Monday, 14 March 2016

NỀN ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA (Keith Weller Taylor - A History of the Vietnamese)





14/03/2016

(Trích từ cuốn A History of the Vietnamese, tr. 607-611)

Các nhà lãnh đạo Bắc Việt lo lắng không chỉ vì tầm quan trọng của cuộc chiến của họ ngày càng bị thu hẹp lại trong bối cảnh chính trị thế giới, mà còn vì thành tựu của nền Đệ nhị Cộng hòa trong việc ổn định Miền Nam Việt Nam. Nguyễn Văn Thiệu tuy không phải một nhà lãnh đạo lý tưởng, nhưng ông ta cũng không tham nhũng ghê gớm hoặc lạm dụng quyền lực quá đáng. Ông ta là một nhà quản trị tương đối có năng lực và có khuynh hướng tránh những việc làm vi hiến. Ông chấp nhận đối lập bên Lập pháp, chấp nhận một bộ máy Tư pháp trong chừng mực nào đó nằm ngoài vòng kiểm soát của ông, và một nền báo chí tự do tương đối, không có kiểm duyệt trước. Nói rộng ra, cách hành xử của ông có chịu ảnh hưởng những kỳ vọng của người Mỹ, trong khi Đại sứ Bunker đã cố gắng hướng ông về những chuẩn mực Mỹ trong các hoạt động hợp hiến.

Các cuộc bầu cử Quốc hội dưới thời Việt Nam Cộng hòa đã thu hút được sự tham gia rộng rãi của nhiều nhóm. Lần bầu Thượng viện đầu tiên đã diễn ra cùng lúc với cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu tháng 9-1967. Thượng viện với 60 ghế [nghị sĩ] đã được chọn lựa với một hệ thống liên danh từng mười người một; sáu liên danh thu được nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử. Trong số 64 liên danh xin ứng cử có 48 liên danh được chấp thuận. Hai liên danh thuộc nhóm Phật giáo đấu tranh [dưới đây sẽ gọi là nhóm Phật giáo Ấn Quang] của Thích Trí Quang nằm trong số bị khước từ. Một liên danh Phật giáo ôn hòa được chấp thuận nhưng không thắng cử. Các liên danh của Hòa Hảo, Nguyễn Cao Kỳ và Trương Đình Dzu được chấp nhận nhưng thất cử. Các liên danh đắc cử bao gồm cả những người ủng hộ lẫn chống đối Ngô Đình Diệm, nhưng nói chung họ có thiện cảm với Nguyễn Văn Thiệu. Khoảng 40% những người trúng cử theo đạo Thiên Chúa. Tuy số người theo đạo Thiên Chúa chỉ chiếm hơn 10% dân số chút ít, nhưng họ là những người có tổ chức hơn các thành phần khác và họ ủng hộ mạnh mẽ nền Đệ nhị Cộng hòa.

Ba năm sau, một nửa số thượng nghị sĩ, những người đã hết thời hạn ba năm [nhiệm kỳ thông thường của thượng nghị sĩ là sáu năm và cứ ba năm thì bầu lại một nửa Thượng viện], sẽ ra tranh cử lần nữa hoặc từ nhiệm. Trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 1970, mười sáu trong số mười tám liên danh ra ứng cử được chấp thuận và liên danh của nhóm Phật giáo Ấn Quang do Thích Trí Quang đứng đầu là một trong ba liên danh đắc cử. Trong số những nghị sĩ mới sau cuộc bầu cử này có những người theo đạo Hòa Hảo và Cao Đài, một người Khơ me theo Phật giáo Tiểu thừa [Theravada Buddhism hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy] và một người Chăm theo đạo Hồi. Kết quả bầu cử lần này đã gia tăng đáng kể con số các thượng nghị sĩ đối lập hoặc phê phán Chính phủ.

Cuộc bầu cử Thượng viện cuối cùng được tiến hành vào tháng 8-1973, khi Đệ nhị Cộng hòa đang trong giai đoạn đầu bị Mỹ bỏ rơi và bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế. Luật bầu cử được thay đổi nhằm làm cho các chính khách đối lập khó trúng cử hơn. Bốn liên danh, với mười lăm người một, được chấp thuận cho tranh cử và hai đã thắng cử. Trong thời Đệ nhị Cộng hòa, Tổng thống có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Thượng viện, nhưng không phải là kiểm soát; nhiều nghị sĩ lớn tiếng phê phán Chính phủ và đã khiến Chính phủ phải công khai lên tiếng bảo vệ các chính sách của mình. Thậm chí những cuộc tranh luận gay gắt và sự đối lập với chính quyền chính là đặc trưng của Hạ viện. Trong cuộc bầu cử Hạ viện lần đầu, tháng 10-1967, có hơn 1150 ứng viên, nhưng Hạ viện chỉ có ít hơn 150 ghế [chính xác là Khóa 1 có có 137 dân biểu, năm 1971 tăng lên thành 159]. Khoảng một phần ba những người trúng cử theo Phật giáo, trong đó có vài người thuộc nhóm Phật giáo Ấn Quang. Các nhóm tôn giáo khác bao gồm những người theo đạo Thiên Chúa, chiếm khoảng 25% và đạo Hòa Hảo chiếm 10%. Trong số đắc cử có ông Hồ Hữu Tường, một người hoạt động theo đường lối Trotskyist trong những năm 1930 và đã bị Pháp bỏ tù vài năm. Vào cuối thập niên 1940, ông quay lưng lại với Chủ nghĩa cộng sản và làm báo ở Sài Gòn. Năm 1955, ông lại bị tù, khi ủng hộ các giáo phái chống Ngô Đình Diệm. Sau khi được thả ra năm 1964, ông quay về với nghề báo. Khi liên danh của ông ra ứng cử Thượng viện bị bác, ông quay sang ứng cử Hạ viện và làm Dân biểu cho tới khi kết thúc nền Đệ nhị Cộng hòa. Tuy ông thường phê phán chính quyền, nhưng luôn được kính trọng.

Cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ nhì và cũng là lần cuối, diễn ra vào tháng 8-1971. Các vị Dân biểu [Hạ nghị sĩ] có nhiệm kỳ bốn năm. Trong 119 vị Dân biểu ra tái tranh cử chỉ có bốn mươi người đắc cử; trong số 40 người đó khoảng một nửa ủng hộ Chính phủ, còn nửa kia đối lập. Khối những người ủng hộ nhóm Phật giáo Ấn Quang của Thích Trí Quang có nhiều người thắng cử nhất, chiếm 15% Hạ viện, quá nửa số người đó ở lứa tuổi dưới 40. Hạ viện mới, so sánh với Hạ viện vừa mãn nhiệm, có trình độ học vấn cao hơn, ít tham nhũng hơn, bao gồm nhiều người đối lập và độc lập hơn.

Trong những cuộc bầu cử này, số người đi bầu thay đổi trong khoảng từ 65% tới 85% số cử tri đã ghi danh. Tỷ lệ đi bầu khá cao này, trong một chừng mực nào đó, có thể do tầm quan trọng của việc chứng tỏ lòng trung thành với Chính phủ trong thời chiến, bằng cách xuất trình thẻ bầu cử làm chứng cho việc anh đã đi bầu. Song ngoài chuyện đó, nhìn vào việc báo chí đưa tin về các cuộc bầu cử và sự hăng hái tham gia của các ứng cử viên, nền Đệ nhị Công hòa đã cho ta thấy một sự thành công nhất định, đáng ca ngợi, như một chính quyền dựa vào bầu cử tương đối tự do. Tuy có rất nhiều tố cáo gian lận trong các cuộc bầu cử này, song đã có luật bầu cử quy định cho việc điều tra nó, mà điều đó có được nhờ một guồng máy tư pháp ngày càng độc lập. Nhiều tố cáo gian lận chẳng qua cũng chỉ là một phần đơn giản của quá trình chính trị thời đó mà nó đã được người ta sử dụng và ta có thể hiểu được; những người thất cử tố cáo gian lận vì ngay từ trước khi bầu cử, họ đã quả quyết rằng, họ chỉ thua cuộc nếu bầu cử có gian lận.

Tối cao Pháp viện được thành lập năm 1968 với các Thẩm phán do Quốc hội chọn lựa. Nói chung, nó bao gồm những người có trình độ cao, kể cả một số người công khai chỉ trích chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Khi xem xét những tố cáo bầu cử gian lận, Tối cao Pháp viện đã chứng tỏ rằng, nó được tín nhiệm như cơ chế giải thích luật pháp tương đối khách quan. Trong suốt thời gian tồn tại, Tối cao Pháp viện đã thiết lập được quyền thẩm định luật lệ [quyền Tài phán Hiến pháp] và không ngần ngại tuyên bố khi cần, những hành động nào đó của Lập pháp hoặc Hành pháp là vi hiến.

Cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử của nền Đệ nhị Cộng hòa là cuộc bầu cử Tổng thống tháng 10-1971. Trong mùa hè trước đó, Dương Văn Minh, người đã về hưu, và Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cùng ngỏ ý sẽ ra tranh ghế của người đương nhiệm. Là người đã mất hết quyền lực, Dương Văn Minh được coi như ứng cử viên đối lập. Ông ta tin rằng sẽ có khả năng thắng cử, nếu Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu phải chia sẻ số phiếu ủng hộ Chính phủ. Ngược lại, Nguyễn Văn Thiệu cũng chắc rằng, ông ta sẽ đánh bại Dương Văn Minh nếu Nguyễn Cao Kỳ bị gạt ra khỏi cuộc đua. Tháng 6 năm 1971, sau một cuộc tranh luận nảy lửa, Quốc hội thông qua một đạo luật mới, đòi hỏi ứng viên phải thu thập được một số nhất định những chữ ký ủng hộ của các đại biểu Quốc hội. Nguyễn Văn Thiệu đã giành được tất cả chữ ký của các vị dân cử ủng hộ Chính phủ, gạt được Nguyễn Cao Kỳ ra ngoài. Dương Văn Minh nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết, nhưng sau khi thấy Nguyễn Cao Kỳ đã bị loại, ông ta cũng bỏ cuộc đua. Chẳng bao lâu sau đó, Tối cao Pháp viện kết luận rằng, việc Nguyễn Văn Thiệu thu thập quá mức cần thiết số chữ ký ủng hộ là bất hợp pháp. Mặc dù về sau, Nguyễn Cao Kỳ cũng được chuẩn thuận cho tranh cử, nhưng ông từ chối tham gia, kết quả là Nguyễn Văn Thiệu ra ứng cử không có đối lập, với Trần Văn Hương là ứng viên Phó Tổng thống. Cuộc bầu cử đã thu hẹp hơn nữa ảnh hưởng của Nguyễn Cao Kỳ và những người theo ông ta, trong khi lại củng cố vị trí của Nguyễn Văn Thiệu, nhưng nó cũng thể hiện rằng, những hành động của Lập pháp và Tư pháp đã được chấp nhận như đó là công việc của pháp luật và không chịu ảnh hưởng kiểm soát của Hành pháp.

Trong khi những tiến bộ về việc thực thi Hiến pháp đã thúc đẩy các cử tri thuộc nhiều thành phần tương đối đa dạng tham gia vào nền chính trị trên toàn quốc, những phát triển đầy ấn tượng ở nông thôn cũng đã, ít nhất, đóng góp phần quan trọng vào sự ổn định của nền Đệ nhị Cộng hòa. Cộng sản trong Nam đã bị suy yếu nặng nề cả về số lượng lẫn ảnh hưởng sau những cuộc giao tranh năm 1968. Số chiêu hồi về với chính quyền Cộng hòa đã đạt tới mức cao nhất vào năm 1969. Chính quyền địa phương ở vùng nông thôn cũng đã trải qua một cuộc cách mạng nhỏ với việc bầu cử các viên chức xã và ấp. Hơn thế nữa, trong một động thái bị quân đội phản đối, nhưng lại được dân cư vùng nông thôn ủng hộ và chính Nguyễn Văn Thiệu hết sức cổ súy, vũ khí được cung cấp cho các đơn vị phòng vệ dân sự địa phương, nằm dưới sự chỉ đạo của chính quyền xã. Giấc mơ của dòng họ Ngô Đình về Ấp chiến lược, trong một chừng mực nhất định, đã trở thành hiện thực dưới thời Đệ nhị Cộng hòa.

Mặt quan trọng nhất về chính sách nông thôn chính là bộ Luật “Người cày có ruộng”, được xây dựng trên những Luật Cải cách điền địa đã có trước đó, nhưng chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ, do điều kiện chiến tranh và sự yếu kém của chính quyền. Trong những năm 1969 và 1970, các khu vực nông thôn đã có an ninh hơn và cấu trúc hợp hiến của nền Đệ nhị Cộng hòa đã có khả năng giải quyết những vấn đề nông nghiệp một cách hiệu quả. Trong vòng ba năm, số đất được chia lại đã gấp hai lần rưỡi toàn bộ số đất đã chuyển giao trong mười lăm năm trước đó. Con số tối đa ruộng đất mà một người có thể sở hữu đã giảm xuống 85%. Trong khi điền chủ được đền bù, tá điền được chia ruộng hoàn toàn miễn phí, cùng với cố nông không có ruộng đất, cựu chiến binh, gia đình có người chết vì chiến tranh và những người khác nữa. Nông dân vẫn được giữ lại ruộng đất do chính quyền cộng sản đã chia, và tất cả những chủ nhân mới đều được cấp giấy chứng nhận sở hữu đất vĩnh viễn [bằng khoán điền thổ vĩnh viễn], có nói rõ, cấm không được bán trong vòng 15 năm đầu tiên. Ở một số vùng trước kia do Cộng sản kiểm soát, trước năm 1968, thuế do chính quyền cộng sản đánh vào những người đã được chia ruộng còn cao hơn cả mức tô của tá điền ở những vùng gần đó do Chính phủ kiểm soát. Thuế nông nghiệp dưới thời Đệ nhị Cộng hòa là tương đối nhẹ.

Đời sống văn hóa và trí thức dưới thời Việt Nam Cộng hòa, trong một chừng mực nhất định, là hình ảnh phản ánh những cuộc thảo luận sôi nổi và sự đa dạng về quan điểm, đã từng là đặc trưng của Sài Gòn trong những thập kỷ 1920 và 1930. Sự có mặt đông đảo của quân đội Mỹ vào cuối những năm 1960 đã kích thích một cuộc tranh luận khá dài về những mặt tiêu cực do ảnh hưởng của Mỹ và tầm quan trọng của một căn cước văn hóa Việt Nam. Trong khi sự hiện diện của Mỹ đã giảm xuống rất nhanh vào đầu những năm 1970, viễn cảnh về một nền văn hóa dân tộc ở miền Nam Việt Nam đã tập trung vào nhiều đề tài rộng lớn hơn cuộc chiến. Điều đó hoàn toàn khác biệt với miền Bắc Việt Nam, nơi mà tư tưởng và văn hóa hoàn toàn phụ thuộc vào chiến tranh và nền chính trị. Người miền Nam được hưởng thụ quyền Tự do ngôn luận và tự do sáng tác về cả những đề tài không có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến và chính trị. Sách báo, văn học, tạp chí và các tập san kinh viện đã phản ánh một diện rộng những quan tâm, tư tưởng và ý kiến về văn hóa, chính trị, tôn giáo, khoa học, thanh thiếu niên, giới tính, quan hệ gia đình, khuynh hướng quốc tế và đời sống cá nhân. So sánh với đời sống văn hóa ở miền Bắc, chuyện này đôi khi có vẻ hỗn loạn và chẳng dính líu gì đến hoàn cảnh thời chiến, nhưng nó chính là biểu hiện điển hình về sự cởi mở của miền Nam đối với những ý tưởng mới và với thế giới bên ngoài. Hơn thế nữa, nó còn thể hiện lý do, vì sao cuộc chiến này [do Bắc Việt phát động] cần phải chống trả.

***
Xin lưu ý, trong ngoặc vuông là ghi chú của người dịch.

---------------------------------------------
bài đã đăng của Keith Weller Taylor







No comments:

Post a Comment

View My Stats