sức công phá dữ dội nhất của Mỹ, được ném ở Afghanistan để hủy diệt một hệ thống hang động của Daech, có thể xem là một lời cảnh báo đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un : nước Mỹ của Donald Trump sẽ hành động khi phải hành động.

Theo Reuters, cho đến nay, mọi biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại, tài chính của quốc tế không làm chế độ Bình Nhưỡng chùn bước. Hết thử nghiệm hạt nhân đến phóng tên lửa tầm trung, tầm xa, Bắc Triều Tiên từng bước cải tiến sức mạnh vũ trang chiến lược và buôn lậu để tồn tại. Sau vụ phóng tên lửa bị thất bại hồi tuần trước, Bắc Triều Tiên chờ đợi một loạt biện pháp trừng phạt mới. Theo giới chức Mỹ, chiến lược này bao gồm bốn kế hoạch : bao vây kinh tế, tấn công mạng, áp lực ngoại giao và tấn công quân sự. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có những giới hạn cản trở.

Về kinh tế, theo Reuters, Washington dự kiến sẽ thêm một loạt biện pháp ngăn cấm mới gần như là phong tỏa nhiên liệu, nhất là dầu hỏa, hàng không dân dụng, thương thuyền và trừng phạt những ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên. Nhưng giới chuyên gia ở Washington không tin là Bắc Kinh ngồi yên nhìn Bắc Triều Tiên sụp đổ, đưa đến một làn sóng di dân tràn qua Trung Quốc.

Biện pháp thứ hai là gián điệp mạng và tình báo. Trước khi chính quyền Hồi giáo Iran chấp nhận đàm phán với lục cường tây phương một thỏa thuận về hạt nhân để được bỏ cấm vận thì Hoa Kỳ, với sự trợ giúp của Israel, đã thành công trong việc cài virus Stuxnet, phá hủy hàng ngàn máy ly tâm tinh lọc uranium của Teheran. Thế nhưng, chính quyền Barack Obama bị thất bại khi tìm cách dùng virus Stuxnet tấn công chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong suốt hai năm 2009 và 2010.

Thất bại này không gây ngạc nhiên vì một giới chức tình báo cao cấp của Mỹ đã giải thích : Bản chất khép kín của chế độ Bình Nhưỡng làm giảm hiệu năng của tình báo Mỹ và hệ thống viễn thông cô lập đã vô hiệu hóa những tấn công mạng từ bên ngoài. Theo báo chí Mỹ thì Washington buộc phải tập trung « ngăn chặn » tên lửa của Bình Nhưỡng một khi đã rời dàn phóng và ít nhiều đã cải tiến được chiến thuật « làm tắt máy » bằng cyber-attack.

Về giải pháp ngoại giao, có lẽ đây không phải là lá chủ bài của Donald Trump, ít ra là ở bề mặt. Chưa bao giờ chủ nhân mới của Nhà Trắng tuyên bố có ý định mở lại đàm phán sáu bên, bị gián đoạn từ 7 năm nay. Thỏa thuận cho phép thanh tra quốc tế kiểm tra nhà máy hạt nhân Yongbyon đạt được vào năm 2012 đã bị Bình Nhưỡng đình chỉ trong sự bất lực của tây phương.

Phương án thứ tư là phong tỏa các hải cảng của Bắc Triều Tiên và dùng tên lửa hành trình hủy diệt các cơ sở hạt nhân và tên lửa. Sau khi ra lệnh cho một hải đội tác chiến gồm hàng không mẫu hạm và nhiều tàu khu trục trang bị tên lửa tiến về Bắc Á, tổng thống Donald Trump cho biết huy động thêm một lực lượng tàu ngầm. Các biện pháp phong tỏa hàng hải, cấm vận hàng không, bao vây kinh tế nằm trong một nỗ lực làm lung lay và làm sụp đổ chế độ khép kín của dòng họ Kim.

Chưa rõ Bình Nhưỡng chịu đựng đến mức độ nào nhưng thứ Sáu tuần trước, tướng Choe Ryong Hae (Thôi Long Hải), hiện giờ là nhân vật số hai của chế độ, đe dọa trước : « Mọi tấn công của Mỹ sẽ bị đáp trả một cách tàn khốc ». Nếu tổng thống Donald Trump dùng quả bom quy ước GBU-43 làm thông điệp thì cũng không chắc gì « thông điệp » này lung lạc được đối thủ ở thế cùng và phản ứng cũng khó lường không khác gì nhà tỷ phú địa ốc.

Theo đại sứ hồi hưu Chris Hill, trưởng đoàn đàm phán của Mỹ thời tổng thống George W Bush, thì ít nhất 20 triệu thường dân Hàn Quốc nằm trong tầm đạn đại bác của Bắc Triều Tiên. Do vậy, cho dù tổng thống Donald Trump tuyên bố cứng rắn nhưng cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster đã phải nhấn mạnh : Quân sự là phương án sau cùng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats