Tuesday, 12 May 2015

Nguyễn Ngọc Hạnh, lá cờ vàng và sự kiên cường của người lính (Đỗ Dzũng/Người Việt)





Đỗ Dzũng/Người Việt
Sunday, May 10, 2015 7:31:29 PM 

SAN JOSE, California (NV) - “Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh là người sử dụng ống kính để diễn tả hết những hình ảnh hào hùng, ý chí sự kiên cường của người lính VNCH quyết tâm chiến đấu để bảo vệ miền Nam Việt Nam,” ông Vũ Quang Đăng, trưởng ban tổ chức lễ vinh danh và triển lãm ảnh nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, nói.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh ngồi trên xe lăn được Giám Sát Viên Dave Cortese (trái) trao bằng tưởng lục vinh danh ông. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Buổi lễ này do toàn thể môn sinh của nhiếp ảnh gia và Hội Nhiếp Ảnh Bắc California (VNPS) tổ chức tại Santa Clara County Hall, San Jose, hôm Thứ Bảy, 9 Tháng Năm.

Ông Đăng nói tiếp, “Ông đã thu lại được đầy đủ hình ảnh can trường của các chiến sĩ , quyết dựng lại ngọn cờ chính nghĩa trên cổ thành Quảng Trị.”

“Qua những tác phẩm này, chúng ta thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh lá cờ vàng thân yêu của tổ quốc, với cả một nghệ thuật độc đáo, tất cả đã tạo nên con người Nguyễn Ngọc Hạnh,” ông Đăng nói tiếp.

Trong sự nghiệp nhiếp ảnh, ông Hạnh nhận được rất nhiều huy chương quốc tế, gồm 92 huy chương vàng, 110 huy chương bạc, và nhiều giải thưởng khác, và là hội viên của hơn một chục hội nhiếp ảnh khắp thế giới.

Sau nghi thức khai mạc và phần phát biểu của ông Đăng, nhiếp ảnh gia Trần Thanh Lịch, hội trưởng VNPS kiêm phó ban tổ chức, cho chiếu một slideshow nói về cuộc đời nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, kèm theo các tấm hình ông chụp tại các mặt trận ở chiến trường Việt Nam, từ Khe Sanh đến Quảng Trị, và các nơi khác.

Hai trong những tấm hình về cờ vàng rất nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Các tấm hình nổi tiếng ở chiến trường của nhiếp ảnh gia này bao gồm một khẩu đại bác vừa “nhả” đạn, một binh sĩ VNCH ném lựu đạn, hai chiếc phản lực cơ hạ xuống sau đó một chiếc bị rớt và phi công tử nạn, một trái bom rơi ngay gần chỗ ông, người lính bị cắt làm đôi tử nạn, còn ông bị thương...

“Nhìn những tấm hình này của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, chúng ta sẽ thương những người lính này hơn, những người lính trẻ, chiến đấu quên mình, luôn đối diện với cái chết,” nhiếp ảnh gia Trần Thanh Lịch nói.

Không chỉ chụp hình, theo nhiếp ảnh gia Trần Thanh Lịch, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh còn cộng tác với một số báo, có đăng hình và bài viết.

“Không chỉ cảnh chiến tranh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh cũng chụp hoa nữa, một điều ít ai biết,” ông Lịch nói.

Về lá cờ vàng trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Hạnh, nhiếp ảnh gia Trần Thanh Lịch cho biết, “Hình của ông lúc nào cũng có cờ vàng. Triển lãm mà không có cờ vàng thì không phải là triển lãm của Nguyễn Ngọc Hạnh. Học trò nhiếp ảnh mà không chụp hình cờ vàng thì không phải là học trò của Nguyễn Ngọc Hạnh.”

Nói đến hình cờ vàng nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Hạnh thì phải là tấm hình “Vá Cờ” và một tấm hình lá cờ vàng bị thủng vì những lỗ đạn.

Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh trưng bày trong ngày vinh danh ông. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nhiếp ảnh gia Trần Thanh Lịch giải thích, “Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh giải thích rằng, những lỗ đạn trên lá cờ cho thấy, mặc dù trải qua cuộc chiến, cờ vàng vẫn bay.”

Trong một tấm khác, Nguyễn Ngọc Hạnh ghi lại hình ảnh chị Đỗ Huỳnh Minh Ngọc, cư dân San Jose, thêu trên 2,000 khăn choàng màu lá cờ vàng để tặng các hội đoàn.

Kế đến là các vị dân cử như Dân Biểu Liên Bang Zoe Lofgren, Giám Sát Viên Santa Clara County Dave Cortese, Thị Trưởng Milpitas Jose Esteves, và hai nghị viên San Jose, Ash Katra và Johnny Khamis lên vinh danh và chúc mừng nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh.
“Tôi chưa bao giờ thấy căn phòng này trang hoàng đẹp như hôm nay. Nói về tác phẩm của Nguyễn Ngọc Hạnh, các tấm hình do ông chụp luôn tạo cảm giác mạnh cho người xem,” Giám Sát Viên Dave Cortese nói.

Trên sân khấu là 29 tác phẩm nổi tiếng của ông Hạnh, dưới mỗi tấm là một mẫu tự với hàng chữ “Nguyen Ngoc Hanh Grand Master VNPS.”

Dọc theo các bức tường là những tác phẩm khác của ông và các học trò.

Với hơn nửa thế kỷ chụp hình, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh được rất nhiều người ngưỡng mộ, nhất là tính cách của ông.

Ông Vũ Công Hiển, hội trưởng Hội Nhiếp Ảnh Trúc Viên, chia sẻ, “Tôi học được ở ông năm điều. Thứ nhất là khiêm tốn; thứ nhì là một tấm hình phải nói lên điều gì đó, không cần tựa đề, tất cả hình của ông đều do người ta đặt tên; thứ ba, tất cả chi tiết trong hình không được thừa hoặc thiếu; thứ tư, chỉ trong vòng 3 giây mà người xem biết mình muốn gì thì lúc đó mình là 'master;' và cuối cùng là phải hướng thượng, tức là khi khen một tấm hình không khen xã giao như 'ờ, hình đẹp quá.'”

Một người ký tên kỷ niệm khi đến dự lễ vinh danh nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Chị Nguyễn Thúy Loan, cư dân San Jose, không thể nào quên những tấm hình về lính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh.

“Tôi còn nhớ ngày xưa, bà chị tôi để tấm hình có tấm thẻ bài ở chỗ làm. Lúc đó, tôi chỉ biết đó là hình do ông chụp, và rất ngưỡng mộ ông. Theo tôi, ông bỏ công rất nhiều để chụp hình. Một tấm hình ông chụp là mất rất nhiều thời gian, chứ không dễ dàng gì,” chị Loan nói.

Và dù đa số hình của ông đều được chụp tại chiến trường, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh không phải là người “cổ vũ hay phản đối chiến tranh.”

Ông Vũ Quang Đăng nhận xét, “Đa số những tác phẩm của ông có chủ đề là chiến tranh, vì chính ông đã chứng kiến tận mắt và ghi lại qua ống kính, để tạo nên những tác phẩm để đời. Thế nhưng, Nguyễn Ngọc Hạnh không phải là một nhiếp ảnh gia phản chiến, ông cũng không ca ngợi, cổ vũ cho chiến tranh.”

“Ông chỉ sử dụng ống kính để diễn tả hết những hình ảnh hào hùng và ý chí kiên cường của người lính,” ông Đăng kết luận.

Theo tài liệu của ban tổ chức, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh sinh năm 1927 tại Hà Đông, phục vụ trong quân đội Pháp cho đến năm 1950 thì chuyển qua quân đội Việt Nam khi mới thành lập, và phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù cho tới ngày 30 Tháng Tư, 1975, với cấp bậc cuối cùng là trung tá.

Ông Hạnh tốt nghiệp trường Nhiếp Ảnh Pháp ở Toulouse năm 1956 và trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Năm 1957, ông sáng lập Hội Nhiếp Ảnh KBC Việt Nam. Năm 1961, ông trở thành nhiếp ảnh gia chiến trường của QLVNCH.

Năm 1969, ông xuất bản sách “Việt Nam Khói Lửa” (Vietnam in Flames) bằng tiếng Anh trong đó có nhiều hình ảnh của ông ghi lại những trận đánh lớn ở Huế, Quảng Trị, và đặc biệt là Khe Sanh (Tháng Ba, 1968) khi ông đã bị trọng thương.

Năm 1971, ông được chọn là đại diện danh dự của Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Quốc Tế Pháp tại Việt Nam.

Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975, ông bị giam trong trại tù tập trung của Cộng Sản.

Đến năm 1983, ông được thả qua sự can thiệp của Hội Ân Xá Quốc Tế.

Năm 1989, ông vượt biên, đến Hoa Kỳ, và định cư tại San Jose, California.

Một năm sau, ông thành lập “Vietnam Photographic Association of Northern California” (Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam Bắc California-VNPA) sau đổi thành “Vietnam Photographic Society of Northern California” (VNPS) vào năm 2000.

Sau hơn hơn 25 năm định cư tại San Jose, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh đã đào tạo và huấn luyện hơn 500 học viên nhiếp ảnh tại miền Bắc California và tổ chức nhiều triển lãm, trong đó có hơn 20 năm triển lãm liên tục tại hội chợ Tết để quảng bá văn hóa Việt Nam và vẻ đẹp của nước Mỹ.

Ngoài ra, ông cũng hợp tác với nhiều hội ảnh bạn khắp nước Mỹ qua các triển lãm, in sách, diễn thuyết, để đề cao văn hóa Việt và lòng yêu nước qua nghệ thuật nhiếp ảnh.

Ông cũng tham gia nhiều phong trào gây quỹ từ thiện, đặc biệt là Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh hàng năm để giúp đỡ các thương phế binh VNCH còn ở tại quê nhà. Tại các đại nhạc hội này, những tấm hình của ông ủng hộ đã giúp ban tổ chức thu được hàng ngàn đô la.







No comments:

Post a Comment

View My Stats