Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Posted on March 12, 2016 by hueviet
Thuật lại việc tác giả Tinh Tra Thắng Lãm cùng
Thái giám Trịnh Hoà tuần du phương nam, đi qua vài vùng đất Việt Nam hiện nay;
nhân phản bác lập luận Trung Quốc cho rằng Trịnh Hoà từng đến đảo Trường Sa.
*
Phí Tín, tác giả Tinh Tra Thắng Lãm [星槎勝覽], đảm nhiệm chức Thông sự
[Phiên dịch], theo phái đoàn Trịnh Hoà bốn lần xuống Tây dương. Từng đi qua các
quốc gia tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương; trong đó có 5 vùng thuộc lãnh thổ Việt
Nam hiện nay, như Chiêm Thành, Linh Sơn [Phú Yên], Tân Đồng Long [Phan Rang, Bình
Thuận], Thuỷ Chân Lạp [Nam phần], và Côn Đảo. Phí Tín mượn huyền thoại thời thịnh
trị vua Nghiêu, ban đêm ngoài biển hiện lên chiếc bè [tra] có đèn thắp sáng như
sao [tinh] dùng cho nhan đề sách; nên “Tinh Tra Thắng Lãm” có thể hiểu
là Cuộc du ngoạn thắng cảnh trong thiên hạ bằng thuyền dưới thời thịnh trị. Bốn
chuyến viễn hành ông tham gia, khởi đầu từ các năm: Vĩnh Lạc thứ 7 [1409], Vĩnh
Lạc thứ 10 [1412], Vĩnh Lạc thứ 13 [1415], và Tuyên Đức năm thứ 6 [1431].
Trải qua hơn 20 năm lịch lãm về phong tục, địa thế,
nhân vật nơi đất lạ; tác giả đem những điều mắt thấy tai nghe viết thành sách,
hoàn thành vào năm Anh Tông Chính Thống thứ nhất [1436]; sách gồm 2 tập, đề cập
đến 44 nước. Riêng những vùng đất liên quan đến Việt Nam nằm trong tập 1, xin lần
lượt dịch như sau:
- Nước Chiêm Thành
Năm Kỷ Sửu Vĩnh Lạc thứ 7 [1409], nhà vua sai Chánh
sứ Thái giám Trịnh Hoà thống lãnh quan binh, sử dụng 48 chiếc hải thuyền, đến
các nước Phiên tuyên đọc ban thưởng. Cùng năm đó, vào mùa thu tháng 9 xuất phát
tại cảng Lưu Gia, huyện Thái Thương [Tô châu, tỉnh Giang Tô], đến tháng 10 ghé
tại cảng Thái Bình, huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến. Tháng 12, khởi hành tại
Ngũ Hổ Môn, Phúc Kiến ra biển, trương 12 buồm thuận theo chiều gió, hàng hành
10 ngày đêm đến nước Chiêm Thành.
Đến cửa biển vào cảng Tân Châu [Thị Nại, Qui Nhơn],
nơi này phía tây giáp Giao Chỉ, Bắc tiếp Trung Quốc, bảo thuyền nước Phiên
[Chiêm Thành] đến đón. Viên Tù trưởng đầu dội mũ Kim hoa dáng nhô lên như 3 ngọn
núi, mình quấn khăn gấm hoa văn, tay chân đều đeo xuyến vàng, chân đi dày đồi mồi,
eo thắt dây đai bát bửu, giống như pho tượng kim cương. Tù trưởng cửi voi; trước
sau hộ tống có hơn 500 quân Phiên, hoặc cầm nhận nhọn, doản thương; hoặc múa
bài da, hoặc đánh trống, thổi sáo. Bộ hạ cửi ngựa ra ngoại thành tiếp chiếu thư
và phần thưởng, kính cẩn xuống ngựa, đi bằng đầu gối, cảm động được tắm gội ơn
Thiên tử và phụng cống phương vật.
Nước này sinh sản voi lớn, tê giác, trâu, rất nhiều;
vì vậy nên ngà voi, tê giác, bán rộng ra các nước khác. Có một núi riêng sản xuất
kỳ nam hương, Tù trưởng sai người coi sóc; dân không được lấy, nếu kẻ nào ăn trộm
vật quí này, bắt được bị chặt tay. Riêng các loại gỗ như ô mộc, giáng hương;
dân hạ xuống, chẻ thành củi! Khí hậu nơi đây thường nóng như mùa hè, không thấy
sương tuyết, thảo mộc tươi tốt quanh năm, có loại khai hoa, có loại tàn tạ. Dân
nấu nước biển làm muối, ruộng lúa rất xấu. Người nước này ăn trầu với cau bao bởi
lá trầu quệt vôi lấy từ vỏ sò; ăn liên miên, lúc đi, lúc đứng, khi ngồi, khi nằm,
không ngớt trong mồm. Cách định ngày, tháng; khi trăng non mới mọc là ngày đầu
trong tháng, trăng lặn là ngày cuối; như vậy cứ 10 lần trăng mọc, trăng lặn là
1 năm. Ngày đêm chia làm 10 canh, dùng phép đánh trống báo mỗi canh.
Tù trưởng và dân thường ngủ chưa đúng Ngọ [12 giờ
trưa] chưa dậy, đêm chưa đến giờ Tý, chưa đi ngủ; trăng lên thì uống rượu, ca
hát làm vui. Tù trưởng sống trong nhà cao rộng, tường cửa xây bằng gạch nung,
cùng gỗ cứng, trang sức bằng chạm khắc hình thú vật; chung quanh nhà xây tường
gạch. Về vũ bị có thành quách, quân lính luyện tập chu đáo, vũ khi có tên tẩm
thuốc độc, các loại gươm giáo. Nơi cư trú của bộ hạ cũng phân đẳng cấp, cửa cao
tuỳ hạng. Dân dùng cỏ lợp nhà, cửa không cao quá 3 xích; kẻ làm quá qui định sẽ
bị tội.
Cả nước dùng thức ăn, cá chưa thối chưa ăn, tương
chưa sinh dòi chưa cho là tốt. Làm rượu đổ gạo và men vào trong ủng, bịt kín để
lâu, chờ khi bã rượu sinh dòi. Lúc mở ra, dùng ống trúc dài khoảng 3, 4 xích cắm
vào ủng; 5, 10 người ngồi xung quanh, tuỳ theo số người uống mà đổ nước vào nhiều
hay it; thay phiên hút rượu từ ống trúc vào miệng, nếu hết nước thì đổ thêm, đến
khi không còn vị rượu thì bỏ; nếu còn vị, thì có thể để dành lần sau uống tiếp.
Tù trưởng thường năm chọn mật người sống ngâm vào rượu, cho người nhà cùng uống,
lại tắm trên người để được “can đảm cùng mình” [thông thân thị đảm 通身是膽].Tương truyền có ma thi đầu,
hình dáng một người đàn bà, chỉ khác là mắt không có con ngươi. Người đàn bà
này cùng sống với gia đình, đêm đầu bay đi, ăn phân người, rồi trở về hợp đầu vào
thân thể sống như cũ. Nếu như bịt cổ lại, hoặc dời thân đi chỗ khác sẽ chết.
Trường hợp người bệnh bị ăn phân, yêu khí nhập vào, ắt phải chết. Loại này cũng
ít thấy, dân gian biết mà không báo quan, bị trừng phạt cả nhà. Dân Phiên rất
quí trọng cái đầu, nếu ai xúc phạm đầu, sẽ liều sinh tử để rửa hận.
Trai gái búi tóc phía sau ót, đầu chít khăn vải hoa,
khoác áo ngắn, eo lưng quấn khăn có màu sắc. Nước này không có giấy, dùng da dê
căng mỏng ra thui đen, lấy trúc tước ra làm bút, chế vôi làm mực viết lên. Gặp
trường hợp khúc mắt, ngôn ngữ xa cách, toàn dựa vào Thông sự phiên dịch.
Lời
bàn:
Theo Minh Thực Lục, Quốc vương Chiêm
Thành lúc bấy giờ là Chiêm Bà Đích Lại; cũng vào giai đoạn này Việt Nam bị quân
Minh đô hộ, không còn gì để ngoại giao; nên nước đầu tiên phái đoàn Trịnh Hoà đến
phương nam là Chiêm Thành. Vị trí Chiêm Thành coi như trục bánh xe, nơi chuẩn bị
hành trình để toả rộng ra các nước Đông Nam Á. Tác giả Phí Tín, với nhiệm vụ
Thông sự [Thông dịch viên], tiếp xúc nhiều với dân bản xứ, dựa vào những điều
tai nghe mắt thấy, cung cấp rất nhiều tư liệu quí báu. Về triều đình Chiêm
Thành, tác giả lưu ý đến cách ăn mặc và nghi vệ của Quốc vương; thành quách,
binh bị, cách phòng thủ, cùng đẳng cấp xã hội qua hình thức xây dựng nhà ở. Về
văn hoá, mô tả lịch pháp, cách định tháng, năm, ngày giờ; viết chữ lên da dê
thay giấy. Tác giả chú ý sinh hoạt hàng ngày của dân chúng; giờ thực dậy, giờ
ngủ; thú vui ca hát lúc trăng lên, tụ tập uống rượu cần, thói quen ăn trầu liên
miên. Lại nêu lên những nét khái quát về kinh tế, như trên rừng nhiều gỗ quí, lắm
thú lạ được bán sang các nước khác; nhưng ruộng lúa thì xấu.
*
2.
Linh Sơn
Xứ này đối với Chiêm Thành mạch núi liên tiếp; núi
cao mà vuông, có suối chảy xung quanh như dây đai, Trên đỉnh núi có một khối đá,
giống như hình Phật, nên có tên là Linh Sơn. Dân cư phân tán, làm nghề đan
võng; ruộng tốt, mỗi năm trồng trọt, thu hoạch 2 mùa. Nói chung khí hậu và lễ
tiết trai gái cũng gần giống Chiêm Thành. Vùng này sản xuất cây mây có văn đen
dùng làm gậy; mỗi cây gậy có thể đổi 1 khối thiếc; nếu thô lớn, văn thưa, thì 3
cây đổi 1 khối. Còn có cây trầu, cau, lão diệp [một loại hồ tiêu]; ngoài ra
không có sản phẩm gì khác. Các thuyền buôn qua lại phái ghé nơi này lấy củi và
nước, cho nhu cầu hàng ngày. Người trên thuyền thường ăn chay tắm rửa 3 ngày, kẻ
sùng Phật tụng kinh, thả thuyền giấy cắm đèn, để cầu mong thuyền tránh tại hoạ.
Lời
bàn:
Xứ Linh Sơn liên tiếp mạch núi với Chiêm Thành tức
thành Đồ Bàn [Qui Nhơn], sách Đông Tây Dương Khảo của Trương
Tiếp cho biết từ Tân Châu [Thị Nại, Qui Nhơn] đi đường thuỷ quanh co qua 7 canh
[khoảng 200 km] đến Linh Sơn. Xét khoảng cách và vị trí có thể phỏng định vùng
này thuộc thị xã Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên ngày nay.
*
3.
Nước Tân Đồng Long
Nước này với Chiêm Thành mạch núi liên tiếp, có 2
khe, nước trong xanh. Sách Phật chép khất thực tại Xá Vệ tức tại nơi này; nơi Mục
Liên ở di chỉ vẫn còn. Nhân vật, đất đai, cây cối, thảo mộc phần lớn giống
Chiêm Thành. Duy đám tang vẫn chít khăn sô, cúng Phật cầu cứu độ, chọn đất
hoang vắng chôn cất; trai gái quen nhau kết hôn. Tù trưởng ra vào, cửi voi hoặc
ngựa; cũng giống như Vương Chiêm Thành. Tuỳ tùng hơn 100 người hộ vệ trước sau;
kẻ cầm thuẩn, kẻ tung hô, được gọi là á, là bộc. Đất sản xuất kỳ nam hương, ngà
voi; trao đổi hàng hoá dùng vàng, bạc, vải bố; dân thường dùng cỏ tranh lợp
nhà.
Lời
bàn:
Nước này tại phía nam cùng chung mạch núi với Chiêm
Thành, tức phía nam dãy Trường Sơn; các nhà nghiên cứu cho rằng vị trí thuộc 3
tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay. Tuy là quốc gia riêng, nhưng
Tân Đồng Long từ lâu vẫn lệ thuộc Chiêm Thành; thời Tống, Nguyên, Minh thường
sai sứ sang cống Trung Quốc. Về phong tục nước này có phần khác với Chiêm
Thành, tang lễ theo nghi thức Nho giáo, thân nhân chết chít khăn sô.
*
4.
Nước Chân Lạp
Từ Chiêm Thành thuyền thuận theo gió, 3 ngày đêm đến
Chân Lạp. Phía nam là nơi đô hội, thành trì chu vi rộng 70 lý, sông có bờ đá rộng
2 trượng, cung điện trên 30 sở. Hàng năm có một lễ hội trưng bày la liệt trước
vườn như vượn ngọc, chim công, voi trắng, tê giác, trâu, gọi là Bách Tháp Châu;
thứ đến Tang Hương Phật Xá. Yến tiệc thì đồ ăn để trong mâm vàng, bát vàng; vì
vậy ngạn ngữ có câu “Phú quí như Chân Lạp”. Khí hậu thường nóng, ruộng
lúa sung túc, nấu nước biển làm muối, phong cách giàu có. Trai gái búi tóc, mặc
áo ngắn, hông quấn vải bố. Phép trị tội hình cắt mũi, thích vào da, hoặc đi
đày; ăn trộm bị chặt tay, chân. Người Phiên giết người Đường [Trung Quốc] phải
thường mệnh; người Đường giết người Phiên cho chuộc bằng vàng, không có vàng
thì lấy thân chuộc tội. Đất sản xuất sáp vàng, tê giác, voi, chim công, trầm
hương, tô mộc, dầu đại phong tử [Chaulmoogra seed oil], thuý mao. Hàng hoá trao
đổi bằng vàng bạc, châu ngọc, gấm, các loại tơ, vải bố.
Lời
bàn:
Nước Chân Lạp xưa chia làm 2 phần: Lục Chân Lạp,
Campuchia hiện nay; và Thuỷ Chân Lạp tức miền nam Việt Nam. Trong Tinh
Tra Thắng Lãm, Phí Tín mô tả thành trì tại phía nam, tức Thuỷ Chân Lạp. Tác
giả cho biết ruộng lúa sung túc, hình dung vựa ruộng lúa miền nam Việt Nam; còn
câu nói “ Phú quí như Chân Lạp” cũng là hình ảnh công tử Bạc Liêu
vào đầu thế kỷ thư 20. Lúc bấy giờ đã có án lệ về việc xử người Trung quốc hoặc
dân bản xứ giết người, chứng tỏ thời Minh đã có nhiều người Trung Quốc đến đất
này buôn bán.
*
5.
Núi Côn Lôn
Núi này đứng giữa biển rộng, làm tiêu chuẩn cho
Chiêm Thành, Đông Tây Trúc [Pulau Aur] cùng nhìn vào, núi cao mà vuông, gốc rễ
sơn mạch rộng và xa, biển này gọi là biển Côn Lôn. Phàm thuyền bè đến Tây Dương
phải chờ lúc thuận gió, đi 7 ngày đêm có thể qua nơi này. Tục ngữ rằng “Phía
trên thì sợ Thất Châu, phía dưới thì sợ Côn Lôn, cầm lái sai hướng, người và
thuyền không còn.” Núi này không có vật lạ, không có nhà ở; nhưng có thể
dùng cá, tôm, trái cây để ăn, sống trên cây hoặc trong hang.
Lời
bàn:
Hầu như mọi chuyến hàng hải từ Trung Quốc xuống Đông
Nam Á vào thời Thanh trở về trước đều lấy núi Côn Lôn làm chuẩn; Côn Sơn với đỉnh
cao 577mét, giúp tàu thuyền có thể thấy được từ xa. Sách Dông Tây Dương
Khảo [東西洋考] của Trương Tiếp chỉ rõ hướng đi và thời gian đến như sau :
Từ Xích Khảm Sơn [Phan Rang] theo hướng đơn Mùi [210 độ], thời gian 15 canh đến
núi Côn Lôn. Ðây không phải địa danh Côn Lôn trên nguồn
sông [chỉ núi Côn Lôn tại Trung Quốc], mà chính
là thắng cảnh Côn Lôn trên biển cả.
Vị trí Côn Lôn hay Côn Đảo cả thế giới đều biết,
nhưng những cây bút Trung Quốc viết theo đơn đặt hàng, như nhóm biên soạn Ngã
Quốc Nam Hải Chư đảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编] đã không ngượng bút, dám chú thích rằng:
Núi Côn Lôn, biển Côn Lôn; chỉ Nam Sa quần đảo cùng
khu vực hàng hải nguy hiểm xung quanh. (1)
Vì các phái đoàn đi sứ và các thương thuyền thời xưa
chỉ đi qua Côn Lôn mà thôi, chứ chưa từng đến Nam Sa [Trường Sa]; nên một số
nhà nghiên cứu Trung Quốc cố tình gán cho Côn Lôn là Trường Sa, để chứng tỏ các
phái đoàn như Trịnh Hoà đã từng qua đó. Nhưng qua thực tại, và những điều mô tả
trongTinh Tra Thắng Lãm nêu trên, đã chứng minh ngược lại:
-Thực tế cho biết quần đảo Trường Sa được chia thành
ba mực địa hình theo độ cao, gồm 0,5-1,5 m; 2,0-3,5 m và
4,5–6 m; còn Tinh Tra Thắng Lãm mô tả “ Núi cao
mà vuông. Có thể làm tiêu chuẩn cho Chiêm Thành và Đông Tây Trúc [Pulau
Aur] cùng nhìn vào nhau”. Rõ ràng đây là chỉ Côn Đảo với chiều
cao 577 mét, chứ không thể chỉ Trường Sa thấp lè tè với diểm cao nhất chỉ có 6
mét.
-Hạm đột Trịnh Hoà với 48 hải thuyền, chở mấy vạn
quân, chạy bằng buồm; thời xưa không có radar, phài dò nơi nước sâu mà đi,
không thể liều lĩnh chạy vào vùng nước cạn có nhiều san hô như quần đảo Trường
Sa.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, ngay cả Học giả Trung Quốc
Đàm Kỳ Tương (2), trong tác phẩm Nam Hải Chư Ðảo Sử Ðịa Khảo Chứng Luận
Tập cũng xác nhận rằng qua sử chí xưa, không có cơ sở để gán cho Côn
Lôn là quần đảo Trường Sa.
——–
Chú thích:
1.Ngã Quốc Nam Hải Sử Liệu Hối Biên trang 53-54.
2.Ðàm Kỳ Tương, Nam Hải Chư Ðảo Sử Ðịa Khảo
Chứng Luận Tập, trang 1-7.
Hồ Bạch
Thảo.
Tác giả gửi đến Dự
án Đại Sự Ký Biển Đông
No comments:
Post a Comment