Tuesday, 12 May 2015

Tiếng Việt bây giờ... (Viên Linh)





Viên Linh
Wednesday, May 06, 2015 2:27:26 PM 

Ngày 2 tháng 5 dương lịch là ngày “ông Tổ của nghề báo” Việt Nam lìa đời, đó là ông Nguyễn Văn Vĩnh, mà trong đám tang năm 1936, biểu ngữ tuyên dương ông đã được đại biểu các hội đoàn và làng báo ở cả ba miền Nam Trung Bắc dương lên, diễn hành trên đường phố. 

Ông vào đời rất cơ cực tầm thường: tám tuổi đi làm đứa nhỏ kéo cái quạt treo trên trần nhà trường trong lớp học (thay cho quạt điện - hẳn là chưa có) - và lìa đời rất khác thường: trút hơi thở cuối cùng trên một con thuyền trên sông Tchépone bên Lào, khi đi đào vàng, chuyện không ai hiểu được, nếu người ta biết rằng ông từng là chủ nhiệm chủ bút các tờ Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài Gòn và sau đó, chủ bút tờ Ðông Dương tạp chí tại Hà Nội, viết báo bằng Pháp ngữ và là người nổi tiếng dịch thơ hay và tân tiến khi dịch ngụ ngôn (Fables) của La Fontaine ra Việt ngữ; ngược lại, là người đầu tiên dịch hơn 3000 câu thơ truyện Kiều của Nguyễn Du ra tiếng Pháp.

Chân dung Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). (Hình: Wikipedia)

Chó sói kia ở nơi rừng ấy
Ðương đói lòng lại thấy giàn nho!
Mấy chùm vừa chín vừa to.
Nước da đỏ thắm, thơm tho ngọt ngào.
Cậu sói cũng ước ao được bữa
Nhưng giàn cao không với đến nơi.
Chê bai sói lại được lời:
- Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu.
(Chó sói và giàn nho - nguyên tác tiếng Pháp “Le renard et les raisins,” xem chú thích)

Trong nguyên tác, La Fontaine (1621-1695) viết “Con cáo và chùm nho,” song Nguyễn Văn Vĩnh từng giải thích như sau: “Tập dịch văn này tôi làm ra kể đã lâu năm lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm hứng, chấp chảnh nên văn, tuy lắm câu văn còn lấc-cấc lắm, nhưng các bạn độc giả, cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch là đúng. Ðúng đây là đúng cái tinh thần, chứ không có nề gì những chữ ‘hổ’ đổi làm ‘sư-tử’, ‘cái gậy’ đổi ra ‘con chó’, khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui, ngồi soi bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba bốn chữ dịch lầm. Những chỗ sai lầm đó, trong bản in này cũng xin cứ để nguyên không dám chữa. Lại in thêm cả nguyên văn tiếng Pháp, cho ai nấy đều có thể khảo xét.” Như thế, Nguyễn Văn Vĩnh cốt dịch cái tinh thần là chính, còn có khi biến dụng cũng cho là được. Ông vốn được công sứ Pháp ở Bắc Ninh phong làm”chánh thông ngôn” năm mới 14 tuổi, không ai có thể nghĩ là ông dịch lầm.

Không ai lấy làm lạ khi người dịch bài thơ này chính là người đã viết: “Nước Nam ta mai sau này hay hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ.” Căn cứ vào câu nói ấy trong khi đọc báo chí hàng ngày hàng tuần trong mấy năm nay, người đọc bi quan chắc chắn đã có kết luận rồi. Ði vào cụ thể: chữ Việt bây giờ nhan nhản những “tranh cãi,” thay vì xưa kia người ta viết bàn luận, mâu thuẫn, bất đồng ý kiến. Hai chữ “tranh cãi” khiến người đọc hình dung ra cảnh tranh cướp, tranh giật, tranh giành, những cánh tay những bàn tay vung ra, chộp lấy chộp để, giằng co, lôi kéo. Cảnh tranh ăn. Những hành vi ấy hẳn nhiên phải có những bộ mặt phùng mang trợn mắt, đi theo những miệng chửi nhe nanh nhe vuốt. Dĩ nhiên là phải có cãi cọ, không ai nghe ai, người nào cũng phải tranh phần thắng. Thứ ngôn ngữ này của báo chí hải ngoại có lẽ nhiễm tới từ loại báo chí ở trong nước của các cơ quan hội đoàn “nhà nước”do các chức sắc “chịu trách nhiệm xuất bản.” Gần đây hai chữ “tranh cãi” lại xuất hiện trong một bài nhận định “văn chương,” là bài Ngô Thế Vinh viết về Võ Phiến đăng trên hai ba báo mạng, đó là mệnh đề “bộ sách Văn Học Miền Nam của Võ Phiến có những hạn chế đưa tới nhiều tranh cãi khá gay gắt.” Người viết bài này nghĩ rằng chữ tranh cãi bị dùng sai trong rất nhiều trường hợp, nó chỉ đúng ở trong nước, nơi con người tranh đủ thứ với nhau, mà không đúng nơi hải ngoại, nơi người cầm bút thảo luận hay bình phẩm văn chương, chứ trong giới văn nghệ có thấy ai tranh cãi gì đâu, cho dù là gay gắt. Một khi nó xâm nhập tới lãnh vực văn nghệ, như trong bài của Ngô Thế Vinh, chắc chắn phẩm chất của văn nghệ đã hao hụt, xuống cấp rồi. Cho nên tưởng niệm nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, “ông Tổ của nghề báo Việt Nam,” chắc chắn là cần thiết, và nên thực hiện càng nhiều càng tốt, để nhắc nhở mọi người tới câu nói của ông: “Nước Nam ta mai sau này hay hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ.” Chữ quốc ngữ đang càng ngày càng tới mức tệ hại.

Nguyễn Văn Vĩnh 8 tuổi ngồi trong lớp học không phải để học, là con nhà nông dân, cha mẹ gốc người Hà Ðông nghèo khó đã phải bỏ làng quê ra Hà Nội đi làm thuê, sinh ra ông ở Hà Nội, đến trường Thông Ngôn để kéo cái quạt trần, loại quạt to như cái chiếu, hai đầu phía trên treo trên cao, phía dưới quạt buộc vào một cái dây, phải có người phía dưới kéo cái dây, quạt chuyển động gây ra gió mát cho những người ngồi phía dưới. Trí óc minh mẫn, cậu kéo quạt kiếm ăn nhưng lời thầy giảng cho học trò cũng nhập tâm nhập trí của cậu bé kéo quạt. Thành ra cậu bé kéo quạt nói tiếng Pháp không khác gì các ông thông, ông phán tương lai, nên được ông hiệu trưởng thương mến, sau 3 năm “ngồi lớp” cho phép cậu cuối năm nộp đơn thi cùng các học trò khác. Cậu đậu hạng thứ. Nguyễn Văn Vĩnh được trường cấp học bổng cho học tiếp khóa tới, năm cuối đỗ đầu khóa này, được bổ làm thông ngôn tòa sứ. Tới tuổi thành niên, Nguyễn Văn Vĩnh viết bài bằng Pháp ngữ gửi cho các báo tiếng Pháp, bài hay, được đăng ngay. Theo Từ Ðiển Văn Học bộ mới 2000, Hà Nội, ông trở thành chánh văn phòng của viên đốc lý Hà Nội, người Pháp, và từ đó, cộng với tài văn chương, viễn ảnh dự phóng tương lai, ông là một nhân vật uy tín tại Ðông Dương, kể cả các báo khắp ba miền. Sự nghiệp lớn lao của ông chỉ sụp đổ khi ông bước vào chính trị, và thiếu may mắn, phá sản đến nỗi đã nghĩ đến chuyện phải đi đào vàng. Ông đã đi và chết trên một con thuyền ở Lào trong một cơn bệnh cấp tính, lúc 54 tuổi. 


Chú thích
Fable xi
Le renard et les raisins


Certain Renard Gascon, d’autres disent Normand,
Mourant presque de faim, vit au haut d’une treille
Des Raisins mûrs apparemment
Et couverts d’une peau vermeille.
Le galand en eût fait volontiers un repas;
Mais comme il n’y pouvait atteindre:
Ils sont trop verts, dit-il, et bons pour des goujats
Fit-il pas mieux que de se plaindre?

(La Fontaine, Fables, Ed. de G. Couton, Paris, 1962, p.94)

Với nguyên tác trên, so với bài thơ của Nguyễn Văn Vĩnh bằng Việt ngữ cách đây gần một thế kỷ, ta mới thấy tài năng dịch xuất chúng của Nguyễn Văn Vĩnh, thơ du dương và Việt tính rất phong phú.






No comments:

Post a Comment

View My Stats