Thursday 6 April 2017

KHAI MẠC THƯỢNG ĐỈNH MỸ - TRUNG (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
07/04/2017

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đón tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm khu nghỉ mát của ông ở bang Florida hôm nay, thứ Năm 6/4 vào lúc bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh hai ngày. Nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng tăng sức ép để TQ kiềm chế nỗ lực của Bắc Hàn nhằm phát triển chương trình hạt nhân của nước này. Mời quý vị theo dõi chi tiết.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, (bên trái) trong lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở phi trường Quốc tế Palm Beach, West Palm Beach, Florida, 6/4/2017.

Không đi vào chi tiết, ông Trump trong tuần này khuyến cáo: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Hàn, chúng ta sẽ làm điều đó.” Chính phủ của ông Trump đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt các ngân hàng và công ty Trung Quốc giúp Bình nhưỡng tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế.

Trung Quốc cung cấp cho Bắc Hàn hầu hết nhiên liệu hoá thạch của nước này, nhập khẩu thực phẩm, đồ tiêu dùng và nguyên liệu dùng để xây dựng chương trình chế tạo vũ khí của Bắc Hàn.

Tuy nhiên Trung Quốc dường như đã trở nên mệt mỏi về các tham vọng quân sự của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, nhân vật mà từ khi nên nắm quyền cách đây 6 năm, chưa từng một lần sang thăm Bắc Kinh. Một loạt biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc chống Bắc Hàn đã không răn đe đuợc Bình Nhưỡng ngưng thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân, trong đó vụ mới nhất là vụ phóng thử nghiệm phi đạn thực hiện trong tuần này.

Là người lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng đây là lần đầu tiên ông Trump và ông Tập gặp nhau. Dự kiến hai ông sẽ bỏ nguyên ngày Thứ Sáu để đàm phán sau khi tham gia buổi dạ tiệc cùng với hai vị phu nhân tại dinh Mar-a-Largo.

-------------------------

VOA Tiếng Việt
07/04/2017

Phần lớn cuộc hội kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này được dành để bàn luận về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng những gợi ý mạnh miệng trước đó của ông Trump về hành động quân sự nhắm vào quốc gia cộng sản cô lập này có phần chắc sẽ khó thành hiện thực, theo các giới chức quân sự và nhà phân tích.

Tổng thống Donald Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đến khu dinh thự Mar-a-Lago, ngày 6 tháng 4, 2017, ở thành phố Palm Beach, bang Florida.

Trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Bắc Triều Tiên đã bắn một phi đạn đạn đạo ra ngoài khơi bờ biển phía Đông, theo tin từ các giới chức Mỹ và Hàn Quốc. Phi đạn này, rơi xuống Biển Nhật Bản vào sáng thứ Tư, là một trong nhiều phi đạn mà nước này đã bắn thử nghiệm trong những tháng gần đây.
Mỹ lâu nay vẫn hối thúc Trung Quốc - đồng minh lớn nhất của Bắc Triều Tiên - phải gia tăng sức ép đòi Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân và thử nghiệm phi đạn của mình, nhưng ông Trump hôm Chủ nhật tuần trước gợi ý rằng Mỹ sẽ sẵn sàng hành động đơn phương để ngăn chặn Bắc Triều Tiên.
“Nếu mà Trung Quốc không chịu giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên thì chúng tôi sẽ làm điều đó. Tôi chỉ nói như vậy thôi,” ông Trump phát biểu đầy ẩn ý trong cuộc phỏng vấn với báo Financial Times của Anh.

Lựa chọn khó
Mỹ lâu nay vẫn đe dọa sử dụng vũ lực đối với Bắc Triều Tiên và những lời đe dọa này thường là nhằm răn đe Bắc Triều Tiên và bảo đảm cam kết an ninh với Hàn Quốc hơn là để chuẩn bị cho chiến tranh.
Nhưng có lý do vì sao Mỹ chưa bao giờ làm đúng như những gì mình nói, ngay cả khi các chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên vượt qua những lằn ranh đỏ.
Báo The New York Times dẫn lời các nhà phân tích nhận định rằng hầu như bất kỳ phương án nào cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ leo thang không có chủ ý, dẫn tới một cuộc chiến toàn diện. Nó sẽ đặt hàng triệu thường dân Hàn Quốc và Nhật Bản vào tầm tấn công của Bắc Triều Tiên mà không đảm bảo đạt được bao nhiêu lợi ích.
Nhà báo Barbara Demick của báo The Los Angeles Times chỉ ra rằng ngay cả khi không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, pháo quy chuẩn của Bắc Triều Tiên tại khu phi quân sự cũng có thể dễ dàng vươn tới được 30.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc cũng như 25 triệu người Hàn Quốc sống trong khu vực đô thị Seoul.
Sự tính toán chiến lược không thay đổi nhiều kể từ năm 1994, khi chính quyền Clinton cân nhắc tấn công cơ sở hạt nhân chính của Bắc Triều Tiên tại Yongbyon. Hàn Quốc thực hiện mô phỏng bằng máy tính cho thấy 1 triệu người sẽ chết nếu chiến tranh nổ ra với Bắc Triều Tiên. Mặc dù tất cả mô phỏng cho thấy Triều Tiên sẽ nhanh chóng bị đánh bại, nhưng tổn thất lại quá cao.
Và Bắc Triều Tiên biết rằng mình có lẽ sẽ thua nếu chiến tranh nổ ra với Mỹ. Chính vì vậy Bình Nhưỡng sẽ kêu gọi một sự đáp trả toàn diện để ngăn chặn người Mỹ. Báo The New York Times phân tích chiến lược ‘chuột chạy cùng sào’ này của Bắc Triều Tiên tạo nên một nguy cơ mà từ lâu đã làm đau đầu các nhà hoạch định tác chiến của Mỹ: rằng Bắc Triều Tiên sẽ xem ngay cả một vụ tấn công hạn hẹp của Mỹ là khai chiến và đáp trả bằng toàn bộ kho vũ khí của mình.
Jeffrey Lewis, một chuyên gia về Bắc Triều tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nhắc nhớ một sự kiện vào năm 1969 khi Bắc Triều Tiên bắn rơi một chiếc máy bay Hải quân Hoa Kỳ, làm thiệt mạng 31 người.
Ông nói với The New York Times rằng chính quyền Nixon chưa bao giờ trả đũa vì không thể tìm ra những lựa chọn "đủ cứng rắn để trừng phạt Bắc Triều Tiên, nhưng không quá cứng rắn để Bắc Triều Tiên sẽ nghĩ đó là một cuộc tấn công tổng lực."
Tướng Curtis M. Scaparrotti phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ vào năm 2016, khi ông là tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, rằng chiến tranh với Bắc Triều Tiên “sẽ tương tự như Chiến tranh Triều Tiên và Thế chiến thứ hai – rất phức tạp và có lẽ gây thương vong lớn.”
Chính vì thế ông Trump phải thương thuyết với Trung Quốc, nước đã che chở cho Bắc Triều Tiên kể từ những năm 1950.

Mỹ cần Trung Quốc
Trung Quốc là phao cứu sinh của Bắc Triều Tiên, cung cấp gần như toàn bộ dầu nhiên liệu, thực phẩm nhập khẩu, hàng tiêu dùng cũng như nguyên liệu dùng để chế tạo vũ khí.
Bắc Kinh đến giờ vẫn miễn cưỡng thi hành các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên hoặc đóng cửa các công ty giao thương của Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc vốn làm nhiệm vụ lo liệu chuyện tiền bạc cho giới lãnh đạo và nhập khẩu vũ khí.
Tại các cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên không ngần ngại phô bày những chiếc xe tải do Trung Quốc sản xuất được chuyển đổi thành những giàn phóng phi đạn. Chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc ở Singapore đã bị xét thấy có dính líu trong một vụ án hình sự vào năm ngoái tại Singapore mà trong đó một công ty vận tải đã bị kết tội trợ giúp Bắc Triều Tiên nhập khẩu vũ khí từ Cuba.
Gợi ý của ông Trump hành động đơn phương về Bắc Triều Tiên mà không có sự tham gia của Trung Quốc là điều mà giới chức quân sự cao cấp của Mỹ xem là không thực tế.
Hôm thứ Ba, Tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm kìm chế chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên sẽ phải cần có sự tham gia của Trung Quốc.
“Tôi là một sĩ quan quân sự, trách nhiệm của tôi là cung cấp những lựa chọn quân sự cho Tổng thống … nhưng tôi nhìn vấn đề này từ quan điểm chiến lược và tôi không nhìn thấy một lựa chọn nào mà không có Trung Quốc,” ông Hyten phát biểu tại một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ.
Về phần mình, Trung Quốc có phần chắc sẽ không có hành động song phương nếu không có sự ‘đổi chác’ ở những vấn đề khác, theo nhận định của nhà nghiên cứu Christopher Green tại Đại học Leiden ở Hà Lan trong một bài bình luận đăng trên trang tin CNN.
“Trừ phi Washington sẵn lòng chấm dứt sự ủng hộ của mình đối với Đài Loan, hoặc giả, nhượng quyền kiểm soát vùng biển quốc tế lại cho Trung Quốc – một vụ “mặc cả lớn” thực sự mang tầm vóc lịch sử mà có thể gây mất ổn định trong vùng,” ông Green viết.
Không rõ liệu một thỏa thuận như vậy có đạt được trong cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo hay không.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc đặt kỳ vọng thấp cho cuộc gặp Trump-Tập và cho rằng cuộc gặp gây chú ý lần này chỉ mang ý nghĩa tạo nền tảng cho những cuộc tiếp xúc trong tương lai, theo Reuters.
Nhưng cũng như với những chính quyền trước đây, vấn đề Bắc Triều Tiên tiếp tục là một phép thử cam go, nếu như không phải là cấp thiết, cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
“Đồng hồ đang chạy rất nhanh tới thời điểm quyết định,” một quan chức Tòa Bạch Ốc nói với Reuters. “Chúng tôi đã đặt hết mọi lựa chọn lên bàn.”

--------------------------
06/04/2017

Cuộc gặp gây chú ý
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 6 và 7/4 tại Mỹ là đề tài ‘nóng’ nhất đang gây chú ý công luận thế giới không chỉ vì chia rẽ chính sách sâu sắc giữa đôi bên mà còn vì tính cách ‘đối chọi’ giữa một lãnh đạo Mỹ ‘nghĩ gì nói đó’ và một lãnh đạo Trung Quốc cẩn trọng, tính toán. Đây không chỉ là một cuộc gặp mà còn là cơ hội đầu tiên để đôi bên ‘đo lường’ đối phương.
Ngoài điểm chung duy nhất giữa ông Tập và ông Trump là ý hướng biến quốc gia của mình thành ‘vĩ đại’, hai nhân vật này khác biệt về hầu hết mọi phương diện từ phong cách chính trị tới kinh nghiệm ngoại giao, khiến mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới càng bất định và khó đoán.
Một tuần trước chuyến đi của ông Tập, truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đăng tải những bài viết bày tỏ lạc quan về thượng đỉnh ‘siêu cường’ này. Nhật báo China Daily nêu bật khả năng cuộc gặp sẽ dẫn tới các mối quan hệ ‘xây dựng’ giữa hai nước và xem đây là dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Trung đang vượt qua những rạn nứt xuất phát từ những tuyên bố, quan điểm, và những lời chỉ trích của ông Trump khi tranh cử và sau khi đắc cử.
Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump từng khẳng định ‘Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc cưỡng bức đất nước mình’ và cho rằng Trung Quốc ‘là kẻ cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới.’ Ngoài chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thương mại, đánh cắp công ăn việc làm của dân Mỹ, thao túng tiền tệ, Tổng thống Trump còn phê phán Bắc Kinh chưa dốc đủ sức trong vấn đề hạn chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Trump còn ‘báo động’ Trung Quốc bằng cuộc điện đàm sau cuộc bầu cử với Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, làm dấy lên lo ngại về chính sách công nhận ‘một nước Trung Hoa.’ Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh của mình, và Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan từ năm 1979 để công nhận chỉ có một nước Trung Hoa thống nhất mà thôi.
Kể từ chuyến thăm của tân Ngoại trưởng Rex Tillerson hồi tháng 3, báo chí nhà nước Trung Quốc bắt đầu mô tả rằng quan hệ siêu cường Mỹ-Trung bắt đầu được cải thiện.
Nhật báo Nhân dân hôm 21/3 viết rằng bất chấp những lời lẽ và hành động không thích hợp trước đây từ tân chính quyền Mỹ, mọi việc đang dần trở lại đúng hướng.
China Daily cũng đưa ra nhận định lạc quan rằng giọng điệu hòa giải của chính ông Trump thời gian gần đây mang lại niềm tin rằng lãnh đạo hai nước có thể nhân cuộc gặp tuần này xóa bỏ những cảm giác bất định về mối quan hệ song phương.
Hoàn cầu Thời báo nói quan hệ Mỹ-Trung rạn nứt kể từ khi ông Trump đắc cử, nhưng những chặng đường khúc khuỷu trên lộ trình đang dần được san phẳng nhờ nỗ lực toàn diện từ đôi bên thông qua các kênh chính thức, bán chính thức, và phi chính thức, và nhờ vậy, quan hệ hai nước tránh được xung đột và khủng hoảng.
Đứng đầu nghị trình làm việc tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida sẽ là Bắc Triều Tiên, thương mại Mỹ-Trung, và an ninh khu vực bao gồm Biển Đông, những vấn đề có bất đồng lớn giữa Bắc Kinh và Washington.

Bắc Triều Tiên
Ông Trump muốn áp lực Trung Quốc phải nỗ lực hơn nữa kìm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tổng thống Trump đã tuyên bố Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Bắc Triều Tiên cả về kinh tế lẫn chính trị và ông muốn Chủ tịch Tập Cận Bình giúp Hoa Kỳ phi hạt nhân hóa quốc gia Đông Bắc Á này. Nếu lãnh đạo Trung Quốc không làm như vậy, ông Trump nói ông có thể giải quyết vấn đề mà không cần có Bắc Kinh.
Đối với Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên có thể khiến thể chế ở Bình Nhưỡng sụp đổ và đó là điều không thể chấp nhận vì sẽ gây nên một tình thế tệ hại hơn, trong đó có thiệt hại về an ninh biên giới cho Bắc Kinh.

Thương mại
Trước cuộc gặp, ông Trump đã lên Twitter cảnh báo rằng cuộc họp này sẽ hết sức cam go và bất đồng về thương mại là một trong những nguyên nhân chính.
Ông Trump quả quyết nước Mỹ trong nhiều chục năm qua đã bị Trung Quốc lừa đảo kinh tế giờ đây phải lấy lại những gì đã mất trong khi ông Tập muốn Bắc Kinh mở rộng bành trướng trên sân khấu thế giới.
Tổng thống Mỹ không hài lòng với thâm thủng mậu dịch khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, năm ngoái là 347 tỷ đô la.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trấn an rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc với Mỹ để suy nghĩ sáng tạo và tiếp tục thúc đẩy cân bằng thương mại song phương hơn nữa.
Vấn đề đặt ra là khi phương châm ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’ của ông Trump đụng phải ‘Giấc mơ Trung Hoa’ của ông Tập thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Vẫn chưa rõ ông Trump sẽ đưa luận điệu dân túy của mình vào chính sách tăng cường áp lực lên Trung Quốc tới mức nào trước rủi ro một cuộc chiến thương mại mà không nước nào có thể kham nổi.
Nhưng các phụ tá của ông Trump nói Tổng thống Mỹ sẽ ‘không rút lại nắm đấm’ của mình, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Điều này làm gia tăng nghi ngờ về khả năng hai nhà lãnh đạo có thể tìm được điểm chung trong hai vấn đề gai góc còn lại như vấn đề Bắc Triều Tiên và Biển Đông.
Tuy nhiên, quyết định tổ chức thượng đỉnh vào giai đoạn đầu khi ông Trump vừa lên nhậm chức Tổng thống Mỹ cho thấy cả Washington lẫn Bắc Kinh đều thấy rõ giá trị của nỗ lực xây dựng quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo.
Lãnh đạo Mỹ bước vào cuộc họp với ông Tập với những khác biệt về quan điểm đáng kể trong đội ngũ cố vấn Châu Á của ông và một chính sách về Trung Quốc của chính ông còn chưa được ‘công thức hóa’ đầy đủ.
Bài nhận định trên New York Times của tác giả Roger Cohen cho rằng kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã hiến tặng Trung Quốc một món quà chiến lược qua việc hủy bỏ Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP vốn được xây dựng để ‘đối trọng’ với Trung Quốc trong khu vực. Tác giả nói quyết định của ông Trump là khinh suất và vì vậy Hoa Kỳ đã để lọt một nước cờ vào tay Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng gặp nhau lần này, hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ có những phàn nàn qua lại về các vấn đề kinh tế nhưng có phần chắc là không bên nào sẽ đưa ra đe dọa chiến tranh thương mại, và cũng sẽ không thương lượng hiệu quả.
Với những ‘than phiền’ của ông Trump về chính sách thương mại cạnh tranh không công bằng của Trung Quốc, ông Tập có phần chắc sẽ đề nghị các phương thức bổ sung để mở rộng hợp tác và tạo thêm công ăn việc làm cho dân Mỹ bằng cách chung quyết các hiệp ước đầu tư song phương, cho phép Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng Mỹ và thúc đẩy các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia vào sáng kiến ‘Một vành đai-Một con đường’ của trung Quốc ở Châu Á.
Đối với ông Tập, cuộc gặp lần này còn là một cơ hội đặt nền tảng cho kỷ nguyên mới trong mối quan hệ luôn ‘gập ghềnh’ Mỹ-Trung và cơ sở hạ tầng có thể thế chỗ cho biến đổi khí hậu làm cột mốc hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo giới phân tích ngoại giao.
Các nhà quan sát cho rằng ông Tập nên quảng bá sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ để vực dậy thương mại dọc theo các tuyến đường truyền thống. Ông Trump sẽ quan tâm đến việc này vì ông rất muốn nâng cấp cơ sở hạ tầng và tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ trong khi các nguồn quỹ của Trung Quốc lại muốn đầu tư vào việc tái thiết cơ sở hạ tầng ở Mỹ, theo nhận định của ông Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu tại Washington.

Biển Đông
Về vấn đề Biển Đông, bài viết của tác giả Ross Babbage trên National Interest cho rằng trước nhất, ông Trump cần tái khẳng định quan tâm của Mỹ muốn thấy mọi tranh chấp giải quyết ôn hòa và theo luật quốc tế.
Thứ nhì, ông Trump nên tiếp tục để cho tàu và máy bay của Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra trong khu vực theo thể thức mà Tổng thống tiền nhiệm Obama đã làm.
Phương án thứ ba, Washington nên kết luận rằng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển chiến lược cạnh tranh riêng của mình để đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh. Chiến lược đó bao gồm các biện pháp lâu dài về ngoại giao, thông tin, kinh tế, luật pháp, và quân sự.

Kỳ vọng?
Cả đôi bên không đặt quá nhiều kỳ vọng rằng cuộc gặp lần này sẽ đưa ra những kết quả ‘hậu hĩnh’ mà chỉ là một cuộc gặp ‘nhẹ nhàng’ để hiểu biết nhau.
Tuy nhiên, cuộc gặp được quốc tế theo dõi sát những tín hiệu hay ít nhất là manh mối để biết được tương lai quan hệ hai siêu cường thế giới này sẽ ra sao.
Với tất cả những nút thắt khó gỡ hiện nay trong quan hệ Mỹ-Trung, chuyến Mỹ du của ông Tập lần này “vô cùng quan trọng, sẽ định hướng cho trật tự thế giới mới, ảnh hưởng, và quyết định tương lai toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương,” Giáo sư luật Vũ Đức Khanh tại Đại học Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế, và luật pháp quốc tế nhận định với VOA Việt ngữ.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói cả đôi bên trông đợi một cuộc họp thành công để đặt ra đường hướng đúng cho tăng trưởng bang giao.
Bất chấp những chia rẽ sâu sắc, Bắc Kinh dường như tỏ ra muốn thiết lập một mối quan hệ tích cực với Washington.
Các chuyên gia cho rằng có thể ông Tập sẽ không đáp ứng yêu cầu của ông Trump về các vấn đề chủ quyền và an ninh, nhưng lãnh đạo Trung Quốc có nhiều cái để ‘đổi chác’ về kinh tế.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Trump sẽ thể hiện quan điểm với lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề trong mối quan hệ hai nước và những gì cần phải làm để giải quyết.
Nếu ông Tập đồng ý và nhất trí cùng ông Trump giải quyết thì thượng đỉnh này sẽ đưa ra một giải pháp chung cùng nhau tăng cường quan hệ song phương.
Còn nếu ông Tập bất đồng với cách ông Trump đề ra những ưu tiên và hành động thì rạn nứt giữa đôi bên càng nhân rộng giữa lúc Mỹ tiến hành những biện pháp đơn phương để giải quyết vấn đề thương mại, Bắc Triều Tiên, và Biển Đông.
Dù sao đi nữa, thượng đỉnh lần này chỉ dừng lại ở ý nghĩa thiết lập mối quan hệ làm việc với nhau hơn là đạt tiến bộ về bất cứ vấn đề nào, theo đánh giá của Giáo sư ngoại giao Su Hao tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc.





No comments:

Post a Comment

View My Stats