Wednesday, 13 May 2015

Thảm họa từ nền giáo dục chết người (Cao Huy Huân)





13.05.2015

Trời Sài Gòn những ngày vào hè nóng bức và khói bụi đến khó thở, ngay cả khi vào sáng tinh mơ. Tôi mắt nhắm mắt mở chạy vội đến công ty lúc 6 giờ sáng vì lo kẹt xe sẽ không kịp dự cuộc họp quan trọng lúc 7 giờ. Đi làm nhiều năm, nhưng cảnh từng đoàn xe đâm ngược đâm xuôi, leo lên cả lề mà vẫn không đủ đất khiến tôi nhiều khi phát cáu với… ông trời. Những ngày công tác ở châu Âu về, nhiều người Sài Gòn càng dễ làm tôi bực mình vì những thứ lễ nghi vốn đã được dạy từ mẫu giáo – không vượt đèn đỏ, qua đường nhường nhịn nhau, không lái xe ẩu tả, hay đơn giản nhất là đừng hở chút là bóp còi inh ỏi khiến người đi gần đau óc mệt tai – nhưng chẳng ai nghe, dù “giải phóng 40 năm rồi chứ đâu phải ít”. Bạn bè tôi hay kể chuyện vui, khi sang châu Âu mà thấy ai bóp còi inh ỏi dù đường vắng teo, thì hãy quay lại chào người đó bằng… tiếng Việt (vì 99% họ là người Việt). Một đứa khác cắt lời “Tao đi Lào, Campuchia cũng thấy người ta bóp còi inh ỏi, dù dân họ nổi tiếng hiền lành và đường phố cũng không đông như Việt Nam. Ai dè, thằng lái xe là…du học sinh từ Việt Nam về. Bó tay”. Cả bọn cười thấm thía, xót xa, và rồi mau chóng chuyển sang đề tài khác vì càng nói lại càng đau.

Con đường tôi đến công ty ngang qua nhiều trường học, và rồi khi đầu óc mơ màng vì những giấc ngủ chưa tròn vì lo chuyện áo cơm, bất giác tôi thấy một cậu bé tầm lớp 8 hay 9 gì đó, vai khăn quàng đỏ, ôm người đàn ông (chắc là cha) ngủ ngon lành. Sáu giờ sÁng tại Sài Gòn, với sự ồn ào đủ để người ta phải hét lên vì mất ngủ nếu gần các khu dân cư, đường lớn. Nhưng cu cậu vẫn ngủ vắt vẻo trên lưng người cầm lái. Kỷ niệm xưa, vào hơn chục năm trước, cứ như ngày hôm qua ùa về một cách vô thức.

Ở cái tuổi của cậu bé, chúng tôi còn “nướng” đến 6 giờ 45, rồi chỉ kịp gặm bánh mì và vào lớp. Ngày chỉ học một buổi, buổi còn lại đá bóng, thả diều, bắt cá, đi bơi, làm đồ chơi, bắn culi, bắt dế… Ôi thôi nhiều vô số kể. Ở cái tuổi của cậu, chúng tôi được thầy cô dạy hết những gì cần học trên lớp, để rồi về nhà tự học thêm một ít, làm một ít bài tập rồi… chơi là chính. Chúng tôi biết phụ ba mẹ làm rẫy, nấu cơm, dọn nhà và xem đó là một niềm vui. Những đêm sáng trăng cả bọn trong xóm tranh thủ làm bài tập sớm rồi rủ nhau đốt lửa nướng bắp, nướng khoai, rồi ngồi kể chuyện ma cười rôm rả cả xóm cả làng, để rồi ba mẹ xách đèn pin đi tìm và tiện tay phết vào mông vài roi vì tội đi chơi khuya không chịu về nhà.
Để rồi tuổi thơ qua đi theo những trang sách với những nét chữ mà thầy cô, ba mẹ uốn nắn từng chút một. Để rồi chúng tôi biết thương yêu bạn bè, hàng xóm, và tất nhiên là cả gia đình. Chúng tôi biết tự mình làm đồ chơi và trân trọng chúng; biết đọc những câu thơ dân gian mà khối đứa Sài Gòn phải trầm trồ; biết nấu cơm, dọn nhà nơi Sài Thành hoa lệ, rực rỡ nhưng cuộc sống khắc nghiệt với những đứa sinh viên nghèo. Có đứa đạp xe hơn chục cây số để dạy thêm, bồi bàn, hát phòng trà, hay bán sách… để nung nấu biết bao ước mơ phía trước.

Ấy vậy mà trẻ Sài Gòn sao khác lạ. Có đứa học lớp sáu vẫn còn chờ mẹ lấy cho cây tăm xỉa răng, chờ cha đón đưa đưa đón mà vẫn cứ lười trốn học. Chúng hào hứng với những món đồ chơi đắt tiền, để rồi quăng đi không thương tiếc dù ba mẹ mất cả ngày công. Nhưng tôi hiểu, cũng như cậu bé vừa đi vừa ngủ kia, những đứa trẻ Sài Gòn và những chốn thị thành sớm trở thành nạn nhân của một nền giáo dục quá nặng chữ nghĩa, máy móc và mất ổn định.

Trẻ con ngày nay phải học từ sáng đến tận khuya, và học tất cả các ngày trong tuần. Nào là thầy Toán, thầy Lý, cô Sinh, cô Văn hay cả những môn mà bọn tôi gọi là năng khiếu, sở thích cũng bị ép học thêm. Không học sao được khi hệ thống giáo dục vốn đã quá nhiều câu chữ ngôn từ, lấy điểm số làm thang đo con người và rồi khối lượng của chiếc cặp vẫn tiếp tục gia tăng, đè nặng lên đôi vai của trẻ nhỏ. Chúng không có thời gian được ba mẹ dẫn đi xem phim, đi thả diều ngoài công viên, đi câu cá, hay thậm chí là những trò mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần biết. Chúng không có thời gian và cũng chẳng được thực hành việc “giúp cha lau nhà, giúp mẹ rửa chén, giúp em học hành” như những bài học mà chúng được thầy cô vội vàng truyền đạt nửa úp nửa mở trên lớp để còn kịp về nhà… dạy thêm. Và đến “cái quyền” cơ bản nhất là được “ăn ngủ” – thư giãn, giải trí…- chúng cũng bị cái xã hội “giàu thành tích” này cướp mất.

Tôi hỏi đứa học trò vừa vào lớp 8 của mình: “Em học để làm gì?” Ngày xưa khi cô tôi hỏi, tôi bảo “con muốn làm bác sĩ”. Ừ thì tôi không làm bác sĩ, nhưng ít nhất khi ấy, tôi ý thức chuyện tôi thích gì và làm gì. Còn đứa học trò của tôi ngọng nghịu nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh bảo: “Em cũng không biết”. “Thế sao em học? Học xong em làm gì?” – Tôi ngạc nhiên. “Học xong lớp chín ba mẹ cho em đi châu Âu và mua cho em một cái Ipad mới” – cu cậu phấn khởi. Cu cậu ngày chỉ ngủ 4 tiếng, chủ yếu là học, còn lại lén ba mẹ chơi Games. Đến nỗi một tờ giấy nháp gấp chiếc máy bay mà cu cậu loay hoay hoài vẫn không ra hình ra dáng, nói chi là đến ước mơ. Giáo dục Việt không dạy cho trẻ ước mơ, thậm chí còn chê cười vào những ước mơ ngây ngô có phần cảm tính của trẻ. Giáo dục nhà mình bơm vào trẻ một nỗi sợ “rớt hạng”, rớt danh sách học sinh giỏi, ở lại lớp… Như khi tôi khuyên học trò mình nên bớt học thêm, em lắc đầu nguầy nguậy: “không học thêm, thầy ra đề không làm bài được”. Rồi cu cậu cho tôi xem thành tích thuộc lòng hàng loạt bài toán, câu thơ đi học thêm mà đa phần chúng được thầy cô bộ môn “copy” y nguyên vào bộ đề kiểm tra trên lớp. Người mẹ của cậu nhóc cũng bức xúc biết là con cái mệt, nhưng nó không học thêm thì ba mẹ nó mệt hơn vì thầy cô cứ réo nó thi rớt, ba mẹ cũng chẳng an tâm mà làm ăn được. Thôi cứ cho đến nhà tuần vài buổi, khỏi phải lo. Mấy ông nhà nước cứ cấm dạy thêm, nhưng dạy thì vẫn dạy, không bằng cách này thì cách khác, không nơi này thì nơi khác, chả thấy ai sợ gì.
Mấy đời bộ trưởng giáo dục hô hào cải cách, ngay như sách giáo khoa, cũng chẳng ra gì ngoài chuyện moi ví người dân. Bộ sách lũ trẻ học đến giờ vẫn đầy tính máy móc, lý thuyết, thiếu tính ứng dụng đến…bất ngờ. Các chuyên gia nước ngoài hễ cứ nhắc đến các em Olympic thì nhớ đến Việt Nam, nhưng rồi lắc đầu tặc lưỡi vì các em có tài năng cũng dần mai một và chết yểu trong một nền giáo dục không thể phát huy một cách triệt để năng lực. Nhiều phụ huynh kháo tai nhau “cho con tỵ nạn giáo dục”, cứ bay qua trời Âu, trời Mỹ mà học cho thành tài. Chả là vì thế mà không ít lần, báo chí Việt “nhận bà con” với giáo sư này, tiến sỹ nọ tài giỏi tầm quốc tế có…gốc Việt Nam.

Cầm tờ báo trên tay, nụ cười các em thi Olympic, hay Olympia và các cuộc thi tài năng tươi roi rói. Rồi đến khi vài ba năm sau, họ chẳng còn ở Việt Nam. Họ yêu cái dãy đất hình chữ S, yêu cả lũy tre, ao làng hay cây đa đầu ngõ. Nhưng họ nhận ra rằng họ chỉ có thể làm được điều họ mơ ước khi ở trời tây. Bao cánh chim đầu đàn cứ bay đi rồi chẳng thiết quay về, khi nền giáo dục vẫn như rào cản cho nguồn năng lượng và những ý tưởng phơi phới của họ. Để rồi chất xám chảy về chỗ trũng, nơi tài năng và công sức của họ được đáp đền một cách xứng đáng chứ không chỉ là những con điểm tròn trĩnh không hồn, hay những chiêu trò ganh tỵ, mưu mô của những kẻ vốn bị thành tích làm lu mờ lý trí.

Như câu chuyện của cậu bé ngủ gật trên xe kia, cuộc đời em không chừng rồi cũng sẽ vật vờ như chính em bây giờ vậy. Mở mắt ra, em sẽ thấy bài kiểm tra mà em đã thức cả đêm để cố học thuộc lòng. Sẽ phải chạy cho kịp “ca học” sáng trưa chiều tối. Sẽ phải làm nhiều thứ để thầy cô, ba mẹ hài lòng hơn là cho chính em cảm thấy được niềm vui. Người ta bảo, đó là “chết” vì một nền giáo dục quá lạc hậu; còn tôi lại cho rằng em đang bị nền giáo dục này đẩy vào tình thế sống cuộc đời của những người mà bản thân em chẳng ý thức được em sẽ là ai. “Sống” vậy hay “chết” vậy cũng một nghĩa mà thôi.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.










No comments:

Post a Comment

View My Stats