Sunday, 10 May 2015

Hội nghị Trung ương lần thứ 11: Phát pháo cho trận chiến quyền lực (Dương Hoài Linh)





Dương Hoài Linh
Tác giả gửi tới Dân Luận
10/05/2015

Dân Luận: Trong bối cảnh Đảng họp kín, không cho người dân biết quá trình thảo luận cũng như những nghi vấn về kẻ "có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình" là ai thì mãi mãi chúng ta không thể có một nền chính trị trong sạch, bởi vì thiếu minh bạch là môi trường rất tốt để những kẻ xấu lên ngai vàng bằng quan hệ và lo lót. Có lời đồn rằng trong Hội nghị này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thắng thế và có khả năng sẽ lên Tổng bí thư, nhưng cũng có những nhận định ngược lại như của tác giả Dương Hoài Linh sau đây. Nói tóm lại là ai trong số họ chiến thắng thì người dân cũng là kẻ chiến bại, nếu người dân không biết đấu tranh đòi sự minh bạch và công khai trong việc chọn lựa lãnh đạo quốc gia.

*
Trước mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc, hội nghị Trung Ương là dịp chuẩn bị về nhân sự, là ‘cái gốc của mọi công việc’. Công tác cán bộ được xem là yếu tố sống còn của Đảng. Hội nghị Trung Ương lần thứ 11 diễn ra trong bối cảnh Nguyễn Phú Trọng vừa tiếp kiến Tập Cận Bình, Nguyễn Tấn Dũng có bài diễn văn động chạm nước Mỹ trong ngày kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Hội nghị có những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Đề ra phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII;
- Số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng
- Cho ý kiến về: Mô hình tổ chức chính quyền địa phương;
- Chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành;
- Đóng góp ý kiến về Báo cáo các công việc Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay.

Bế mạc hội nghị TBT Nguyễn Phú Trọng đã bắn một phát pháo lệnh về mặt nhân sự khi tuyên bố:

"Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như:
- Có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình;
- Để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị;
- Không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm;
- Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc;
- Bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay".

Cuộc chiến quyền lực giữa phe "cơ hội" (thay cho cải cách - theo tôi) và phe bảo thủ đã diễn ra âm ỉ suốt một năm qua. Phe cơ hội của Nguyễn Tấn Dũng có lúc lấn lướt ở thời điểm dư luận tập trung xung quanh cái chết của Nguyễn Bá Thanh và sự làm mưa làm gió của Chân Dung Quyền Lực. Ba X có lúc nổi trội với những tuyên bố về "dân chủ và pháp quyền", về luật phạt tù những kẻ ngăn cản tự do ngôn luận, về thí điểm diễn đàn trí thức phản biện... Nhưng kể từ sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng gió đã đổi chiều. Có lẽ anh Tổng đã được anh Tập hứa hẹn đôi điều, hà hơi tiếp sức cho nên thế đu dây đã cho ra đôi phần lợi thế về phía anh bạn Vàng bốn tốt. Chính vì vậy Nguyễn Tấn Dũng đã buộc phải đọc một bài diễn văn sặc mùi bảo thủ trong cái ngày mà đáng lẽ ra cần phải nói những lời hoà giải. Dư luận trong nước và thế giới lập tức tập trung chỉa mũi dùi vào kẻ mà trước đó họ vẫn cho là có khuynh hướng cải cách, thân phương Tây, thậm chí có người còn mơ Ba X sẽ là một Gorbachev của Việt Nam, một tổng thống đầu tiên hậu cộng sản. Nhưng té ra Tổng Trọng đã cao tay đá trái bóng bảo thủ về phía đối thủ chính của mình. Ngôn từ của bài diễn văn cho thấy đó là ngôn từ của loài nhai lại, chỉ thích hợp cho một Tổng Bí Thư hơn là một Thủ Tướng.

Thế nhưng Tổng Trọng không chỉ dừng lại ở đó. Các yêu cầu về nhân sự của Hội nghị Trung Ương 11 cho thấy phe TBT đang kiên quyết "vạch áo cho người xem lưng" không một chút nể nang nếu so với trước đó. 5 đề mục bên trên không đề mục nào là không nhắm đến, ám chỉ đến phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt có những từ mà dư luận vẫn hay sử dụng để nói về đồng chí X: "mị dân, tham vọng quyền lực, nói không đi đôi với làm, lợi ích nhóm... "

Sau vụ chặt cây xanh, Phạm Quang Nghị ứng cử viên cho cái ghế TBT đã để đàn em làm càn, chủ tịch thành phố biến thành gã tiều phu, phó ban tuyên giáo Thành uỷ phát biểu ngây thơ chính trị "Chặt cây không cần hỏi ý dân". Phạm Quang Nghị đã lên tiếng vớt vát sau đó nhưng luận điệu lại sa vào nguỵ biện. Phạm Quang Nghị tưởng như không có vé trước những hành động mị dân của Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng chỉ cần một vài mách nước của đàn anh, Trọng đã chuyển bại thành thắng và đang ở thế thượng phong. Tuy nhiên từ nay cho đến ngày đại hội chính thức vẫn còn khá nhiều nước đi để Nguyễn Tấn Dũng lật ngược thế cờ. Một trong những nước cờ chủ yếu đó là đàm phán TPP. Thế nhưng trong vấn đề này ngài thủ tướng cũng đang bế tắc. Quốc hội Mỹ không phải tay mơ để Ba X giở trò mị dân. Đòi hỏi về nhân quyền không phải chỉ trông vào việc thả các tù nhân chính trị mà chính là phải có các tổ chức XHDS và các nghiệp đoàn độc lập. Đây là những viên gạch đầu tiên của một xã hội dân chủ. Nếu không vì nợ công chất cao, không vì cái ghế TBT Nguyễn Tấn Dũng sẽ không bao giờ dám mạo hiểm. Các kỳ đàm phán bế tắc đã khiến Ba X quá mệt mỏi. Và có lẽ anh Tập đã có sắp xếp đâu vào đó thế nên"bài ca không quên" muôn thuở "đánh cho Mỹ cút đánh cho nguỵ nhào" vẫn được anh Thủ ca vang bất chấp cả ông Sui gia, con gái và cháu ngoại.

Thế là phát pháo lệnh của anh Tổng đang gây khó dễ cho đàn em của anh Thủ trong việc mò vào BCH trung ương đây. Nhưng không sao anh Thủ đang là "anh nuôi" của toàn Đảng. Anh nuôi đang nắm cái dạ dày, nếu dạ dày trống không thì chẳng có binh đoàn nào đủ sức mà chiến đấu. Hệ thống kinh tài hùng hậu và quyền lợi của các nhóm lợi ích đang là những viên đạn bọc đường lợi hại đủ sức đánh gục bất kỳ cử tri nào trong kỳ bầu cử đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sắp tới. Xem ra thì vẫn chưa biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào.









No comments:

Post a Comment

View My Stats