Thursday 24 March 2016

VỀ NHÀ GIÁO NGUYỄN NGỌC BÍCH (Đặng Đình Khiết)





THÁNG BA 24, 2016

Sự ra đi của Anh Nguyễn Ngọc Bích là một mất mát rất lớn cho cộng đồng người Việt về nhiều phương diện, từ văn hóa, chính trị, lịch sử, đặc biệt về mặt giáo dục. Anh, và hiền thê của Anh là Tiến sĩ Đào Thị Hợi, cả hai đã có nhiều đóng góp rất sớm vào chương trình giảng dậy và soạn thảo các tài liệu dùng trong các lớp Anh ngữ và song  ngữ Việt-Anh cho học sinh tị nạn từ bậc tiểu học đến trung học (K-12) của quận học chánh Arlington, tiểu bang Virginia.

Trước 1975, tôi không quen Anh, chúng tôi cách nhau chừng chục tuổi và có hai quá khứ khác nhau. Vào lúc Anh đã là một viên chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì tôi hãy còn là một sĩ quan Không quân trẻ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Biến cố 30 tháng tư, 75 làm thay đổi cuộc đời của rất nhiều người, trong đó có tôi. Từ một sĩ quan Không quân, giờ đây tôi dự định làm lại cuộc đời của mình bằng con đường giáo dục. Những năm trong chiến tranh, tôi có dịp bay về nhiều vùng quê ở Việt Nam va Cao miên, tôi nhận thấy giáo dục là chìa khóa cải thiện sự nghèo khổ và thăng tiến đời sống con người.

Cuối năm 78, sau khi xong chương trình cử nhân ở tiểu bang Missouri, tôi quyết định di chuyển về khu vực Hoa thinh đốn với dự định sẽ định cư lâu dài ở đây. Thật may mắn, tôi được Chương Trình Teacher Corps cấp cho một học bổng toàn phần trong 2 năm để học về cao học giáo dục. Teacher Corps là một chuơng trình tái huấn luyện các giáo chức người thiểu số (Blacks, Native Americans, Spanish Speakers) trong hệ thống giáo dục từ K-12 trong các đô thị. Đây là sáng kiến của cố Tổng Thống Johnson để giúp tăng phẩm chất  của nền giáo dục và cải thiện xã hội. Sau đợt huấn luyện lần này, Chương Trình Teacher Corps toàn quốc cũng đóng lại vĩnh viễn các hoạt động của họ được thành lập từ thập niên 60.

Nói là may mắn thật không ngoa, vì lúc tôi nhận được tin tức về chương trình học bổng này thì cũng là lúc những viên chức trách nhiệm của chương trình quyết định nới thêm hai ngày nữa để nhận thêm những ứng viên mà họ mong muốn.

Ngoài những viên chức người Mỹ, người nói tiếng Tây ban nha, người Đại hàn, chúng tôi đã được gặp anh Nguyễn Ngọc Bích và chị Đào Thị Hợi, cả hai vị cũng là những viên chức nòng cốt của Teacher Corps trong quận học chánh Arlington.  Anh Bích lo phần cộng đồng, chị Hợi phụ trách phần Đại học trong chương trình cao học của Đại học Trinity cho 4 người interns chúng tôi.

Liên hệ giữa anh Bích, chị Hợi và tôi từ đó trở thành gần gũi và gắn bó. Quan trọng hơn hết, đối với tôi, đó là sự học hỏi từ những dịp được làm việc chung với Anh trong vài Project khác nhau.

Anh Bich rời chương trình Teacher Corps vào năm 1980 để về đóng trụ tai Trung Học Wakefield với chức vụ Vietnamese Resource Specialist. Trong cương vị này Anh, cùng với một số giáo sư Mỹ và Việt (phía Việt có GS Đỗ Diễn Nhi và tôi) soạn thảo chương trình song ngữ Lịch Sử Mỹ/Việt Đối Chiếu Đại Cương để dùng giảng dậy trong chương trình Social Studies/Khoa Học Xã Hội của bậc trung học của quận Arlington. Ngoài ra, Anh, và những Giáo sư khác như: Nguyễn Tự Cuờng, Bùi Nhật Huy, Trần Quý Phiệt…còn có sáng kiến đưa một số bài dân ca, hình ảnh văn hóa và  những trò chơi trong dân gian Việt vào các buổi hội nghị đa văn hóa các sắc dân hàng năm tổ chức trong hệ thống các truờng học của quận. Anh rất nổi tiếng với bài “Là Hụ Là Khoan…” một thời được các Thầy Cô người Mỹ và các sắc dân khác rất ưa thích. Anh chỉ cho họ cách vừa hát vừa làm những động tác y như là mình đang kéo gỗ hay kéo lưới đánh cá. Hát xong, ai nấy thoải mái lăn ra cười vui vẻ vừa kịp lúc món chả giò trong chảo nóng của chị Hợi cũng bắt đầu tỏa mùi thơm.

Tuy là một quận có địa dư rất nhỏ, so với các quận khác như: Fairfax hay Alexandria, nhưng Arlington lại có một số lượng học sinh Việt tị nạn rất đông. Đông đến mức không đủ chỗ cho học sinh ngồi học trong các lớp Anh ngữ ESL/ESOL và song ngữ  tại trung học Wakefield. Mấy năm đầu trong học đường Mỹ của học sinh tị nạn là sự nổi bật lên là các vấn đề ngôn ngữ, văn hóa khác nhau giữa Thầy/Cô hay học sinh người bản xứ, nhất là sự kỳ thị do hậu quả người Mỹ thua trận trong cuộc chiến Việt Nam. Đây là những vấn đề đôi khi gay gắt xẩy ra ngay bên trong các lớp học nơi có những học sinh Việt tị nạn đang học

Thế nên, những sáng kiến trao đổi văn hóa qua các bài dân ca, các Hội Tết, và văn hóa ẩm thực như vừa kế trên, và kế đến là việc thành lập các hội học sinh Việt Nam khuyến khích các em tham gia vào các lễ hội Ngày Học Sinh Quốc Tế tại một số trường,  các Thầy/Cô, như: Bích, Hợi, Phiệt, Cường, Nguyên, Nhi… tiếp nối nhau tạo nên những cầu nối, tạo nên sự hiểu biết mới đã làm thay đổi những định kiến không mấy lành mạnh trước đây.

Thêm vào đó, chỉ trong vòng vài năm, thành quả học vấn nổi bật và sự chăm chỉ, hạnh kiểm của con em tị nạn đã khiến cho giới chức giáo dục và ngay cả các phụ huynh và học sinh của Mỹ bắt đầu ngạc nhiên và quý mến. Có lẽ nói không ngoa, sự khởi đầu từ quận học chính Arlington rồi lan rộng ra các quận học chính khác trong vùng Hoa Thịnh Đốn đã là những nguyên nhân hình thành của Hội Phụ Huynh Học Sinh Việt Nam với Ngày Nhớ Ơn Thầy/Cô, một hoạt động nhằm vinh danh giới chức giáo dục Mỹ, Việt do quý Vị: Nguyễn Ngọc Liệu, Phạm Khắc Trí, Kim Oanh Cook, Vân Nga, Kim Lê, Hoàng Mỹ Hiền..khởi xướng với sự tiếp tay không kể công sức của anh Nguyễn Ngọc Bích đã mang lại cho đời sống giáo dục Mỹ/Việt trong khu vực thủ đô nước Mỹ một không khí mới trong mấy thập niên 80 và 90. Sau đó ít lâu, Anh chuyển hẳn vào lãnh vực văn học và chính trị — vận động cho dân chủ, nhân quyến và tự do cho VIệt Nam – thì Anh cũng là người cầm lá cờ tiên phong ra vào Quốc hội, Bộ Ngoại Giao, và Tòa Bạch Ốc…gần như một công việc hàng ngày của Anh.

Với những hiểu biết và đóng góp quan trọng như thế, nhưng Anh lại là một người rất giản dị, xuề xòa. Dáng người hơi thấp và tròn tròn, mái tóc trắng xóa, ít năm gần đây cái bụng của Anh hơi to ra, Anh có nụ cười dường như lúc nào cũng nở trên gương mặt.  Anh thường đem đến cho người gặp một cảm tình và sự tin cậy ngay khi mới gặp. Đi đâu Anh cũng mang theo vài quyển sách đang đọc dở, Anh đọc rất nhanh với một trí nhớ khủng khiếp. Có lần tôi đùa, nói với Anh, “Anh Bích ơi, ngày nào Anh mất đi tôi đề nghị người ta giữ lấy bộ óc của Anh để nghiên cứu nhé.” Anh cười, một nụ cười hơi chút bẽn lẽn của một con nguời khiêm nhường có cái biệt danh Tâm Việt và pháp danh Tâm Thiện.

Ở tuổi 79, tôi tin chắc rằng Anh chưa nghĩ đến ngày nghỉ ngơi hay ra đi. Một tuần trước khi mất, chị Hợi còn kể, “Ông ấy vừa khoe về kết quả khám sức khỏe tổng quát…Bác sĩ nói cái gì cũng tốt.” Anh cười rất vui.

Anh mất đi, là một mất mát gần như sẽ không có người thay thế. Những vai trò, những kinh nghiệm và sự hiểu biết đóng góp cho cộng đồng và các vấn đề Việt Nam không phải ai cũng làm được như Anh.  Riêng tôi, cả mấy tuần qua, kể từ lúc được tin Anh đột ngột ra đi trên chuyến phi cơ trên đường đến Hội Nghị Biển Đông mà Anh và những bạn bè tổ chức liên tiếp trong 2 năm, 2015 và 2016, tại Phi Luật Tân, khiến tôi thật lao đao và …mệt quá!

Nhớ Anh, đốt nén tâm hương và xin viết ít hàng để nói về vài sự đóng góp tiêu biểu của Nhà Giáo Nguyễn Ngọc Bích cho thế hệ con em người tị nạn trong những năm đầu của cộng đồng người Việt vùng Thủ đô nước Mỹ. Đối với riêng tôi, vừa mất đi mãi mãi một người Anh, người Thầy, và một người Bạn lớn.

Falls Church, Virginia, Ngày 23 Tháng 3, Năm 201.
Đặng Đình Khiết

-------------------------

GS Nguyễn Ngọc Bích từ trần

VATVOnline    Published on Mar 8, 2016
VATVOnline    Published on Mar 8, 2016
Bác Nguyễn Ngọc Bích  (Trịnh Hội)  7/3/2016
VIDEO : Cuộc trò chuyện cuối cùng với GS Nguyễn Ngọc Bích   RFAVietnamese






No comments:

Post a Comment

View My Stats