Tuesday, 5 May 2015

Các hòn đảo nhỏ, chìa khoá cho quyền sở hữu Biển Đông (Bill Hayton - BBC News)





By Bill Hayton   -   BBC News   -   3 May 2015

Posted by adminbasam on 06/05/2015

Các nước Đông Nam Á nói rằng họ đang “quan ngại thật sự” về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở những phần tranh chấp trên Biển Đông.

Đáp lại, Trung Quốc nói họ “quan ngại sâu sắc” về tuyên bố các nước Đông Nam Á.

Đông Nam Á nói hành động của Trung Quốc đã “xói mòn lòng tin và sự tin cậy, và có thể làm phương hại hòa bình, an ninh và ổn định”.

Trung Quốc đáp trả rằng những gì họ làm là “hoàn toàn hợp pháp và không có gì phải thắc mắc”. 

Tình hình tranh chấp Biển Đông đang trở nên nghiêm trọng chăng?

Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với tuyên bố chính thức của 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á công bố hôm thứ Hai, chỉ trích chương trình xây đảo khổng lồ của họ ở quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc đang sử dụng các tàu nạo vét và các đội xây dựng để biến ít nhất sáu rạn san hô thành các căn cứ lớn với các bến cảng.

Một đảo sẽ có một đường băng dài 2.900 mét (1,8 dặm).

Có mối quan ngại đang gia tăng rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các căn cứ này làm bàn đạp để khẳng định quyền kiểm soát đối với toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc nói họ chỉ bảo vệ các quyền lãnh thổ và đội tàu đánh cá của họ.

Có vẻ kỳ lạ là một số hòn đảo nhỏ nhất trên hành tinh hiện nay lại nằm ở trung tâm của một trong những tranh chấp lãnh thổ lớn nhất thế giới.

Nếu chỉ thấp hơn một vài mét thì chúng thậm chí không đủ điều kiện trở thành đảo nhưng vì chúng nhô lên khỏi mặt nước Biển Đông, các nước có thể đoài chủ quyền chúng, và quan trọng hơn, lãnh thổ và các nguồn tài nguyên trong vùng biển xung quanh chúng.

Trung Quốc đang tiến hành bồi tạo đất ở quần đảo Trường Sa

Ai kiểm soát các đảo sẽ có yêu sách mạnh mẽ nhất đối với 1,4 triệu dặm vuông của Biển Đông, tất cả tôm cá trong đó và dầu hỏa bên dưới nó.

Đó là lý do tại sao, đối với sáu quốc gia xung quanh Biển Đông (bảy nếu tính Đài Loan là một nước riêng), khoảng 250 đảo đá, rạn san hô và đảo này, với tổng diện tích chỉ sáu dặm vuông, đáng để họ bỏ ra tất cả tiền bạc và công sức cho chúng.

Nhưng thực ra nó còn nhiều hơn thế nữa.

Hai sự tranh chấp

Để hiểu vì sao tàu và máy bay của Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu nhau ở Biển Đông, điều quan trọng là cần phải hiểu rằng thật ra có hai sự tranh chấp khác nhau đang diễn ra ở đó.
Một là, nước nào sở hữu các thể địa lý rải rác trong vùng biển này.

Tranh chấp kia, quan trọng hơn, là về tương lai của hệ thống quốc tế đã và đang điều tiết thế giới kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc đến nay.

Các nước sẽ phải theo những quy định quốc tế nào và ai sẽ làm ra các quy định đó?

Chính sự chồng chéo giữa sự hai tranh chấp này – giữa câu hỏi nước nào chiếm đóng những đảo nhỏ nào đúng lẽ và câu hỏi những nước nào thiết lập các quy tắc của thế giới – làm cho tranh chấp Biển Đông rất nguy hiểm.

Trung Quốc tự tin rằng mình là chủ sở hữu đúng lẽ của hầu như toàn bộ Biển Đông.

Kết quả là các nước Đông Nam Á đối thủ có yêu sách – Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines – đang cố gắng củng cố vị thế của mình bằng cách lôi kéo các cường quốc khác – không chỉ Mỹ là chính mà còn cả Nhật Bản và Ấn Độ – về phía họ.

Mỹ không đặc biệt quan tâm đến việc nước nào kiểm soát đảo nào, nhưng họ đang bị lôi kéo vào các tranh chấp này vì lợi ích rộng lớn hơn của mình.

Nhà chức trách ở Bắc Kinh nhìn mọi thứ theo cách ngược lại.

Họ nghĩ rằng Mỹ muốn vẫn là cuờng quốc hàng đầu thế giới, đang tụ họp các nước Đông và Đông Nam Á để kềm chế một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.

Nhưng điều mà Mỹ và nhiều quốc gia khác quan ngại, không phải là sự trỗi dậy của Trung Quốc, như đang diễn ra, mà là những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm định đặt lại luật pháp quốc tế cho phù hợp với lợi ích riêng của họ ở Biển Đông.

Kết quả là, Mỹ cùng các đồng minh và bạn bè đang bắt tay với nhau “giữ nguyên hàng ngũ”. Mối nguy hiểm nằm ở chỗ đó.

Thách thức quốc tế

Khi Trung Quốc cố mở rộng quyền kiểm soát của mình đối với vùng biển này (như là đối tượng khác với các đảo), họ đang thách thức cả các nước trong khu vực lẫn hệ thống quốc tế.

Theo luật quốc tế hiện hành – quy định trong Công Ứớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – một nước chỉ được sở hữu vùng biển nếu nuớc đó sở hữu vùng đất liền kề với nó.

Một nước sở hữu một đảo cũng “sở hữu” 12 hải lý đáy biển xung quanh đảo và có các quyền đối với tài nguyên (nhưng không sở hữu lãnh thổ) lên đến 200 hải lý xung quanh.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước của họ (đặc biệt là các công ty dầu mỏ và các doanh nghiệp nghề cá) đang cố khẳng định quyền sở hữu đối với chính Biển Đông, cùng với đáy biển và các tài nguyên của nó, cách xa bờ biển Trung Quốc hàng trăm dặm.

Đây là một thách thức đối với các nước xung quanh Biển Đông vốn có những yêu sách của riêng họ, đối với Mỹ mà vai trò như một cường quốc thương mại và quân sự toàn cầu phụ thuộc vào quyền đi lại không bị ngăn trở qua các biển trên thế giới và đối với mọi quốc gia khác vốn tin vào các quy định hiện hành của luật quốc tế.

Pháo đài Trung Quốc tại Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp

Mỹ nói chung chung rằng biển từ bờ trở ra hơn 12 hải lý không thuộc về bất cứ ai và do đó ai cũng được tự do sử dụng theo bất kỳ cách nào họ thấy phù hợp. (Đúng ra phức tạp hơn thế, nhưng đó là nguyên tắc cơ bản).

Nhật Bản mỗi sáu giờ cần một tàu chở dầu hoặc khí đốt đi qua Biển Đông để giữ cho hoạt động kinh tế tiếp nối; tương tự Hàn Quốc cũng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.

Cả hai nước cũng có mối quan ngại khác về cách mà Trung Quốc đang trỗi dậy.

Nhật Bản có tranh chấp riêng với Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, thấy có cùng mối lo chung với Việt Nam và Philippines nên đã bắt đầu cung cấp cả tàu tuần duyên cùng các thiết bị khác và đào tạo để giúp họ bảo vệ yêu sách biển của họ.

Hàn Quốc ít lớn giọng hơn, nhưng cũng quan ngại và cũng đang cung cấp vũ khí cho Philippines và Indonesia.

Ấn Độ không phụ thuộc quá nhiều vào Biển Đông, nhưng sợ hậu quả xấu nếu Trung Quốc chi phối châu Á.

Ấn Độ có hai nơi tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực biên giới trên dãy núi Himalaya.
Họ cũng lo lắng về mối quan hệ ngày càng gia tăng của Trung Quốc với các nước xung quanh Ấn Độ Dương nên đang phát triển quan hệ an ninh với Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản và Australia (cùng với những nước khác) để đáp ứng.

Tranh chấp thế kỷ 20

Nhà chức trách Trung Quốc nói rằng họ là “chủ sở hữu” lịch sử Biển Đông “từ thời xa xưa”.
Thật ra chính quyền Trung Quốc chỉ quan tâm đến Biển Đông kể từ đầu thế kỷ 20.

Ngoại trừ một giai đọan rất ngắn, còn hầu như suốt toàn bộ lịch sử có ghi chép lại (ngoại lệ là giai đoạn 30 năm 1400-1430, trong giai đoạn đó nhưng kẻ được gọi là các đô đốc thái giám, trong đó có Trịnh Hòa, đã đi thuyền xa tới tận Đông Phi), nhà cầm quyền Trung Quốc hầu như chưa đủ khả năng kiểm soát bờ biển của chính họ, nói gì tới các đảo cách xa hàng trăm dặm.
______________________

Trịnh Hoà: Đô đốc thái giám
Trịnh Hoà sinh năm 1372 ở tỉnh nghèo Vân Nam trong một gia đình Hồi giáo gốc Trung Á, từng chiến đấu cho quân Mông Cổ. Bị quân nhà Minh bắt được, ông đã bị hoạn lúc lên 10 tuổi.
Ông đã được phái đến phục vụ hoàng tử nhà Minh, và quá nổi bật trong chiến đấu đến mức đã ngoi lên đến chức đô đốc.
Hạm đội của ông lớn hơn toàn bộ các đội tàu của châu Âu gộp lại, nổi trội với các báu thuyền khổng lồ dài 400ft (122 m) và rộng 160ft (50m).
Ông đi lại khắp vùng Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, đến Vịnh Ba Tư và Châu Phi, tạo ra nhiều bản đồ hàng hải mới, và truyền bá văn hóa Trung Quốc.
Ông đã mở ra các tuyến đường giao thương đến nay vẫn đang lớn mạnh, và nắm được quyền kiểm soát chiến lược đối với các nước mà hiện nay một lần nữa đang nhìn Trung Quốc như là lãnh đạo không tranh cãi của khu vực.
___________________

Phiên bản lịch sử này không phải là phiên bản giảng dạy trong các trường học Trung Quốc.
Điều này đã cố kết, nhưng ý thức sở hữu không biện minh được về mặt lịch sử là điều đang đặt Trung Quốc lên tiến trình va chạm với các nước láng giềng và Hoa Kỳ.
Đó chính là lý do tại sao Trung Quốc ứng xử kẻ cả khi đưa giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp chẳng hạn.
Để tự bảo vệ mình chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc, các nước đang hình thành các quan hệ an ninh mới.
Những lợi ích chồng chéo này có tiềm năng biến một tranh chấp địa phương thành tranh chấp khu vực hoặc thậm chí tranh chấp toàn cầu.
Vào thời điểm có quá nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, các tranh chấp ở Biển Đông có vẻ tương đối nhỏ – nhưng chúng có thể lớn rất nhanh.
Thay đổi hành vi này sẽ đòi hỏi các nước trong khu vực đi đến một sự hiểu biết tốt hơn về lịch sử có chung của Biển Đông.
Đó sẽ là điều khó, nhưng sẽ dễ dàng hơn so với việc leo thang xung đột và nguy cơ đối đầu siêu cường gia tăng.

Bill Hayton là tác giả của quyển sách ‘Biển Đông: Cuộc tranh giành quyền lực ở Châu Á’ (The South China Sea: The struggle for power in Asia), vừa được nhà xuất bản Đại học Yale phát hành.





No comments:

Post a Comment

View My Stats