Tuesday, 5 May 2015

10 NĂM TRƯỚC ĐÃ CÓ NHIỀU NGHI VẤN "NHẬT KÝ ĐẶNG THÙY TRÂM" (Phạm Hoàng Quân)





Phạm Hoàng Quân
Thứ Ba, ngày 05 tháng 5 năm 2015

Biên soạn nhật ký?
Phạm Hoàng Quân
© 2005 talawas 

Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2005

Ngày 23 tháng 9 năm 2005, báo Thanh Niên đăng một bài được viết vào tháng 10 sắp tới, sự kiện này có lẽ cũng nên xếp vào kỷ lục trong làng báo. Đó là bài của Đặng Vương Hưng giới thiệu nhật ký Tài hoa ra trận của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân. Cuối bài ghi “Hà Nội tháng 10. 

2005”. Trong lời giới thiệu quyển nhật ký chưa phát hành này, nhà thơ Đặng Vương Hưng viết: “Khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi thống nhất giữ nguyên tắc: tôn trọng tối đa bản thảo gốc (bản chép tay của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân)” (Nguyên văn: trang 14 báo Thanh Niên 23.9.2005). Nghề viết thuê hồi ký thì tôi có nghe từ lâu, nay lại thấy biết thêm có nghề biên soạn nhật ký (của người khác) thì cái tương lai của nghề văn ắt là khấm khá. 

Trước đây vài tuần, tôi đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, đọc và nghiền ngẫm, nghĩ về cái sự thanh bình mà mình đang được hưởng, tôi thực sự quý trọng từng dòng chữ của chị được trích in để minh hoạ trong quyển sách ấy. Tôi soi kính lúp để đọc ảnh chụp bút tích của chị in ở trang bìa, sự xúc động chưa qua thì tôi hơi lấy làm ngờ vì hình như những dòng chữ này không có trong phần nội dung được in mà tôi đã đọc.

Bút tích ở trang bìa

Tôi bèn chép lại bút tích ở bìa sách, như sau:
.
1.4 Kỷ niệm 10 năm ngày vào Đoàn, 10 năm qua từ 1 thiếu niên bây giờ Th. đã là 1 cán bộ dày dạn trong khói lửa, Th. 0 hề tự hào mà chỉ thấy rằng mình đã làm đúng như lời thề dưới cờ Đoàn trong ngày hôm ấy. 
Những đêm dài suy nghĩ, Th. ơi, hãy nghiêm khắc với bản thân hơn nữa đừng để 1 câu hỏi làm đau nhói lòng Th. Tại sao mọi người 0 hiểu Th.? mà hãy hỏi tại sao Th. lại để mọi người 0 hiểu mình? Đành rằng có những người 0 tốt, nhỏ mọn ghen tuông kèn cựa nhưng dù họ với tính cách như vậy vẫn có một số người họ 0 thể nói được. Vậy thì hãy làm như những người đó. Đừng khóc Th. ơi, nước mắt hãy giành cho ngày gặp mặt những người thân yêu. Đêm khuya, nhìn lại những người đồng đội, họ đã ngủ hơi thở đều đều, ngoài kia từng tràng pháo nổ dậy trời. Ơi những người đ/c của tôi, ta đang cùng chung hơi thở giữa chiến trường lửa khói, hãy thương yêu đùm bọc lấy nhau, sống chết kề 1 bên ghen tuông kèn cựa để làm gì? 

5. 4 Có phải vì cô đơn mà cảm thấy nhớ thương đến vô cùng hay o/ hở người anh thân thiết của em? Chiều nay Các lên đường về cơ quan phục vụ, bỗng nhiên nỗi buồn nhớ như tăng lên bội phần. Cuộc sống sao mà phức tạp, mà sao mình lại làm 1 con bé sống với trái tim giàu tình cảm như thế này? Tại sao ư? Vì từ nhỏ đến giờ nó là như vậy – nghe những ý kiến của chị Hạnh cảm thấy buồn lạ lùng. Con người vẫn có những khi sống với tầm mắt nhỏ hẹp, họ o/ thể có [bị che bởi hình ngòi bút, không đọc được 1 chữ] […] những tình cảm trong sáng chân thành như một người[bị che hai chữ] […] […] khác. Với họ chỉ có vật chất, chỉ có xác thịt! Ôi ghê tởm làm sao.” 

Khi cẩn thận kiểm tra lại điều ngờ vực, tôi thấy mình đã đúng. Những điều đáng để chúng ta lưu ý gồm 3 điểm: 

1.    Trong bút tích ở trang bìa sách này, phần ghi ngày tháng ở lề trái không đề năm, trong khi các ngày in trong phần nội dung đều có đề ngày tháng năm. 
2.    Phần nội dung đề ngày 30.3.70 được in ở trang 237 dòng thứ 9 đến dòng 17 từ trên xuống có lẽ là một phần của bút tích đề ngày 1.4 (in ở bìa sách) được sửa đổi lại và nội dung tiếp theo, tức từ dòng 18 đến 20, lại có ý hơi giống với phần đầu của bút tích đề ngày 1.4. 

Trang 237 bản in

1.    Nếu theo mạch ngày tháng thì phần bút tích in ở trang bìa thuộc ngày 1.4 và 5.4 năm 1970. Tuy nhiên ở sách in thì từ ngày 30.3.70 và tiếp đến là ngày 9.4.70. Như vậy, đối với người đọc bình thường, không cần phải phân tích về nội dung cũng dễ dàng nhận thấy rằng phần bút tích in ở trang bìa hoàn toàn không có trong sách in. Đầu tiên, tôi nghĩ là có lẽ do người biên tập bỏ sót, bởi vì phần I, quyển một, năm 1968 được bắt đầu từ ngày 8.4.68; tuy nhiên, dựa vào câu: “…bây giờ Th. đã là một cán bộ dày dạn trong khói lửa” và một số ý khác trong nội dung của bút tích thì thấy rằng những dòng chữ này không thể được viết vào năm đầu tiên va chạm với chiến trường.

Tóm lại, phần bút tích này đã bị “biên tập” rất nhiều, bị cắt bỏ hẳn phần viết ngày 5.4, bị làm biến dạng phần viết ngày 1.4 và lồng vào nội dung của ngày 30.3.70. Chúng ta cần xem lại lời nói đầu của Nhà xuất bản/ Ban biên tập: “Trong quá trình biên soạn và chỉnh lý, chúng tôi cố gắng tôn trọng nguyên bản câu văn cũng như những thói quen dùng từ và ngữ pháp của tác giả”

Điểm sai lệch nêu trên đã khiến tôi quan sát lại tất cả các bút tích được trích in. Theo nhận định chủ quan sau khi so sánh và phân tích, tôi xếp các bút tích này làm ba loại: 

1. BT1: Bút tích ở trang bìa sách, trang 74, trang 187 và trang 289 (bìa quyển vở năm 1970, bản chụp của Fred) 

Bút tích ở trang 74

Bút tích ở trang 187


2. BT2: Bút tích ở trang 71 

3. BT3: Bút tích ở trang 32 và trang 204 

Bút tích ở trang 204

Điểm khác biệt dễ nhận thấy là ở trang bìa quyển vở “Nhật ký 1970 Xuân Canh Tuất”, trong phần ảnh tư liệu in ở trang 289 (do Fred cung cấp) không có ghi lời Hoàng Văn Thụ, trong khi cũng bìa quyển vở này in ở trang 204 thì thấy có tên liệt sĩ “Đặng Thuỳ Trâm” và 8 dòng ghi lời Hoàng Văn Thụ với chú thích của Ban biên tập: “Ảnh chụp trang nhật ký do Đặng Thuỳ Trâm viết”. Ở bìa quyển vở “Nhật ký 1970 Xuân Canh Tuất” in ở trang 204 này, chúng ta rất dễ nhận thấy sự khác biệt giữa hai loại nét chữ, một quá chân chất và một quá bay bướm, đẹp gần như chữ viết trên các loại văn bằng. 

Khi so sánh 3 loại bút tích đã nêu, ta thấy ở ngay tại một trang in 204 đã có 2 loại nét chữ của BT1 và BT3, dòng chữ “Đặng Thuỳ Trâm” và dòng chữ ”Xuân Canh Tuất” gần cạnh nhau là điểm mà ta dễ so sánh nhất. Nhìn tổng thể, ở BT3 có các điểm đặc biệt dễ thấy là các chữ viết hoa rất cân đối; chữ g thường có đuôi vút cao; các dấu ngã có điểm dừng theo xu hướng đi xuống; và khoảng cách các chữ rất đều đặn. Ở BT2 (sách in, trang 71) nét chữ của các chữ viết hoa cấu tạo theo một kiểu khác; chữ g thường được bỏ lửng; có các chữ được viết hoa theo nguyên tắc chữ in; các chữ có khoảng cách không đều nhau. Ở BT1 có các chữ viết hoa không đều; đa số các chữ T hoa ở đầu câu đều viết như chữ in; chữ g có đá lên nhưng không kéo dài và vút cao mà có xu hướng đi xiên thẳng; dấu ngã có đuôi đi lên; khoảng cách các chữ không đều. 

Sự so sánh vừa nêu trên đây chỉ là qua quan sát của một người đọc bình thường, không phải là cách làm việc của một chuyên gia nghiên cứu về bút tích. Tôi rất mong những điểm mình nêu ra được nhiều người kiểm chứng, bởi dù sao đó chỉ là cái thấy của cá nhân, chưa hẳn đã chính xác. Tôi rất mong có sự chứng minh rằng, 3 loại bút tích ấy chỉ là một, chẳng qua đó chỉ là sự biến đổi do sự biến đổi của trạng thái tinh thần mà ra. 

Trở lại việc “biên soạn” nhật kí Tài hoa ra trận của nhà thơ Đặng Vương Hưng, tôi nhớ có lần Giả Bình Ao nói: “Tản văn là tản văn”. Ông Đặng Vương Hưng có lẽ cũng nên nương theo đó mà nghĩ rằng: “Nhật ký là nhật ký”; việc “biên soạn” nhật ký của người khác là một việc thừa, trong một số trường hợp nó còn là một việc làm tội lỗi. Tôi nghĩ rằng, từng dòng từng chữ của những người đã xả thân vì lý tưởng ấy linh thiêng và đẹp hơn tất cả mọi ngôn từ. Người đọc như chúng tôi cần đọc cái tinh thần của thời ấy chứ không màng đến sự dời đổi trau chuốt của ngưòi thời nay đâu. 

Tháng 9. 2005 

---------------------------------

Phụ lục của Tễu Blog: 

1- Về cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, xin xem tại đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%ADt_k%C3%BD_%C4%90%E1%BA%B7ng_Th%C3%B9y_Tr%C3%A2m

2. Nhật ký Đặng Thùy Trâm - Bản gốc. Quyển 1

3. Nhật ký Đặng Thùy Trâm - Bản gốc. Quyển 2







No comments:

Post a Comment

View My Stats