Thursday, 21 May 2015

BÀN VỀ CƠ HỘI CỦA DÂN TỘC (Trần Quí Cao góp ý Nguyễn Đình Cống)





Xin Cám ơn và tiếp lời anh Nguyễn Đình Cống
Trần Quí Cao
22/05/2015

Kính gởi anh Nguyễn Đình Cống,

Xin cám ơn anh đã đọc và có ý kiến tiếp theo bài viết “Dân tộc Việt nam ơi, xin đừng để vuột mất cơ hội muộn màng” của tôi, được đăng trên các trang Bauxite VN, anhbasam, Việt Nam thời báo, Dân luận, Sài Gòn báo… trong những ngày gần đây (Ref: Bàn về cơ hội của dân tộc, Nguyễn Đình Cống, Bauxite VN, ngày 19/5/2015)

Chủ đề của bài viết “Dân tộc Việt nam ơi, xin đừng để vuột mất cơ hội muộn màng” là “xem xét 3 cơ hội lớn trong quá khứ Việt Nam đã bỏ lỡ, và từ đó thảo luận cơ hội đang bày ra cho đất nước”.

CÁC CƠ HỘI ĐÃ BỎ LỠ được nêu lên gồm có:
a) Cơ Hội Những Năm 1954 – 1968
b) Cơ Hội Những Năm 1975 – 1986
c) Cơ Hội Những Năm 1986 - 1990

Phần bổ sung và góp ý của anh có thể chia làm hai đề mục:

Đề mục 1: Anh đã bổ sung “một cơ hội nữa, vào năm 1945, chẳng những cho dân tộc mà còn cho Đảng nữa. Cơ hội cho Đảng đã được lợi dụng thành công, đã được trình bày nhiều, còn cơ hội cho dân tộc đã bị vuột mất”. Anh đã viết, dù ngắn, nhưng rõ ràng, rằng Việt Nam đã bỏ cơ hội lớn đó để đoàn kết các thành phần, các đảng phái khác nhau, mà cùng chung sức đấu tranh với Pháp giành độc lập. Thay vì vậy, Đảng CSVN đã “cướp” chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim, một Chính phủ hợp pháp gồm những con người có tâm huyết và tài năng.

Anh Cống thân mến, tôi xin được hoàn toàn đồng ý với anh về cơ hội này. Nếu lúc đó, Đảng CSVN cùng hợp tác với các đảng phái khác ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim đấu tranh chính trị và ngoại giao với Pháp, thì có lẽ Việt Nam đã không phải tốn chín năm xương máu mới có được độc lập. Nhưng điều quan trọng không kém là, nếu được vậy, Việt Nam đã xác lập được tinh thần dân chủ và đạo đức trong hoạt động chính trị, trong đó các đảng phái tranh đấu và hợp tác với nhau để phụng sự Tổ Quốc và Dân tộc chung. Đó mới thực sự là tinh thần Đoàn kết dân tộc.

Từ sau cuộc Cách mạng tháng Tám “cướp chính quyền” năm 1945, dân tộc Việt Nam ngày càng chia rẽ và theo dòng thời gian, “lòng hận thù” được đẩy lên “ngút trời”. Trong lòng dân tộc, chỉ có “người cứu nước” và “kẻ bán nước”, chỉ có “ta” với “địch” xông vào nhau chém giết! Nền chính trị Việt Nam được định hướng là triệt hạ và truy sát lẫn nhau để cho đảng mình độc quyền thống trị.

So với thực tế đó, với hành động đó, các lời kêu gọi “đoàn kết, đại đoàn kết” không còn có ý nghĩa gì hết, bởi vì đó chỉ là đoàn kết giữa những thành viên cùng một phe phái. So với kích thước và tấm lòng của dân tộc, hai chữ đoàn kết đó nhỏ bé và ích kỷ biết bao!

Để hiểu tôi đồng ý với anh như thế nào, xin mời anh xem bài viết:

Đề mục 2: Anh góp ý thay vì kêu gọi “Dân tộc VN ơi, xin đừng để vuột mất cơ hội muộn màng”, tôi nên thay chủ từ “Dân tộc Việt Nam” bằng “Đảng CSVN”. Còn “đối với dân tộc thì lời kêu gọi hay hơn cả là nâng cao dân trí và lòng dũng cảm, biết thế nào là quyền dân chủ và đấu tranh cho quyền ấy, không để người lãnh đạo dẫn đi sai đường, để cơ hội không bị vuột mất”.

Lần nữa, tôi xin đồng ý và đồng cảm với anh. Rõ ràng, trong hoàn cảnh toàn trị khắc nghiệt hiện nay, Đảng CSVN chính là người có thể nắm bắt hay để vuột cơ hội trước mắt này. Rõ ràng, trong quá khứ, đảng CSVN có trách nhiệm đối với những tổn thất khủng khiếp cho đất nước, tình trạng chậm tiến và mất từng phần chủ quyền lãnh thổ hiện nay…

Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng, một dân tộc hiếu hòa thì khó ai có thể xách động nó làm chiến tranh, một dân tộc bao dung thì khó ai có thể đẩy nó vào vòng cực đoan thù hận. Bốn cơ hội lớn như chúng ta cùng đồng ý với nhau đều đã bị bỏ lỡ phần lớn bởi vì tính chất cực đoan, hận thù, không chấp nhận nhau của dân tộc… Cho nên khi đặt tựa bài viết là “Dân tộc VN ơi, xin đừng để vuột mất cơ hội muộn màng”, tôi thực lòng nghĩ tới dân tộc nói chung. Trong đó có Đảng CSVN đang lãnh đạo toàn diện và nắm quyền toàn trị, và có dân chúng cần tự nâng cao dân trí, quan tâm tới chính trị và vận mệnh đất nước trước các diễn biến quốc tế và khu vực, hiểu rõ và tranh đấu cho quyền tự do căn bản của người dân trong một xã hội dân chủ… Với đà đi tới của cục diện hiện nay, tôi tin rằng đất nước có cơ tiến lên.
Ngoài ra, về mặt tình cảm và tình tự, khi dùng chữ dân tộc, tôi cảm nhận mình là một hạt cát bình đẳng trong 90 triệu hạt cát anh em, có cùng tính chất và cùng trách nhiệm cộng đồng với thực trạng của Tổ Quốc hôm nay. Đó cũng là cách tôi tự dặn lòng: không hận thù, không bực bội, sẵn sàng chung tay, góp sức xây dựng tương lai dân tộc chung.

Anh Cống thân mến, xin có vài dòng tâm sự với anh.

Trân trọng!
T.Q.C.
Tác giả gửi BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:13 






No comments:

Post a Comment

View My Stats