VOA Tiếng Việt
24.03.2016
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan Thương lần
thứ nhất, vừa diễn ra tại trên đảo Hải Nam, Trung Quốc, hôm 23/3 giữa 6 nước
chia sẻ sông Mekong gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt
Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước ông sẽ cung cấp các khoản
cho vay và tín dụng để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước dọc theo sông
Mekong.
Thủ tướng Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ cung cấp các
khoản vay ưu đãi khoảng 1,5 tỷ đôla và các khoản tín dụng lên đến 10 tỷ đôla để
tài trợ cho cơ sở hạ tầng và cải thiện kết nối ở cả 6 nước ven sông Mekong.
Tuyên bố của Trung Quốc dường như chưa đủ để làm
thay đổi quan điểm của những người cho rằng việc Trung Quốc xây đập chặn dòng
Mekong ở đầu nguồn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người ở cuối nguồn.
Một nhóm có tên Mạng lưới người Thái ở 8 tỉnh ven
sông Mekong hôm 23/3 kêu gọi Trung Quốc xin lỗi những người bị thiệt hại bởi
các con đập của Trung Quốc và bồi thường cho những mất mát của họ vị hệ sinh
thái của con sông bị thay đổi.
Nhóm cũng kêu gọi Trung Quốc và các nước lưu vực
sông Mekong thừa nhận rằng các con đập của Trung Quốc đã gây ra nhiều vấn đề và
thiết lập một cơ chế mới, có sự tham gia của công chúng, để quản lý sông
Mekong.
Tại một cuộc họp báo ở Bangkok, ông Montree
Chantawong thuộc Quỹ Khôi phục Sinh thái nói rằng Hội nghị Thượng đỉnh Hợp
tác Mekong-Lan Thương chỉ là một diễn đàn kinh tế và đề nghị chính phủ các nước
lưu vực sông Mekong phải thực sự quan tâm đến những vấn đề lâu dài mà các con đập
của Trung Quốc gây ra cho nhân dân sinh sống xuôi theo dòng Mekong.
Ông nói: “Chúng
tôi cũng muốn thúc giục Trung Quốc giảm thiểu các tác động từ các đập của họ,
xin lỗi về hành động của họ làm thay đổi hệ sinh thái con sông, và bồi thường
cho những người bị ảnh hưởng bởi các con đập của Trung Quốc trong hơn 20 năm”.
Jirasak Inthayot, điều phối viên của Trường Kiến thức
Địa phương Chiang Kong Mekong nói sự hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội Sông Mekong
(MRC) hầu như không có hiệu quả để đảm bảo việc quản lý hợp lý con sông vì nó
thiếu sự tham gia của công chúng. Jirasak nói người dân đã chịu tác động từ các
con đập trong thời gian dài nhưng MRC đã không bảo vệ họ. Hơn nữa, trong số các
đại diện từ các nước chung dòng Mekong tham gia vào MRC, có những quan chức
không quan tâm đến lợi ích của người dân. MRC cũng không có cơ chế cho phép
công chúng được tham gia.
Khi Trung Quốc bắt đầu xây đập chặn dòng Mekong và
các phụ lưu thượng nguồn vào đầu những năm 1990, các nhà khoa học đã dự báo về
hạn hán mà người ta đang chứng kiến hiện nay. Có một số nghiên cứu khoa học chỉ
ra mối liên hệ giữa việc phù sa bị chặn lại với lượng lớn tại các con đập thượng
nguồn với nạn hạn hán ở các đồng bằng lớn của châu Á.
Lượng nước ngọt suy giảm của các nhánh sông chảy ra
biển cũng làm tăng xâm nhập mặn ở các cửa sông và các vựa lúa, gây nguy cơ cho
các loài sống trong nước ngọt và đời sống của các nông dân trồng lúa.
Theo
Nationmultimedia, The Diplomat.
----------------------
VOA Tiếng Việt
24.03.2016
Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản cho vay và tín dụng
để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước dọc theo Sông Mekong, Thủ tướng
Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan
Thương (Lancang) lần thứ nhất, diễn ra tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc, hôm 23/3
giữa 6 nước chia sẻ sông Mekong gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào,
Campuchia và Việt Nam.
Theo lời thủ tướng Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ cung cấp
các khoản vay ưu đãi 10 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ đôla) và các khoản tín dụng
lên đến 10 tỷ đôla để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và cải thiện kết nối ở
Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.
Trong buổi tiếp đón lãnh đạo các nước hôm 22/3, Thủ
tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh đến việc Bắc Kinh đã xả nước từ đập Cảnh Hồng
để giúp đỡ cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam, đang gặp
hạn hán nghiêm trọng, và xem đây là ‘sự chân thành’ cũng như cam kết của Trung
Quốc đối với hội nghị.
Tuy nhiên, tờ Hoa Nam Buổi Sáng trích nhận định của
các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh muốn dùng việc xả nước và hội nghị thượng đỉnh
Mekong-Lan Thương để đánh lạc hướng những chỉ trích nhắm vào các dự án thủy điện
gây nhiều tranh cãi của nước này, đồng thời hồi phục các dự án còn dang dở,
trong đó có đập Myitsone ở Myanmar đã bị đình trệ vì vấn đề môi trường.
Nằm ở vị trí thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã
xây 5 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông trong nhiều năm qua. Các
chuyên gia cho rằng mỗi con đập mà Trung Quốc xây dựng đều tạo ra nguy cơ làm cạn
kiệt dòng chảy nhiều hơn.
Trong số 6 quốc gia chia sẻ sông Mekong, chỉ có 4 nước
là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam là thuộc Ủy ban sông Mekong (MRC) nên
các quy tắc của MRC trong việc sử dụng con sông chỉ áp dụng cho các nước này mà
không được áp dụng cho Trung Quốc và Myanmar.
Hội nghị Mekong-Lan Thương cũng thông qua Tuyên bố
Tam Á, trong đó có việc phối xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan
Thương để chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên nước
sông Mekong. Việt Nam cho biết sẵn sàng đóng góp tài chính và chuyên gia để làm
việc tại trung tâm này.
Theo
Tân Hoa Xã, SCMP, Người Lao Động, VOV.
-------------------------
VOA
Tiếng Việt - 22/3/2016
No comments:
Post a Comment