Wednesday, 13 May 2015

Người Thầy yêu Tự Do (Minh Văn)





Thứ Ba, ngày 12 tháng 5 năm 2015

Tự do và công lý vốn là những khái niệm lớn lao, nhưng đôi khi lại được hiện hữu trong một con người cụ thể, bởi tình yêu mà người ta dành cho nó. Chính nhờ vậy mà các giá trị tốt đẹp của tự do trở nên sinh động và lan tỏa giữa đời thường, như ngọn nến tỏa sáng màn đêm. Và rồi khi sức nóng của ngọn nến đủ lay cảm thì những ngọn nến khác cùng thắp lên hiệp thông, để rồi tạo nên vầng hào quang chói lọi, xua tan đi bóng đêm mịt mùng.

Thầy giáo Lê Châu tại nhà riêng

Thầy giáo Lê Châu sinh năm 1976, vốn quê ở huyện lúa Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1998 anh tốt nghiệp ngành sư phạm và đi dạy học tại một trường trong huyện, thời gian sau thì chuyển về trường tiểu học xã bên để được gần nhà hơn. Được biết Lê Châu cũng là một người trong vụ “14 thanh niên Công giáo” nổi tiếng. Kể cũng nên sơ qua một chút về vụ án này. Đây là phiên xử 14 người được coi là chống phá nhà nước tại tòa án tỉnh Nghệ An diễn ra ngày 8 tháng 1 năm 2013. Trong nhóm này có một gia đình gồm ba mẹ con là bà Đặng Ngọc Minh và hai con Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc. Bốn người gồm Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn, Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị truy tố theo khoản 1, mười người còn lại bị truy tố theo khoản 2 của điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Tôi với anh vốn cũng là bạn học thủa còn thơ. Sau này lớn lên tôi đi học và làm việc xa, lâu không về nhà, cũng đã mười mấy năm trời không gặp lại nhau. Gần đây biết anh tham gia nhiều hoạt động dân chủ, điều này khiến tôi cảm thấy khâm phục mà muốn được gặp lại người bạn năm nào.

Buổi sáng gọi điện thì Lê Châu đang ở trường, vì vậy anh hẹn gặp tôi vào buổi chiều tại nhà riêng. Tìm đến nhà anh thì đã hơn 3 giờ chiều, cái nắng mùa hè chói chang nung đốt khoảng sân rộng. Tôi tấp xe máy vào chỗ bóng râm dưới gốc cây trước nhà để tránh nắng.
Nghe tiếng xe máy, Châu từ trong nhà bước ra, khi nhận ra tôi, anh vui mừng chìa tay ra bắt:
– Ô! Chào ông bạn! Lâu ngày quá không gặp. Mời vào nhà!…

Tôi theo chân anh vào trong nhà. Căn phòng nhỏ giản dị là tổ ấm của vợ chồng và hai đứa con. Chiếc bàn làm việc kê sát tường, trên đó đặt bộ máy vi tính và chiếc máy in. Trên tường đối diện treo bức ảnh lớn đại gia đình được chụp rất đẹp. Rồi hai chúng tôi cùng ngồi xuống sàn nhà cho mát để mà hàn huyên, tâm sự.

Sau tuần trà chào hỏi, khi biết tôi muốn quan tâm đến những hoạt động xã hội của mình, anh bắt đầu kể:
– Tôi là một người trong nhóm “14 thanh niên công giáo” năm đó. Ngày 12 tháng 7 năm 2011 thì tôi bị công an bắt, và hai ngày sau thì được thả vì họ không khai thác được gì…
Tôi ngắt lời anh vì có chút thắc mắc:

– Đây là một vụ án được nhà cầm quyền coi là nghiêm trọng, tại sao anh lại được thả sớm như vậy? Và thái độ đồng nghiệp cũng như những người xung quanh lúc đó thế nào?…

Lê Châu nhấp ngụm nước, rồi với ánh mắt bình thản, anh hồi tưởng:
– Đó là việc của họ, tôi không biết được. Lúc đầu tôi cũng có suy nghĩ như bạn vậy. Chỉ biết rằng lúc bị bắt tôi vẫn vững tâm, vì nghĩ rằng những việc mình làm là đúng. Tôi chẳng chống lại ai cả, mà chỉ bảo vệ quyền con người. Còn thái độ những người xung quanh ư? – anh mỉm cười có vẻ thú vị – Hồi đó luôn có những ánh mắt nghi kị của đồng nghiệp, lúc nào cũng có vài ba người thường để ý đến thái độ và việc làm của tôi, giống như là đang theo dõi vậy.

Lê Châu trong một buổi phát quà từ thiện

Được biết Lê Châu tham gia rất nhiều hoạt động xã hội mang tính từ thiện. Anh cũng là người trong nhóm “Bảo vệ sự sống”, mà công việc chính là thu gom các thai nhi bị bỏ rơi. Ngoài ra Lê Châu cũng thường xuyên đi phát quà từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn. Mấy năm gần đây hai vợ chồng anh lại thuê địa điểm ở trên thị trấn để làm công việc in ấn và quảng cáo, nhằm trang trải thêm cho cuộc sống.

– Công việc kinh doanh của anh thuận lợi chứ? – Tôi hỏi.

Anh lắc đầu, trán lúc này đã lấm tấm mồ hôi:
– Bạn biết rồi đó. Với chế độ này, một khi mình đã tham gia các hoạt động bảo vệ nhân quyền thì luôn bị theo dõi và gây khó khăn!…

Rồi anh xòe bốn ngón tay:
– Một năm tôi phải chuyển địa điểm thuê đến bốn lần do các chủ nhà lo ngại mình. Và bây giờ thì chưa thuê được địa điểm mới, đang về nhà ở tạm với ông bà như bạn thấy đấy!
Sức nóng của câu chuyện khiến tôi cảm thấy bức bối, chiếc quạt ở góc phòng vẫn chạy hết công suất mà không xua đi được cái nóng của mùa hè xứ Nghệ. Nhưng khuôn mặt điềm đạm và ánh mắt từ tốn nơi Lê Châu lúc này đã cho tôi một niềm tin về sức mạnh của tự do, công lý.

Cuộc trao đổi của chúng tôi bị ngắt quãng giữa chừng vì vợ anh bước vào, chị đang mang thai cháu bé thứ ba. Lê Châu giới thiệu vợ với tôi, rồi mỉm cười:
– Chuyện vợ mang bầu cũng vui lắm! Ấy là không hiểu vô tình hay cố ý mà nhà trường đưa cho tôi “Bản cam kết không sinh con thứ ba” và bắt ký. Vợ đã mang bầu, thử hỏi tôi phải ký làm sao đây? Hôm nọ lại có tay cán bộ vào nhà nói:“Vợ anh sinh đứa thứ ba, như vậy là vỡ kế hoạch, làm trái với chủ trương chính sách của đảng và nhà nước. Anh sẽ bị phạt”. Tôi cự lại “Tôi có kế hoạch của tôi, việc gì phải theo kế hoạch của các anh?”. Thế là hắn giận dữ, bỏ ra về.

Kết thúc buổi gặp gỡ, anh khoác tay tiễn tôi ra cửa, vừa đi vừa nói như tâm tình:
– Chúng ta là những người hạnh phúc, vì đã tìm được đường đi của mình. Đó là con đường đấu tranh cho công lý và tự do. Để các thế hệ trẻ sau này tiếp tục bước đi trên đó, và không ngừng xây đắp để nó ngày càng tốt đẹp hơn.







No comments:

Post a Comment

View My Stats