Saturday, 16 May 2015

Biểu dương sức mạnh hay phơi bày sự nguy ngập? (Tổ Quốc #204)





Tổ Quốc  #204
Phát hành : 15/05/2015

Ngày 9/5 vừa qua Nga đã tổ chức kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đức Quốc Xã một cách long trọng và hoành tráng như chưa bao giờ thấy ngay cả trong thời kỳ Liên Bang Xô Viết. Vladimir Putin rõ ràng muốn chứng tỏ rằng Liên Bang Nga vẫn còn rất mạnh và đầy tự tin. Tuy vậy tác dụng của ngày lễ tốn kém này không như ông muốn.

Putin đã trả giá rất lớn để chứng tỏ với thế giới sức mạnh, nhất là sức mạnh quân sự, của Nga. Chính quyền của ông đã tốn hơn 600 triệu USD, giữa lúc kinh tế Nga đang cực kỳ bi đát, để điều động 16.000 binh sĩ diễu binh và 160.000 người tuần hành mang ảnh thân nhân từng tham dự Thế Chiến II. Họ cũng đã chi khoảng 7 triệu USD để xịt hóa chất đánh tan các đám mây trên bầu trời Moskva để bảo đảm không có mưa trong lúc diễu binh. Ngoài Moskva hơn hai mươi thành phố khác cũng tưng bừng tổ chức kỷ niệm chiến thắng. Uy tín của Putin đã lên rất cao sau cuộc biểu dương lực lượng này bởi vì nó đã cho người Nga ảo tưởng rằng nước Nga vẫn còn là một siêu cường. Tuy vậy, sau sự hân hoan chốc lát này chắc chắn người Nga sẽ có nhận định tương tự như đa số các nhà phân tích khách quan, nghĩa là rất khác.

Cuộc diễu binh này không chứng tỏ sức mạnh quân sự của Nga, nó còn chứng tỏ điều ngược lại. Không quân, binh chủng chiến lược nhất, đã gần như vắng mặt trong khi người ta chờ đợi một phản ứng của Nga sau khi hàng loạt quốc gia chọn máy bay chiến đấu Rafale của Pháp thay vì SU-35 của Nga, chưa nói tới máy bay chiến đấu của Mỹ. Vũ khí được khoe khoang nhất là chiếc xe tăng T-14 Armata. Nhưng ở thời đại này xe tăng còn có hiệu lực nào nếu không làm chủ được vùng trời? Dưới một bề ngoài hoành tráng cuộc diễu binh chỉ chứng minh sự tụt hậu của Nga về mặt vũ khí, mặt duy nhất mà Nga còn có thể tự hào. Nga có lý do chính đáng để kỷ niệm long trọng ngày chiến thắng. Hơn 25 triệu người Nga đã thiệt mạng trong Thế Chiến II. Nhưng đáng lẽ ngày 9/5 phải là ngày mà người Nga suy nghĩ về sự tai hại của chiến tranh và bạo lực, nhất là về một cuộc chiến mà họ đã chịu thiệt hại nhiều nhất, chứ không phải để khoe khoang một sức mạnh mà họ không còn.

Tác dụng quan trong nhất của cuộc biểu dương lực lượng này là đã cho thấy một nước Nga không chỉ suy sụp về kinh tế, như mọi người đều đã biết, mà còn bị cô lập và coi thường. Các nước đồng minh của Nga trong Thế Chiến II đã tẩy chay lễ kỷ niệm này, điều mà họ không làm ngay trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thế giới nói chung cũng đã tẩy chay. Cuộc phiêu lưu xấc xược của Nga tại Ukraine đã gây thiệt hại cho Nga hơn Putin dự tính. Đã chỉ có khoảng 20 quốc gia gửi phái đoàn tham dự, đại bộ phận là các nước đang bị lên án về nhân quyền, như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Venezuela v.v. Một điểm chung khác của các nước này là đều đang gặp khó khăn nội bộ lớn vì những vấn kinh tế và xã hội.

Đây cũng là dịp để chúng ta khẳng định rằng làn sóng dân chủ không thể đảo ngược được. Tất cả những chế độ độc tài tập trung tại Nga trong dịp này chỉ có một trọng lượng kinh tế chưa bằng 15% kinh tế thế giới, thua sút hẳn so với các nước dân chủ về sức mạnh quân sự, và đều bị dư luận thế giới lên án. Chúng đều ở trong giai đoạn cuối của tiến trình đào thải. Chung cuộc, lễ kỷ niệm chiến thắng của Putin đã chỉ phơi bày tình trạng nguy ngập của Nga và các chế độ độc tài còn lại.

Ban biên tập Tổ Quốc

MỤC LỤC :










No comments:

Post a Comment

View My Stats