Monday, 25 May 2015

Trần Trọng Kim và “Một Cơn Gió Bụi” (Cơ sở Xuất bản SỐNG)





Cơ sở Xuất bản SỐNG
23/05/2015

Học giả Trần Trọng Kim, là vị thủ tướng đầu tiên của lịch sử Việt Nam và “Một Cơn Gió Bụi” là cuốn hồi ký của ông, viết về một giai đoạn đau thương của lịch sử Việt Nam. Lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, sách “Một Cơn Gió Bụi” vừa được nhà xuất bản Sống hiệu định, tái bản và ra mắt vào lúc 2 giờ chiều Chủ nhật 24 tháng Năm 2015, tại Việt Báo Gallery. Sau đây là bài “Tựa” của nhà xuât bản Sông.

* * *

Sinh vào năm Quý Mùi 1883, Trần Trọng Kim chào đón Thế kỷ 20 như một sinh viên vừa thi đỗ trường Thông Ngôn. Ba năm sau, ông tốt nghiệp, trở thành công chức, đi làm Thông sự ở tỉnh Ninh Bình. Nhưng chỉ một năm sau thôi, con người tinh thông Hán học từ một gia đình Nho giáo đất Hà Tĩnh đã hiểu ra thời thế. Ông bước qua ngả khác.

*


Năm 1945, Tháng Ba, ngày 11, “Tuyên Cáo Việt Nam độc lập” được chính thức ban hành bởi vua Bảo Đại.

Sau 24 năm chiến đấu một cách vô vọng, nước Nam đã mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp từ năm Trần Trọng Kim ra đời và sẽ khó giành lại độc lập nếu dân trí không thay đổi.

Năm 1905, Trần Trọng Kim lặn lội qua Pháp như một người thợ, mà để học hỏi thêm kiến thức mới qua nhiều trường nhiều lớp, từ thương mại đến sư phạm. Ông tốt nghiệp trường Sư Phạm Melun năm 1911 thì trở về nước làm nhà giáo. Suốt 30 năm sau đó, ông vừa dạy học, làm thanh tra giáo dục vừa tham gia việc mở mang dân trí, và trở thành nhà nghiên cứu nghiêm túc về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và sư phạm.

Qua ba thập niên hoạt động và biên soạn, nhà mô phạm Trần Trọng Kim để lại gần hai chục tác phẩm, một kho tàng đồ sộ quý báu về các lãnh vực văn hóa của Việt Nam. Xuất bản từ năm 1919, bộ Việt Nam Sử Lược của ông là tác phẩm được tái bản nhiều nhất và cho đến nay vẫn là cuốn sử gối đầu giường của nhiều thế hệ.

Là người tinh thông học thuật Đông-Tây, Trần Trọng Kim còn có công lớn khi tìm cách duy trì di sản văn hóa Việt Nam nhưng truyền đạt theo phép ký âm mới, là chữ "Quốc ngữ" viết với mẫu tự La tinh. Nhờ bút pháp đơn giản, cô đọng mà dễ hiểu, ông giúp nhiều thế hệ về sau khỏi bị đứt đoạn với quá khứ. Và từ Trần Trọng Kim, dân ta đi được một bước dài về ngữ học, không viết như các thế hệ trước, còn tự tin hơn về khả năng diễn đạt của ngôn ngữ mới, với kho tự vựng và phong cách hiện đại.

Vào cảnh thanh bình, một học giả như Trần Trọng Kim ắt phải được dân ta tôn vinh. Ít ra, nhiều trường học, đường phố hay thư viện đã phải có tên của ông để đời sau khỏi quên công lao của một người tận tụy cho văn hóa nước nhà trong buổi giao thời.

Và sau một đời học hỏi rồi truyền bá, Trần Trọng Kim đã có thể về hưu ở tuổi lục tuần.

Nhưng đấy cũng là lúc thời cuộc xô đẩy lịch sử Việt Nam qua ngả khác với Thế Chiến II và việc Đế quốc Nhật đưa quân vào Đông Dương.

Trong Thế Chiến II tại Á Châu, bộ máy thực dân của các nước Âu Châu trên vùng Đông Nam Á đã sớm bị Nhật lật đổ, nhưng vì tấn công Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ vào Tháng 12 năm 1941, Nhật khiến Mỹ nhập cuộc và mở ra chiến trường Thái Bình Dương.

Sau khi Pháp bị Đức đánh bại trong chớp nhoáng vào năm 1940, Nhật dàn xếp với Chính phủ Vichy thân Đức của Pháp để chiếm đóng Đông Dương. Nhật huy động kinh tế và sử dụng hạ tầng nơi đây để yểm trợ hoạt động quân sự tại Đông Nam Á và Thái Bình dương. Vì thế, trên lãnh thổ Việt Nam, bộ máy hành chính của Pháp vẫn được duy trì để Nhật tập trung nỗ lực vào các chiến dịch quân sự.

Với người Việt, đấy là một tình trạng bất thường và khốn khổ kéo dài gần bốn năm. Dưới bom đạn Đồng Minh ào ạt tấn công các căn cứ và đường chuyển vận của quân Nhật, chế độ thực dân Pháp vẫn tồn tại, nhưng nằm dưới bộ máy quân phiệt Nhật.

Ở ở dưới đáy là dân Việt lầm than, nhưng khát khao độc lập và hòa bình.

Thế rồi từ cuối năm 1944, khi quân Đồng Minh vào giải phóng nước Pháp tại Âu Châu và Chế độ Vichy tan rã thì Nhật Bản yếu thế dần tại Đông Dương trước cuộc tổng phản công của Hoa Kỳ và các đồng minh tại Á Châu. Giữa những nóng bỏng của Chiến trường Thái Bình dương, mùng chín Tháng Ba năm 1945, Nhật đảo chính bộ máy cai trị của Pháp để ngừa người Pháp theo phe Kháng chiến của Tướng Charles de Gaulle cùng Đồng Minh tấn công. Khi ấy, dường như Hoa Kỳ lại chẳng có phản ứng, có lẽ vì Chính quyền của Tổng thống Franklin D. Roosevelt cũng chẳng ưa gì chính sách thuộc địa của các nước Âu Châu.

Sau vụ Đảo chính Nhật thì chế độ thực dân thực tế cáo chung trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng Nhật lại bị nguy cơ thất trận dưới tay Hoa Kỳ.

Nhật Bản bèn chuẩn bi trao trả độc lập cho hàng loạt quốc gia Đông Nam Á từng được họ "giải phóng" khỏi ách thuộc địa của Âu Châu để tạo thế ngăn ngừa các nước Âu Châu trở lại dưới danh nghĩa Đồng Minh chống lại trục Đức-Nhật-Ý.

Nghĩa là Thế Chiến II tàn lụi cũng mở ra cơ hội độc lập cho Việt Nam.

*

Tháng Tư, ngày 19, nội các Trần Trọng Kim ra mắt quốc dân.

Trong hoàn cảnh "sáng chưa sáng hẳn, tối không đành" - chữ của Vũ Hoàng Chương - Nhật Bản đề nghị trả lại độc lập cho Việt Nam, với dụng tâm là nước Việt Nam được độc lập sẽ có lập trường "thân Nhật" và chống Pháp. Hoàng đế Bảo Đại khôn ngoan bắt lấy cơ hội ấy.

Đấy là lúc học giả Trần Trọng Kim miễn cưỡng bước vào chính trường sau nhiều lần thoái thác với Bảo Đại, để trở thành Thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam vừa tái sinh sau 62 năm mất chủ quyền.

Khi ấy, bài toán của nhà giáo Trần Trọng Kim gồm có hai mặt đều cực kỳ nan giải.

Trước hết, ông từng bước đấu tranh với Nhật để xây dựng độc lập thực tế trên cả nước thống nhất. Tức là nhờ Nhật mà xoá bỏ những áp đặt và quy định của Pháp từ thế kỷ trước. Song song, ôgng phải xây dựng được một bộ máy chính quyền khả dĩ giải quyết được bài toán dân sinh trên một đất nước tan hoang, đói khổ và loạn lạc.

Với Nhật Bản thì Trần Trọng Kim thành công cho nước Việt Nam, nhờ thế yếu của người Nhật, nhờ chính nghĩa của người Việt và sự thông minh của Bảo Đại. Nhất là nhờ tinh thần chính nhân quân tử của Trần Trọng Kim, vì ông chẳng mưu cầu gì cho bản thân mà chỉ nhìn vào đại thế. Nhiều người Nhật có văn hóa đã dành cho ông sự kính trọng đậm nét Á Đông.

Nhưng với bên trong thì Trần Trọng Kim thất bại. Ông rơi vào cảnh ngộ của người muốn xây mà có quá nhiều người lại muốn xoá!

Một số không nhỏ người Việt khi đó còn bỡ ngỡ với hoàn cảnh mới. Lại thấy việc xây dựng là quá khó, khó hơn là duy trì nguyên trạng để bảo toàn quyền lợi nhỏ nhoi của họ trong môi trường cũ. Trần Trọng Kim có thấy điều này và thẳng thắn viết ra với sự nghiêm khắc.

Nhưng nguyên trạng của Việt Nam đã thay đổi.

Ngoài cục diện quốc tế đang ập vào, một thay đổi lớn nhất là trong hàng ngũ những người đấu tranh cho độc lập lại xuất hiện lực lượng Việt Minh. Tổ chức này dựng chiêu bài giải phóng dân tộc cho độc lập để huy động quần chúng vào một dự án khác, là thực hiện giấc mơ cộng sản do nước khác lãnh đạo.

Họ khai thác mọi khó khăn của buổi giao thời và ra sức xoá bỏ tất cả những gì không thuộc "tôn giáo cộng sản" - chữ của Trần Trọng Kim - kể cả sát hại và thủ tiêu các nhóm đấu tranh cho độc lập nhưng theo khuynh hướng khác. Trần Trọng Kim cũng hiểu ra sự thể ấy và là một trong những người sớm nhất có nhận định chính xác nhất. Ông đánh giá người cộng sản ngay từ bản chất và cho đến nay sự thật ấy không thay đổi.

Khi Hoa Kỳ muốn sớm kết thúc chiến tranh bằng hai quả bom nguyên tử, Nhật Bản đành phải đầu hàng ngày 16 tháng 8 năm 1945 thì sự khờ khạo của người dân và mưu mô của Việt Minh lại dẫn đến một vụ cướp chính quyền tại Việt Nam trong khoảng trống được họ mệnh danh là "Cách mạng Tháng tám", vào ngày 19.

Bốn ngày sau, Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức. Sau đó là một chuỗi dài của lầm than.

*

Nội các Trần Trọng Kim chỉ thực tế hoạt động được khoảng 120 ngày, trong điều kiện khó khăn trùng điệp và dồn dập, nhưng là chính quyền đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập kể từ năm 1883 và ngay trong nghịch cảnh cũng đã có những thành tựu rõ rệt.

Đó là giành lại độc lập trên một lãnh thổ thống nhất của Tổ quốc, kể cả Nam kỳ và ba thành phố xưa kia Pháp vẫn đòi trực tiếp quản trị, là Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. Đó là xây dựng nền móng cải cách giáo dục từ cấp trung tiểu học trở lên, một kết quả không nhỏ và có giá trị cho đến sau này. Đó là vận động cứu đói đồng bào miền Bắc trong trận đói Ất Dậu, từ cuối năm 1944 qua đầu năm 1945.

Quan trọng nhất, Nội các Trần Trọng Kim đã thổi lên một luồng gió mới cho tinh thần độc lập dân tộc.

Sau một giai đoạn ngắn ngủi đó, các chính quyền kế tiếp, kể cả và nhất là Chính quyền Việt Minh, đã chẳng đạt những thành tựu như vậy.

Vì sau khi cướp được chính quyền, một cách bất ngờ trước sự ngơ ngác của chính các lãnh tụ đang chui nhủi ở Tân Trào, Chính quyền Việt Minh không ổn định được tình hình mà còn ra sức thủ tiêu đàn áp các nhân vật cũng mưu cầu độc lập theo phương pháp khác. Và cũng vì vậy, họ chẳng ngăn được Pháp quay trở lại Đông Dương.

Thực tế thì chính Hồ Chí Minh mới ngầm thỏa thuận việc đó để mượn tay Pháp tiêu diệt các lực lượng quốc gia. Đến khi yếu thế thì lại giấu bớt bản chất cộng sản để kêu gọi đại đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm trong cuộc Kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946..

Ngược lại, Pháp cũng chẳng phải là tay vừa.

Mượn thế Đồng Minh, Pháp vẫn giữ lại Đông Dương dưới một chiêu bài liên hiệp. Đại diện của họ có tìm gặp Trần Trọng Kim để mời ông lập nội các mới cho Hoàng đế Bảo Đại. Biết thực tâm của họ, Trần Trọng Kim nêu bảy yêu cầu, là những điều kiện căn bản cho nền độc lập đích thực. Sau khi lần lữa, Pháp gạt các điều kiện ấy qua một bên và tìm giải pháp nhân sự khác, trong khi Việt Minh sẽ được thêm một lợi thế là Cộng sản Trung Hoa chiến thắng ở Hoa lục năm 1949 và Việt Nam trôi vào cuộc chiến dài nhất thế kỷ, để ngày nay độc lập vẫn chưa có....

Sau những biến cố đau thương này, Trần Trọng Kim lưu vong trong nhiều năm tại Nam Vang, rồi trở về sống lặng lẽ và tạ thế ở Đà Lạt ngày 2 tháng 12 năm 1953, thọ 71 tuồi.

*

Di ảnh Thủ Tướng Trần Trọng Kim và bìa sách “Một Cơn Gió Bụi” vừa được cơ sở Sống tái bản tại California.

Chính là trong giai đoạn cuối cùng này, ông đã viết và xuất bản cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi mà quý vị cầm trong tay.

Đây là cuốn hồi ký mà cũng là sử liệu đáng quý từ một sử gia chân thật, và một chính trị gia bất đắc dĩ, về một giai đoạn nhiễu nhương và bi thương của đất nước. Trần Trọng Kim kể lại mọi sự một cách chân phương với văn phong đơn giản súc tích cố hữu. Nhưng cũng có sự phê phán đĩnh đạc về thái độ của người Nhật, người Pháp, về tư cách và khả năng của nhiều nhân vật nổi tiếng thời đó, từ Hoàng đế Bảo Đại cho tới các lãnh tụ phe quốc gia và những kẻ trở cờ ở giữa.

Lời phê phán xác đáng nhất, mang tính chất tiên tri và có giá trị cho đến ngày nay, được Trần Trọng Kim giành cho người cộng sản. Cho cái tội cõng rắn cắn gà nhà mà ông muốn tránh khi từ chối không cho quân Nhật tiêu diệt lực lượng Việt Minh thời đó còn trứng nước mà đã đầy dã tâm.

Khi nhìn lại thì nhiều người có thể phê phán Trần Trọng Kim là một học giả thiếu kinh nghiệm chính trị. Lối phê phán đó xin dành cho chính các tác giả. Vì Trần Trọng Kim nhìn cục diện từ một giác độ khác, giác độ của đạo đức con người kết hợp với quyền lợi dân tộc cho một nước Việt Nam nhân bản và trường cửu. Ngày nay, trong thế giới cộng sản, nhiều người cũng hiểu ra điều ấy nên đánh giá lại con người và thành tích của Trần Trọng Kim, nhất là khi đối chiếu với tai họa Hồ Chí Minh.

Cũng vì lý do đó, cơ sở Xuất bản Sống đã chẳng ngại khả năng giới hạn mà tái bản cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi. Đây là một việc tối thiểu của thế hệ hậu sinh để sau này dân ta nhìn lại lịch sử và con người Trần Trọng Kim với công tâm.

Trong nỗ lực ấy, chúng tôi được lợi thế của kẻ đi sau, nên thu thập dữ kiện và đóng góp của nhiều người đi trước. Đầu tiên là ấn bản điện tử của cuốn hồi ký trên các trang mạng Talawas và namkyluctinhê cho đến một số tài liệu khác được chúng tôi đưa vào phần Phụ Lục.

Với thiện chí ấy, cơ sở Xuất bản Sống xin kính cẩn cảm tạ các tác giả và thân hữu gần xa. Và thành thật mong đợi là sau này sẽ có nhiều người viết lại và viết rõ hơn nữa về Trần Trọng Kim.

Cơ sở Xuất bản SỐNG
Tháng Năm, 2015, tại California, Hoa Kỳ

------------------------------------

Việt Báo
22/05/2015

WESTMINSTER (VB) -- NXB Sống gửi lời mời đồng hương tham dự buổi ra mắt sách “Một Cơn Gió Bụi” của tác giả Trần Trọng Kim -- thủ tướng đầu tiên của Việt Nam -- với các diễn giả Bùi Diễm, Bùi Quyền, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trangdai Glassey từ 2pm-4:30pm, Chủ Nhật 24/5 tại Hội Trường Việt Báo 14841 Moran St., Westminster, CA 92683. L/L: (714) 531-5362.

Tác phẩm “Một Cơn Gió Bụi” đã trở thành kinh điển cho những nhà sử học muốn tìm hiểu về một thời kỳ của đâ nước dưới thời Pháp thuộc, và khi quân Nhật tiê1n vào...

Một cơn gió bụi là cuốn Hồi ký do Trần Trọng Kim (1883–1953) xuất bản năm 1949, mang nội dung tóm lược quãng đời làm chính trị của ông (từ năm 1942 đến năm 1948). Trong cuốn hồi ký, ông có đề cập và nói lên suy nghĩ của mình về các sự kiện lớn xảy ra trong nước thời bấy giờ như sự thành lập chính phủ của Đế quốc Việt Nam do ông làm thủ tướng, sau đó là Cách mạng tháng Tám, sự cầm quyền của Việt Minh, cùng cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất do Việt Minh phát động. Tác giả Trần Trọng Kim là một học giả, thủ tướng đầu tiên của Việt Nam năm 1945.

Bìa sách.

Tác phẩm mang đầy tấm lòng yêu nước, tóm lược những công việc cá nhân của tác giả bắt đầu từ năm 1942, cảm nhận về sự chiếm đóng của quân Nhật - Pháp, hoàn cảnh mà ông tự ghi:

“Tôi là một người nước Việt Nam, lẽ nào lòng tôi lại không rung động theo với dịp rung động của những người ái quốc trong nước? Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, lòng người ly tán, nhiều người lại muốn lợi dụng cái tiếng ái quốc để làm cái mối tư lợi cho mình, vì vậy mà tôi chán nản không dự vào đảng phái nào cả...”

Bài tựa của nhà Xuất bản Sống, của tờ báo Sống, in trong cuốn Hồi ký này, có giải thích, trích như sau:

“...Trong hoàn cảnh "sáng chưa sáng hẳn, tối không đành" - chữ của Vũ Hoàng Chương - Nhật Bản đề nghị trả lại độc lập cho Việt Nam, với dụng tâm là nước Việt Nam được độc lập sẽ có lập trường "thân Nhật" và chống Pháp. Hoàng đế Bảo Đại khôn ngoan bắt lấy cơ hội ấy.

Đấy là lúc học giả Trần Trọng Kim miễn cưỡng bước vào chính trường sau nhiều lần thoái thác với Bảo Đại, để trở thành Thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam vừa tái sinh sau 62 năm mất chủ quyền.

Khi ấy, bài toán của nhà giáo Trần Trọng Kim gồm có hai mặt đều cực kỳ nan giải.

Trước hết, ông từng bước đấu tranh với Nhật để xây dựng độc lập thực tế trên cả nước thống nhất. Tức là nhờ Nhật mà xoá bỏ những áp đặt và quy định của Pháp từ thế kỷ trước. Song song, ôgng phải xây dựng được một bộ máy chính quyền khả dĩ giải quyết được bài toán dân sinh trên một đất nước tan hoang, đói khổ và loạn lạc.

Với Nhật Bản thì Trần Trọng Kim thành công cho nước Việt Nam, nhờ thế yếu của người Nhật, nhờ chính nghĩa của người Việt và sự thông minh của Bảo Đại. Nhất là nhờ tinh thần chính nhân quân tử của Trần Trọng Kim, vì ông chẳng mưu cầu gì cho bản thân mà chỉ nhìn vào đại thế. Nhiều người Nhật có văn hóa đã dành cho ông sự kính trọng đậm nét Á Đông.

Nhưng với bên trong thì Trần Trọng Kim thất bại. Ông rơi vào cảnh ngộ của người muốn xây mà có quá nhiều người lại muốn xoá...

...Nội các Trần Trọng Kim chỉ thực tế hoạt động được khoảng 120 ngày, trong điều kiện khó khăn trùng điệp và dồn dập, nhưng là chính quyền đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập kể từ năm 1883 và ngay trong nghịch cảnh cũng đã có những thành tựu rõ rệt.

Đó là giành lại độc lập trên một lãnh thổ thống nhất của Tổ quốc, kể cả Nam kỳ và ba thành phố xưa kia Pháp vẫn đòi trực tiếp quản trị, là Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. Đó là xây dựng nền móng cải cách giáo dục từ cấp trung tiểu học trở lên, một kết quả không nhỏ và có giá trị cho đến sau này. Đó là vận động cứu đói đồng bào miền Bắc trong trận đói Ất Dậu, từ cuối năm 1944 qua đầu năm 1945.

Quan trọng nhất, Nội các Trần Trọng Kim đã thổi lên một luồng gió mới cho tinh thần độc lập dân tộc...

...Đây là cuốn hồi ký mà cũng là sử liệu đáng quý từ một sử gia chân thật, và một chính trị gia bất đắc dĩ, về một giai đoạn nhiễu nhương và bi thương của đất nước. Trần Trọng Kim kể lại mọi sự một cách chân phương với văn phong đơn giản súc tích cố hữu. Nhưng cũng có sự phê phán đĩnh đạc về thái độ của người Nhật, người Pháp, về tư cách và khả năng của nhiều nhân vật nổi tiếng thời đó, từ Hoàng đế Bảo Đại cho tới các lãnh tụ phe quốc gia và những kẻ trở cờ ở giữa...

...Ngày nay, trong thế giới cộng sản, nhiều người cũng hiểu ra điều ấy nên đánh giá lại con người và thành tích của Trần Trọng Kim, nhất là khi đối chiếu với tai họa Hồ Chí Minh...”





No comments:

Post a Comment

View My Stats