Phạm Nhật Bình
Cập nhật: 9/03/2016
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng
nhân dân vào ngày 22 Tháng 5 tới đây theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính Trị, lãnh đạo
CSVN đang tập trung vào hai điểm:
Thứ nhất, ráo riết mở cuộc tuyên truyền không ngại tốn
kém, đưa ra một hình ảnh dân chủ cho thời kỳ sau Đại hội 12 vừa chấm dứt. Cơn
giông tố trong nội bộ đảng giờ đã tạm lắng, đây là lúc đảng phô diễn lá bài
“dân chủ hơn nữa” thay cho chiến thuật “dân chủ ù lỳ” đã kéo dài hàng chục năm
đưa đến kết quả một đất nước không muốn phát triển nhưng tự hào trong lạc hậu.
Cần phải thêm chút phấn son tô điểm lại bộ mặt khắt khe, độc quyền của đảng
hòng giảm bớt những lời ta thán trong dân.
Thứ hai, đây cũng là lúc Mặt Trận Tổ Quốc Trung Ương
bắt đầu diễn tuồng vì lâu nay chỉ đứng chầu rìa ăn lương. Được biết, hôm 16/2 vừa
qua, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã diễn ra nhằm thỏa thuận số lượng người
ra ứng cử đại biểu quốc hội khóa 14 của các cơ quan trung ương. Sẽ có ít nhất
ba lần Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức hội nghị hiệp thương để cho ra một danh sách được
chọn lựa “theo luật định” và vừa ý đảng. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ
hàng đầu 5 năm mới có một lần mà cơ quan này được đảng giao nhiệm vụ.
Lúng
túng đối với người “tự ứng cử”
Nhưng trong cuộc bầu cử lần này, mọi sự không suôn sẻ
như những lần đảng cử dân bầu trước đây. Một tình huống mà nhà nước không lường
trước đã diễn ra. Đó là khoảng 20 công dân đã sử dụng quyền bầu cử ứng cử ghi
trong Điều 27 của Hiến Pháp 2013 để nộp đơn tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa
14. Những công dân này thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, muốn ứng cử mà
không thông qua bất cứ sự đề cử nào của hình thức hiệp thương. Đây là một thách
thức lớn mang tính bất ngờ đối với cán bộ phụ trách công tác bầu cử kỳ này, khi
mà lâu nay họ sống trong cái vỏ bọc dân chủ xã hội chủ nghĩa, bên cạnh sự thờ ơ
của quần chúng.
Nay bỗng dưng xuất hiện một phong trào ứng cử độc lập,
đảng coi như một sự cố tình “phá hoại” sự lãnh đạo tuyệt đối của mình theo điều
4 hiến pháp. Đó là sự lãnh đạo mà các cây bút tuyên giáo ra sức ca ngợi là “hiến
định” nhân dân cần tuân thủ. Đảng cần đối phó để ngăn chận phong trào tự ứng cử
có thể bành trướng ngoài tầm kiểm soát.
Có thể nhìn thấy ba thủ đoạn mà nhà cầm quyền đang
tung ra để tấn công chống lại những nhà hoạt động dân chủ nộp đơn tự ứng cử.
Thâm hiểm nhất là vu cáo họ bị Việt Tân giật dây, ứng
cử để phá hoại cuộc bầu cử. Là một thể chế cầm quyền độc đảng, Hà Nội luôn lo sợ
luồng gió dân chủ đa đảng làm suy yếu quyền lực của họ. Dưới cặp mắt của những
kẻ độc tài, đảng Việt Tân là kẻ thù cũng là cái cớ dùng để đe dọa và khủng bố
người khác. Do đó không gì tốt hơn dán cho những nhân vật tự ứng cử cái nhãn Việt
Tân để dễ bề loại trừ ngay từ lúc đầu.
Kế đến, ngay từ lúc làm thủ tục nộp hồ sơ, các ứng cử
viên tự do phải vượt qua biết bao khó khăn gây ra bởi phường, xã là cấp hành
chánh thấp nhất. Như trường hợp ứng cử viên Đặng Bích Phượng đi từ phường này đến
phường kia vẫn không xác nhận được lý lịch.
Bà Đặng Bích Phượng và ông Nguyễn Tường Thụy gặp nhiều
khó khăn trong việc xác nhận lý lịch.
Thủ tục hành chính được
mô tả “hành dân là chính” nên Blogger Nguyễn Tường Thụy phải đi lại đến ba lần
mới được xã viết mấy giòng xác nhận vào lý lịch, dù chức trách của xã chỉ là
xác nhận chữ ký mà không cần cho nhận xét. Đây cũng là khó khăn mà ứng cử viên
Nguyễn Đình Hà đang gặp phải. Điều này cho thấy các cấp hành dân hiện nay đang
ra sức cản trở quyền ứng cử hợp pháp của công dân.
Sự sách nhiễu của chính
phủ còn diễn ra trên báo chí cũng như trên các trang mạng xã hội nhằm bêu xấu
những người tự ứng cử bởi các tay bút nô và báo quốc doanh.
Điển hình như trên báo
PetroTimes ngày 02/03/2016 vừa qua, bài viết “Quốc hội không phải là phường
chèo!” ký tên tác giả Đại Anh đã hết lời miệt thị nghệ sĩ chèo Nguyễn Công Vượng,
gọi ông này là một “kẻ khùng”.
Ông Nguyễn Công Vượng bị bôi nhọ trên tờ PetroTimes
Cuối cùng, có vẻ như lo ngại những thủ thuật phi
pháp như trên không ngăn cản được sự dấn thân của những ứng cử việc độc lập
(không do đảng ’cơ cấu’), tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 8/3/2016, báo
VietNamNet dẫn lời ông Trọng cảnh báo: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo
cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác”. Tuy ông Trọng
không nói rõ “những phần tử thế này thế khác” là những ai, nhưng có vẻ như đây
là một mệnh lệnh để các địa phương phải thực hiện “dân chủ đến thế là cùng”
theo kiểu của ông Trọng.
Lại
vu cáo Việt Tân đàng sau
Nhiều ứng cử viên độc lập khác cũng bị bêu rếu đủ mọi
xấu xa. Luật sư Lê Văn Luân còn bị vu cáo tham gia ứng cử là do tổ chức “phản động
Việt Tân xúi giục” và để phá hoại cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa 14 sắp tới.
Ông đã lập tức phản ứng cứng rắn yêu cầu báo PetroTimes phải gỡ bỏ bài viết và
xin lỗi. Nhà nước còn sử dụng cả youtube, tạo ra một số clip để công kích,
xuyên tạc các ứng cử viên độc lập nhằm mục đích bêu xấu họ trước quần chúng cử
tri.
Luật sư Lê Văn Luân và Luật sư Võ An Đôn gặp trở ngại
dưới nhiều hình thức khác nhau trong quá trình nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc
hội
Ngoài ra một thủ đoạn khác được Luật sư Võ An Đôn
cho biết trên facebook sau khi nộp đơn ứng cử, Phòng an ninh chính trị nội bộ
Công an tỉnh gởi “giấy mời” ông lên Công an tỉnh Phú Yên làm việc. Một đất nước
luôn tự hào “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” nhưng bất cứ lúc nào công an cũng có
thể ập vào gọi là “kiểm tra hành chính đột xuất” như trường hợp ông tài xế taxi
Phan Vân Bách, một công dân đã hành xử quyền bầu cử, ứng cử hợp pháp của mình.
Những thủ đoạn vừa kể cho thấy chế độ một mặt muốn
phô bày bộ mặt dân chủ cho cuộc bầu cử tháng 5/2016, để thế giới nhìn thấy sự
thay đổi của mình. Nhưng mặt khác chính quyền độc tài đã trắng trợn ra đòn khủng
bố công dân ngay giữa ban ngày. Rõ ràng Hà Nội đang cố gắng dùng mọi biện pháp
hèn hạ nhất để xóa bỏ quyền bầu cử ứng cử mà chính họ đã đề cao trong bản hiến
pháp.
Thế nhưng có những viên chức cao cấp của quốc hội
khóa 13 như Phó văn phòng Nguyễn Sỹ Dũng, còn tiếp tục lừa bịp dư luận “cần
khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân tự ứng cử.” Còn hơn nữa, Dũng đưa ra
miếng mồi thơm hứa hẹn “cho phép Việt kiều về ứng cử tại Việt Nam”. Liệu còn có
ai tin vào những lời hứa hẹn hào nhoáng ấy nữa?
Sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động ấy cũng cho
người ta thấy, phong trào tự ứng cử hiện nay đã gây cho đảng một sự lo sợ nhất
định nào đó. Sau hàng chục lần lừa bịp nhân dân trót lọt, nay Đảng sợ mình bị vạch
mặt chỉ tên là một chế độ giả trá, phi dân chủ. Đảng sợ có người khác chính kiến
lọt vào quốc hội, đảng không thể tự tung tự tác như bao lâu nay.
Cho dù đảng có giả vờ dành từ 10 đến 15% ghế đại biểu
cho “người ngoài đảng” nhưng phải qua hiệp thương của Mặt Tận Tổ Quốc. Những
người tự ứng cử hiện nay cũng là người ngoài đảng nhưng hầu hết là những người
yêu nước đấu tranh dân chủ. Phải chăng nhà nước cộng sản sợ họ có thể phá vở cơ
chế “đảng cử dân bầu” vững chắc lâu nay?
Nguồn ảnh: Facebook Vận Động Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội
2016
Cho tới nay dù đã đem hết thủ đoạn hèn hạ nhất để
mong loại trừ những ứng cử viên độc lập, nhưng xem ra công an và văn nô cũng thấy
rằng không thể nào tiêu diệt được quyết tâm của họ. Ngay cả ngón đòn đem Việt
Tân ra hù dọa, cũng không còn làm ai lùi bước. Vì lẽ các hoạt động ôn hòa đồng
hành cùng dân tộc của Việt Tân từ trước đến nay đã được đồng bào hiểu được và
chấp nhận.
No comments:
Post a Comment