Thursday, 6 April 2017

KẾ HOẠCH THÂM THÚY CỦA TẬP CẬN BÌNH KHI GHÉ PHẦN LAN TRƯỚC KHI TỚI HOA KỲ (Nam Nguyễn – Soha News)




Nam Nguyễn – Soha News
06/04/2017 07:43 PM

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc đến Phần Lan kể từ năm 1995.
Trước khi đến Mỹ hội kiến với tổng thống Donald Trump, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dừng chân ở thủ đô Helsinki của Phần Lan. Đây không chỉ là một chuyến thăm ngoại giao thông thường của Trung Quốc, nó phản ánh một chuyển biến lớn trong cục diện chính trị thế giới.
Ông Tập đang được quốc gia nằm ở cực bắc của châu Âu chào đón với vòng tay rộng mở. Giống như các nước Bắc Âu khác, nền kinh tế Phần Lan phụ thuộc nhiều vào sự vận hành suôn sẻ của thương mại toàn cầu.
"Qua chuyến thăm này, Trung Quốc muốn gửi một thông điệp rằng, Mỹ không phải là trọng tâm đối ngoại duy nhất của Trung Quốc. Châu Âu cũng rất quan trọng", Feng Zhongping, phó chủ tịchViện nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc cho biết.
Trong bối cảnh ông Trump đang cổ xúy chủ nghĩa bảo hộ và chủ trương "nước Mỹ trước hết" (America First), Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội này để kiến tạo và dẫn dắt một trật tự thế giới mới.
Sự tương phản giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thương mại. Trong khi tổng thống Mỹ tỏ ra ngờ vực về vấn đề ấm lên toàn cầu, Trung Quốc đang thể hiện thiện chí kề vai sát cánh với Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cao ủy khí hậu của EU, Miguel Arias Canete, đã phát biểu trước chuyến thăm tới Trung Quốc rằng, "Sự hợp tác thành công của chúng ta về các vấn đề như trao đổi hạn ngạch khí thải và công nghệ sạch đang đâm hoa kết trái".
Trên khía cạnh ngoại giao, Trung Quốc cũng đóng vai trò làm đối trọng với chủ trương ủng hộ EU tan rã của ông Trump, sau khi Anh quyết định rời khỏi khối này.
"Trung Quốc cho rằng, sự thống nhất của châu Âu là phù hợp với xu thế của lịch sử.Và một châu Âu thịnh vượng, ổn định sẽ có lợi cho hòa bình và phát triển của thế giới", ông Tập phát biểu trong một bài viết được đăng trên tờ Helsinki Times của Phần Lan.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, châu Âu có đủ sáng suốt và khả năng để vượt qua các thách thức. Trong quá trình đó, châu Âu có thể dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc".

"Cả châu Âu đều muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc"
Tuy nhiên, thương mại mới là lĩnh vực mà Trung Quốc và châu Âu có được sự hợp tác chặt chẽ nhất.
"Trung Quốc đã sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu. Là nước có khối lượng giao dịch thương mại lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ mất nhiều nhất nếu thế giới chìm trong chiến tranh thương mại", bộ trưởng thương mại Phần Lan Kai Mykkanen nói.
EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương hiện nay đã đạt hơn 1,1 tỷ USD mỗi ngày, và con số này còn có thể tăng thêm trong thời gian tới.
Như Olli Rehn, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương Phần Lan, đồng thời là cựu Cao ủy kinh tế và tiền tệ châu Âu đã nói: "Chúng tôi có thể không chia sẻ mọi giá trị, nhưng tôi có chung mục tiêu ủng hộ thương mại tự do".
Chuyến thăm tới Phần Lan kéo dài từ 4-6/4 của ông Tập là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 1995.
Với nước chủ nhà, chuyến thăm là cơ hội để Phần Lan mở rộng kim ngạch thương mại và bù đắp lại sự sụt giảm xuất khẩu sang nước láng giềng Nga, sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt lên các hoạt động quân sự tại đông Ukraine và Crimea của Moscow.
Về phía Trung Quốc, nước này xem chuyến thăm là cơ hội củng cố lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Bắc Cực.
Phần Lan không phải là nước duy nhất muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, được tháp tùng bởi phái đoàn thương mại lớn nhất từ trước đến nay của nước này, đã đến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên trong một thập kỷ qua vào ngày 6/4.
"Trong bối cảnh Mỹ và thậm chí là Anh dường như đang quay lưng lại với thương mại tự do, sự hấp dẫn của Trung Quốc với tư cách là một đối tác kinh tế đang trở nên ngày càng lớn", Mikael Mattlin, giáo sư chuyên ngành chính trị của Đại học Turku, Phần Lan nhận định.
"Không chỉ các nước Bắc Âu, mà cả châu Âu đều muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc", ông nói.

theo Trí Thức Trẻ




No comments:

Post a Comment

View My Stats