Hà Duy - VietNamNet
18/03/2016 03:00 GMT+7
Dự
án thép gần 4.000 tỷ, sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ nhưng 10 năm
qua không thể hoàn thành. Hàng ngàn tỷ đồng thiết bị đang ngày một hoen gỉ và
hoang tàn.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đang mắc kẹt
hàng nghìn tỷ đồng ở đại dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn II vì dự
án triển khai gần 10 năm nay vẫn dở dang, hoang tàn.
Hơn
4.500 tỷ thành đống sắt gỉ
Cổng vào Công ty CP
Gang thép Thái Nguyên
Sáng 16/3, có mặt trước cổng Nhà máy gang thép Thái
Nguyên. Từng hàng xe tải nối hàng dài trước cổng chờ lấy thép. Nhìn cảnh ấy,
không ai lại nghĩ rằng sâu bên trong nhà máy này lại đang có một nhà máy hàng
nghìn tỷ đồng bị “vứt bỏ” suốt nhiều năm nay.
Sự thật bên trong, hàng trăm hạng mục lớn nhỏ như
luyện gang, luyện thép, hệ thống lò cao,... của một dự án quy mô hàng ngàn tỷ đồng
đang nằm phơi nắng, phơi mưa. Cỏ dại, dây leo phủ đầy. Từng mảng bê tông bong
tróc, nham nhở. Những khung nhà thép dở dang, những băng chuyền đã được lắp đặt,
máy móc cũ gỉ,... nằm phơi trên khu đất rộng hàng ha.
Tất cả đều đang có dấu hiệu bị hoen gỉ, xuống cấp
nghiêm trọng. Một đại công trường hoang tàn không một bóng người.
Còn đây là quang cảnh
bên trong nhà máy, tại dự án mở rộng công ty giai đoạn 2
Trên công trường, những khu nhà xập xệ, mốc meo. Nếu
không tận mắt chứng kiến, không ai có thể tin nổi những nhà kho cũ nát lợp mái
tôn thủng lỗ lại là nơi chứa biết bao thiết bị của một nhà máy thép gần chục
nghìn tỷ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Thắng, một công
nhân của nhà máy cho biết, “tôi làm ở đây
được 10 năm rồi, từ khi còn chưa lấy vợ, dự án này cũng chưa có. Thế mà đến giờ
có vợ, có con lớn rồi dự án vẫn chưa xong”.
Gần 10 năm về
trước là thời điểm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đặt bút ký vào hợp đồng chọn
nhà
thầu Trung Quốc là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm
tổng thầu EPC Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, với công
suất mở rộng 500.000 tấn phôi/năm và 500.000 tấn thép cán/năm. Đây là dự án
nhóm A được vay vốn ưu đãi. Tổng vốn đầu tư khi đó là hơn 3.800 tỷ đồng.
Dự án khởi công 2007 nhưng không bao lâu sau dự án
phải dừng hoạt động vì gặp cú sốc khủng hoảng kinh tế. Năm 2009, dự án mới khởi
động trở lại nhưng đã bị đội
vốn gấp hơn 2 lần, từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng.
Số vốn đội
lên quá lớn khiến việc thu xếp vốn cho dự án của TISCO gặp nhiều khó khăn.
Đến tháng
7/2012, dự án lại bắt đầu rơi vào giai đoạn “chết lâm sàng” lần hai khi đang
xây dựng thì các nhà thầu Trung Quốc MCC lục tục kéo nhau về nước, bỏ lại
những hạng mục còn dở dang và trang thiết bị chất đầy trong kho. Tính đến nay,
dự án đã bỏ hoang được gần 4 năm.
Những nhà kho tạm bợ
được dựng lên để che chắn cho đống thiết bị tiền tỷ giờ đã hoen rỉ
“Hồi còn thi công,
có tới hàng nghìn công nhân làm việc ở đây. Giờ thì chẳng còn ai. Sắt thép gỉ hết
cả rồi, bao nhiêu tiền của đổ vào, xót thật đấy”, những công nhân ở đây nhớ lại. Và có lẽ, một công nhân có mức lương 4-5
triệu đồng/tháng ở đây chắc không thể hình dung được rằng vì sao một nhà
máy được đầu tư đến hàng ngàn tỷ đồng lại thê thảm đến thế.
Lại
tăng thêm vốn đầu tư?
Số phận dự án này đã khiến Chính phủ, các bộ ngành
phải nhiều lần họp bàn tìm cách giải cứu.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ quyết định số
phận dự án này vào tháng 11/2015. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ
đạo Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đàm phán
dứt điểm với Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc, chủ động tính toán phương án
để thực hiện dự án tiếp tục.
Từ đó, xác định điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự
án, làm cơ sở cho Dự án được tiếp tục triển khai có hiệu quả.
Quang cảnh trông thật
hoang tàn
Theo báo cáo từ TISCO lên các cơ quan chức năng, từ
năm 2012 đến cuối tháng 1/2016, TISCO đã tiến hành đàm phán 10 lần với nhà thầu
Trung Quốc MCC để tìm cách tái khởi động dự án. TISCO cũng phối hợp với cơ quan
kiểm toán rà soát với các nhà thầu thi công để chốt khối lượng, chất lượng các
hạng mục của dự án thi công dang dở, cùng với tư vấn thiết kế luyện kim của
VNSTEEL khảo sát đánh giá, lập phương án và dự toán chi phí bảo dưỡng sửa chữa
vật tư thiết bị han gỉ lão hóa hư hỏng do để lưu kho bãi lâu ngày,...
TISCO cũng đã thuê Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt
Nam lập và Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra báo cáo điều chỉnh tổng
mức đầu tư và rà soát hiệu quả kinh tế của dự án với hai điều kiện: một là, tái
khởi động vào 1/4/2016, hoàn thành đưa vào sản xuất ngày 1/1/2018; hai là, tính
đầy đủ các khoản chi phí và không đầu tư hạng mục Cốc hóa (sản xuất cốc luyện kim
làm nguyên liệu cho lò cao sản xuất gang).
Theo báo cáo mới nhất của TISCO gửi Bộ Công Thương,
tổng mức đầu tư khi không tiếp tục đầu tư hạng mục Cốc hóa vẫn lên đến con số
9.031 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư đã được rà soát lại và phê duyệt năm
2014, tổng mức đầu tư này cao hơn tới 927 tỷ đồng, buộc dự án phải bổ sung thêm
nguồn vốn.
Nhưng theo tính toán của đơn vị tư vấn, với mức vốn
“khủng” này dự án sẽ không có hiệu quả kinh tế khi thời gian để thu hồi vốn lên
đến trên 23 năm.
Để “cứu” dự án, TISCO và Bộ Công Thương đang tính đến
một phương án khác.
Hà
Duy
------------------------
đúng là con người Việt Nam có khác, không bao giờ phát triển được bời vì làm ăn quá vớ vẩn, quá bẩn bựa quá tham lam thì trở thành như thế, những chi phí vớ vẩn được nhà thầu thêm vào phần khai dự án cắt đứt nhiều khoản tiền của nhà nước
ReplyDelete