Saturday, 19 March 2016

CHỦ BLOG ANHBASAM CHUẨN BỊ HẦU TÒA VÌ "BÔI NHỌ NHÀ NƯỚC" (Nhật Báo Ba Sàm)





Nhật Báo Ba Sàm
Posted by adminbasam on 19/03/2016

Đôi lời: Nếu nhà nước này không có “nhọ” thì ai có thể bôi nhọ được nhà nước? Nếu chỉ là “bôi nhọ” lại để có thể bắt giữ 2 người trong gần 2 năm không đưa ra xét xử? Trong khi cơ quan an ninh điều tra đưa ra những thông tin cáo buộc ông Nguyễn Hữu Vinh (và Nguyễn Thị Minh Thúy), liên quan đến 2 blog Dân Quyền và Chép Sử Việt, họ đã không nhận có liên quan tới 2 blog này và chờ ngày ra tòa để bên công tố chứng minh những cáo buộc đó, thì phóng viên Mai Chi lại sử dụng những thông tin từ phía công tố buộc tội bị cáo, mà không đá động gì tới những lời bác bỏ của họ.

Trong bài còn có đoạn: “Trước đó, theo cơ quan an ninh, 2 người này đã liên lạc với một thông tín viên đài RFA, một trong những người bị cơ quan điều tra cho là ‘cầm đầu chống Việt Nam tại Mỹ’.” Thông tín viên đài RFA này là ai? Tên họ là gì? Làm cho đài RFA từ bao giờ? Một tờ báo lớn như VnExpress lại có thể đưa ra  thông tin mơ hồ, không rõ ràng như thế, giống như em bé chửi đổng, không dám gọi tên kẻ mình muốn chửi.
___

Mai Chi
19-3-2016

Ông Nguyễn Hữu Vinh (nickname Anhbasam) và nhân viên dưới quyền bị cáo buộc viết nhiều bài trên hai blog Dân quyền và Chép sử Việt có nội dung “bôi nhọ, xuyên tạc sự thật Nhà nước”.

Theo thông tin từ TAND Hà Nội, ngày 23/3, ông Nguyễn Hữu Vinh (60 tuổi) và Nguyễn Minh Thuý (36 tuổi) sẽ bị đưa ra xét xử về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, khoản 2, Điều 258. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 7 năm tù.

Theo cơ quan công tố, ông Nguyễn Hữu Vinh là giám đốc công ty TNHH điều tra và bảo vệ V – VPI. Sau khi lập 2 blog Dân quyền và Chép sử Việt, ông Vinh đã cung cấp mật khẩu truy cập, chia sẻ cho Nguyễn Minh Thúy (kế toán công ty) một số quyền quản trị đối hai blog trên.
Từ khi được lập đến khi Vinh, Thúy bị bắt, blog Dân quyền đã đăng hơn 2.000 bài viết, gần 40.000 phản hồi.

Năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kết luận cho rằng, trên blog này có 24 bài viết “sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với lãnh đạo đất nước”.

Hai blog trên có hơn 3,7 triệu lượt truy cập, nhiều người phản hồi với nội dung được cho là tiêu cực, bị lôi kéo theo quan điểm của các bài viết. Trong số đó có bài viết: Tham nhũng , chống tham nhũng và thể chế; Mấy suy nghĩ về tình hình, nhiệm vụ hiện nay…

Một số cá nhân khác liên quan đến hành vi của ông Vinh và bà Thuý, cơ quan tố tụng cho rằng do xuất phát từ các mối quan hệ quen biết, bị lợi dụng, không biết động cơ, mục đích nên không xử lý.

Trước đó, theo cơ quan an ninh, 2 người này đã liên lạc với một thông tín viên đài RFA, một trong những người bị cơ quan điều tra cho là “cầm đầu chống Việt Nam tại Mỹ”.

Ông Vinh sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân năm 1979 từng 20 năm công tác tại Tổng cục An ninh và biệt phái công tác tại Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Ra khỏi ngành vào tháng 11/1999, vài tháng sau, cựu trung tá này lập Công ty TNHH Điều tra và bảo vệ V, tiên phong trong lĩnh vực thám tử tư tại Hà Nội.

Bố ông Vinh (đã mất) từng là ủy viên trung ương Đảng trong 2 khóa, là Bộ trưởng Lao động, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.



---------------------


Ông Martin Patzelt, nghị sĩ, thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc hội CHLB Đức, đang chuẩn bị bay sang Việt Nam vào ngày chủ nhật (20/3) để làm quan sát viên trong phiên tòa xét xử hai blogger Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy.

Trong thông cáo báo chí, ông cho biết, với tư cách thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức, ông đã “theo dõi từ lâu việc bắt giữ vô cớ” ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, đã từng viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh để yêu cầu can thiệp cho ông Vinh được xét xử công bằng và được trả tự do.

Nghị sĩ nhận xét: “Trong vụ này, tôi tin rằng, khi làm những việc bị chính quyền cho là có tội, ông Nguyễn Hữu Vinh đã không làm gì hại cho quê hương Việt Nam mà đã và vẫn chỉ muốn đất nước được phát triển tốt đẹp”.

Đây cũng là vị nghị sĩ Đức đã nhận bảo trợ cho blogger Nguyễn Hữu Vinh trong khuôn khổ chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu“ của Quốc hội Liên bang Đức - một chương trình được áp dụng cho những người hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới.

Ông Martin Patzelt cho biết, Quốc hội Đức đã đồng ý để ông tham dự và quan sát phiên tòa với tư cách nghị sĩ. Song song với đó, ông gửi đơn đến Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội và một số cơ quan liên quan ở Việt Nam, xin làm quan sát viên, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Mặc dù vậy, chắc chắn là ông vẫn sẽ có mặt ở Việt Nam và đến Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vào ngày phiên tòa diễn ra, 23/3/2016.

Trước đó, Phái đoàn Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Mỹ, và nhiều cơ quan đại diện ngoại giao quốc tế ở Việt Nam cũng đã gửi thư đề nghị được tham dự phiên tòa, nhưng phía Việt Nam vẫn chưa trả lời ai.





No comments:

Post a Comment

View My Stats