Thêm bằng
chứng cho thấy chính trị Trung Quốc ngày càng khép kín
Katsuji
Nakazawa | Nikkei
Asia
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
Tập
ủng hộ ‘mở cửa với tiêu chuẩn cao’ nhưng chế độ của ông lại đang đi thụt lùi.
Chính trị
Trung Quốc lại một lần nữa rút vào hộp đen.
Thủ
tướng Lý Cường dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 11/03/2024, sau khi
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, bế mạc kỳ họp thường
niên. Tuy nhiên, theo một thông báo chính thức trước thềm kỳ họp Quốc hội, cuộc
họp báo của thủ tướng đã bị loại khỏi chương trình nghị sự.
Và
không chỉ trong năm nay. Theo một phát ngôn viên của Quốc hội, các cuộc họp báo
thường niên của thủ tướng, một thông lệ kéo dài hàng chục năm qua, có thể sẽ
không được tổ chức cho đến Đại hội Toàn quốc tiếp theo của Đảng Cộng sản Trung
Quốc vào năm 2027, khi nhiệm kỳ Tổng Bí thư 5 năm hiện tại của Chủ tịch Tập Cận
Bình kết thúc.
Trong
lúc Tập thâu tóm quyền lực vào tay mình, Trung Quốc dường như đang từ bỏ nỗ lực
cải thiện mức độ cởi mở và quay trở lại con đường chính trị khép kín như trước
cuộc đàn
áp sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989.
Quá
trình mở cửa đất nước, dựa trên những cải cách được khởi xướng vào cuối những
năm 1970 dưới thời lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, đã lên đến đỉnh cao vào những
năm 1980.
Chủ
tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường trò chuyện tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc
hội tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 5/3. (Ảnh của Mizuho Miyazaki)
Cùng
lúc đó, đằng sau hậu trường, một cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt trong nội
bộ đảng đã diễn ra giữa phe cải cách và phe bảo thủ, trong đó phe cải cách muốn
mở cửa đất nước hơn nữa, còn phe bảo thủ thì cố gắng duy trì khuôn khổ của nền
kinh tế kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa.
Chính
trong hoàn cảnh đó mà vào tháng 4/1988, Lý Bằng, người vừa được thăng chức thủ
tướng, đã tổ chức một cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội hàng năm, trở thành
thủ tướng Trung Quốc đầu tiên làm như vậy.
Lý Bằng, người qua đời năm
2019 ở tuổi 90, đã nổi lên trong chính trường Trung Quốc nhờ khuynh hướng bảo
thủ mạnh mẽ của mình. Nói trắng ra thì ông không được lòng công chúng.
Tuy
nhiên, chính sách cải cách và mở cửa đã giao cho ông nhiệm vụ giải thích cho
khán giả trong nước và quốc tế về các cuộc thảo luận kinh tế diễn ra trong Quốc
hội. Do đó, ông cần phải làm cho Trung Quốc có vẻ cởi mở hơn với thế giới bên
ngoài, và cuộc họp báo thường niên đã trở thành sân khấu của ông.
Một
năm sau, Lý Bằng tiếp tục tổ chức họp báo, ngay trước khi chính quyền đàn áp
các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ở
Bắc Kinh vào ngày 4/6. Ông cũng tổ chức cuộc họp báo vào năm sau, tức mùa xuân
năm 1990.
Việc
thủ tướng tổ chức họp báo thường niên thực sự là một thủ tục, một động thái nhỏ
nhưng quan trọng, nhằm thay đổi chính trị hậu trường của đảng để đáp ứng yêu cầu
của công chúng.
Con
đường đã trở nên rõ ràng hơn vào năm 1993, khi cuộc họp báo của thủ tướng tại
Quốc hội chính thức trở thành thông lệ.
Cuộc
họp báo đầu tiên vào năm 1988 có sự khác biệt đáng kể so với các cuộc họp được
tiến hành trong những năm gần đây.
Lý
Bằng đã bị các nhà báo nước ngoài chỉ trích vì lập trường bảo thủ và sự khác biệt
trong cách định hướng chính sách kinh tế giữa ông so với cấp trên của mình, Tổng
Bí thư Triệu
Tử Dương, một nhà cải cách hàng đầu.
Lý
Bằng, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, có bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp
thường niên vào ngày 5/3/2002 tại Bắc Kinh. (Ảnh tư liệu của AP)
Sau
một lúc loay hoay tìm câu trả lời, Lý cuối cùng nói với các phóng viên: “Hai
chúng tôi đang thảo luận rất nhiều để đưa ra các quyết định chính sách, và
không hề có khác biệt về quan điểm như báo chí nước ngoài đưa tin.”
Câu
trả lời của Lý phản ánh hệ thống lãnh đạo tập thể mà Trung Quốc đang ủng hộ vào
thời điểm đó. Nếu không có các cuộc họp báo như vậy cho đến năm 2027, thì thế
giới sẽ đánh mất một cơ hội quý giá để hiểu thêm về thực tế chính trị Trung Quốc
thông qua những màn hỏi đáp cởi mở.
Lý
Bằng đã đưa ra nhiều nhận xét đáng chú ý khác tại các cuộc họp báo của mình.
Chúng cho thấy sự lo ngại về Liên Xô, quốc gia mà 9 năm trước đó đã xâm lược
Afghanistan. Bắc Kinh kêu gọi Moscow rút toàn bộ quân khỏi nước này và Lý đã nhắc
lại lời kêu gọi đó. “Chúng tôi hy vọng họ sẽ thực hiện [yêu cầu của chúng
tôi],” ông nói.
Sự
tương phản với giai đoạn hiện tại thật rõ ràng. Bắc Kinh hiện đứng về phía Nga,
chưa hề chỉ trích đồng minh về việc xâm lược Ukraine.
Sang
tháng 3/1998, Chu Dung Cơ với tư tưởng cải cách đã được chọn để đảm nhận vị trí
thủ tướng thay Lý Bằng, người đã trở nên cực kỳ không được lòng dân do vai trò
của ông trong vụ Thiên An Môn.
Chu
đã thể hiện khả năng phát biểu rành mạch và sắc sảo tại cuộc họp báo đầu tiên
sau kỳ họp Quốc hội và tiếp tục cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Trung
Quốc, quốc gia gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào đầu thế kỷ 21, khi đó
đang tận hưởng thời kỳ hoàng kim với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kéo dài suốt
30 năm, một phần nhờ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giải thích các vấn đề nội bộ của
Trung Quốc càng nhiều càng tốt.
Sự
cởi mở này tuy còn cách xa tiêu chuẩn của thế giới tự do, nhưng lại là động lực
thúc đẩy ba thập niên vàng son của Trung Quốc.
Tuy
nhiên, Trung Quốc lại đang bắt đầu đóng cửa, quay trở lại tình trạng trước cuối
những năm 1980.
“Có
thể nói rằng tất cả các thông lệ cũ đã bị phá bỏ trong thời đại mới của Tập,” một
nguồn tin từ Trung Quốc nhận định, và còn nói thêm rằng Thủ tướng Lý Cường chỉ
là “một thư ký” trong văn phòng ban thư ký của Tập Cận Bình.
Nguồn
tin cho biết, cuộc họp báo của Lý Cường với các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới
đã bị hủy bỏ vì “việc xuất hiện và phát biểu với vai trò hàng đầu tại một sự kiện
cấp cao như vậy được cho là không phù hợp với cấp bậc của ông ấy.”
Vấn
đề là ngoài Tập, tất cả các thành viên khác trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ
quan ra quyết định hàng đầu của đảng, giờ đây có vai trò chỉ nhỉnh hơn các thư
ký của nhà lãnh đạo.
Trong
một diễn biến mang tính biểu tượng, một bản tin vào cuối tháng 2 cho biết các
thành viên Bộ Chính trị “đã gửi báo cáo công tác của họ” cho Tập.
Hàm
ý rất rõ ràng: hệ thống lãnh đạo tập thể lâu đời của Trung Quốc đã sụp đổ. Cơ cấu
mới bao gồm một ông chủ và các cấp dưới của ông ta. Thủ tướng Lý Cường, nhân vật
đứng thứ 2 của Thường vụ Bộ Chính trị, là một trong các cấp dưới. Ông chỉ được
coi là một trong 24 thành viên Bộ Chính trị.
Trong
vòng tròn quyền lực cao nhất của Trung Quốc, có một sự đồng thuận rằng Tập
chính là người đưa ra quyết định sau cùng trong gần như mọi vấn đề và chính
sách quan trọng, thậm chí cả trong lĩnh vực kinh tế, vốn trước đây thuộc thẩm
quyền của Thủ tướng.
Việc
hủy bỏ cuộc họp báo của Thủ tướng Lý Cường cũng liên quan đến tình hình kinh tế
khó khăn của Trung Quốc. Trong vài năm qua, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước
này đã tăng cao đến mức chính quyền không còn công bố số liệu nữa. Bên cạnh đó,
một số chính quyền địa phương đang đứng trên bờ vực phá sản tài chính và gặp
khó khăn trong việc trả lương cho công chức.
Hôm
thứ Ba, tại Quốc hội, Lý đã trình bày báo cáo công tác của chính phủ, báo cáo đầu
tiên của ông trên cương vị thủ tướng. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế “khoảng 5%”
cho năm 2024 đã được công bố, không thay đổi so với năm ngoái. Ngoài ra, ông
cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt dài hạn
trong những năm tới để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn vốn.
Thủ
tướng Lý Cường trình bày báo cáo công việc tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu
Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5/3. (Ảnh của
Mizuho Miyazaki)
Lý
chủ yếu liệt kê những thách thức của Trung Quốc và đưa ra các chính sách truyền
thống.
Liên
quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản, Thủ tướng đã không đề cập đến bất kỳ giải
pháp hiệu quả nào được quốc tế công nhận. Điều này đang dẫn đến thất vọng lan rộng
trong một số thị trường.
Nếu
Lý tổ chức một cuộc họp báo trong hoàn cảnh hiện tại, chắc chắn ông sẽ phải đối
mặt với hàng loạt câu hỏi về nền kinh tế suy yếu từ các nhà báo nước ngoài. Bất
kỳ câu trả lời mơ hồ nào cũng sẽ làm dấy lên mối lo ngại về thị trường Trung Quốc.
Các
phóng viên tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 5/3. Lần đầu tiên kể từ
những năm 1980, họ không được phép đặt câu hỏi cho thủ tướng. (Ảnh của Mizuho
Miyazaki)
Tuy
nhiên, nhìn nhận việc hủy bỏ họp báo theo quan điểm ngắn hạn không khác gì cách
lý luận của kẻ “chỉ thấy cây mà chẳng thấy rừng.”
Các
nhà báo trong và ngoài nước đã mất đi cơ hội mỗi năm một lần được trực tiếp đặt
câu hỏi cho Thủ tướng Trung Quốc. Một thông lệ kéo dài hơn 30 năm đã biến mất,
như để đánh dấu sự quay trở lại của một cơ cấu chính trị khép kín.
Chính
quyền Tập vẫn tiếp tục ủng hộ tăng trưởng kinh tế ổn định thông qua “mở cửa với
tiêu chuẩn cao.” Nhưng liệu bước đi lùi hiện nay có mang lại lợi ích cho họ hay
không? Nhiều khả năng là không.
---------------
Katsuji
Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại
Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở
thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda
năm 2014.
Nguồn: Katsuji
Nakazawa, “Post-Tiananmen
‘openness’ fades from Chinese politics, ”Nikkei Asia, 07/03/2024
No comments:
Post a Comment