Saturday, 23 May 2015

Đúng, mà sai (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 20/05/2015

Hôm thứ Hai 19 tháng 5, một người phát ngôn của Bạch Cung -ông Eric Schultz- nói trong cuộc họp báo hàng ngày, “chúng tôi không phủ nhận là khó khăn đang xẩy ra tại Ramadi, cũng như chúng tôi không phủ nhận là chúng tôi sẽ giúp người Iraq tái chiếm Ramadi. Chúng tôi tin tưởng là quân lực Iraq có khả năng tái chiếm Ramadi với sự yểm trợ của không lực đồng minh.”

Schultz nói rất khéo, nhưng khen ông ta khéo nói lại là thừa, vì nói là nghề của ông ta; điều cần nêu ra ở đây là cái khéo ngôn ngữ của Schultz đang trở thành nguy hiểm vì nó che giấu cái vụng chiến lược của Obama. Ông tổng thống này đang bước vào vết chân của tổng thống Lyndon B. Johnson trong chiến tranh Việt Nam.

Johnson là vị tổng thống Hoa Kỳ tốt nhất đối với người Việt Nam, quyết liệt nhất trong việc yểm trợ Nam Việt Nam chiến đấu tự vệ; nhưng cái vụng chiến lược của vị tổng tư lệnh đã đưa quân đội Hoa Kỳ -lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới- đến chỗ thất trận trước đạo quân Việt Cộng - quân đội của một quốc gia đệ tam, chỉ đứng hạng C trong thứ bực quân sự thế giới.

Ngày đó -trên chiến trường Việt Nam- cũng như hôm nay -trên chiến trường Trung Đông- quân Mỹ vẫn là lực lượng mạnh nhất; điều đáng tiếc là vị đương kim tổng tư lệnh không hiểu bài học sai lầm chiến lược xẩy ra nửa thế kỷ trước.

Obama đang giúp quân đội Iraq tái chiếm Ramadi -kinh đô của tỉnh Anbar; giống như năm 1968 quân Mỹ giúp quân đội VNCH giải phóng thành phố Huế bị quân Bắc Việt tạm chiếm trong 26 ngày; những chữ “giải phóng Huế” và “tái chiếm Ramadi” nói lên sự khác biệt của 2 cuộc chiến tranh Việt Nam và Iraq.

Trong toàn bộ cuộc chiến nói chung, và trong trận Mậu Thân nói riêng, Nam Việt chiến đấu chống quân xâm lược cộng sản để bảo vệ nhân dân Nam Việt, nên quân đội VNCH có chính nghĩa và có cả ý chí tha thiết muốn giải phóng Huế.

Quân đội Iraq không có cái chính nghĩa “giải phóng” Huế như quân đội VNCH 47 năm trước; họ chỉ muốn “tái chiếm” Ramadi, để hạ ngọn cờ đen -tượng trưng cho ý chí tàn sát của IS- xuống và trương cờ Iraq lên. Mầu cờ đen có thể không phải là mầu cờ người Ramadi ưa thích, nhưng là tín đồ Sunni, họ vẫn không ưa thích tín ngưỡng Shia của thị trưởng Ramadi, và của những viên chức Shia đến từ Baghdad để cai trị họ.

Họ gọi quân chính phủ Baghdad là “safavid”, và gọi lực lượng các bộ lạc Sunni theo Baghdad là “murtadeen”. Safavid là một triều đại quân chủ chiếm đóng vùng Persia từ thế kỷ thứ 7 lịch Thiên Chúa Giáo và áp đặt giáo phái Shia là quốc giáo thay cho đạo Sunni được đa số dân sùng bái.

Phần lớn cư dân Ramadi theo giáo phái Sunni; quân đội Hoa Kỳ đã tổn thất đến 1,335 quân nhân, bị giết trong 3 năm rưỡi -từ tháng Tư 2004 đến tháng Chín 2007- để thực hiện cuộc tấn công và chiếm đóng tỉnh Anbar -với diện tích và dân số rộng bằng một phần tư Iraq.
Ramadi chỉ là tỉnh lỵ của Anbar, như Huế là tỉnh lỵ của Thừa Thiên.

Giải phóng Huế ra khỏi cuộc tạm chiếm ngắn nhưng đẫm máu là việc phải làm; nhưng dàn trải 1 sư đoàn Việt Nam Cộng Hòa ra để phòng thủ diện địa, phòng thủ từng ngôi làng, từng cây cầu trên Quốc Lộ 1 và nhiều tỉnh lộ, lại là điều sai lầm đưa 1 triệu quân nhân VNCH và nửa triệu quân Mỹ vào thế thường xuyên bị động.

Đại tướng William Westmoreland ngỡ là chiến thuật “search and destroy” ông chủ trương đã đủ minh bạch để thường xuyên đặt toàn thể quân đội Việt Nam và lực lượng viễn chinh Mỹ vào thế 7 ngày mỗi tuần, 24 giờ mỗi ngày, chỉ bận bịu vào việc “tìm và diệt địch”; ông không nhìn thấy cái gánh nặng khổng lồ “phòng thủ diện địa”, trì, kéo toàn thể quân sĩ Việt, Mỹ, chiến đấu dưới quyền chỉ huy của ông sa lầy vào nhu cầu phòng thủ.

Một đồn binh nhỏ cấp trung đội, do lực lượng Nghĩa Quân phòng thủ, bị một đại đội Việt Cộng vây hãm, chi khu trưởng gửi 2 đại đội Địa Phương Quân đến tiếp viện; lực lượng viện binh sa vào ổ phục kích của một tiểu đoàn địch; không quân đến yểm trợ chiến trường và đưa một tiểu đoàn Nhẩy Dù đến tấn công tiểu đoàn địch.

Cuối cùng toàn bộ 10 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn tổng trừ bị và cả không quân, hải quân VNCH, cả những sư đoàn thiện chiến Mỹ bị trói vào nhiệm vụ phòng thủ diện địa. Nếu Westmoreland biết bí quyết gỡ bỏ cái đồn Nghĩa Quân cấp trung đội, thì chiến tranh Việt Nam chỉ dài có một năm, với sự tiêu diệt toàn bộ 300,000 du kích quân Việt Cộng.

Không lực lượng nào đủ sức chống lại chiến thuật “chỉ tấn công, không phòng thủ” của 1,500,000 quân tinh nhuệ, được huấn luyện thuần thục, và được võ trang hiện đại, được yểm trợ vô cùng sung mãn như quân đội Mỹ.

Nhưng Westmoreland không biết phải đập một đầu cái trứng, mới dựng quả trứng đứng thẳng lên, không cho nó nằm theo chiều ngang.

Cái không biết bé tí, giản dị đó giúp quân ác thắng trận.

Vị tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ hôm nay, và cũng là người đang chịu trách nhiệm thắng hay bại trên chiến trường Trung Đông là tổng thống Obama; ông không từng trải giao tranh bằng tướng Westmoreland, không “hết mình”, không “đánh xả láng”, không ràng buộc cuộc đời chính trị của mình vào với sự thắng hay bại trên chiến trường như tổng tư lệnh Johnson, nhưng ông có kiến thức hơn 2 vị tiền bối của ông.

Dĩ nhiên "kiến thức" không đặt căn bản trên những văn bằng tột đỉnh của thang học vấn ông đã đạt được, mà kiến thức được đánh giá qua chiến lược "không chạm gót xuống chiến trường" của ông, giúp Hoa Kỳ vẫn thắng thế trên chiến trường Trung Đông với một giá máu, giá mồ hôi vô cùng thấp. Dù tính bằng hiện kim, thì cuộc chiến tranh Trung Đông của Obama cũng không tốn kém bằng 1/100 cũng cuộc chiến này do vị tiền nhiệm của ông -tổng thống George W. Bush- lãnh đạo.

Sự đánh giá này chỉ có giá trị đến ngày 19 tháng 5, ngày phát ngôn viên Schultz công bố quyết định của Obama giúp Iraq Shia tái chiếm Ramadi Sunni, vừa bị quân IS Sunni chiếm đoạt. Obama “tái khẳng định” lập trường Hoa Kỳ yểm trợ thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trong nỗ lực quân sự quan trọng này.

Tái chiếm Ramadi là kết quả cuộc thảo luận của “nội các chiến tranh” tại Bạch Cung gồm 25 nhân vật, trong số này có phó tổng thống Joe Biden, ngoại trưởng John Kerry, tổng trưởng Quốc Phòng Ash Carter, và trung tướng General Lloyd Austin tư lệnh Quân Khu Trung Ương. Nhân vật quan trọng nhất trong quyết định nặng tính quân sự này là tướng Austin, vì chiến trường Iraq nằm trong lãnh thổ trách nhiệm của ông.

Ông cũng chỉ giỏi như đại tướng Westmoreland, hoặc như quý vị tướng lãnh khác của Hoa Kỳ, và chỉ duy nhất biết một việc: phải tái chiếm thị trấn bị địch chiếm đoạt; chứ không suy luận xa hơn về hành động “tái chiếm”, không biết chữ đôi “chiếm giữ” trong từ điển quân sự Việt Nam.

Chiếm là phải giữ, và giữ là lâu dài phòng thủ Ramadi ngày mai, hay Huế trong quân sử; công tác phòng thủ triền miên, và phòng thủ cùng khắp lãnh thổ đã vắt đến mức kiệt quệ khả năng chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong túi khôn quân sự có câu, “trí tướng học quân sử, dũng tướng tự tử tìm kinh nghiệm bản thân”; Obama không mang ngôi sao nào cả, nhưng trên chiến trường, ông chỉ huy các tướng cầm quân; vai trò của ông là trí tướng, dũng tướng là Austin, là Wesmoreland, ...
Với trọng trách vô cùng nặng nề đó, ông đang hỏi tướng Austin xem Hoa Kỳ có khả năng giúp quân Sunni tái chiếm Ramadi hay không!

Schultz chỉ trung thực nói lên quyết định của tổng thống; ông Obama cũng chỉ quyết định theo quan điểm của vị tướng cầm quân, và tướng Austin cũng chỉ trình bày những gì ông tin là đúng -như nguyên tổng tư lệnh George W. Bush tin là Nam Việt thất thủ vì quân đội VNCH không thích chiến đấu bảo vệ quê hương.

Chưa ai khám phá ra là những điều tưởng chừng rất đúng đó lại chỉ là một hệ thống sai lầm dây chuyền nguy hiểm, và tích lũy, nằm lại lâu đời trong quân sử Hoa Kỳ.

Thật đáng buồn, mà cũng thật đáng lo.

Nguyễn đạt Thịnh

----------------------

XEM THÊM :

23/05/2015








No comments:

Post a Comment

View My Stats