Monday, 18 May 2015

BÀN VỀ CƠ HỘI CỦA DÂN TỘC (Nguyễn Đình Cống)





Nguyễn Đình Cống
19/05/2015

Tôi vừa đọc bài “Dân tộc Việt Nam ơi, xin đừng để vuột cơ hội muộn màng!” của bác Trần Quí Cao, đăng trên Bô xít Việt Nam ngày 18 tháng 5. Xin có vài lời bàn. Bác Cao đã kể ra 3 cơ hội cho dân tộc Việt Nam, bắt đầu vào năm 1954, 1975 và 1990. Tôi biết còn một cơ hội nữa, vào năm 1945, chẳng những cho dân tộc mà còn cho Đảng nữa. Cơ hội cho Đảng đã được lợi dụng thành công, đã được trình bày nhiều, còn cơ hội cho dân tộc đã bị vuột mất. Tôi chỉ xin bàn về cơ hội đã bị vuột mất đó.

Trong hội nghị Tam cường* vào thời gian Đại chiến thế giới thứ 2, Tổng thống Mỹ Roosevelt đưa ra ý kiến không cho Pháp trở lại các thuộc địa của mình sau khi kết thúc chiến tranh, để trừng phạt Pháp đã nhanh chóng đầu hàng Đức. Chắc là Hồ Chí Minh biết rõ những chuyện đó nên đã tìm cách liên lạc với tướng Claire Channault đại diện Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Côn Minh, nhận viện trợ về chuyên gia và khí tài do Mỹ thả dù cho Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, thành lập đội Liên quân Việt- Mỹ gồm trên 200 người do Đàm Quang Trung chỉ huy để chống Nhật.

Tháng 4 năm 1945 Việt nam thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim tại Huế và tuyên bố độc lập, hủy bỏ các hiệp ước ký với Pháp trước đây, thu hồi đất Nam Bộ về trong đất nước thống nhất. Cụ Trần Trọng Kim đã gặp đại diện của Việt Minh tại Hà nội để bàn chuyện hợp tác nhưng đã bị từ chối. Cuộc Cách mạng tháng Tám thực chất chỉ là cuộc giành chính quyền. Người ta tuyên truyền là cướp chính quyền của thực dân phong kiến chuyển vào tay nhân dân nhưng thực chất là cướp chính quyền của một đất nước đã tuyên bố độc lập, thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim chuyển vào tay Cộng sản.

Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất muốn được sự công nhận và ủng hộ của Mỹ, đã trích “Tuyên ngôn độc lập của Mỹ” ngày 14 tháng 7 năm 1776, để mở đầu cho “Tuyên ngôn độc lập” của nước Việt Nam, sau đó ba lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman nhưng đều không được trả lời. Tại sao vậy? Mỹ ghét Cộng sản nên tôi đoán Stalin đã giải tán Quốc tế Cộng sản 3 vào tháng 5 -1943 để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng muốn Mỹ ủng hộ nên mới đề ra việc giải tán Đảng Cộng sản. Tiếc rằng Đảng không giải tán mà chỉ rút vào hoạt động bí mật, điều đó không lừa được tình báo Mỹ. Có thể là Hồ Chí Minh ban đầu xem Đảng Cộng sản là phương tiện chứ không phải mục đích nên thực tâm muốn giải tán và lập ra Đảng Dân tộc yêu nước, lấy tên Đảng Xã hội hoặc Đảng Dân chủ chẳng hạn. Nhưng rồi chắc có thế lực nào đó ngăn cản nên ông không thực hiện được. Những tưởng đã đi một nước cờ cao nhưng thực ra quá thấp vì đó là mưu mô, là sự lừa dối chứ không phải trí tuệ, không phải thực lòng. Vì không có được sự ủng hộ cần thiết nên Việt Nam đã lâm vào nhiều khó khăn, dẫn đến cuộc kháng chiến 9 năm hao người tốn của.

Trong năm 1945, Việt Nam đã có hai cơ hội tốt cho dân tộc bị vuột. Cơ hội thứ nhất là Việt Minh bắt tay với Trần Trọng Kim lập chính phủ liên hiệp, theo chế độ Quân chủ lập hiến. Nếu nói mục tiêu của Việt Minh là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập thì vào tháng 8 năm 1945 Pháp đã bị Nhật hất cẳng, Nhật đã đầu hàng, Chính phủ Trần Trọng Kim đã tuyên bố độc lập. Chỉ còn một điều là Việt Minh còn muốn lật đổ vua quan, nhưng nếu họ biết lật đổ được vua quan thì dễ, nhưng sau đó sẽ đưa dân tộc vào thảm họa, thì thà cứ để một ông vua theo chế độ lập hiến như Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ, Nhật, Thái Lan, Căm pu chia v.v… còn hay hơn nhiều.

Cơ hội thứ hai là sau tháng 11 năm 1945, đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản thì cứ giải tán thật lòng, rồi cũng vẫn với những đảng viên yêu nước trước đây lập ra đảng Dân chủ chẳng hạn, thu nhận thêm những đảng viên mới trong các thành phần khác. Trong khi Đệ tam Quốc tế đã thực sự bị giải tán, chúng ta “ tát nước theo mưa” giải tán luôn Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó cử người sang gặp trực tiếp chính phủ Mỹ thiết lập quan hệ thì tình hình sẽ khác đi nhiều.

Cả hai cơ hội trên đều đã bị vuột chỉ vì lý thuyết đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản và sự dối trá về thiên đường của CN cộng sản. Có phải dân tộc Việt Nam đã hoặc sẽ để vuột mất cơ hội không. Tôi nghĩ là không phải. Dân tộc là một tập hợp người chứ không phải một tổ chức chặt chẽ. Dân tộc đi theo sự hướng dẫn, dìu dắt của những người cầm đầu. Như vậy chủ ngữ của “để vuột mất cơi hội” không phải là dân tộc mà là những người cầm đầu. Chính họ phải chịu trách nhiệm trước dân tộc.

Bác Quí Cao đưa ra một cơ hội mới và kêu gọi “Dân tộc VN ơi, xin đừng để vuột mất cơ hội muộn màng”. Tôi nghĩ là lời kêu gọi đó trước hết nên dành cho lãnh đạo ĐCS, cho Chính phủ , cho Quốc hội và cho những đại biểu sẽ tham dự Đại hội 12 của Đảng sắp tới. Đối với dân tộc thì lời kêu gọi hay hơn cả là nâng cao dân trí và lòng dũng cảm, biết thế nào là quyền dân chủ và đấu tranh cho quyền ấy, không để người lãnh đạo dẫn đi sai đường, để cơ hội không bị vuột mất.

N.Đ.C
Tác giả gửi BVN

Chú thích:
Hội nghị Tam cường: Họp tại Tehran, là một cuộc hội đàm giữa 3 nhà lãnh đạo Iosif Vissarionovich StalinFranklin D. Roosevelt và Winston Churchill từ ngày 28 tháng 11 đến 1 tháng 12 năm 1943 tại TehranIran. Đây là hội nghị bàn về Đệ nhị thế chiến đầu tiên giữa Tam cường (Liên bang Xô ViếtMỹ và Anh) có sự góp mặt của Stalin, Roosevelt và Churchill.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:22






No comments:

Post a Comment

View My Stats