Monday 18 May 2015

Ông Obama tiếp ông Trọng: Công đoàn độc lập thắng bước đầu? (Phạm Chí Dũng)





Phạm Chí Dũng
Sunday, May 17, 2015 2:09:00 PM 

“Lần đầu tiên”

Chưa bao giờ điều được coi là “tính chính danh” của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại bị đe dọa đến mức như hiện thời. Tương tự hành động vinh danh những blogger can đảm tại Việt Nam vào năm 2013, tổng thống Mỹ vừa ca ngợi tương lai công đoàn độc lập tại quốc gia cựu thù một cách hoàn toàn không cần ẩn dụ.

Sự kiện chưa từng có trên diễn ra vào ngày 8 Tháng Năm, khi ông Barack Obama hiện diện tại trụ sở công ty Nike (Portland, Oregon) với một bài phát biểu rất đặc biệt không phải dành cho nước Mỹ mà chính Việt Nam.

Lần đầu tiên, Tổng Thống Obama dùng thể khẳng định trong đoạn phát biểu để nêu ra vấn đề công đoàn độc lập: “Lần đầu tiên, Việt Nam thậm chí sẽ phải phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi.”

Ngày 8 Tháng Năm (theo múi giờ Mỹ) lại chỉ cách Việt Nam khoảng một ngày rưỡi sau khi diễn ra sự kiện cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ tại Hà Nội vào ngày 7 Tháng Năm (giờ Việt Nam).

Ly khai

Trước khi cuộc đối thoại được coi là đặc biệt hệ trọng - liên quan mật thiết đến chuyến công du Mỹ dự kiến vào đầu Tháng Sáu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng - diễn ra, công đoàn độc lập luôn là một thể điều kiện tiên quyết mà với tư cách là một quốc gia chủ chốt trong hiệp định TPP, Hoa Kỳ thẳng thừng yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ.

Tuy nhiên, chủ đề công đoàn độc lập lại rất thường bị phía Việt Nam mặc định như một công cụ nằm trong “diễn biến hòa bình,” tất mang nguy cơ diễn biến đe dọa sự tồn tại của đảng cầm quyền theo cách mà Công Đoàn Đoàn Kết đã từng tạo ra hiệu ứng chấn động ở Ba Lan vào những năm 1980 của thế kỷ trước.

Với cung cách bất khả di dời của một tổ chức chính trị xã hội được đảng cầm quyền cầm tay chỉ việc, trong lịch sử phổ cập sa sút của mình, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chưa từng chủ động tổ chức bất kỳ cuộc đình công nào để đòi lợi ích chính đáng cho công nhân, ngoài việc nghiễm nhiên ngự tọa như một khâu trung gian để hưởng ít nhất 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp và của 5 triệu công nhân Việt Nam.

Không những thế và trong không ít lần, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn tìm cách vào hùa với ngành công an và các cơ quan nhà nước khác để ngăn chặn những cuộc đình công và biểu thị thuần túy vì mưu sinh của giai cấp công nhân.

Nhân quả là không tránh khỏi. Phương châm hoạt động thậm quan liêu và lấy đảng làm đầu của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã biến tấu nên một trong những nguồn cơn chính gây ra không khí phẫn nộ của 90,000 công nhân PouYuen, lan rộng ra giới công nhân ở nhiều tỉnh thành khác để phản đối điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội năm 2014 không cho người lao động được lĩnh trợ cấp một lần.

Thời gian này, xu hướng ly khai với các tổ chức chính trị xã hội và hội đoàn nhà nước đang diễn ra một cách đáng chú ý, không chỉ từ khối dân sinh mà lan sang cả nhóm dân trí. Vào đầu Tháng Năm, một nhóm 20 nhà văn đã tuyên bố chính thức từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam do tổ chức này được lệnh của đảng xóa tên những nhà văn dám tham gia vào “tổ chức bất hợp pháp” là Văn Đoàn Độc Lập.

Thắng lợi

Tháng Năm, sự kiện lần đầu tiên tổng thống Mỹ đề cập đến việc “Việt Nam sẽ phải có công đoàn độc lập” cho thấy dường như cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vừa qua đã đạt được kết quả nào đó có liên quan đến vấn đề công đoàn độc lập. Cũng dường như, phát biểu của tổng thống Mỹ được căn cứ trên cơ sở một văn bản nào đó (chưa công bố) được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ với cam kết của nhà nước Việt Nam sẽ chấp thuận thực hiện công đoàn độc lập ở Việt Nam.

Trong vài tháng qua, theo một nguồn tin đáng tin cậy, phía Việt Nam hầu như đã chấp nhận điều kiện hình thành công đoàn độc lập do phía Mỹ nêu ra. Cụ thể, công đoàn độc lập sẽ được cho phép ra đời và hoạt động tại cấp cơ sở là các doanh nghiệp (chưa rõ doanh nghiệp thuộc thành phần nào - nhà nước, tư nhân hay đầu tư nước ngoài). Hai vấn đề mà nói theo ngôn ngữ ngoại giao “vẫn còn những điểm khác biệt” mà phía Việt Nam chưa đồng ý là tính liên kết của các tổ chức công đoàn độc lập giữa các doanh nghiệp với nhau, và tính quan hệ quốc tế của công đoàn độc lập tại Việt Nam với các tổ chức lao động, nghiệp đoàn quốc tế.
Nếu quả đúng phát biểu của Tổng Thống Obama được dựa trên một văn bản thỏa thuận giữa Việt Nam và Mỹ về công đoàn độc lập, đây chính là thắng lợi lớn lao của cuộc vận động không mệt mỏi trong những năm qua của các tổ chức nhân quyền trong nước và đặc biệt là của người Việt hải ngoại, cũng là một thành công nho nhỏ trên bàn đàm phán của Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu với nhà nước Việt Nam.

Không cần phải nói quá nhiều về sự thật một bộ phận công nhân đang rơi vào cảnh khốn cùng ở Việt Nam sẽ vui mừng ra sao khi đón nhận tin tức về công đoàn độc lập, dù chỉ mới được chính quyền “thí điểm.” Nếu xu hướng TPP cho Việt Nam vẫn giữ nguyên, lộ trình nhà nước Việt Nam hành xử với công đoàn độc lập sẽ khó có thể khác đi. Điều đó cũng có nghĩa là cho dù Việt Nam vẫn chưa ban bố Luật Biểu Tình, công nhân vẫn đương nhiên có quyền biểu thị thái độ và hành động đòi lợi ích dân sinh của họ mà không đến nỗi bị chính quyền đối xử như “các thế lực thù địch.”

Cần nhắc lại, vào năm 2007, Việt Nam đã được gia nhập WTO mà hầu như không phải “trả giá” gì nhiều, ngoài việc cởi nới đôi chút không khí nhân quyền. Nhưng chỉ vài năm sau khi được thỏa mãn điều kiện kinh tế đối ngoại, chính quyền Việt Nam lập tức bắt giam và tù đày hàng loạt người hoạt động nhân quyền.

“Nghi thức cấp cao nhất”

Ngay sau lời phát biểu của Tổng Thống Obama về chủ đề công đoàn độc lập ở Việt Nam, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng bắt đầu hé lộ khả năng ông Trọng sẽ được ông Obama tiếp, thậm chí tiếp ở mức “khá.”

Sau đó không lâu, dư luận này đã được xác nhận. Ngày 13 Tháng Năm, ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, xuất hiện trên làn sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), với chi tiết được dư luận đặc biệt chú ý: “Chúng tôi sẽ đón tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với những nghi thức cấp cao nhất.”

Đến lúc này, hiển nhiên là cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ đã đạt được một kết quả quá không thất vọng, đủ để phía Mỹ quyết định sẽ đón tiếp ông Trọng “với nghi thức cấp cao nhất.”

Nhưng khác nhiều thời điểm 2007 với lối đi WTO “chỉ có được, không có mất,” vào lần này Việt Nam đang phải đối diện với thử thách người Mỹ nắm cuộc chơi đằng chuôi.

Dự luật nhân quyền Việt Nam do Dân Biểu Mỹ Chris Smith khởi xướng vừa được thông qua tại Hạ Viện vào giữa Tháng Năm. Một yêu cầu đưa Việt Nam trở lại Danh Sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) cũng đang rậm rịch tái khởi động.

Người cầm trịch của Đảng CSVN, và cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ làm gì để thoát khỏi thế chiếu tướng ấy?

Vào năm 2013, sau hàng loạt cải cách chính trị và thả tù nhân lương tâm, Tổng Thống Thein Sein của Miến Điện đã được Nghị Viện Liên Minh Châu Âu tiếp đón đúng với tư cách một nguyên thủ quốc gia. Liệu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam có muốn được tái hiện hình ảnh đáng hãnh diện đó trong chuyến công du Hoa Kỳ đang đến rất gần?






No comments:

Post a Comment

View My Stats