Thursday, 14 March 2024

TRIỂN LÃM TẠI BẢO TÀNG CERNUSCHI : PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG TRANH CỦA CÁC HỌA SĨ NHỮNG NĂM 1930 (Chi Phương / RFI)

 



Triển lãm tại Bảo tàng Cernuschi: Phụ nữ Việt Nam trong tranh của các họa sĩ những năm 1930

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 13/03/2024 - 14:40

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-v%C4%83n-h%C3%B3a/20240313-h%C3%ACnh-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-vi%E1%BB%87t-nam-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-h%E1%BB%8Da-s%C4%A9-nh%E1%BB%AFng-n%C4%83m-1930

 

Triển lãm tại bảo tàng nghệ thuật châu Á Cernuschi ở Paris giới thiệu với công chúng ở Pháp những bức họa phụ nữ Việt của các nghệ sĩ thế hệ đầu tiên xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Các bức vẽ phụ nữ thể hiện những khát khao thay đổi, đánh dấu bước chuyển hiện đại của nghệ thuật Việt Nam : Đông-Tây kết hợp.

 

VIDEO : https://youtu.be/EEKWfzd_lNc

Triển lãm về tranh của các họa sĩ Việt về phụ nữ những năm 1930, tại bảo tàng Cernuschi, Paris, Pháp, ngày 07/03/2024. © Chi Phuong/ Musée Cernuschi

 

Khoảng 10 bức họa về phụ nữ Việt Nam, người thổi sáo, người nấu cơm, người chải tóc, của các danh họa như Mai Thứ và Phan Văn Chánh, hay Bùi Văn Âu,… thấm nhuần chủ nghĩa lãng mạn Pháp thế kỷ 19, được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật châu Á Cernuschi ở Paris (19/12/2023-17/03/2024). Họ là những sinh viên khóa đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hay Trường Mỹ thuật Gia Định. Dưới nét bút của các nghệ sĩ, những cô gái trong trang phục áo nâu hay áo dài, với dáng vẻ thanh thoát, thể hiện một sự hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại.

 

Các bức tranh được vẽ vào những năm 1930 chủ yếu là tranh lụa và in thạch bản, vốn là những loại chất liệu cần được bảo quản cẩn thận. Do vậy, bảo tàng Cernuschi cho biết không thể trưng bày các bức tranh đó quá 3 tháng mặc dù được đặt trong phòng điều hòa, có hệ thống hút ẩm và ít ánh sáng. Tất cả các tác phẩm tại triển lãm lần này đến từ các bộ sưu tập cá nhân hay từ người thân của họa sĩ tặng cho bảo tàng. Ví dụ như những tác phẩm của Mai Thứ do con gái của họa sĩ là Mai Lan Phương trao tặng, hoặc bức vẽ cô gái đội nón lá quai thao của Bùi Văn Âu đến từ Marcel Schneider, con trai của một quan chức cấp cao Nam Kỳ, hay toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh là quà tặng của Jacques-Paul Dauriac, mà ông nội từng là Giám đốc Bưu chính Đông Dương.

 

Anne Fort, giám tuyển của triển lãm, chuyên gia về nghệ thuật Việt Nam, nhận định đó là những bức vẽ mà ngày nay được định giá lên đến hàng trăm ngàn euro, nhưng mục đích của bảo tàng là “làm sao đưa các tác phẩm nghệ thuật này đến với đông đảo công chúng” một cách miễn phí.

 

RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn bà Anne Fort, giám tuyển của triển lãm, để hiểu rõ hơn về những lựa chọn của bảo tàng cũng như các tác phẩm của các nghệ sĩ lấy phụ nữ làm chủ thể chính.

 

                                                         ***


 

RFI : Tại sao bảo tàng lại chọn chủ đề về hình ảnh phụ nữ được các họa sĩ những năm 1930 thể hiện ?

 

Anne Fort : Trên thực tế, đã có một làn gió hiện đại thổi qua Việt Nam trong giai đoạn này, với nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Việt từ cuối thế kỷ 19. Lúc đó, các học giả Việt Nam, thường theo chủ nghĩa hiện đại, muốn tận dụng những kiến thức từ phương Tây, qua Pháp để tìm phương cách hiện đại hóa đất nước, nhằm giành được độc lập. Trong phong trào hiện đại hóa này, phụ nữ có một vị trí đặc biệt. Lúc đó, chúng ta có thể thấy phong trào giải phóng phụ nữ được thể hiện qua các cuốn tiểu thuyết, mang tính cá nhân, hoặc những người phụ nữ tìm kiếm tình yêu cho chính mình.

 

Điều thú vị ở đây đó là sự hiện đại được thể hiện qua trang phục truyền thống. Trước đó, áo dài thường là dáng rộng, nhưng từ những năm 1930, trang phục này được may sát vào cơ thể phụ nữ, để nêu bật hơn hơn hình dáng và các đường nét. Không ai biết rõ người nào đã tạo ra khuynh hướng này, nhưng nhiều học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc thế hệ của Mai Thứ hay Nguyễn Phan Chánh, khẳng định chính họ là những người đã phát minh ra loại áo dài kiểu dáng mới, qua các bức vẽ của họ những năm 1930. Và cũng kể từ đó mà người ta thấy nhiều bức vẽ phụ nữ mặc áo kiểu cách tân.

 

 

https://s.rfi.fr/media/display/72f280c6-e13b-11ee-9144-005056a97e36/C04381.webp

Anne Fort, giám tuyển, chuyên gia về nghệ thuật Đông Nam Á tại bảo tàng nghệ thuật châu ÁCernuschi, Paris, Pháp, ngày 07/03/2024. © Chi Phuong

 

 

RFI : Phong cách của các họa sĩ trong giai đoạn này có gì đặc biệt ?

 

Anne Fort : Các họa sĩ trong giai đoạn này là những người Việt đầu tiên theo học nghệ thuật phong cách châu Âu, tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hay Trường Mỹ thuật Gia định. Có thể thấy rằng họ đã nhanh chóng tiếp nhận kiến thức mới và tạo ra một phong cách riêng rất Việt Nam. Và thật kỳ lạ, đó là phụ nữ chiếm 80 % các chủ đề được lựa chọn. Các bức vẽ được đóng khung, thay vì là những loại tranh cuộn như trước kia.

Các họa sĩ đã thể hiện được sự pha trộn Đông Tây một cách rõ ràng, đặc biệt là trong tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh, được đóng khung kiểu phương Tây nhưng lại là tranh lụa, vốn là nét đặc trưng của hội họa châu Á. Người mẫu là châu Á, nhưng lại có vóc dáng đậm đà, theo phong cách của châu Âu.

 

.

RFI : Tại sao phụ nữ lại được lựa chọn làm chủ thể chính trong các bức vẽ ?

 

Anne Fort : Bởi vì cho đến thời điểm đó, phụ nữ không được phác họa trong những bức vẽ vô danh như vậy ở Việt Nam. Về mặt truyền thống, tại một đất nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử, các bức chân dung thể hiện địa vị xã hội. Người ta có thể thấy các bức chân dung để thờ cúng tổ tiên, hoặc các bức họa đàn ông hay phụ nữ trong tư thế uy nghiêm, vẻ mặt khá nghiêm nghị, thường là thuộc giới quý tộc, quyền quý, hay những bức tranh trong các đền chùa vẽ những vị thần linh… Trong gian triển lãm này, phải nói rằng tất cả các bức vẽ đều thể hiện những người phụ nữ vô danh, với những nét đẹp duyên dáng vốn có. Các họa sĩ có tư tưởng nghệ thuật vị nghệ thuật, nên đơn giản là muốn vẽ về phụ nữ, vẽ về cái đẹp. Đó là một nét hiện đại.

 

.

RFI : Thế nào là những phụ nữ vô danh, bà có thể giải thích thêm được không ?

 

Anne Fort : Mọi người có thể thấy trong các tác phẩm này là ánh mắt của các cô gái đều không hướng về phía người xem. Họ dường như đều chìm đắm trong suy nghĩ của riêng họ, như thể là đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác. Điều này cho thấy các họa sĩ Việt chỉ trong vài năm đã hiểu phong cách của các bức họa kiểu phương Tây, tức là những bức vẽ giống như một cánh cửa mở ra một thế giới khác không tồn tại, mà người xem có thể tưởng tượng. Điều này được thể hiện qua khoảng cách của ánh nhìn xa xăm như trong thiền định của mỗi phụ nữ trong tác phẩm của họ.

 

VIDEO : https://youtu.be/EEKWfzd_lNc

Triển lãm về tranh của các họa sĩ Việt về phụ nữ những năm 1930, tại bảo tàng Cernuschi, Paris, Pháp, ngày 07/03/2024. © Chi Phuong/ Musée Cernuschi

 

 

RFI :Trong một xã hội mang đậm tư tưởng Khổng Tử mà vị trí của phụ nữ không được coi trọng, phải chăng khi chọn vẽ về phụ nữ, các họa sĩ cũng thể hiện một mong muốn gì đó ?

.

Anne Fort : Có hai lý do giải thích tại sao phụ nữ lại xuất hiện nhiều trong các sáng tác của các họa sĩ giai đoạn này. Thứ nhất là vì Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lúc đó đã đưa phụ nữ vào làm mẫu trong các tiết học, nên họ có thể tự do khai thác chủ thể này.

Ngoài ra, có khả năng là khi đưa phụ nữ làm chủ thể trong các tác phẩm của mình, các họa sĩ Việt trong giai đoạn này muốn thể hiện khát vọng thay đổi xã hội, cố gắng cởi mở hơn, hướng tới những giá trị bình đẳng hơn và trao cho phụ nữ một vị trí xứng đáng. 

 

.

RFI : Dường như triển lãm muốn tạo một điểm nhấn đối với những tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh. Vị họa sĩ này có gì đặc biệt ?

 

Anne Fort : Nguyễn Phan Chánh là họa sĩ chưa từng đến Pháp và chỉ sống ở Việt Nam. Thế nhưng, những năm 1930, các bức tranh của ông được giám đốc của trường mỹ thuật mà ông theo học gửi đến Paris, quảng bá các tác phẩm của các học sinh nhằm tiếp cận thị trường.

 

Ông đã đạt được rất nhiều thành công. Lần đầu tiên tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh được trưng bày ở Pháp là nhân cuộc triển lãm thuộc địa năm 1931, ở Bois de Vincennes, Paris. Có nguồn tin cho biết ông là người đã bán được nhiều tranh nhất tại đó. Nguyễn Phan Chánh nổi tiếng vì đã tạo ra được một sự pha trộn thú vị giữa một phụ nữ tâm hồn Việt, với tông màu nâu trầm. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thường muốn truyền tải tính cách khiêm tốn của người dân Việt trong các tác phẩm của mình. Ông thường vẽ cảnh phụ nữ làm việc, nhưng lại không tạo ra một bối cảnh hay bố cục rộng, mà thay vào đó, tạo chiều sâu cho bức tranh, với những hậu cảnh là các đường nét ngang dọc, có phần giống với các bức tranh truyền thống của châu Á.

 

Sau giai đoạn 1930, Nguyễn Phan Chánh tiếp tục sáng tác tại Việt Nam. Ông đã nắm giữ một vị trí quan trọng một ủy ban nghệ thuật của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Lúc đó, ông tiếp tục vẽ về phụ nữ dù ít vẽ cận cảnh hơn, những đó vẫn là những người phụ nữ làm việc, người phụ nữ của nhân dân, ví dụ như những bức vẽ các cô gái tiếp nhận ca trực canh gác…

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Pháp và sự hình thành mỹ thuật hiện đại Việt Nam

 

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Danh họa Mai Thứ và duyên nợ với Mâcon

 

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Dấu ấn của Mai Thứ tại nhà thờ Thánh Phêrô ở Mâcon






No comments:

Post a Comment

View My Stats