Friday 21 April 2017

KHÔNG CHỈ TẠI ĐỒNG TÂM, CÒN NHIỀU "MAFIA CHÍNH TRỊ" ĐANG TUNG HOÀNH CHIẾM ĐẤT VÔ TỘI VẠ (FB Linh San)




Nguồn: Facebook Linh San

(Blue)

Không phải vô cớ mà những người dân chân lấm tay bùn tại xã Đồng Tâm lại cả gan bắt nhốt nhiều cảnh sát và cán bộ trong vài ngày qua. Miếng cơm manh áo của họ đặt trọn vào mảnh đất ấy, nay lại bị một số cán bộ địa phương o ép buộc thu hồi cho dự án quốc phòng, trong khi đất quốc phòng thực sự thì lại đang bị một nhóm quan chức xã tự ý chia chác sử dụng bất chấp vi phạm pháp luật. Sự bất công ấy không chỉ đang xảy ra ở Đồng Tâm, nó còn hiện diện ở nhiều dự án, công trình do những Tập đoàn lớn đầu tư bằng cách “nuốt trọn” đất của người dân khắp mọi tỉnh thành dưới sự bảo trợ của các một số quan chức địa phương.

Bất cứ nơi nào có sự góp mặt của FLC thì người dân nơi đó rơi vào cảnh cùng quẫn vì mất đất, mất nhà,

Sự việc tại Đồng Tâm đã bắt đầu từ năm 2014 nhưng mâu thuẫn chỉ thực sự trở nên căng thẳng vào tháng 11/2016, khi Viettel được giao 6,8ha đất tại làng này để thực hiện dự án A1. Diện tích 6,8ha đó là đất nông nghiệp nằm ngoài khu vực 47,68 ha đã bàn giao làm sân bay Miếu Môn nhưng một số cán bộ UBND xã Đồng Tâm lại ngang nhiên lấy đất của dân để giao cho Viettel làm dự án. Bức xúc lên tới tột cùng, người dân xã Đồng Tâm “bùng nổ”.

Tuy nhiên, hiện nay không chỉ dân Đồng Tâm lâm vào cảnh mất đất, người dân nhiều tỉnh thành khác cũng đang gặp tình cảnh tương tự. Hàng loạt sai phạm, coi thường kỷ cương phép nước đã bị vạch trần trong suốt thời gian qua. Điển hình là các dự án của Tập đoàn FLC do Trịnh Văn Quyết đứng đầu. Bất cứ nơi nào có sự góp mặt của FLC thì người dân nơi đó rơi vào cảnh cùng quẫn vì mất đất, mất nhà,… đặc biệt là tại Thanh Hóa. Bí thư Trịnh Văn Chiến khi còn giữ chức Chủ tịch UBND Thanh Hóa đã sử dụng quyền hạn của mình ban hành các văn bản thu hồi đất để o ép, cưỡng chế buộc dân phải giao đất với giá rẻ bèo, tạo điều kiện cho FLC “cắt xén, phân lô” bán với giá cao gấp 50, 60 lần.

Mới đây tại Thái Bình, Tập đoàn Đại Cường ngang nhiên “cướp” đất canh tác của dân khi bất ngờ dựng rào tôn quây kín 26 ha đất mà chưa đền bù tiền đất cho dân để triển khai Dự án New City Thái Bình. Đây là dự án thương mại, đáng nhẽ chủ đầu tư sẽ tự thỏa thuận đền bù với người dân. Thế nhưng, một số cán bộ UBND tỉnh Thái Bình lại can thiệp đưa ra quyết định buộc người dân phải chấp nhận giao đất và đền bù theo giá của nhà nước. Chính các cán bộ đã “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư vi phạm pháp luật, dung túng cho phép doanh nghiệp trắng trợn cướp đất, phục vụ cho lợi ích của một nhóm cá nhân.

Dự án New City Thái Bình được công ty cổ phần tập đoàn Đại Cường quây tôn rào kín trong khi người dân chưa nhận tiền đền bù và vẫn đang canh tác.

Không chỉ ở Thái Bình, nhóm lợi ích cũng xuất hiện ngay tại Hà Nội, tiêu biểu là vụ cao ốc 50 tầng tại Quảng Võ do các Tập đoàn T&T và Tân Hoàng Minh đầu tư xây dựng. Sau khi được các cán bộ cá biệt tuồn thông tin sắp sửa có chính sách quy hoạch xây chung cư cao cấp, các Tập đoàn này chớp thời cơ lập tức tung tin giả cho biết số đất này sẽ được quy hoạch làm triển lãm, nhằm mua lại với giá chỉ 21,5 triệu đồng/m2 từ người dân. Sau khi chính sách quy hoạch xây chung cư cao cấp chính thức ban hành, giá đất lập tức tăng vọt lên 200–300 triệu đồng/m2, nhóm lợi ích hả hê ôm số tiền lợi nhuận khủng kiếm được từ việc lừa gạt người dân.

Trong khi người dân nghèo Thanh Hóa đang rơi nước mắt thì ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư tỉnh Thanh Hóa và Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vẫn tươi cười sau mỗi dự án được thi công.

Tại Bắc Giang, cuộc sống yên bình của người dân bỗng nhiên bị phá vỡ bởi hàng chục chiếc máy xúc, xe ben ngày đêm gầm rú, san ủi phá tan hoang đất sản xuất, nhà cửa, hoa màu của bà con nông dân để xây dựng dự án sân golf Yên Dũng do Công ty Cổ phần QNK Bắc Giang làm chủ đầu tư. Tất cả thay đổi đến chóng mặt biến nơi đây thành “đại công trường”, phục vụ lợi ích của một nhóm người trong xã hội. Giống như tại Đồng Tâm, người dân nơi đây cũng rơi vào cảnh khiếu kiện kéo dài, không có hồi kết với chính quyền địa phương vì bị chiếm dụng đất vô lý.

Để xây dựng dự án sân golf Yên Dũng, nhiều đồi cây bị chặt phá không thương tiếc.

Trên đây chỉ là vài trường hợp điển hình, nhưng cũng đủ cho thấy mức độ lạm chức lạm quyền của một số quan chức địa phương nhằm tìm kiếm lợi ích cá nhân, bất chấp việc đẩy hàng triệu người dân vào cảnh mất sinh kế. Hệ quả là, chỉ tính riêng năm 2014, Bộ Tài nguyên môi trường đã nhận được 3.300 đơn thư tố cáo khiếu nại, trong đó tranh chấp đất đai chiếm hơn 94% đơn tố cáo.

Rõ ràng, không chỉ ở Đồng Tâm, người dân tại nhiều tỉnh thành khắp cả nước cũng đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ các hành vi “đứng trên” hay ngoài luật pháp để tìm kiếm nguồn lợi nhuận riêng thông qua việc hút máu hàng triệu người dân. Nếu không kịp thời xử lý hành vi “tham nhũng đất” của một số cán bộ “làm rầu nồi canh” thì vụ việc tại Đồng Tâm có thể là mồi lửa làm bùng cháy những nỗi bức xúc khác gây hệ quả khôn lường.




No comments:

Post a Comment

View My Stats