Wednesday, 8 January 2025

NÊN ƯU TIÊN CHUYỂN THÀNH MỘT CUỘC CÁCH MẠNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH (Trần Văn Chánh / Báo Tiếng Dân)

 



Nên ưu tiên chuyển thành một cuộc cách mạng thủ tục hành chính

Trần Văn Chánh

08/01/20

https://baotiengdan.com/2025/01/08/nen-uu-tien-chuyen-thanh-mot-cuoc-cach-mang-thu-tuc-hanh-chinh/

 

Theo dõi công cuộc cải cách chính trị ở Việt Nam, thấy rõ việc giải quyết “điểm nghẽn” dưới dạng cải cách thể chế (chính trị-kinh tế) mà nhân vật Tổng Bí thư hăng hái nêu ra ban đầu, nhưng có lẽ vì lý do tế nhị, đã được chuyển màu khéo thành “tinh gọn bộ máy tổ chức”, để tiết giảm ngân sách cần tập trung nhiều hơn cho đầu tư phát triển.

 

Nếu làm được vậy thì cũng khá tốt, đáng gọi là cách mạng, mà ai ai có đầu óc tiến bộ tất thảy cũng đều hoan nghênh. Nhưng khổ nỗi, không đơn giản, vì phải đối phó với hàng loạt khía cạnh phức tạp của vấn đề trước một bộ máy xơ cứng, trì trệ hàng bao năm, đã trở thành một thứ văn hóa-tập quán mới méo mó của dân Việt, do thực tế lịch sử xây dựng CNXH và do chính cái mà ta có thể gọi là điểm nghẽn của điểm nghẽn của điểm nghẽn gây ra. Cái điểm nghẽn đầu tiên mà cũng là cuối cùng này, vì lý do tế nhị, xin không nêu rõ nhưng ai cũng có thể suy đoán ra được.

 

Trên thực tế, chính cái lò XHCN đã đào tạo nên những con người hư hỏng, thói ăn bám ỷ lại nhà nước, mà hễ cán bộ lãnh đạo cấp càng cao thì càng dễ bị tha hóa, nếu không muốn nói hầu hết đều phạm tội tham nhũng ở những mức độ và hình thái khác nhau, như mọi người đều thấy. Trong trường hợp này, “đốt lò” bắt buộc phải làm nhưng chỉ nên coi là giải pháp tạm thời.

 

Ngoài ra, dư luận còn thắc mắc/ bắt bẻ khi nghe người đứng đầu đất nước tuyên bố nhiều ý tưởng rất hay, có vẻ rất sốt ruột và đầy thành ý muốn thực hiện gấp kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhưng hầu như không nghe nói gì đến việc mở rộng dân chủ trong xã hội dân sự; trái lại, dường như còn muốn kiểm soát/ siết chặt thêm, thể hiện qua việc tiếp tục bắt bớ những tiếng nói trái chiều, cũng như không chịu tự do cho những người bất đồng chính kiến đang bị ngồi tù vì các điều khoản 117 và 331 của bộ luật hình sự. Còn việc phóng thích vài ba nhân vật (như Trần Huỳnh Duy Thức…) hồi mấy tháng trước vì lý do trao đổi ngoại giao, chẳng qua chỉ là một trò dỏm đời truyền thống lâu nay của đảng CSVN chứ chẳng hề có thực tâm đổi mới…

 

Nói chung, dù thuộc thành phần cấp tiến (mà TBT hiện nay là đại diện) hay bảo thủ, dường như phe nào cũng rất sợ cụm từ “diễn biến hòa bình” (kiểu sợ của Trung Quốc mà Việt Nam rút kinh nghiệm rất kỹ), nên một nghi vấn có thể đặt ra là: Cải cách thể chế là do tình thế bắt buộc, chủ yếu để bảo vệ chế độ chính trị hiện hữu, hay để đạt mục đích cuối cùng, vì quyền lợi của nhân dân?

 

Tổng quát thì bất kỳ một cuộc cải cách kinh tế-chính trị nào cũng đều bị rất nhiều lực cản từ các nhóm bảo thủ mà địa vị – quyền lợi của họ đã gắn chặt vào cái cũ. Trong lịch sử Trung Quốc đã có một thí dụ rất sinh động, liên quan đến cuộc phát động “tân pháp” (cách mạng, cải cách, đổi mới) của nhân vật tể tướng Vương An Thạch (1021-1086) đời Tống. Bấy giờ vua Thần Tông đứng sau lưng hết lòng ủng hộ, nhưng trước sự phản ứng kịch liệt của phe bảo thủ (đứng đầu là Tư Mã Quang, một quan lại trí thức-nhà sử học nổi tiếng), nhà vua buộc lòng phải cho họ Vương “được xin thôi chức” (chứ không kỷ luật cảnh cáo…).

 

Còn nhớ, hồi 2014, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng đưa ra một thông điệp đầu năm mới cho toàn dân, toàn đảng về cải cách thể chế (khéo tránh nói huỵt toẹt hai chữ “chính trị” sau từ “thể chế”), nhưng rồi cũng không đi đến đâu, và có một số trí thức ủng hộ bản thông điệp, ngờ rằng rất có thể thông điệp tiến bộ này chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông Thủ tướng sớm lui về “làm người tử tế” từ năm 2016!

Đối với một người có đầu óc cấp tiến, thực tâm muốn cải cách kinh tế-chính trị, một vài kinh nghiệm lịch sử xương máu không thể xem thường!

 

Thật ra, không phải ai bảo thủ cũng là người xấu hơn kẻ cấp tiến, vì trong thể chế XHCN kiểu Việt Nam thì ai cũng như ai. Vấn đề chỉ là ở nhận thức, quan điểm và tầm nhìn, từ đó đưa ra chủ trương và biện pháp đổi mới (= sửa sai) hữu hiệu mà thôi. Có không ít người về mặt đạo đức cá nhân thì khá tốt, không tham nhũng, nhưng vì bị nhồi sọ và “ngu lâu” nên họ cũng không nhiệt tình với công cuộc cải cách.

 

Vì vậy, có lẽ cũng không nên nóng vội, “vừa chạy vừa xếp hàng”, vì dục tốc tất bất đạt.

Muốn vô hiệu hóa dần dần lực cản của các thế lực bảo thủ, người đứng đầu cải cách rất cần sự ủng hộ của toàn thể nhân dân. Nói cách khác, phải thu phục nhân tâm bằng những việc làm cụ thể, liên quan đến đời sống thực tế hàng ngày của người dân, như về giáo dục, y tế, giao thông công cộng, và đặc biệt về các thủ tục hành chính, vốn lâu nay bị mang tiếng “hành dân là chính”, khiến cho mọi người thường dân (kể cả các doanh nghiệp) đều phải “trào nước mắt” khi có việc cần tiếp xúc với chính quyền để làm các thủ tục giấy tờ. Điểm nghẽn này cũng là nguyên nhân chính của tệ nạn đút lót phổ biến toàn quốc.

 

Người dân thường đánh giá một chính phủ tốt hay xấu thông qua những việc cụ thể dính dáng đến sinh hoạt hàng ngày của họ, và họ có được thoải mái hay không, chứ chẳng quan tâm gì đến những vấn đề thuộc ý thức hệ. Theo hướng nhìn thực tế cận nhân tình này, nếu xét về mặt thu phục nhân tâm, nghị định 168 áp dụng vừa rồi tăng cường xử phạt giao thông là cần thiết, trước sau cũng phải làm, nhưng đưa ra ngay trong lúc này làm xôn xao kinh động toàn dân là không hợp thời điểm, vì dễ bị hiểu lầm, gây cản trở thêm cho những mục tiêu lớn hơn về cải cách thể chế.

 

Nên chi, đã giảm “cải cách điểm nghẽn thể chế” thành “tinh gọn bộ máy tổ chức”, thì giờ đây nên giảm xuống thêm một bực nữa, đó là biến thành một cuộc cách mạng triệt để về thủ tục hành chính, vừa không tốn kém đồng xu nào mà còn tiết kiệm được nhiều thứ, mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực và tiếng tốt lâu nay đã bị mất của nhà đương cuộc.

 

Cách mạng thủ tục hành chính làm cho bộ máy công quyền chạy đều theo những nguyên tắc nhất định của ngành chuyên môn sẽ giúp cho mọi việc của cả dân lẫn cán bộ phụ trách trở nên trơn tru, trót lọt, mà không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào của các chi bộ đảng, cũng là một cách đơn giản đổi mới sự lãnh đạo của Đảng…

 

Các nguồn tin chính thức cho biết, Chính phủ định hướng sáp nhập Học viện Hành chính Quốc gia vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng chủ trương sáp nhập này là một sai lầm nghiêm trọng, vì lẽ ra phải làm ngược lại: Sáp nhập Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vào Học viện Hành chính Quốc gia, thì mới phải. Bởi một lẽ đơn giản dễ hiểu, cùng với Ban tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lâu nay chính là cái lò đào tạo giáo điều, phun ra nhiều thứ nọc độc gây hại cho đất nước không biết bao nhiêu mà kể.

 

Nếu cuộc phát động cải cách của TBT hiện nay đang  bị cản trở một cách khéo léo (bằng mặt, không bằng lòng), thì một trong những lực cản lớn rất có thể chính là xuất phát từ chỗ này, của những người bảo hoàng hơn vua, vốn được đào tạo để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin đến cùng.

 

Nói cách khác, phải duy trì và tôn Học viện Hành chính Quốc gia lên để đào tạo và bổ nhiệm những con người chuyên môn về hành chính, hiểu như một ngành khoa học, rồi chia ra phụ trách công việc tại các công sở ở cấp quận, huyện. Còn cách làm cụ thể thế nào, liên quan chương trình đào tạo và cách bổ nhiệm con người, thì có thể đơn giản giao cho chuyên gia nghiên cứu, tham khảo có châm chước (cho hợp thời đại kỹ thuật số) cách làm của Trường đại học Quốc gia hành chính của thời VNCH ở miền Nam khi trước, là được.







No comments:

Post a Comment

View My Stats