Thursday 21 May 2015

Khó thể nói Việt Nam cần TPP (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-05-20


Chiều 18/5/2015, tại trụ sở Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam tiếp ngài Antony Blinken, Thứ trưởng thứ Nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam- Nguồn hình: nguyentandung.org
Sau khi các nghị sĩ dân biểu Mỹ cũng như nhiều Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội đồng loạt lên tiếng việc côn đồ gây thương tích trầm trọng cho anh Nguyễn Chí Tuyến, công an Hà Nội bị buôc phải vào cuộc điều tra nhưng những vụ tấn công khác vẫn diễn ra liên tiếp trong hai ngày 18 và 19 tháng 5 khiến dư luận ngỡ ngàng không biết các cơ quan an ninh có còn xem luật pháp là điều phải tuân thủ hay không.

Chiều ngày 18 tháng 5 năm 2015 Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng bộ Công an Việt Nam đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa  Kỳ là ông Antony Blinken tại Hà Nội trong chuyến viếng thăm và làm việc với Việt Nam, sau khi ông Trần Đại Quang sang Mỹ vào trung tuần tháng 3 vừa qua.

Sự việc Bộ trưởng Công an Việt Nam sang Mỹ và làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được giới quan sát cho rằng là bước đột phá mới trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện của hai nước và động thái này gây hy vọng cho nút thắt nhân quyền có cơ hội mở ra để dọn đường cho những thay đổi mà Quốc hội Mỹ và chính phủ Obama rất quan tâm.

Dọn đường vào TPP bằng bạo lực ?

Đây cũng dược xem là nỗ lực của Việt Nam dọn đường cho việc đàm phán TPP đang gặp trở ngại khi làn sóng phản đối từ các chính trị gia quyền lực của Mỹ cho rằng Việt Nam đang xâm phạm nhân quyền trầm trọng và điều kiện tiên quyết này phải đặt ra trong các chương trình đàm phán.

Phản ứng dữ dội của các dân biểu, nghị sĩ Mỹ trước việc công an giả danh côn đồ đánh anh Nguyễn Chí Tuyến vào sáng ngày 11 tháng 5 đã làm dư luận chú ý. Cuộc điều tra của công an Hà Nội sau khi bị sức ép của giới ngoại giao như một gáo nước tưới vào cơn nóng giận của dư luận chưa kịp tan hết thì lại xảy ra liên tiếp những vụ việc khác có hình thức mạnh mẽ hơn mà nhân chứng đều nói họ bị đánh do sự chỉ đạo của công an các cấp.

Trong khi Bộ trưởng công an Việt Nam có cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thì tại sân bay Nội Bài công an bắt giữ anh Mai Xuân Dũng từ Singapore trở vể sau khi tham dự khóa hội thảo chuyên đề công cụ truyền thông Storymaker.

Điều đáng nói hơn nữa tại sảnh đường rộng lớn của sân bay Nội Bài an ninh chìm đã công khai đánh anh Bùi Tiến HưngNguyễn Văn Đề hai người bạn của gia đình ông Dũng ra sân bay đón ông. Kể lại việc này anh Bùi Tiến Hưng xác định:

- Tôi tên là Bùi Tiến Hưng hôm nay thấy bảo là bố của Thảo ở nước ngoài về nên ra sân bay đón, Bố Thảo là ông Mai Dũng. Đi cùng ra sân bay thì Thảo đợi đến 6 giờ 15 trong khi 6 giờ 10 đã có thông báo là máy bay từ Singapore đã hạ cánh ở Nội Bài rồi mà bố Thảo đi chuyến bay đấy. Quá giờ khoảng hơn tiếng thì không thấy bố của Thảo ra, Thảo đi hết các phòng ban để hòi tình trạng của bố thì các cấp phòng ban toàn đùn đẩy cho nhau, ậm ờ không trả lời cho Thảo biết.

Thảo có giơ biểu ngữ phản đối bắt người, họ cho một số côn đồ ra cướp biểu ngữ. Tôi không cầm biểu ngữ gì hết tôi đứng ngay đây thì một anh an ninh ảnh gọi, bảo Hưng ra đây làm việc, rồi có 2 người nhảy ra đánh tôi trước mặt ngay sảnh lớn của nhà ga chung quanh có hàng trăm người chứng kiến. Đánh tôi trước mặt nhà ga.



Từ trái anh Nguyễn Chí Tuyến, anh Bùi Tiến Hưng, GS Nguyễn Huệ Chi, anh Đinh Quang Tuyến và anh Mai Xuân Dũng
Cùng lúc đó tại Sài Gòn, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị tịch thu hộ chiếu không được lên phi cơ khi ông cùng vợ và con gái sang Mỹ mà công an phi trường Tân Sơn Nhất không đưa ra một lý do nào, chỉ nói thi hành lệnh từ công an Hà Nội.

Sáng hôm sau, ngày 19 tháng 5, một người khác lại bị an ninh hành hung. Anh Đinh Quang Tuyến bị đánh gãy sóng mũi trong khi chạy xe đạp và cũng như Nguyễn Chí Tuyến tại Hà Nội anh xác nhận mình bị đánh vì đã có những thái độ thức tỉnh người dân trước việc Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào Việt Nam hồi năm ngoái khi anh mang nước tặng người dân với hai tấm bảng “nước nhà không bán chỉ mời lấy thảo” và “mất nước thì chết”. Chính hai tấm bảng này đã làm cho anh bị tấn công vào chính ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Ở Việt Nam mình đang khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng niềm tin muốn chống giặc thì phải phục hồi cái niềm tin đạo đức xã hội trước đã cho nên tôi làm cái công việc nhỏ là lập một gánh nước có café có trà có nước suối tôi mang ra vườn Tao Đàn lúc ấy các em trong hội Con đường Việt Nam họ đi nhặt rác để vệ sinh thì tôi đi theo, tôi vào cùng với các em cho mọi người uống nước. Lúc ấy lực lượng mật vụ họ sẵn hết rồi họ theo nhóm Con đường Việt Nam của anh em nhân quyền, thấy tôi làm như vậy họ sai mấy ông bảo vệ công viên đến làm khó làm dễ đòi tịch thu cái gánh của tôi.

Họ bắt lỗi tôi về cái bảng ghi thế nọ thế kia tôi bảo rằng anh thấy sai chỗ nào? Tôi ghi là “nước nhà không bán” vì là nước của tôi, tôi ghi vậy để bà con người ta mới dám uống chứ người ta nghèo làm sao dám uống? Tôi ghi “mất nước thì chết” có gì sai không hỏi bác sĩ xem có phải mất nước là chết không?

Thực ra tôi làm như vậy để đánh động tinh thần yêu nước, ái quốc thôi. Người Việt Nam bây giờ đã mệt mỏi với cơm áo gạo tiền rất khổ sở đôi khi mệt quá nên quên nhiệm vụ lâu dài là bảo vệ tổ quốc. Tôi làm như vậy là một cách đánh thức nhẹ nhàng kiên nhẫn đối với người dân thôi.


Giáo sư Nguyễn Huệ Chi tuy không bị đánh nhưng hành động cản trở tự do đi lại đã đánh mạnh vào nhân quyền của một công dân. Ông cho biết phản ứng của mình trước việc xem thường luật pháp của Bộ công an Việt Nam:

- Nhất định là tôi phải làm vì đó là quyền công dân của tôi mà, chứ tôi có mất quyền công dân đâu? Tôi là một công dân tự do trên đất nước mình và tự do trên phạm vi quốc tế. Nhất định tôi phải khiếu nại để biết được lý do vì sao lại sợ hãi một người bình thường. Tôi cũng không nói năng gì mà không cho tôi ra nước ngoài chì vì thăm gia đình con gái tôi mà lại do con gái tôi đưa đi nữa.

Anh  Đinh Quang Tuyến cho biết bị tấn công không làm anh nhụt chí mà trái lại đã giúp anh có cơ hội đóng góp một phần công sức cho việc đấu tranh đòi hỏi nhân quyền của mình cho sự nghiệp chung:

- Hôm nay tôi bị đánh như thế này so với anh em khác như tù nhân lương tâm hay anh em dân chủ khác thì anh em còn bị nặng hơn rất nhiểu tôi chả là cái gì hết. Tôi cũng nhân vụ này cảm thấy mình được chia sẻ đắng cay với anh em nào đã hy sinh. Tôi thấy một phần nào đó cảm thấy mình đã có cơ hội để chia sẻ với anh em.


Chỉ trong vòng một tuần lễ những hành động bạo lực liên tiếp xảy ra như gián tiếp trả lời cho Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và các Nghị sĩ, dân biểu Mỹ rằng việc vào TPP hay không chưa phải là quan trọng, ít nhất trong thời điểm này, vì Việt Nam chưa thể chấp nhận những làn sóng đòi dân chủ nhân quyền ngay từ chính người dân của mình.








No comments:

Post a Comment

View My Stats