Monday 11 March 2024

PHIÊN TÒA ĐẠI ÁN BẮT ĐẦU; BỘ TRƯỞNG SA CƠ (Trọng Phụng / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Phiên tòa đại án bắt đầu; bộ trưởng sa cơ

Trọng Phụng  -  Luật Khoa Tạp Chí     

MAR 9, 2024

https://www.luatkhoa.com/2024/03/tuan-tin-luat-khoa-phien-toa-dai-an-bat-dau-bo-truong-sa-co/

 

Như đã bật mí trong thư đầu năm, Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu một sản phẩm nội dung mới: Tuần tin Luật Khoa. Chúng tôi mời bạn - với tư cách là độc giả trả phí - trải nghiệm và đánh giá sản phẩm mới này.

 

Đây là dạng bản tin nhằm tóm lược các sự kiện thời sự đáng chú ý trong tuần. Chủ trương của chúng tôi là đưa tin trung thực, đa chiều, và không tự kiểm duyệt.

 

Mời bạn tham gia một khảo sát nhỏ để giúp Luật Khoa hoàn thiện sản phẩm này.

 


 

⬇️ Các sự kiện nổi bật:

·        Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án SCB

·        Bộ Công an coi hai tổ chức hỗ trợ người Thượng là “khủng bố”

·        Đảng Cộng sản xem xét kỷ luật Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

·         


 

 

Bắt đầu xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án SCB

Tuần này, phiên xét xử sơ thẩm vụ án SCB bắt đầu vào ngày 5/3 tại Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và dự kiến kéo dài tới ngày 29/4, theo báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. 

·        Có tất cả 86 bị cáo - trong đó có bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) - bị xét xử về các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và nhiều tội danh khác liên quan tới hoạt động tín dụng, ngân hàng trong vụ án Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

·        Bà Trương Mỹ Lan là cổ đông chính của SCB với 91,5% tổng số cổ phần.

·        Hãng tin Reuters gọi đây là vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và nếu chứng minh được thì sẽ trở thành một trong những vụ lừa đảo lớn nhất châu Á, với quy mô lên tới 12 tỷ USD.

 

 

Bộ Công an liệt hai tổ chức hỗ trợ người Thượng là “khủng bố”

Ngày 6/3, Bộ Công an ra thông báo cáo buộc hai tổ chức Nhóm Hỗ trợ người Thượng - MSSG (có trụ sở tại Hoa Kỳ) và Người Thượng vì công lý - MSFJ (có trụ sở tại Thái Lan) “đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố”.

·        Bộ Công an nêu cảnh báo: người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ, v.v của hai tổ chức trên là phạm tội “khủng bố”, “tài trợ khủng bố” và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

·        Cùng ngày, trả lời RFA tiếng Việt, đại diện hai tổ chức trên đều bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Bộ Công an “vu khống” và khẳng định họ chỉ hoạt động một cách ôn hòa. 

Đọc thêm: Người Kinh: Từ đồng chí cộng sản trở thành thế lực thực dân nội địa ở Tây Nguyên

 

 

Bộ Thông tin & Truyền thông: Dự kiến tăng mức phạt tiền với người nổi tiếng phát ngôn trái luật trên mạng

Chiều 6/3, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết Bộ này sẽ đề nghị chính phủ tăng mức phạt tiền và bổ sung các biện pháp xử phạt khác đối với các hành vi phát ngôn sai phạm trên không gian mạng. 

·        Theo ông Tự Do, hiện nay, mức phạt tiền 5-10 triệu đồng là không đủ sức răn đe đối với những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) có phát ngôn bị cho là lệch chuẩn, sai sự thật.

·        Bộ đang trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP, trong đó có các quy định về hoạt động phát ngôn trên không gian mạng. Dự kiến giữa năm 2024 nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành.

·        Nghị định 72 là một trong những văn bản pháp luật chủ chốt trong hoạt động kiểm soát Internet và bị nhiều chuyên gia, tổ chức phê phán.

·        Việt Nam là một trong những nước có môi trường Internet “không tự do” trên thế giới, theo Freedom House.

 

 

Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện

Sáng 7/3, tại thủ đô Canberra của Úc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Anthony Albanese thông báo nâng cấp quan hệ Việt Nam - Úc lên đối tác chiến lược toàn diện.

·        Hai bên thống nhất sáu phương hướng hợp tác bao gồm: làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp; tăng cường hợp tác kinh tế; trao đổi kinh nghiệm và giao lưu nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển chuyển đổi số; và tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.

·        Hàng năm, Úc tiếp nhận khoảng 1.000 người Việt trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam. 

·        Sau năm 1975, Úc là một trong những nước tiếp nhận thuyền nhân tị nạn nhiều nhất. Cuối năm 1982, số người Việt tại Úc là khoảng 60.000. Năm 2021, cộng đồng người Việt ở Úc đã lên tới gần 335.000 người, chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Sydney và Melbourne.

Đọc thêm: Thảm kịch thuyền nhân: 20 năm biển người giữa Biển Đông.

 

 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Xem xét kỷ luật Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Cơ quan này cho rằng vi phạm của ông Đào Ngọc Dung và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội liên quan tới Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đến mức phải xem xét kỷ luật, theo báo Thanh Niên.

·        Cụ thể, các đảng viên cấp cao này đã vi phạm các quy định của Đảng Cộng sản và pháp luật của nhà nước trong thực hiện gói thầu do AIC và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện. 

·        Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (sinh năm 1962) hiện là Ủy viên Trung ương Đảng. 

·        Ông Dung từng bị lập biên bản vì vi phạm quy chế thi tuyển sinh sau đại học với lỗi dùng giấy nháp không có chữ ký của giám thị. Thông tin này được truyền thông nhà nước đăng tải vào năm 2006, khi ông Dung còn là Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn. Hiện hầu hết các bản tin này đã bị gỡ.

 

 

Cựu tử tù Hàn Đức Long chưa nhận được tiền bồi thường

Bảy năm sau ngày được trả tự do và được xin lỗi công khai, cựu tử tù Hàn Đức Long (Bắc Giang) vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ nhà nước, theo báo Tuổi Trẻ ngày 2/3. Đại diện Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho hay, cơ quan đang đẩy nhanh quá trình giải quyết, mong cùng gia đình ông Long tìm được tiếng nói chung về khoản tiền này.

·        Trước đó, hồi tháng 05/2017, gia đình ông Long từng có đơn yêu cầu bồi thường oan sai với số tiền hơn 20 tỷ đồng.

·        Vụ án hiếp dâm, giết hại bé gái xảy ra tại huyện Tân Huyên (Bắc Giang) hồi tháng 06/2005 đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ. Ông Hàn Đức Long - người bị ghép tội tử hình, phải ngồi tù oan 11 năm. 

Luật Khoa từng có các bài viết phân tích, hồi ký dài kỳ của luật sư Ngô Ngọc Trai - người bào chữa cho ông Hàn Đức Long - về vụ án này. Mời bạn đọc tại đây

 


Tin vắn

 

Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm hơn ngày đã ấn định: Ngày 6/3, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có thể sẽ có hiệu lực sớm hơn so với ngày Quốc hội đã ấn định. Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội dời ngày có hiệu lực của các luật này từ 1/1/2025 thành tháng Bảy năm nay, nghĩa là sớm hơn sáu tháng so với luật đã thông qua, theo Báo Tin Tức.

 

Hà Nội thuộc nhóm những thành phố ô nhiễm nhất thế giới: Reuters cho biết, vào cuối ngày 4/3, mức độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí tại Hà Nội ở mức 187 microgam trên một mét khối - mức cao nhất trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

 

Hơn 23.000 người đi xuất khẩu lao động trong hai tháng đầu năm: Dựa trên số liệu báo cáo từ doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) cho biết, trong hai tháng đầu năm nay, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 23.195 (trong đó có 7.272 nữ), đạt 18,56% kế hoạch năm 2024. Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với 17.067 người, theo sau là Đài Loan (4.294) và Hàn Quốc (419). Năm 2024, Bộ này đặt ra mục tiêu đưa 125.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo VnEconomy.

 

·        Đọc thêm: Nhật thu phí 0 đồng, thanh niên Việt Nam vẫn phải vay nợ để đi xuất khẩu lao động.


Bài báo đáng chú ý trong tuần

 

Ngày 8 tháng 3: Khi phụ nữ đẻ con là sứ mệnh chính trị, là yêu nước

Khải Đơn - BBC News Tiếng Việt

“...đằng sau những giá trị quốc gia, dân tộc, lao động to tát, những đứa trẻ mới ra đời không có nhà trẻ giữ, cha mẹ chen chúc nhau chạy vào trường công, bà mẹ trẻ bị từ chối khi đi xin việc. Chi phí nuôi và dạy trẻ ngày càng cao và cách biệt chất lượng ngày càng ngộp thở giữa giáo dục tư và công. Vậy ai phải có trách nhiệm sau khi buộc cái tử cung của phụ nữ đẻ ra những cư dân lao động mới? - Tất cả lại dồn lên vai phụ nữ.”

 

Xuất khẩu lao động của Việt Nam: Lợi ích kinh tế hay tai họa cho sự phát triển?

Nguyễn Khắc Giang - Fulcrum

“Xuất khẩu lao động mang lại lợi ích kinh tế và mang lại cơ hội đổi đời cho nhiều thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng chiến lược dài hạn nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào hình thức này, thay vào đó tập trung vào phát triển thị trường lao động trong nước.”

 

Việt Nam đang lừa dối chính bạn bè của họ. Một tài liệu mật chứng minh điều đó

Ban Xã luận | Washington Post

“Sự cởi mở [của Việt Nam] làm dấy lên hy vọng rằng càng nhiều liên kết quốc tế thì càng có khả năng thay đổi chính trị ở trong nước, vốn đang do một thể chế độc tài cai trị. Nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam không mong muốn thay đổi đó. Vào tháng Bảy [2023], hai tháng trước khi Biden tới, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản ban hành một tài liệu mật, Chỉ thị 24, nhằm tiếp tục kiểm soát người dân một cách khắt khe. Tài liệu này được tổ chức Dự án 88 bạch hóa ngày 1/3…”

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats