Monday, 25 May 2015

Cần tích cực giúp Mỹ bảo vệ các nguyên tắc luật pháp quốc tế tại Biển Đông (Trương Nhân Tuấn)





vendredi 22 mai 2015

Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, thứ nhứt là để bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Đây là một sự thật đã thành hình từ sau Thế chiến Thứ hai. Thứ hai, theo nội dung bản điều trần của ông Daniel R. Russel, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Á và Thái Bình Dương trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 13-5-2015, là nhằm bảo vệ « các nguyên tắc luật pháp quốc tế ». Điều thứ hai rất quan trọng cho VN và các nước trong khu vực. VN (cũng như Phi) cần khai thác ở mọi mặt của vấn đề này để bảo vệ quyền lợi (và bờ cõi) của mình.

Hành vi khiêu khích của Trung Quốc từ nhiều năm nay tại các vùng lãnh thổ đã chiếm được của VN (HS năm 1974, các bãi đá TS năm 1988), như việc đơn phương hạ lệnh cấm đánh cá, kể cả trên vùng biển của hai nước VN và Phi, hoặc việc đổ cát đá mở rộng các bãi đá san sô, sau đó xây dựng sân bay, hải cảng… biến các bãi đá này trở thành những căn cứ quân sự quan trọng, hay việc lên giọng « nước lớn » đe dọa các nước khác trong các hội nghị địa phương… là những hành vi thể hiện rõ nét chủ nghĩa đế quốc bành trướng. Các hành vi của Trung Quốc nếu không vi phạm luật pháp quốc tế, thì cũng đi ngược lại tập quán quốc tế, đe dọa không chỉ an ninh khu vực và còn đe dọa hòa bình của thế giới.

Vấn đề là Mỹ sẽ có biện pháp nào để bảo vệ « các nguyên tắc luật pháp quốc tế » ở Biển Đông trước một tên cường đồ ngang ngược, xưa nay luôn quan niệm « chân lý nở trên đầu họng sứng », chà đạp mọi nguyên tắc của luật biển ?

Nói đến việc này ta không thể quên các biến cố xảy ra ở Vịnh Syrte (Vịnh Libye) năm 1973 và 1989.

Năm 1973 Khadafi tuyên bố vịnh Syrte là « nội hải » của Libye đồng thời cho rằng mọi xâm phạm vào vùng biển này là hành vi « tuyên bố chiến tranh ». Vịnh được xác định bằng một đường thẳng, kéo từ Bengasi đến Misurata, làm cho đường « cơ bản » của Libye mở rộng ra ngoài, có nơi tới 137 hải lý. Việc này đã khiến 22.000 dặm vuông biển trở thành « nội hải » của Libye.

Tuyên bố về lãnh hải của Libye, đối với bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 (UNCLOS), là không phù hợp. Theo bộ Luật này, bề rộng lãnh hải chỉ 12 hải lý, tính từ bờ. Vùng biển từ bờ ra đến 12 hải lý là vùng « lãnh hải », quốc gia ven biển có quyền tài phán tương tự như lãnh thổ trên đất liền. Tức là Libye đã mở rộng ra, có nơi đến 137 hải lý.

Phản ứng của giới học giả quốc tế là khá sôi nổi. Theo họ Libye đã sai vì Vịnh Syrte không phải là « vịnh lịch sử » của Libye, cũng như những quyền lợi của nước này trong khu vực biển này không phải là « sinh tử ». Các nước như Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh cũng như hầu hết các nước trong vùng Địa Trung Hải đều lên tiếng phản đối.

Biến cố đã xảy ra hai lần, giữa hai lực lượng không quân Mỹ và Libye, vào các năm 1981 và 1989. Năm 1981 hai chiếc Su-22 của Libye bị hai chiếc F-14 của Mỹ bắn hạ. Tương tự, năm 1989, hai chiến Mig-22 của Libye cũng bị hai chiếc F-14 bắn hạ. Cả hai lần, trong chừng mực, Mỹ can thiệp vì lý do “bảo vệ các nguyên tắc luật pháp quốc tế”.

Nếu so sánh đòi hỏi của Trung Quốc và Libye, ta thấy tham vọng của TQ nhiều hơn trăm lần. TQ yêu sách tới 80% Biển Đông, thể hiện qua tấm bản đồ chữ U 9 đoạn, đòi hơn hai triệu cây số vuông biển. Libye yêu sách Vịnh Syrte là vịnh lịch sử, chỉ có 22.000 dặm vuông. Trong khi Biển Đông không phải là « vịnh », cũng không thể là vùng nước « lịch sử » của TQ. Về địa lý, nó chỉ là vùng biển « nửa kín ». Nó cũng không mang yếu tố « sinh tử » đối với dân Trung Hoa. Hàng ngàn năm qua TQ không ngó ngàng đến Biển Đông, dân Trung Hoa đâu có chết ? Trong khi các dân tộc chung quanh, như VN, nếu không có biển, quốc gia này đã không thể khai sinh và hiện hữu.

Hoa Kỳ (và cộng đồng thế giới) sẽ có phản ứng gì trước những sự ngang ngược của TQ ? Khadafi bạo tàn, ngang ngược, không coi luật pháp quốc tế ra gì. Tên bạo chúa cuồng điên này đã bị trừng phạt. Nhưng TQ không phải là Libye. « Quand la Chine s’éveillera, le monde tremblera – khi mà Trung hoa thức dậy, thế giới sẽ rúng động » là tựa đề của một cuốn sách mà các học giả quốc tế luôn nhắc tới khi nói về TQ. Không phải vì cuốn sách mà vì sự trổi dậy của TQ sẽ làm đảo lộn trật tự thế giới.

Tại Biển Đông vài hôm nay, khi máy bay dọ thám của Mỹ tiếp cận các bãi đá đang được Trung Quốc mở rộng và xây dựng, thì bị phía TQ cảnh cáo, đuổi ra khỏi khu vực. Giả sử trong những ngày tới, máy bay của Hoa Kỳ tiếp tục các công việc thường xuyên của họ, và bay vào vùng giới hạn 12 hải lý. Thái độ của TQ sẽ ra sao ?

Theo tuyên bố của các viên chức TQ, nước này sẽ dùng mọi cách để bảo vệ lãnh thổ của họ. Tuyên bố này hàm ý sẽ sử dụng vũ lực nếu máy bay (hay tàu bè) của Mỹ xâm phạm vào trong vùng giới hạn 12 hải lý.

Nhưng Mỹ quan niệm rằng các đảo nhân tạo, cho dầu nó lớn cách mấy, đều không có lãnh hải và vùng kinh tế độc quyền. Quan niệm này phù hợp 100% với UNCLOS.

Điều 121, khoản 1 của Bộ Luật Quốc tế về Biển định nghĩa « đảo là một dãi đất tự nhiên được nước (biển) bao bọc chung quanh và không bị ngập khi thủy triều cao ».  

Các bãi đá (chìm, nổi, nửa chìm nửa nổi…) mà TQ chiếm được của VN tại khu vực TS đã không còn tình trạng ban đầu. Không ai có thể xác nhận được tính chất địa lý của chúng trước đây là gì ? Cồn, bãi, đá chìm, nổi, nửa chìm nửa nổi ? Đơn giản chúng trở thành « đảo nhân tạo ». Gọi là « đảo nhân tạo », dĩ nhiên đảo này mất đi bản chất « dãi đất tự nhiên » theo định nghĩa của UNCLOS, nó sẽ không được hưởng lãnh hải (12 hải lý) vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý) và thềm lục địa, tương tự như đất liền.

Trong quá khứ, Mỹ và TQ đã có « đụng chạm », như vụ chiếc tàu Impeccable tháng 3 năm 2009, tại khu vực biển giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam, hoặc vụ chiếc máy bay dọ thám EP-3E năm 2001 tại khu vực đảo Hải Nam. Các vụ « đụng chạm » này đến từ các quan niệm trái ngược nhau về tự do hàng không và hàng hải.  Các bộ luật về Biển của TQ công bố vào tháng 6 năm 1998 hay tháng 6 năm 2002, qui định các hành vi « nghiên cứu » của bất kỳ thuyền bè nước ngoài trên vùng biển (EEZ) của TQ là « phạm pháp ». Điều này đi ngược lại tinh thần bộ luật Quốc tế về Biển 1982.

Thách thức trước mắt cho Mỹ (nhứt là cho VN và Phi), là TQ đã « ngồi xổm » lên luật quốc tế, dùng luật rừng cấm biển ngay trong vùng biển của nước khác. Tương tự cấm hàng xóm không cho họ cày cấy trên ruộng của họ. Dùng « chân lý của họng súng » để định nghĩa quyền lợi của TQ tại Biển Đông. Dùng luật bá đạo để mở rộng và xây dựng các bãi đá thụ đắc bằng phương pháp vũ lực rồi tuyên bố cấm xâm phạm vùng biển cũng như không phận (sau này là vùng ADIZ).

Nhưng TQ không phải là Libye. Vì vậy các nước liên hệ phải giúp cho Mỹ, tất cả những phương tiện sẵn có, trước hết là để bảo vệ « các nguyên tắc luật pháp quốc tế », sau là để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như các quyền và quyền lợi chính đáng của quốc gia mình.







No comments:

Post a Comment

View My Stats